Tổng thống Peru bị… cả nhà kình chống

Thứ Hai, 09/07/2012, 17:40

11 tháng cầm quyền, Tổng thống Peru Ollanta Humala đang rơi vào tình thế hết sức khó khăn: không ngày nào trôi qua mà không có dư luận kêu gọi một trong các thành viên nội các chính phủ của ông từ chức; những lời ta thán về các chính sách kém hiệu quả của chính phủ, những chỉ trích của dư luận,… liên tục xuất hiện làm cho nhiều người có cảm giác Tổng thống Humala có thể sẽ rơi vào tình thế thê thảm như người tiền nhiệm Alejandro Toledo vào năm 2005.

Điều kỳ lạ là chính những người thân trong gia đình đang trở thành nguồn khởi phát công kích ông nhiều nhất và gay gắt nhất. Ngay cả đảng đối lập cũng không chỉ trích ông nhiều và nặng nề như gia đình ông. Sự chỉ trích gay gắt và ồ ạt đến nỗi các tờ báo đối lập, không ưa gì ông Humala cũng cảm thấy "bất nhẫn" và tuyên bố sẽ không đăng tải những lời chỉ trích từ phía gia đình ông, để tôn trọng vị thế của Tổng thống. Tình hình khiến cho các chuyên gia phân tích quốc tế nhìn vào mà "vò đầu bứt tóc" vì người ta chưa từng thấy chuyện tương tự xảy ra.

Đi đầu, và là người chỉ trích Tổng thống Ollanta Humala gay gắt nhất, không ai khác chính là cha đẻ của ông, cụ Isaac Humala, một người Andean bản xứ tự nhận mình theo "chủ nghĩa Mác", người chủ trương kêu gọi một cuộc trỗi dậy của người Peru bản xứ (Andean) lãnh đạo đất nước, vì họ "có trí óc thông minh hơn hẳn người da trắng, người da đen gốc Phi và người châu Á da vàng". Vào tháng 5/2012, chính cụ Isaac đã đưa ra lời "tiên tri" rằng chức Tổng thống của con trai cụ "sẽ kết thúc trong thất bại", vì Ollanta đã lèo lái đất nước Peru "xa rời tinh thần dân tộc bản xứ".

Cũng có tiếng nói phản đối Tổng thống Humala nhưng "nhỏ nhẹ" hơn chính là mẹ ông, bà Elena. Trong cuộc bầu cử Tổng thống Peru năm 2006, bà Elena đã từng "nổi đình đám" khi tuyên bố "xanh rờn" rằng việc "giết một vài thằng đồng tính" là cần thiết để "lũ còn lại cút xéo vào xó tủ".

Cùng theo bố mẹ chống lại Tổng thống Humala là 3 người trong số 6 anh em của ông. Người anh lớn Ulises từng là "đối thủ" của Ollanta trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2006 nhưng đã thất bại dưới tay ông. Rồi em gái ông là Imasumac, hiện sống ở Pháp, là thành viên mới nhất gia nhập hàng ngũ "gia đình chống Ollanta". Bà Imasumac đã kêu gọi các thành viên nội các Chính phủ phải từ chức do xử lý kém các cuộc biểu tình phản đối của người dân. Bà Imasumac cũng đâm đơn khiếu nại việc anh trai mình là Antauro, tức em kế Tổng thống Humala, từng bị bắt và bị "tra tấn" cách đây hơn 7 năm.

Tổng thống Ollanta Humala.

Antauro là trung tâm của mọi sự rạn nứt trong gia đình. Ông này hiện đang thụ án tù 19 năm vì tội kích động phản loạn chống Tổng thống Alejandro Toledo vào ngay ngày đầu năm mới 2005. Cuộc nổi dậy diễn ra tại một thị trấn xa xôi hẻo lánh đã nhanh chóng thất bại, nhưng lại có đến 4 cảnh sát bị giết. Gia đình quay ra đối nghịch với Ollanta vì không những không thể cứu em trai mình mà còn để cho nó bị tra tấn trong tù. Trước khi có sự rạn nứt trong gia đình, 2 anh em Ollanta và Antauro đều là sĩ quan quân đội, và từng cùng nhau hợp tác tổ chức cuộc nổi dậy chống Tổng thống Alberto Fujimori vào năm 2000 nhưng không thành công. Anh em gia đình chia rẽ, bất hòa kể từ năm 2006, khi diễn ra vụ việc Antauro dấy loạn bị bắt và bị tra tấn. Năm đó cũng là năm người anh trai lớn quay sang đối đầu Ollanta trong cuộc đua.

Tình hình bắt đầu trở nên nghiêm trọng từ tháng 4/2012, khi Antauro bị chuyển đến biệt giam tại một nhà tù trong một căn cứ hải quân, xây dựng từ thập niên 90 thế kỷ trước. Đây là nhà tù có chế độ an ninh vô cùng nghiêm ngặt. Jose Luis Perez, người đứng đầu hệ thống giam giữ quốc gia Peru cho báo chí biết, sở dĩ Antauro bị chuyển đến nhà tù này là do việc báo chí phanh phui những hình ảnh ông ta sống rất phởn phơ trong tù, tiêu xài toàn hàng hóa xa xỉ, đắt tiền. Những hình ảnh này làm ảnh hưởng đến uy tín của Tổng thống Humala. Ông ta được hưởng thụ như thế là do đã mua chuộc được các quan chức quản giáo tại nhà tù cũ, nhà tù đã không thể kiểm soát được ông ta.

Vụ việc lùm xùm càng thêm rối khi bà Imasumac cáo buộc ông Perez chỉ đạo một nhóm quản ngục bịt mặt vào xà lim tra tấn Antauro. Vấn đề Antauro còn trở thành đề tài để Ủy ban Nhân quyền Liên Mỹ can thiệp vào Peru. Cuộc đấu pháp lý giữa bà Imasumac và ông Perez hiện đang tiếp diễn.

Trong khi đó, Tổng thống Humala từ chối nhúng tay can thiệp vào vụ việc. "Các vấn đề gia đình cần phải để cho gia đình xử lý. Họ có quyền nêu ý kiến, có quyền chỉ trích và nói những gì họ thích" - Tổng thiống Humala phát biểu trước báo giới trước Dinh Tổng thống ở thủ đô Lima hôm 17/6 vừa qua.

Theo giới phân tích, một phần nguyên nhân xảy ra tình trạng "gia đình chống Ollanta" xuất phát từ việc chính Tổng thống Humala đã có những thay đổi về mặt tư tưởng trong giai đoạn giữa 2 kỳ bầu cử Tổng thống 2006-2011, và kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 7/2011 đến nay. Humala đã thể hiện nhiều hình ảnh khác nhau, thiếu tính kiên định, nhất quán về tư tưởng, đường lối và nhất là việc thực thi các chính sách, lời hứa khi tranh cử.

Năm 2006, ông tranh cử với chủ trương, đường lối thiên tả tương tự như các lãnh đạo thiên tả trong khu vực (như Hugo Chavez, Rafael Correa, Evo Morales,…), nhưng đến năm 2011 thì ông thay đổi, theo mô hình ôn hòa như cựu Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva. Ông theo đuổi quan điểm trung tả cho đến tận vòng 2 cuộc bầu cử năm 2011 và giành chiến thắng trước bà Keiko Fujimori.

Kể từ khi làm Tổng thống, giới nhà giàu từ chỗ chống đối quay sang ủng hộ ông, đạt tỉ lệ đến 45%, còn giới nghèo khó thì ngược lại. Điểm yếu nhất của ông Humala chính là cách ông xử lý kém các cuộc biểu tình phản đối, và ngày càng có nhiều cuộc biểu tình phản đối chính phủ của ông khắp đất nước Peru, lên đến 245 cuộc trong 6 tháng đầu năm 2012, trong đó 8 người đã bị bắn chết. 

Việc Tổng thống Humala xử lý yếu kém một số vấn đề quan trọng đã khiến cho phần lớn thành viên trong gia đình ông đứng về phía những người phản đối. Và sự phản đối từ trong gia đình là nguy hiểm nhất

Tiểu Khang (tổng hợp)
.
.