Tổng thống Mỹ kết thúc “thử nghiệm đội hình”

Thứ Năm, 13/04/2017, 15:45
Ngày 5-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thực hiện một số điều chỉnh quan trọng về nhân sự, trong đó ông “di dời” chiến lược gia trưởng Steve Bannon ra khỏi Hội đồng An ninh quốc gia (NSC). Đây là lần thứ hai ông Trump phải xáo trộn đội ngũ hoạch định chính sách an ninh quốc gia, qua đó trao lại vai trò lớn hơn cho các quan chức nội các và quân đội, tình báo.

Trên thực tế, việc Steve Bannon rời khỏi NSC không là chuyện lạ, cũng không phải là một sự hạ thấp vị thế cố vấn của ông, như lời nhận xét của một số quan chức trong Nhà Trắng, bởi từ khi được Tổng thống Trump đưa vào NSC, Bannon chủ yếu tham dự từ xa, rất hiếm khi trực tiếp có mặt tại các cuộc họp của Hội đồng.

Mặc dù không còn vai trò gì trong NSC, nhưng Bannon vẫn là người tâm phúc của Tổng thống Trump và vẫn tham gia một cách gián tiếp vào việc hoạch định các chính sách đối nội lẫn đối ngoại.

Người ta mô tả việc Bannon tham gia NSC như một nhiệm vụ nhất thời theo lệnh của Tổng thống Trump, bên cạnh hàng loạt nhiệm vụ quan trọng khác được phân công. Trump đã sử dụng Bannon như một công cụ nhằm thay đổi bản chất hoạt động của NSC.

Trong một phát biểu, chính Bannon đã mô tả việc mình ra khỏi NSC là sự kết thúc một nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm làm thay đổi đáng kể hoạt động của NSC, sao cho khác hoàn toàn so với NSC dưới thời cố vấn Susan Rice của Tổng thống Barack Obama.

Tướng McMaster, Cố vấn An ninh quốc gia đầy quyền lực của Tổng thống Donald Trump.

Dưới thời bà Rice, NSC hoạt động theo kiểu “chiến dịch hóa”, mọi việc đều phải triển khai bằng một “chiến dịch”. Bannon nói: “Tôi được đưa vào NSC nhằm mục đích “phi chiến dịch hóa”. Tướng H.R. McMaster đã đưa NSC trở về đúng chức năng của nó”.

NSC dưới thời Tổng thống Obama đã nhanh chóng mở rộng quy mô hoạt động trong nhiệm kỳ 1, đến nỗi một số bộ trưởng trong nội các than phiền rằng Hội đồng này đã quá chú trọng đến các hoạt động tiểu tiết hằng ngày, can thiệp vào cả việc ra quyết định của các bộ. Khi bà Rice làm Cố vấn An ninh quốc gia vào năm 2013, bà đã tập trung mạnh vào nỗ lực co giảm quy mô hoạt động của Hội đồng. Thay vào đó, Rice chuyển hoạt động của NSC sang hình thức các hoạt động chiến dịch - trong đó bao gồm cả chiến dịch đàm phán bí mật với Iran và Cuba.

Cách nhìn của Bannon đối với NSC của Obama phản ánh tham vọng lớn của ông là đại cải tổ các cơ quan chính quyền, trong đó bao gồm cả việc tinh giản bộ máy hành chính cũng như thay đổi căn bản hoạt động hoạch định chính sách. Quan điểm và chính sách của Bannon không làm hài lòng nhiều người, vì thế khi Trump đưa ông vào NSC để thực hiện mục tiêu như đã nêu, một cuộc tranh cãi căng thẳng đã nổ ra.

Các chuyên gia an ninh quốc gia, kể cả bà Rice, phản đối với lập luận cho rằng, việc đưa một quan chức Nhà Trắng không có kinh nghiệm về an ninh quốc gia như ông Bannon vào NSC là một việc không chấp nhận được. Nhà Trắng phản bác lại, biện minh rằng ông Trump có mục đích thay đổi căn bản cơ cấu của Ủy ban Thường trực so với NSC thời Obama.

Nhiệm vụ ban đầu của Bannon là định hướng và giám sát Cố vấn An ninh quốc gia Michael Flynn (đã từ chức) - do Trump lo ông Flynn có “máu đánh đấm” nên có thể đi chệch hướng nhiệm vụ được giao là tái cơ cấu NSC. Các quan chức Nhà Trắng cho biết, Bannon chỉ thực hiện nhiệm vụ này từ xa, và từ đầu đến giờ chỉ dự trực tiếp một hoặc hai cuộc họp Ủy ban Thường trực.

Sự không hài lòng với tinh thần dân tộc quá mức của Bannon và lời kêu gọi “giảm biên chế hành chính” của ông đã dẫn đến những xung đột nội bộ căng thẳng, ngay cả bên trong bộ sậu thân cận Tổng thống. Chẳng hạn, Bannon và Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia (NEC) Gary Cohn bất đồng sâu sắc quanh chương trình hành động của Tổng thống Trump và cả hai đã xây dựng cho mình mạng lưới phe cánh để đấu đá nhau. Cohn là một thành viên đảng Dân chủ làm việc trong bộ máy của ông Trump, đang ngày càng thân với Jared Kushner, con rể ông Trump và cùng phe cánh với phó Cố vấn An ninh quốc gia Dina Powell.

Cuộc tái cơ cấu nhân sự trong bộ sậu an ninh của Tổng thống Trump phản ánh ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Cố vấn An ninh quốc gia McMaster. Theo giới chức Nhà Trắng, quyền lực của tướng McMaster trong bộ sậu Nhà Trắng bắt đầu tăng dần kể sau khi ông Trump làm lễ nhậm chức hồi tháng 1-2017.

Tướng McMaster và Tổng thống Donald Trump.

Việc ông được đặt để vào vị trí này để thay thế cho tướng về hưu Michael Flynn, người đã buộc phải từ chức hồi tháng 2-2017 vì gian dối với Phó Tổng thống Mike Pence về các mối quan hệ với các quan chức Nga, cũng là một bước thăng tiến phản ánh quyền lực, sức ảnh hưởng ngày càng gia tăng của ông. Kể từ đó, McMaster đã không ngừng khẳng định sự kiểm soát đối với lưu lượng thông tin khổng lồ về an ninh quốc gia trong NSC.

Đặc biệt, McMaster đặt ưu tiên hàng đầu cho việc đẩy Bannon ra khỏi NSC. Ông từng tuyên bố với các quan chức trong Chính phủ Mỹ và cả Tổng thống Trump rằng ông không muốn NSC có bóng dáng thành phần chính trị nào. Bannon đã thấy được điều đó, và ông cũng đã chuẩn bị sẵn tư thế để rời khỏi NSC.

Cùng với việc “di dời” Bannon ra khỏi NSC, Tổng thống Trump cũng quyết định thay đổi một số vị trí quan trọng theo hướng giúp McMaster củng cố thêm quyền lực. Trong văn bản nội bộ gửi cho tướng McMaster hôm 5-4, Tổng thống Trump đã giao cho McMaster phụ trách NSC kiêm phụ trách luôn Hội đồng An ninh nội địa (HSC) do Tom Bossert làm chủ tịch. Điều này khác hoàn toàn so với từ trước đến giờ là NSC và HSC có vị thế ngang bằng nhau và do hai người khác nhau kiểm soát.

Cơ cấu mới của NSC cũng phục hồi vị trí của Giám đốc Tình báo quốc gia (DNI) và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân (CJCS) trong Ủy ban Thường trực của NSC, vốn dĩ là như thế dưới thời Tổng thống Obama, đã bị thay đổi trong giai đoạn đầu ông Trump lên nhậm chức. Giám đốc CIA được bổ sung vào Ủy ban Thường trực NSC.

Ngoài ra, danh sách còn mở rộng ra để bổ sung thêm những cái tên mới, như phó Cố vấn An ninh quốc gia Powell; Bộ trưởng Năng lượng cũng được bổ sung vào danh sách thành viên dự các cuộc họp Ủy ban Thường trực, còn Thứ trưởng Bộ Năng lượng thì được tham dự các cuộc họp đại biểu chung. Theo giới quan sát, với những sự thay đổi quan trọng này, Tổng thống Trump đã làm hài lòng những người tham gia hoạch định và triển khai thực hiện chính sách đối ngoại của nước Mỹ.

Theo giới chức Nhà Trắng, McMaster đã ghi dấu ấn trong hoạt động của NSC và đang cố gắng hợp thức hóa, biến nó thành một thứ “luật lệ” bên trong Nhà Trắng để mọi người đều phải tuân thủ. Tuy nhiên, hiện tại nỗ lực áp đặt luật chơi của McMaster vẫn chưa thể hiện rõ nét, vì các phụ tá cao cấp và một số người trong NSC vẫn làm việc, hội họp không theo “quy trình” đó. Vì vậy mà McMaster đang tiếp tục tìm cách đưa người này ra, rước người kia vào cho đến khi nào “quy trình” đã được hoàn thiện và vận hành trơn tru.

An Châu (tổng hợp)
.
.