Tổng thống Mỹ Donald Trump bị điều tra "cản trở công lý"

Thứ Ba, 20/06/2017, 16:47
Tờ báo The Washington Post của Mỹ ra ngày 14-6 đưa tin: cuộc điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ về các mối quan hệ của quan chức chính quyền Tổng thống Donald Trump với nước Nga trong cuộc bầu cử năm 2016 do FBI tiến hành và đặt dưới sự giám sát của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller vừa mở rộng quy mô và nội dung điều tra thêm việc Tổng thống Trump có hành vi ngăn cản cuộc điều tra hay không.

Đây sẽ là một bước ngoặt quan trọng của cuộc điều tra, vì nó chắc chắn sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến chiếc ghế của đương kim Tổng thống Mỹ.

Đâu là vấn đề cốt lõi của cuộc điều tra mở rộng?

"Ngăn cản cuộc điều tra" có thể được xem như là một biểu hiện rõ nét nhất của hành vi cản trở công lý, theo phân tích của giới chuyên gia pháp lý Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump bị cáo buộc hành vi này chủ yếu xuất phát từ chuyện ông đã nỗ lực tác động cựu Giám đốc FBI James Comey từ bỏ cuộc điều tra đối với cựu Cố vấn An ninh quốc gia Michael Flynn.

Tại cuộc điều trần có tuyên thệ trước Quốc hội Mỹ hôm 10-6, ông Comey đã tường thuật chi tiết, nguyên văn lời nói của Tổng thống Trump yêu cầu ông "hãy bỏ qua cho Flynn", vì "ông ấy là một người tốt", và "tôi hy vọng ông bỏ qua chuyện này".

Hai ngày sau cuộc điều trần đó, Tổng thống Trump phản pháo, cho rằng những điều ông Comey nói là "không đúng sự thật", gọi Comey là "kẻ nói dối" cho dù có tuyên thệ, đồng thời tuyên bố "100% sẵn lòng" ra đối chứng trước Quốc hội.

Tổng thống Mỹ Donald Trump có phạm tội cản trở tư pháp?.

Không chỉ trực tiếp đặt yêu cầu đối với Comey, Tổng thống Trump còn được cho là đã can thiệp, tác động đối với Giám đốc Tình báo quốc gia Dan Coats trong một nỗ lực nhằm yêu cầu ông này tác động ông Comey hủy bỏ cuộc điều tra đối với ông Flynn.

Bên cạnh đó, Tổng thống Trump còn yêu cầu ông Coats và Đô đốc Mike Rogers, Giám đốc NSA, ban hành các tuyên bố bác bỏ các bằng chứng rằng bộ sậu vận động tranh cử của ông có quan hệ với nước Nga trong chiến dịch tranh cử năm 2016, nhưng cả hai ông này đều từ chối.

Vấn đề được giới chuyên gia đặt ra là "liệu Tổng thống Trump có thật sự cản trở công lý hay không?" Đây là một câu hỏi lớn, rất khó trả lời, và là vấn đề cốt lõi của cuộc điều tra mở rộng mà ông Mueller đang giám sát.

Ông Mueller phát biểu trên báo chí hôm 14-6 rằng, ông có kế hoạch tiếp xúc với một số cơ quan tình báo Mỹ, cụ thể là sẽ phỏng vấn các ông Coats, Rogers và Richard Ledgett, cựu Phó Giám đốc NSA, để tìm hiểu thêm thông tin về những hành vi "cản trở công lý" của Tổng thống Trump. Mueller đưa ra tuyên bố này sau khi trên báo Mỹ xuất hiện những lời đồn đại về việc Tổng thống Trump "đang xem xét" sa thải ông.

Chris Ruddy, một trợ lý thân cận của Tổng thống Trump đưa ra ý kiến như thế trên truyền hình, nhưng sau đó, vào ngày 13-6, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Rod Rosenstein lại nói ngược lại rằng "không có kế hoạch bí mật" nào để sa thải ông Mueller. Cùng ngày, bà Sarah Huckabee Sanders, Phó Thư ký báo chí của Nhà Trắng, đã khẳng định theo ý kiến của Rosenstein.

Tội cản trở công lý được quy định cụ thể trong luật hình sự Mỹ, với mức án tù cao nhất lên đến 10 năm. Nhưng theo Hiến pháp Mỹ, Tổng thống Mỹ không thể bị xét xử theo luật hình sự khi còn đương chức. Thay vì thế, Hiến pháp Mỹ quy định, khi có bằng chứng chứng minh Tổng thống Mỹ thật sự phạm tội, dù là tội cản trở công lý hay bất kỳ tội danh nào, thì Quốc hội có thể luận tội và miễn nhiệm Tổng thống, theo một quy trình nhất định.

Đối với bất kỳ quan chức nào khác trong chính phủ cũng thế. Quy trình luận tội Tổng thống Mỹ sẽ bắt đầu từ Hạ viện. Nếu đa số nghị sĩ ở Hạ viện đồng ý với một hay nhiều điều khoản luận tội, một phiên xét xử sẽ được tổ chức tại Thượng viện với sự giám sát của Chánh án Tòa án Tối cao, các thượng nghị sĩ sắm vai hội thẩm. Nếu hai phần ba số Thượng nghị sĩ bỏ phiếu tán thành buộc tội, Tổng thống/quan chức đó sẽ bị bãi chức, và đương nhiên cũng sẽ bị cấm giữ bất kỳ chức vụ nào trong hệ thống chính quyền Mỹ.

Trong lịch sử 229 năm của mình, Quốc hội Mỹ chỉ mới tiến hành 15 phiên xét xử, trong đó có 13 công chức cao cấp, đa số là thẩm phán. Trong số các tội mà Tổng thống Mỹ có thể bị buộc tội trước Quốc hội, có những tội được quy định rõ ràng trong Hiến pháp Mỹ, nhưng cũng có những tội khác không nêu rõ ràng, những "tội phạm cao và xằng bậy" là tội gì thì rất khó xác định.

Luận tội là một hệ thống lập luận tư pháp mang tính chính trị, và việc xác định một tội như thế nào phải luận tội trước Quốc hội cũng đều do Quốc hội quyết định, và không hành động nào bị xem là phải luận tội nếu Quốc hội không muốn.

Công tố viên đặc biệt Robert Mueller.

Những tổng thống Mỹ từng bị luận tội

Trong số những tiền bối của Tổng thống Trump đã từng có vài người bị luận tội trước Quốc hội, trong đó có người buộc phải từ chức, những người còn lại đều không bị buộc tội. Chẳng hạn như Tổng thống Andrew Johnson (vào năm 1868) và Tổng thống Bill Clinton (1998) đều đã từng có những hành vi có thể buộc thành tội "xằng bậy" hay "tội phạm cao", nhưng chưa từng bị luận tội hay xét xử. Andrew Johnson (1865-1869) trở thành tổng thống thứ 17 của Hợp Chúng quốc Hoa Kỳ sau khi Tổng thống Abraham Lincoln bị ám sát.

Ngay khi nắm quyền, Johnson đã đứng về phía người da trắng tại các bang miền nam và ngăn cản việc mở rộng quyền con người ở các bang thuộc khu vực này. Ông đã cắt đứt quan hệ với đảng Dân chủ từng ủng hộ ông và tỏ ra khoan dung với những phần tử ly khai, đẩy nước Mỹ tới nguy cơ tất cả những thành quả sau cuộc nội chiến. Mặc dù người tiền nhiệm đã ra sắc lệnh bãi bỏ chế độ nô lệ, ông không hề chú ý đến quyền bình đẳng và quyền công dân của người da màu.

Andrew Johnson trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên bị luận tội sau khi cách chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Edwin Stanton và đưa người khác lên thay khi các nghị sĩ chưa đồng ý. Theo đánh giá của các nhà phân tích, trên cương vị tổng thống, những quyết định của Andrew Johnson về việc tăng quyền cho người da trắng ở các bang miền nam là một sai lầm lớn, dẫn đến tình trạng bất mãn ở những người da đen, khiến "nước Mỹ ngày nay vẫn đang phải tiếp tục trả giá cho sai lầm của Andrew Johnson".

Nhưng trong trường hợp của Tổng thống Johnson, Quốc hội Mỹ không buộc tội ông "cản trở công lý" mà thay vào đó là tuyên buộc tội ông vi phạm Luật Chức vụ năm 1867. Đạo luật kỳ quặc này cuối cùng cũng bị đình chỉ hiệu lực vào năm 1887 và hiện nay không còn ai nhớ đến nó nữa.

Tổng thống Richard Nixon, người gây nên vụ tai tiếng đình đám trong thập niên 70 thế kỷ XX, nhiều người cứ tưởng ông đã bị buộc tội nhưng thực tế là Quốc hội chỉ đang trong quá trình luận tội và chưa kịp buộc tội thì ông đã từ chức rồi. Điều khoản luận tội thứ nhất đối với ông Nixon do Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ áp dụng vào năm 1974 tập trung vào cáo buộc ông "ngăn cản, gây trở ngại và cản trở hoạt động tư pháp".

Một số cáo buộc nêu trong điều khoản I không giống với những gì đang diễn ra đối với Tổng thống Trump. Trong điều khoản I, Nixon bị buộc tội "can thiệp hoặc dùng thủ đoạn để can thiệp và hoạt động điều tra của FBI". Cáo buộc này nghe có vẻ giống với hành vi can thiệp của Tổng thống Trump, nhưng khác ở chỗ ông Nixon không trực tiếp sa thải một Giám đốc FBI, mà gián tiếp gợi ý việc đó cho thẩm phán giám sát vụ xét xử Daniel Ellsberg trong vụ án Hồ sơ Lầu Năm Góc rằng, vị thẩm phán đó có thể được bổ nhiệm làm Giám đốc FBI.

Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ kết luận ông Nixon vi phạm các quy định về cản trở tư pháp, theo Đoạn 1503 Pháp điển số 18 của nước Mỹ (18 US Code 1503). Điều khoản luận tội số II cũng gần giống điều khoản số I, cáo buộc ông Nixon "gây ảnh hưởng làm suy yếu hoạt động tư pháp và việc tiến hành điều tra hợp pháp". Trong đó, ông Nixon bị cáo buộc "cố tình sử dụng sai quyền lực hành pháp bằng cách can thiệp vào các cơ quan chức năng của hành pháp, trong đó có FBI".

Từ phải sang: Giám đốc NSA Mike Rogers, Giám đốc Tình báo quốc gia Dan Coats và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Rod Rosenstein tại một cuộc điều trần.

Cả 3 điều khoản luận tội đều kết luận rằng ông Nixon xứng đáng bị "luận tội, xét xử và bãi nhiệm". Tuy nhiên, khi kết luận này chưa kịp ban hành, bằng cách nào đó ông Nixon biết được mình sẽ phải bị xét xử và bị bãi miễn nên đã chủ động từ chức.

Trong cuộc luận tội Tổng thống Bill Clinton, Ủy ban Tư pháp Hạ viện áp dụng 4 điều khoản luận tội, nhưng chỉ có 2 điều khoản được thông qua đầy đủ. Một trong hai điều khoản đó là điều khoản số III sử dụng ngôn ngữ luận tội giống như điều khoản I áp dụng năm 1974, trong đó ông Clinton cũng bị cáo buộc "ngăn cản, gây trở ngại và cản trở hoạt động tư pháp".

Tuy nhiên, trong các cáo buộc của điều khoản III năm 1998 đều không có liên quan đến FBI và sự can thiệp cũng không có tính chất nghiêm trọng như ông Nixon vào năm 1974. Thay vì thế, Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ chỉ cáo buộc ông Clinton tội "khuyến khích (thực tập sinh) Monica Lewinsky tạo một bản khai giả và quấy nhiễu nhân chứng".

So sánh những phân tích trên đây với vụ việc của Tổng thống Trump, giới chuyên gia cho rằng ông có thể bị luận tội tại Quốc hội vì cản trở tư pháp. Có vẻ như tiến trình hướng đến việc luận tội Tổng thống Trump đang bắt đầu vận hành. Hôm 16-5-2017, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện Jason Chaffetz (đảng Cộng hòa bang Utah) đã gửi thư đến FBI yêu cầu cung cấp các văn bản của ông Comey có ghi chép lại những thông tin giao tiếp với Tổng thống Trump.

Chaffetz cho rằng Ủy ban Giám sát cần những văn bản đó để nghiên cứu xem Tổng thống Trump có cố gắng gây ảnh hưởng hoặc gây trở ngại cuộc điều tra của FBI đối với ông Flynn hay không. Ngôn ngữ pháp lý trong tất cả các văn bản luật của Mỹ đều quy định những hành vi như "gây ảnh hưởng, cản trở, gây trở ngại hoặc dùng thủ đoạn gây ảnh hưởng, trở ngại, cản trở hoạt động tư pháp" đều bị xem là "cản trở tư pháp".

Tất cả những quy định đó không có nghĩa là Quốc hội Mỹ hiện do đảng Cộng hòa kiểm soát sẽ ban hành các điều khoản luận tội đối với ông Trump, hoặc bỏ phiếu để buộc tội ông ở Thượng viện. Nhưng trong trường hợp có những điều khoản luận tội như thế và chúng được thông qua tại Hạ viện, có vẻ như các hành vi của ông Trump vừa qua rất phù hợp với các tiêu chí quy định về cản trở tư pháp, có nghĩa là ông có thể sẽ bị luận tội và buộc tội tại Thượng viện.

Cho dù Quốc hội Mỹ không muốn buộc tội ông, pháp luật hình sự không thể buộc tội ông, thì sau khi rời khỏi Nhà Trắng ông vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự vì những việc mình đã làm khi còn đương chức. Đó là lý do vì sao Tổng thống Gerald Ford phải ban hành lệnh xá tội cho ông Nixon (đã từ chức).

Trong lệnh xá tội, ông Ford viết rằng ông Nixon "giờ đối mặt với cáo buộc hình sự và có thể bị xét xử cho những vi phạm chống lại nước Mỹ", nhưng điều này phải dừng lại, bởi vì "sự bình yên, ổn định mà nước Mỹ có được sau vụ án lùm xùm của ông Nixon có thể sẽ mất đi vĩnh viễn nếu chúng ta mang một cựu Tổng thống Mỹ ra xét xử".

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.