Tổng thống Nga "chọn mặt gửi vàng"

Thứ Sáu, 13/10/2006, 08:00

Chọn ai thì chọn nhưng theo một cuộc điều tra xã hội gần đây, đang có tới 74% số người Nga được hỏi ý kiến ủng hộ việc duy trì đường lối "trị quốc" của ông Putin trong tương lai.

Cái tuổi không những đuổi xuân đi mà còn sầm sầm kéo thời gian Tổng thống Vladimir Putin kết thúc nhiệm kỳ 2 vào năm 2008 ngày một tới gần hơn. Theo Hiến pháp hiện hành ở LB Nga, không ai có quyền ngồi làm chủ Điện Kremli hơn hai khóa liên tục.

Trong bối cảnh cụ thể của chính trường Nga, khi những phẩm chất cá nhân của người cầm lái con thuyền đất nước thường đóng vai trò tối quan trọng đối với mọi việc quốc kế nhân sinh, danh tính nhân vật sẽ giữ cương vị Tổng thống trong nhiệm kỳ tới ở Điện Kremli không chỉ quan trọng đối với tương lai chính trị của cá nhân ông Putin mà của nước Nga và cả cộng đồng quốc tế nữa.

Sẽ có ngoại lệ?

Có một câu hỏi luôn luôn xuất hiện trong nhiều cuộc tiếp xúc giữa Tổng thống Nga với đại diện các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước: Liệu từ nay tới năm 2008, Điện Kremli có kịp đưa ra một hình thức hợp lý hoá nào đó cho việc ông Putin sẽ ngồi lại ở đây thêm một nhiệm kỳ nữa hay không?

Đã có nhiều phương án được đưa ra xem xét. Thí dụ, nếu nước Nga liên kết với Belarus hay Kazakhstan thành một liên minh thì hiển nhiên là ông Putin có thể trở thành nguyên thủ của cơ cấu nhà nước mới, điều này hoàn toàn có thể xảy ra vì khi đó, Hiến pháp hiện hữu của LB Nga sẽ không còn tác dụng nữa. Cũng có nhà nghiên cứu chính trị học đưa ra phương án chuyển hình thức nước Cộng hòa Tổng thống như hiện nay thành nước Cộng hòa Nghị viện, khi đó ông Putin có thể sẽ ngồi ở ghế Thủ tướng với nhiều quyền lực hơn hẳn vị Thủ tướng hiện nay và vai trò Tổng thống trong phương án này sẽ chỉ đơn thuần là vị trí hiếu hỉ...

Dmitri Medvedev và Sergey Ivanov - hai lựa chọn của ông Putin.

Bản thân ông Putin mỗi khi phải đối mặt với câu hỏi về khả năng một nhiệm kỳ thứ ba trên ghế Tổng thống thì đều thẳng thắn trả lời: Quan điểm bất di bất dịch cả về chính trị lẫn đạo đức của ông là không nên thay đổi những gì đã ghi trong Hiến pháp, bởi lẽ, sự ổn định xã hội luôn là mục tiêu trước sau như một trong chính sách trị quốc của ông; nếu ông làm xáo trộn nền móng căn bản nhất của đất nước là Hiến pháp, dù với bất cứ lý do và từ bất cứ động cơ gì thì chẳng khác nào tự làm lung lay cái ghế mà mình đang ngồi...

Tuy nhiên, Hiến pháp cũng là do con người tạo nên và trên thế giới ít có quốc gia nào mà không đôi ba lần điều chỉnh một số điều khoản nào đó trong Hiến pháp. Tại Mỹ chẳng hạn, trong hơn 200 năm qua, Hiến pháp của đất nước này đã phải chịu điều chỉnh và bổ sung ít nhất là 16 lần. Cụ thể, điều khoản bổ sung về việc Tổng thống Mỹ không thể ở trong Nhà Trắng quá hai nhiệm kỳ liên tiếp mới được đưa ra năm 1951.

Trước khi điều khoản này có hiệu lực, vị Tổng thống thứ 32 của nước Mỹ Franklin Roosevelt đã bốn lần liền đắc cử vào Nhà Trắng (từ ngày 4/3/1933 tới 12/4/1943). Và như thực tế cho thấy, trong giai đoạn đó đã chẳng có điều gì khủng khiếp xảy ra. Chính với Tổng thống Franklin Roosevelt mà nước Mỹ đã thoát ra khỏi cuộc đại khủng hoảng và trở thành một trong những cường quốc hàng đầu trên thế giới. Qua đời bất ngờ vì trọng bệnh trên ghế Tổng thống, Franklin Roosevelt rất được người Mỹ ca tụng: ông được bình chọn là vị Tổng thống tốt nhất thế kỷ XX...

Nhìn lại thực tế chính trường Nga, theo truyền thống, quyền lực quốc gia thông thường vẫn được tập trung vào ngôi vị cao nhất (người có thể được gọi bằng những từ ngữ khác nhau tuỳ theo thời đại). Chính quyền lực to lớn này đã khiến cho nhất cử nhất động của nguyên thủ quốc gia có ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ tới mọi tầng lớp xã hội và mọi mặt hoạt động của đất nước.

Theo những con số điều tra xã hội mới được tiến hành gần đây, hoạt động của ông Putin trên cương vị Tổng thống hiện đang được đa số người Nga ủng hộ (có tới 78% số người Nga được hỏi ý kiến đứng về phía Tổng thống Putin, theo kết quả điều tra xã hội do Trung Tâm Yuri Levada tiến hành hồi trung tuần tháng 8/2006). Có thể đương kim Tổng thống không giúp được nước Nga trở thành thiên đường trên mặt đất nhưng rõ ràng là với ông, Moskva ngày càng bình ổn hơn và ngày càng đáng được coi là đối tác "xứng đôi vừa lứa" đối với nhiều nước trên thế giới, cả ở phương Tây lẫn phương Đông.

Không chỉ những người dân bình thường ở Nga hiện nay nhìn thấy ở ông Putin như một sự đảm bảo tương lai ít nhiều khả dĩ cho mình mà ngay cả giới kinh doanh cũng như bộ máy viên chức hiện nay cũng không muốn có sự xáo động lớn trong Điện Kremli sau năm 2008.

Hơn nữa, cho tới thời gian gần đây, tâm lý người dân không mấy lạ lẫm với hiện tượng nhân vật này hay nhân vật khác giữ cương vị lãnh đạo ở các cấp chính quyền một thời gian dài, thậm chí có thể lên tới 14-15 năm.

Theo nhiều nhà quan sát, trong bối cảnh này, chỉ cần một số chiến dịch tâm lý thích hợp là có thể khắc sâu ý tưởng về một nhiệm kỳ thứ ba nữa, như một ngoại lệ, của ông Putin trên cương vị Tổng thống. Và đó sẽ không phải là việc làm vi hiến vì trong chương 9 của bản Hiến pháp Nga có ghi chép rõ ràng về khả năng điều chỉnh một số điều khoản của nó, thậm chí có ghi cả trình tự để tiến hành việc này.

Bất ngờ mới thắng

Trong trường hợp thực sự ông Putin không muốn tiếp tục ngồi lại trong Điện Kremli thêm một nhiệm kỳ nữa, ai sẽ là người có thể thay thế ông một cách xứng đáng? Danh sách những ứng cử viên sáng giá không dài nhưng không phải vì thế mà kém phần bí hiểm. Hiện nay, báo chí Nga và nước ngoài thường nhắc tới hai gương mặt được coi là sáng giá nhất cho vị trí chủ nhân tương lai trong Điện Kremli từ năm 2008 là Phó Thủ tướng thường trực Dmitri Medvedev và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Ivanov.--PageBreak--

Cả hai nhân vật này đều xuất thân từ Saint Peterburg và đều có những sợi dây thâm tình đối với đương kim Tổng thống Nga. Ông Medvedev trẻ trung và năng động, từng tốt nghiệp Khoa Luật Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Leningrad như chính ông Putin. Tướng Ivanov cũng có thời gian làm việc ở Cơ quan tình báo đối ngoại Nga như chính ông Putin và không loại trừ là từng có những quan hệ bạn hữu thân thiết với Tổng thống Nga khi cả hai còn là "hiệp sĩ áo choàng và dao găm" chiến đấu trên mặt trận tình báo thầm lặng.

Cả ông Medvedev lẫn ông Ivanov hiện đều thực hiện tốt chức trách của mình và ngày càng có thêm nhiều quyền lực do được Điện Kremli tin dùng hơn tất cả. Phó Thủ tướng thường trực Medvedev, danh chính ngôn thuận, đang được coi là "Thái tử" cho năm 2008. Bản tính mềm mỏng, lại có tư duy rất năng động, ông có vẻ như có thể làm hài lòng các lực lượng khác nhau trên chính trường để chính thức thừa kế ghế Tổng thống. Tuy nhiên, như báo chí Nga nhận xét, điểm yếu của ông Medvedev lại là ở chính cái thế tưởng như là mạnh của ông: sự mềm mỏng đôi khi tạo ra cảm giác như là ông quá phụ thuộc vào những người khác, không chỉ ở ông Putin mà ở không ít những "đồng chí" của Tổng thống.

Tất nhiên, hiện nay ông Putin thích sự phụ thuộc của Phó Thủ tướng thứ nhất vào mình (sếp đương chức nào mà chẳng thích thế?!), nhưng Tổng thống Nga ngay từ bây giờ đã buộc phải suy nghĩ tới việc, với bản tính mềm mỏng như thế, trong tương lai nhỡ đâu ông Medvedev lại trở nên phụ thuộc vào ai đó thêm nữa và trong tình huống này, nếu ông Medvedev trở thành vị Tổng thống mới thì ông này có thể gây ra những vấn đề nào đó cho chính ông Putin.

Ứng cử viên số hai Sergey Ivanov chỉ phụ thuộc vào một mình Tổng thống Putin và không có vẻ gì phải "rón rén" trước bất cứ ai trong đội ngũ cận thần ở Điện Kremli. Đây chính là điểm cộng của ông Ivanov trước ông Medvedev. Tuy nhiên, có thể do bản tính thiên phú hoặc do chính nghề nghiệp tình báo cũ nên trong suốt mấy năm qua trên những cương vị cao cấp nhất của chính trường Nga, ông Ivanov vẫn chưa làm được gì nhiều để có thể trở thành một gương mặt mang tính tập hợp lực lượng. Và đó là điểm yếu của ông vì ứng cử viên Tổng thống muốn gì thì cũng phải là người thu hút được càng nhiều sự ủng hộ càng tốt.

Thời gian gần đây có một nhân vật nữa cũng bắt đầu được nhắc tới như một ứng cử viên tiềm năng cho ghế Tổng thống năm 2008. Đó là ông Vladimir Yakunin, người đang cầm đầu tổ hợp đường sắt Nga, một thế lực kinh tế và chính trị rất mạnh. Yakunin được đánh giá như một chính khách độc lập, không phụ thuộc vào bất cứ ai, kể cả đối với người chủ Điện Kremli.

Giới quan sát cho rằng, với tính cách mạnh mẽ và sự hấp dẫn không nhỏ đối với xã hội, rất có thể sau hai năm nữa Yakunin sẽ thực sự là ứng cử viên đích đáng cho ghế Tổng thống Nga, khi ông Putin buộc phải kết thúc nhiệm kỳ thứ hai của mình.

Nói thì nói vậy, nhưng "cờ bạc ăn nhau lúc về sáng", một trong những đặc tính điển hình nhất của chính trường Nga là yếu tố bất ngờ, chỉ tới phút cuối cùng ai nổi lên mới là người chiến thắng. Vị Tổng thống Nga đầu tiên Boris Yeltsin từng chọn người kế nhiệm mình theo cách đó. Trong khi rất nhiều chính trị gia quen mặt và thân thiết với "gia đình Boris" cứ hí hửng chờ đến lượt mình được chọn thì bất ngờ ông Yeltsin lại mời một cựu sĩ quan KGB không mấy ai biết tiếng làm người kế nhiệm. Đó là cựu Thượng tá an ninh Vladimir Putin, lúc đấy đang ngồi ở một vị trí còn khiêm tốn trong bộ máy điều hành quốc gia. Và như thực tế cho thấy, ông Yeltsin đã có con mắt xanh thật sự, giúp nước Nga có được một vị Tổng thống cần thiết nhất.

Liệu ông Putin, đến lượt mình có thực hiện được một sự lựa chọn xuất sắc như thế không? Và ai sẽ là người được chọn mặt gửi vàng? Để tìm lời giải đáp cho câu hỏi này vẫn còn thời gian dù không nhiều. Theo một cuộc điều tra xã hội gần đây, đang có tới 74% số người Nga được hỏi ý kiến ủng hộ việc duy trì đường lối "trị quốc" của ông Putin trong tương lai. Hai đòi hỏi chính yếu trước hết của người Nga đối với nguyên thủ quốc gia là: đấu tranh cho công bằng xã hội và cải thiện đời sống quần chúng; thiết lập trật tự trong nhà nước và xã hội, củng cố tính pháp quyền...

Đó cũng phải là mục tiêu hành động của người chủ mới trong Điện Kremli sau năm 2008

Nguyễn Trung Tín
.
.