Tổng thống Pháp Macron gặp khó trong triển khai chính sách

Thứ Hai, 16/04/2018, 17:10
Việc triển khai thực hiện những chính sách cải tổ nước Pháp như đã tuyên bố của Tổng thống Emmanuel Macron có vẻ đang vấp phải phản ứng gay gắt từ những người là đối tượng áp dụng trực tiếp của chính sách. Trong đó, sự phản đối rầm rộ của thành phần sinh viên và công nhân các ngành đường sắt và hàng không khiến dư luận nhớ lại thời kỳ nóng bỏng của nước Pháp năm 1968.

Liệu Tổng thống Macron, hay thành phần sinh viên - công nhân sẽ phải nhượng bộ trong cuộc giằng co này?

Ngày 4-4 vừa qua, Thủ tướng Pháp Edouardo Philippe thông báo kế hoạch cải tổ nghị viện theo hướng tinh gọn số lượng đại biểu và đổi mới hình thức bầu cử. Cụ thể, số lượng đại biểu sẽ được cắt giảm 30%. Hạ viện giảm từ 577 xuống còn 404, Thượng viện giảm từ 348 xuống còn 244 đại biểu. Song song đó, phải bảo đảm khoảng 15% số đại biểu được bầu thông qua hệ thống “đại diện tỉ lệ”.

Lộ trình cắt giảm sẽ diễn ra từ nay cho đến trước kỳ bầu cử năm 2022. Bên cạnh đó, Chính phủ Pháp cũng đưa ra kế hoạch giới hạn thời gian tại nhiệm không quá 3 nhiệm kỳ liên tiếp trong cùng một vị trí công tác của chính khách. Để nhượng bộ đòi hỏi của cánh hữu trong Thượng viện, kế hoạch cải tổ sẽ miễn áp dụng đối với thị trưởng của các thị trấn có dưới 9.000 dân.

Phát biểu với tờ báo Le Monde, Thủ tướng Philippe cho biết sau thông báo, kế hoạch cải tổ sẽ được triển khai thực hiện ngay nhằm sớm mang lại hiệu quả cải thiện hệ thống chính trị như cam kết của Tổng thống Macron. Để đạt được mục tiêu đó, tất cả những thay đổi nêu trên sẽ được thể chế hóa thành luật để thực hiện.

Kế hoạch cải tổ hệ thống chính trị của Chính phủ Pháp được cho là một bước đi nhằm hiện thực hóa cam kết của Tổng thống Macron khi ông lên nhậm chức, đó là “mang lại sự chuyển biến sâu sắc trong cách điều hành Chính phủ Pháp”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết sẽ làm thay đổi nước Pháp ngay trong nhiệm kỳ của mình.

Trong bài phát biểu đầu tiên sau khi nhậm chức trước lưỡng viện tại điện Versailles đầu tháng 7-2017, Tổng thống Macron đã tuyên bố ông muốn “vạch ra con đường cấp tiến mới” cho chính trị Pháp, và xây dựng một mô hình chính phủ mới hiệu quả hơn.

Để thực hiện lời hứa cải tổ nghị viện của ông Macron, thì kế hoạch của Chính phủ Pháp cần sự ủng hộ của Thượng viện để kế hoạch này được thông qua. Thượng viện hiện đang nằm trong sự kiểm soát của đảng hữu khuynh đối lập, đã phê phán một vài chỗ trong kế hoạch buộc chính phủ phải nhượng bộ, điều chỉnh lại. Nhiều chính khách cả tả lẫn hữu đều cho rằng kế hoạch đưa ra những thay đổi chưa đủ để làm chuyển hóa chính trị và tăng cường sức mạnh cho nghị viện.

Francois Bayrou, lãnh đạo đảng trung dung MoDem (Dân chủ hiện đại), người từng ủng hộ Macron trong cuộc bầu cử năm ngoái, cho rằng tỉ lệ 15% nghị sĩ bầu qua hệ thống đại diện tỉ lệ là chưa đủ. Ông cho rằng tỉ lệ này nên nâng lên 25%.

Không chỉ riêng kế hoạch cải tổ chính trị mà một số chính sách mới khác của ông Macron cũng đang gặp khó khăn, vấp phải sự phản đối từ chính những đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp của chính sách. Sự phản đối xuất phát từ việc chính sách đe dọa ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của đại đa số công nhân, những người hưu trí và tầng lớp sinh viên vốn hay “nổi loạn” của Pháp. Chỉ có giới doanh nghiệp làm ăn kinh tế là được lợi trong các chính sách mới của Macron.

Đối với Tổng thống Macron, cuộc đình công phản đối của công nhân và sinh viên lần này là thách thức lớn nhất kể từ khi ông lên nắm quyền.

Ngày 3-4-2018 được gọi là ngày “Thứ Ba đen tối” khi công nhân ngành đường sắt bắt đầu chiến dịch bãi công, xuống đường biểu tình kéo dài 3 tháng để phản đối kế hoạch của tổng thống nhằm thay đổi toàn diện ngành đường sắt Pháp vì họ lo ngại chương trình cải tổ này sẽ gây ra hệ lụy về công ăn việc làm, đẩy cuộc sống của họ vào tình thế khó khăn.

Ngay trong ngày đầu tiên của cuộc đình công, có tới 3/4 số lái tàu và hơn một nửa nhân viên cốt yếu của ngành đường sắt tham gia đình công khiến cho ngành đường sắt bị ngừng trệ nghiêm trọng. Ảnh hưởng của cuộc đình công khiến hơn 4,5 triệu hành khách đi tàu bị chậm, trễ hoặc hủy chuyến, phải vất vả tìm các phương tiện di chuyển khác.

Hưởng ứng với công nhân đường sắt, các phi công của hãng hàng không quốc gia Pháp cũng đình công để đòi tăng lương. Những người hưởng lương hưu cũng nổi giận với chính sách cải cách tiền lương hưu trí theo hướng siết chặt chi tiêu, cắt giảm các khoản trợ cấp mà lâu nay người hưu trí vẫn được hưởng.

Sinh viên các trường đại học xuống đường đồng loạt phản đối việc Tổng thống Pháp có kế hoạch thay đổi trong bộ máy hành chính, đòi hỏi sinh viên phải học chuyên ngành sớm hơn hiện nay, đồng thời các trường đại học sẽ buộc phải đưa ra nhiều yêu cầu hơn nhằm tuyển lựa sinh viên theo mục đích đào tạo của nhà nước, trái ngược với hệ thống đào tạo trong đó sinh viên được quyền lựa chọn hiện nay.

Những người phản đối chỉ trích chính sách mới này đi ngược lại với chính sách tự do giáo dục vốn là nền tảng giá trị của nền giáo dục Pháp. Hàng ngàn sinh viên Đại học Nanterre và nhiều trường khác đã kéo đến khu trung tâm thành phố Paris tạo nên bầu không khí náo nhiệt.

Không khí đình, bãi công, biểu tình phản đối đó đã gợi cho người ta nhớ lại phong trào phản kháng cũng của hai tầng lớp xã hội này diễn ra hồi vào tháng 5-1968 đã làm cả nước Pháp khi đó bùng cháy dữ dội. Chính phủ Pháp khi đó buộc phải nhượng bộ để tránh một cuộc cách mạng thật sự xảy ra.

Cuộc đình công, biểu tình phản đối tháng 4-2018 này không đến mức bùng cháy như tháng 5-1968, chủ yếu là sự phản đối trong hòa bình, không có bạo động. Hồi tháng 3-2018, khi các chính sách mới của Tổng thống Macron chuẩn bị được công bố, hàng chục ngàn công nhân, sinh viên, công chức và người làm công trên toàn nước Pháp đã xuống đường biểu tình phản đối. Nhiều đợt phản đối liên tục xảy ra từ nhiều tháng qua làm người ta nghĩ đến sự kiện cách đây 50 năm.

Văn Trương (tổng hợp)
.
.