Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma sẽ từ chức sớm vì bê bối?

Chủ Nhật, 16/04/2017, 19:45
Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma đang đứng trước sức ép mạnh buộc phải từ chức sớm do những quyết định gây tranh cãi gần đây của ông khiến cho đảng Đại hội dân tộc Phi (ANC) chia rẽ sâu sắc và người dân Nam Phi phẫn nộ, xuống đường biểu tình phản đối khắp đất nước. Trong vòng 1 năm qua, ANC chưa bao giờ khủng hoảng nghiêm trọng như thế kể từ khi giành lấy chính quyền cách đây hơn ¼ thế kỷ.

Thượng bất chính hạ tắc loạn!

Nam Phi dậy sóng kể từ ngày đầu tiên của tháng 4, với làn sóng biểu tình phản đối lan khắp đất nước. Tại Johannesburg, hàng trăm cảnh sát và lực lượng vũ trang trung thành với ông Zuma đã triển khai vòng vây bảo vệ bên ngoài tòa nhà Luthuli House, nơi đặt trụ sở ANC. Sau khi cảnh sát và lực lượng vũ trang dùng lưu đạn cay và súng bắn đạn cao su giải tán, đám đông chuyển sang bao vây khu dinh thự của gia đình tỉ phú Guptas, vốn có quan hệ gần gũi với Tổng thống Zuma.

Cần nhắc lại rằng, vào ngày 2-11-2016, Chánh Thanh tra Nhà nước Thuli Madonsela đã công bố báo cáo theo lệnh của Tòa án Tối cao Nam Phi, trong đó đưa ra những nghi ngờ về sự thông đồng giữa cơ quan hành pháp, Tổng thống Zuma và một số bộ trưởng với gia tộc giàu có và nổi tiếng gốc Ấn Độ Guptas. Gia đình này bị nghi ngờ đã gây ảnh hưởng tới Tổng thống Zuma để ông bổ nhiệm một số bộ trưởng trong nội các phục vụ lợi ích của họ.

Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma.

Trong khi đó, tại các thành phố lớn khác như Pretoria, Durban,... dòng người biểu tình giương cao biểu ngữ đòi ông Zuma từ chức, phản đối việc hạ mức đánh giá tín dụng Nam Phi của các tổ chức tín dụng quốc tế.

Nội bộ giới cầm quyền Nam Phi đã bắt đầu nổi cơn sóng ngầm từ những tháng cuối năm qua, hay nói cho chính xác hơn là từ cuối tháng 3-2016. Vào ngày 31-3-2016, Tòa án Hiến pháp Nam Phi đã ra phán quyết mang tính đối đầu với Tổng thống Jacob Zuma. Theo đó, nhà lãnh đạo của Nam Phi bị buộc phải trả lại “trong vòng 45 ngày” số tiền công quỹ mà ông đã dùng để sửa sang nhà riêng của ông.

Theo hãng tin Reuters, số tiền phải trả chỉ là một phần trong số hơn 15 triệu euro đã dùng sửa nhà tổng thống tại khu vực Zulu. Ông Mogoeng Mogoeng, Chánh án Tòa án Hiến pháp tuyên bố: “Tổng thống Jacob Zuma phải bỏ tiền cá nhân ra trả lại số tiền theo yêu cầu của Ngân khố quốc gia”.

Tòa cũng chỉ rõ rằng, nhà lãnh đạo Nam Phi phải trả lại phần tiền sửa nhà của ông vì “không có liên quan gì đến việc bảo vệ an ninh cá nhân”, cụ thể ở những phần việc như “sửa trung tâm tiếp khách tham quan, nơi nuôi thả súc vật, gà vịt và hồ bơi”.

Bộ trưởng Tài chính Pravin Gordhan.

Từ năm 2014, Chánh Thanh tra quốc gia Thulisile Madonsela từng công bố kết luận: ông Jacob Zuma sử dụng sai mục đích công quỹ, không ngăn kiến trúc sư và nhà thầu kê nâng chi phí và hưởng lợi quá đáng. Bà chính thức yêu cầu Tổng thống phải trả lại một phần số tiền kể trên. Vụ việc chỉ được quan tâm sau khi 2 đảng đối lập là DA và Chiến sĩ kinh tế tự do (EFF) yêu cầu Tòa án Hiến pháp làm rõ vụ việc.

Ban đầu, chính phủ bào chữa: sự nâng cấp khu biệt thự là biện pháp an ninh dành cho tổng thống, bể bơi có thể dùng làm phương tiện chữa cháy. Thậm chí chính phủ còn cảnh cáo giới truyền thông: nếu đăng ảnh chụp khu dinh thự của Tổng thống Jacob Zuma sẽ bị truy tố vì vi phạm luật an ninh quốc gia. Nhưng sự bào chữa này đã khiến người dân phẫn nộ.

Và từ báo cáo của bà Thulisile Madonsela, Cơ quan chống tham nhũng Nam Phi mới phát hiện một hồ bơi, hàng rào, sân khấu lớn ngoài trời, một trung tâm nghỉ dưỡng dành cho khách viếng thăm... khu dinh thự không phải là những hạng mục nâng cấp nhằm “đảm bảo an ninh”.

Vào cuối tháng 11-2016, ít nhất 3 bộ trưởng trong Chính phủ Nam Phi là các Bộ trưởng Du lịch, Y tế và Các công trình công cộng đã kêu gọi Tổng thống Jacob Zuma từ chức. Lời kêu gọi được đưa ra tại cuộc họp Ban Chấp hành Trung ương đảng ANC với các cuộc tranh luận nảy lửa về tương lai chính trị của Tổng thống Zuma lúc đó đang đối mặt với những chỉ trích ngày càng tăng về sự lãnh đạo “tùy tiện” của mình.

Đến tháng 2-2017, Một cuộc họp quốc hội ở Nam Phi đã biến thành vụ ẩu đả khi các thành viên của đảng Chiến sĩ kinh tế tự do (EFF) bị buộc phải rời khỏi cuộc họp. Theo đó, lãnh đạo đảng EFF đã có lời nói khiếm nhã với Tổng thống Jacob Zuma trong khi Tổng thống đang có bài phát biểu trước Quốc hội. Ẩu đả đã xảy ra khi nhân viên an ninh vào yêu cầu các thành viên đảng EFF ra ngoài. Các nghị sĩ đảng đối lập còn lăng mạ Tổng thống Nam Phi là “đồ vô lại”, cho rằng ông Zuma không phù hợp với vị trí tổng thống.

Căng thẳng lên đỉnh điểm khi các nhân viên an ninh được triển khai để dẹp yên nghị trường và các nghị sĩ “hăng máu thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” để chống đối. Sau khi các nghị sĩ đảng EFF được đưa ra ngoài, Tổng thống Zuma mới có thể tiếp tục bài phát biểu.

Ẩu đả tại cuộc họp Quốc hội Nam Phi tháng 2 vừa qua.

Làn sóng biểu tình bắt đầu bùng phát từ ngày 1-4-2017, sau khi Tổng thống Zuma sa thải Bộ trưởng Tài chính Pravin Gordhan vốn được nhiều người tín nhiệm, kể cả quan chức lẫn dân thường. Bộ trưởng Gordhan là một trong số khoảng 10 thành viên nội các Nam Phi mất chức trong một cuộc tái cơ cấu bộ máy chính phủ được Tổng thống Zuma thực hiện vào đêm 31-3 vừa qua. Ông Gordhan mất chức, theo báo chí Nam Phi, là do ông không đồng thuận với Tổng thống Zuma trong chính sách chi tiêu công của chính phủ và việc kiểm soát ngân sách quốc gia.

Việc Bộ trưởng Tài chính Gordhan mất chức đã khiến cho không chỉ phe đối lập mà ngay cả những người đồng minh, ủng hộ Tổng thống Zuma cũng phản đối, từ đó dẫn đến sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ ANC.

Chỉ số tín nhiệm lẫn tín dụng cùng bị hạ thấp

Ngày 3-4, một loạt quan chức ANC đã gửi lên Hội đồng lãnh đạo ANC đơn khiếu nại việc Tổng thống Zuma tiến hành cải tổ nội các mà không thông báo cho các bộ trưởng liên quan biết, nhưng đã bị bác. Tổng thư ký ANC Gwede Mantashe cũng bày tỏ sự không hài lòng với quyết định cải tổ nội các của ông Zuma.

Ông Mantashe cho biết, ông và ban lãnh đạo ANC nhận được bản danh sách khi sự việc đã rồi, cho rằng cách làm như vậy tạo cho ông cảm giác danh sách cải tổ nội các của ông Zuma đã được bàn bạc, thảo luận ở nơi khác rồi chuyển đến cho lãnh đạo ANC xem “cho biết”.

Ủy ban Hành động Quốc gia (NWC) của ANC ban đầu phản đối quyết định của ông Zuma, theo cánh những người đòi ông từ chức, nhưng sau đó đã quay sang ủng hộ ông. Một số quan chức lãnh đạo trong ANC đặt câu hỏi liệu ông Zuma có còn thích hợp để tiếp tục ngồi ghế Tổng thống Nam Phi nữa hay không?

Bên ngoài ANC, một số đảng đồng minh như đảng Cộng sản Nam Phi (SACP) và Liên đoàn Lao động Cosatu cũng tham gia vào làn sóng kêu gọi ông Zuma từ chức. Mmusi Maimane, lãnh đạo đảng đối lập chính Liên minh dân chủ, đã thông báo một kế hoạch tiến hành việc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với ông Zuma trong nghị viện. Nghiêm trọng hơn, việc sa thải Bộ trưởng Tài chính Gordhan đã gây ra hậu quả là chỉ số tín dụng của Nam Phi bị hạ thấp, kéo theo sự tụt giá của đồng rand.

Báo chí Nam Phi mô tả Tổng thống Zuma là “người của báo chí” vì trong thời gian cầm quyền của mình, ông thường xuyên xuất hiện trên báo chí, không phải với tư cách là một nhân vật có tài lãnh đạo, được công chúng ngưỡng mộ, mà ở phía ngược lại với vô số cáo buộc tham nhũng, lạm quyền và cả chuyện đời sống riêng sặc mùi trác táng.

Khu dinh thự của Jacob Zuma.

Vào năm 2006, Jacob Zuma, khi đó là Phó Tổng thống Nam Phi bị cáo buộc hiếp dâm một phụ nữ 31 tuổi, người quen biết lâu năm của gia đình vào tháng 11-2005. Ông Zuma một mực chống chế, cho là có sự đồng thuận, không phải cưỡng bức. Đáng nói là mặc dù biết người phụ nữ này bị nhiễm HIV, Jacob Zuma đã không sử dụng biện pháp bảo vệ nào mà chỉ đi tắm sau khi “quan hệ” vì ông cho rằng điều này “sẽ giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh”!

Mặc dù sau đó ông Zuma được xử trắng án, thẩm phán Willem Van Der Merwe nói việc ông Zuma có quan hệ tình dục với một phụ nữ nhiễm HIV mà không sử dụng các biện pháp phòng tránh là hành vi vô trách nhiệm. Tương tự như vậy, các nhóm hoạt động vì sức khỏe cộng đồng và chống AIDS thể hiện sự thất vọng bởi ông Zuma - là phó tổng thống phụ trách lĩnh vực y tế mà rất chủ quan về căn bệnh AIDS. May sao sau lần “quan hệ” đầy tai tiếng này, Jacob Zuma cũng đi làm xét nghiệm và kết quả... âm tính!

Tháng 4-2012, Jacob Zuma, khi đó đã là tổng thống, vừa mừng sinh nhật lần thứ 70 vừa mặc áo chú rể... lần thứ 6, tăng số lượng các bà vợ của ông đến 4 người. Ông từng ly dị với một người vợ, một bà khác tự sát vào năm 2000. Theo các nguồn tin báo chí, ông là cha của 21 người con.

Đối với người dân Nam Phi, việc Tổng thống Jacob Zuma có bao nhiêu vợ và con là tùy thích và đúng với phong tục tập quán của bộ tộc Zulu, không vi phạm pháp luật. Nhưng với tư cách là tổng thống của một quốc gia thì việc ông Jacob Zuma có nhiều vợ và con, mà đa phần là con ngoài giá thú, lại là một vấn đề khác.

Với vụ sa thải Bộ trưởng Tài chính Gordhan, Zuma đã phạm môt sai lầm chiến lược khi tạo ra một lý do để tất cả các bên tiếp tục lên tiếng kêu gọi ông từ chức. Từ nhiều tháng qua, vấn đề ông Zuma đi hay ở đã trở nên đề tài chính của mọi cuộc bàn thảo chính trị, trong những cuộc trò chuyện của nhiều người dân Nam Phi.

Bê bối nối tiếp bê bối của ông Zuma đã làm xuất hiện vết rạn nứt khó hàn gắn trong nội bộ ANC và làm hoen ố thanh danh ANC - lần đầu tiên sau 25 năm giành chính quyền từ chế độ Apartheid, ANC bị mất phiếu, bị giảm tỉ lệ ủng hộ của dân chúng Nam Phi vốn xem đảng này như vị cứu tinh. Quá nhiều vấn đề làm cho chiếc ghế Zuma ngồi không còn vững chắc nữa, mà đang lung lay, rệu rã chờ ngày gãy sụm. Nếu không sớm giải quyết vấn đề lớn nhất ngay chỗ ông Zuma, ban lãnh đạo ANC lo rằng sẽ có một ngày đảng này sẽ mất chính quyền về tay đảng đối lập.

Để giải quyết vấn nạn đang trì kéo ANC xuống, lãnh đạo đảng và phe “nổi dậy” chống đối ông Zuma trong đảng đã đồng thanh kêu gọi Zuma tự giác từ chức trước khi bị buộc phải từ chức trong ê chề. Trong khi Zuma còn lưỡng lự, chưa quyết định chọn phương án từ chức, lại xảy ra một sự kiện nhạy cảm: Ahmed Kathrada, cây đại thụ chống Apartheid của ANC, đã từ trần và đám tang diễn ra vào ngày 29-3.

Trong đám tang, vào phút cuối cùng trước khi vĩnh biệt người đồng đội đáng kính, Bộ trưởng Tài chính Gordhan đã đại diện ANC đọc di thư của người quá cố, trong đó kêu gọi “Zuma hãy từ chức”. Ngay lập tức, đám đông đưa tang ông Kathrada đã đồng thanh hưởng ứng, cùng kêu gọi Zuma từ chức theo di nguyện của Kathrada. Trong số những người tham gia còn có bà Winnie Madikizela, vợ cũ của ông Nelson Mandela.

Giới phân tích cho rằng, Zuma còn những toan tính khác cho tương lai, nên đã tìm cách “câu giờ” với ANC như việc triển khai bước chọn lựa người có khả năng thay thế mình bằng một cuộc thay đổi thành phần nội các. Để làm việc này, Zuma sử dụng việc từ chức của mình làm điều kiện thỏa thuận với đảng ANC.

Theo đó ông sẽ từ chức vào năm 2018, sớm một năm so với thời gian kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2019, nhưng đổi lại, ANC phải chấp nhận để ông thực hiện loạt thay đổi nhân sự chính phủ, trong đó Bộ trưởng Tài chính Gordhan cùng một số thành viên đối lập khác buộc phải rời khỏi chức vụ. Sau khi từ chức vào năm 2018, ông Zuma vẫn sẽ tiếp tục làm việc cho đến khi tổ chức các bầu cử vào năm 2019, khi đó ANC sẽ chọn ra người thay thế ông.

An Châu - Quang Hiếu (tổng hợp)
.
.