Tổng thống Putin hướng tới một nước Nga hùng mạnh

Thứ Tư, 25/03/2020, 08:04
Dự luật sửa đổi Hiến pháp, sau khi được Tổng thống Nga Putin ký, đã được trình lên Tòa án Hiến pháp để xem xét tính hợp pháp. Trước đó, dự luật sửa đổi Hiến pháp đã được Duma Quốc gia (Hạ viện), Hội đồng Liên bang (Thượng viện) và Hội đồng Lập pháp của 85 cơ quan lập pháp khu vực xem xét thông qua.

Theo kế hoạch, Nga sẽ tiến hành trưng cầu dân ý về dự luật sửa đổi Hiến pháp vào ngày 22-4 tới.

Trong số những thông tin về nội dung được hé lộ trong dự luật lần này, tâm điểm thu hút sự quan tâm là điều khoản “không tính nhiệm kỳ”, nghĩa là không tính các nhiệm kỳ trước đó của Tổng thống Putin, để bảo đảm ông có thể tranh cử tổng thống vào năm 2024. Tính từ khi bắt đầu cầm quyền, năm 2000 đến nay là vừa tròn 20 năm tại vị của ông Putin với cả các chức vụ tổng thống, thủ tướng hay sửa đổi nhiệm kỳ tổng thống...

Và nếu tìm hiểu một chút về thể chế và tình hình chính trị nước Nga hiện nay, nhiều nhà quan sát cho rằng hiện chưa phải là thời điểm để ông Putin rút khỏi vũ đài lịch sử.

Một điều được nhiều nhà quan sát thừa nhận, đó là địa vị của ông Putin hiện nay không phải do ông tự phong, mà được hình thành từ quá trình lịch sử. Khi bước vào Điện Kremlin năm 2000, ông đã phải đối mặt với một mớ hỗn độn: Kinh tế trong nước sụp đổ, các nhà tài phiệt lộng hành, tình hình chính trị liên tục biến động, lực lượng chống chính phủ ở Chechnya công khai chống lại Chính phủ Nga, các lực lượng địa phương khác cũng rục rịch ngóc đầu dậy; trên trường quốc tế, địa vị của Nga bị suy giảm, các quốc gia giành chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh do Mỹ đứng đầu đã thông qua việc mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sang phía Đông và cuộc chiến Kosovo để chèn ép không gian quốc tế của nước Nga, tìm cách dựa vào thắng lợi của mình để giải quyết các mối lo ngại.

Trong thời kỳ đầy rẫy những nỗi lo bên trong và bên ngoài như thế, việc ông Putin được bầu làm nhà lãnh đạo của quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới này có thể nói là phải đối diện với rất nhiều khó khăn.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc thông điệp liên bang.

Mặc dù trong 20 năm cầm quyền của ông Putin không phải là không có những tranh cãi nhưng trên thực tế, 20 năm này đã thay đổi sâu sắc diện mạo nước Nga, thậm chí là thế giới. Về đổi mới, ông Putin đã sử dụng “nắm đấm sắt” để kiềm chế các nhà tài phiệt, ngăn chặn họ thao túng tình hình chính trị trong nước, lợi dụng cơ hội giá dầu thô quốc tế tăng cao để phát triển kinh tế đất nước, kiềm chế đà sụp đổ của nền kinh tế trong nước; giáng đòn mạnh vào lực lượng ly khai Chechnya thông qua cuộc chiến tranh Chechnya lần thứ hai; khôi phục ở mức độ nhất định quyền uy của chính quyền trung ương đối với chính quyền địa phương, nâng cao năng lực quản lý đất nước của Nga thông qua các biện pháp tổng hợp; kiểm soát cục diện trật tự kinh tế, chính trị và xã hội đã liên tục mất ổn định cuộc sống khó khăn kể từ những năm 1990.

Về đối ngoại, ông Putin đã cố gắng khôi phục địa vị nước lớn của Nga và đã đạt được những thành công nhất định. Kể từ năm 2011, Nga đã can thiệp mạnh vào cuộc nội chiến Syria; năm 2014, Nga sáp nhập Crimea, khiến cộng đồng quốc tế dần dần nhìn nhận lại sự tồn tại của Nga với tư cách là nước lớn, địa vị quốc tế được nâng lên rõ rệt.

Trên vũ đài quốc tế, ông Putin khởi xướng xây dựng trật tự quốc tế công bằng và dân chủ, phản đối chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền của các nước phương Tây do Mỹ đứng đầu, có những đóng góp lớn cho việc xây dựng trật tự thế giới công bằng.

Có thể nói, ông Putin là một chính trị gia đã cứu vãn được nước Nga. Tài năng chính trị và thành tích lịch sử đủ để đưa ông trở thành một trong những chính trị gia kiệt xuất trong thế giới đương đại. Chính nhờ những thành tích đó, Tổng thống Putin đã trở thành nhà lãnh đạo được người Nga tín nhiệm cao, đây cũng là lý do giúp ông có thể cầm quyền trong suốt 20 năm qua.

Tuy nhiên, việc có thể cầm quyền trong 20 năm lại không hoàn toàn là lý do để ông Putin có thể tiếp tục cầm quyền. Xét trong bối cảnh tình hình nước Nga hiện nay, lý do chính để ông Putin tiếp tục cầm quyền, theo một số nhà phân tích, đó là nếu không có ông, nước Nga sẽ đi về đâu?

Tuy nhiên, nói như vậy không hẳn là không có vấn đề. Mặc dù ảnh hưởng của các nhà tài phiệt trước đây đã giảm mạnh nhưng các nhà tài phiệt mới và một số ông trùm doanh nghiệp nhà nước lại đang nổi lên. Sự khác biệt giữa họ với đám tài phiệt trước đây là họ tuyệt đối phục tùng ông Putin. Nga tận dụng giá dầu khí tăng lên để phát triển kinh tế nhưng cũng chính do kết cấu kinh tế phụ thuộc nhiều vào dầu khí nên tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Về đối ngoại, tuy dựa vào thế mạnh và “bàn tay sắt” để ngăn chặn không gian quốc tế bị thu hẹp, ở mức độ nhất định đã xoay chuyển vị thế và tôn nghiêm quốc tế của nước Nga nhưng do tỏ rõ lập trường không phải là công cụ phục vụ cho các nước phương Tây, khiến các nước này đã tăng cường hơn nữa chính sách kiềm chế Nga.

Tổng thống Nga Putin cho biết ông sẽ thực hiện cuộc trưng cầu dân ý về dự luật sửa đổi Hiến pháp lần này. Điều này cho thấy ông có thái độ thận trọng đối với nội dung của dự luật. Vì theo quy định thông thường của Nga, dự luật sửa đổi Hiến pháp không cần phải trải qua cuộc trưng cầu dân ý, chỉ cần được Duma Quốc gia và Hội đồng Liên bang thông qua là có hiệu lực.

Là một chính trị gia kiệt xuất, ông Putin đã một lần nữa cho thấy độ chín và ổn định vào các thời điểm quan trọng và đây chính là những gì mà chính trường Nga đương đại còn thiếu.

Và, theo nhiều nhà quan sát, dường như sứ mệnh lịch sử trao cho ông Putin vẫn chưa hoàn toàn kết thúc, những gì mà ông Putin thể hiện với thế giới cũng khiến người ta có lý do để tin rằng ông sẽ chỉ thực sự rút lui sau khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.

Ngọc Lan (Tổng hợp)
.
.