Tổng thống Putin nhậm chức trong bối cảnh khó khăn

Thứ Tư, 09/05/2018, 08:42
Ngày 7-5-2018, ông Vladimir Putin đã chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Liên bang Nga nhiệm kỳ thứ 4, tiếp tục lãnh đạo nước Nga 6 năm tới trong bối cảnh tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn và các thế lực chống phá từ trong lẫn ngoài.

“Làm tất cả vì nước Nga”

Theo thông lệ, nghi lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Nga được cử hành trọng thể trong Đại điện Kremlin. Sự kiện bắt đầu vào lúc 16h00 ngày 7-5 (giờ Hà Nội) và kéo dài khoảng 50 phút. Cuộc bầu cử Tổng thống Nga đã được tổ chức vào ngày 18-3-2018. Tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử là 67,54%. Nhà lãnh đạo đương nhiệm Vladimir Putin đã giành chiến thắng với 76,69% phiếu bầu, theo dữ liệu cuối cùng của Ủy ban Bầu cử, hơn 56,4 triệu cử tri đã bỏ phiếu cho ông Putin.

Trong bài phát biểu tại lễ nhậm chức, Tổng thống Putin tuyên bố: “Tôi cho rằng nghĩa vụ và ý nghĩa của đời mình là làm tất cả vì nước Nga, vì hiện tại và tương lai của đất nước, một tương lai hòa bình và phồn vinh, vì sự nghiệp bảo vệ và phát triển một dân tộc vĩ đại, vì cuộc sống ấm no trong mỗi gia đình người Nga”.

Ông nhấn mạnh: “Trong những giây phút này, khi nhậm chức Tổng thống Nga, tôi đặc biệt cảm nhận được trách nhiệm lớn lao trước mỗi các bạn, trước toàn thể nước Nga đa sắc tộc, trách nhiệm trước nước Nga, đất nước của những chiến thắng vĩ đại, trước lịch sử ngàn năm của quốc gia Nga và trước tổ tiên chúng ta. Sự quả cảm của ông bà tổ tiên ta, sự lao động cần cù không mệt mỏi, sự thống nhất để bất khả chiến bại, sự tôn thờ mảnh đất thân thương của mình - tất cả đều là tấm gương về lòng trung thành với tổ quốc”.

Ông Putin phát biểu tại lễ nhậm chức Tổng thống Liên bang Nga nhiệm kỳ thứ 4 ngày 7-5.

Tổng thống Putin cảm ơn nhân dân Nga vì sự đoàn kết và tin tưởng vào sự thay đổi tốt hơn, vì mức độ ủng hộ dành cho ông trong cuộc bầu cử vừa qua và cho rằng đó là một vốn chính trị to lớn và cơ sở tinh thần chắc chắn để bảo vệ lập trường của Nga trên trường quốc tế và có những hành động kiên quyết để có những thay đổi sâu sắc và tính cực trong nước.

Tổng thống Putin nêu rõ cuộc sống đang đặt ra cho nước Nga những thách thức và nhiệm vụ mới. Trong lịch sử hàng nghìn năm của mình, nước Nga đã nhiều lần trải qua những biến động lớn, những thử thách nhưng đã phục hưng, đạt được những kỳ tích. Ông Vladimir Putin, 66 tuổi, liên tục điều hành nước Nga từ năm 2000.

Trong 2 nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông đã vực dậy nền kinh tế bị kiệt quệ của một nước Nga sau nhiều năm đình đốn và sự sụp đổ của Liên Xô. 2000-2008 là giai đoạn ông Putin đem lại nhiều hy vọng cho người dân Nga. Bình ổn kinh tế.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, GDP của nước Nga tính bằng đồng đôla, đã được nhân lên gấp ba trong giai đoạn 2000-2006. Trên sàn chứng khoán, chỉ số của Moskva tăng như diều, đặc biệt là trong 2 năm 2005 và 2006. Những thành tích đó làm sống lại niềm tự hào của người dân Nga.

2008, khi mà giá dầu tăng cao đến mức chóng mặt, 100 rồi 120 USD/thùng, là thời điểm nhiều người đã nghĩ rằng nước Nga thực sự hồi sinh. Tổng thống Putin mãn nhiệm, lui về làm thủ tướng. Mùa thu năm đó nổ ra khủng hoảng tài chính toàn cầu, bắt nguồn từ Mỹ. Dầu khí vẫn có giá đã bảo đảm cho nước Nga một nguồn ngoại tệ quan trọng.

Nhưng từ giữa 2014 cho tới cuối 2016 nguyên và nhiên liệu mất giá. Dầu mỏ mất giá trị rồi có lúc rơi xuống còn 32 USD/thùng vào tháng 1-2016 thay vì 115 USD như hồi tháng 6-2014. Nước Nga thực sư lao đao. Đang từ nền kinh tế thứ 10 của thế giới, bị đẩy lui xuống hạng thứ 16 theo như nghiên cứu của trung tâm Center of Economics & Business Research tại London.

2014 cũng là thời điểm Nga tái sáp nhập bán đảo Crimea. Moskva bắt đầu bị Âu - Mỹ trừng phạt. Thêm vào đó là đồng rúp mất giá. Hậu quả là số người nghèo tăng mạnh, mãi lực của tầng lớp trung lưu giảm sụt. Kinh tế sát bờ vực thẳm nhưng điều đó không khiến Điện Kremlin nhụt chí.

Với nhiều biện pháp mạnh mẽ cải tổ kinh tế, thúc đẩy phát triển nội lực, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, cùng với dầu tăng giá trở lại, kinh tế Nga bắt đầu thoát khủng hoảng rồi tăng trưởng khá trong năm 2016 và 2017. Đồng rúp ổn định và lạm phát được giữ ở mức 4% chứ không phải là 15% như 3 năm trước đó. Từ năm 2016, GDP tăng lên trở lại đạt 1,6%. Cơ quan thống kê Rosstat và Bộ Kinh tế Nga dự báo tăng trưởng năm nay cũng sẽ đạt 2%. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 5%, tức là không cao hơn bao nhiêu so với ở Mỹ.

Ngày 4-5, Mỹ thông báo tái lập Hạm đội 2 để tuần tra vùng Bắc Đại Tây Dương.

Theo Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu chiến lược châu Âu (CEAS) Philippe Migault, nhờ ngành năng lượng và hàng triệu người lao động trong các nhà máy dầu mà kinh tế Nga đã đứng vững được trong giai đoạn 2014-2016. Thêm vào đó ngay cả trong thời kỳ khó khăn nhất, ông Putin vẫn dành ưu tiên cho ngành công nghiệp chế tạo vũ khí. Cùng với ngành dầu khí, đây sẽ là đầu tàu kéo kinh tế Nga đi lên.

Sau cùng, do bị Âu-Mỹ trừng phạt, khu vực sản xuất của Nga phải chuyển đổi để cung cấp những mặt hàng gần giống như hàng nhập khẩu để đáp ứng với nhu cầu tiêu thụ nội địa. Nhờ đó mà nhiều sản phẩm của Nga được nâng cấp và thay thế hẳn hàng nhập khẩu.

Trên trường quốc tế, dân chúng hài lòng vì đất nước họ đã tìm lại được vị thế quốc tế và hình ảnh của nước Nga trên thế giới trong những năm qua đã được cải thiện. Họ cho rằng đất nước trở nên hùng mạnh hơn và lợi ích của quốc gia cũng được bảo vệ dưới thời Tổng thống Putin.

Cũng trong bài phát biểu tại lễ nhậm chức, Tổng thống Putin đã chỉ thị cho đến năm 2024 đảm bảo Nga là một trong 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới, lạm phát không cao hơn 4%, theo nghị định tổng thống đã ký “Về mục tiêu quốc gia và nhiệm vụ chiến lược của Liên bang Nga trong giai đoạn đến năm 2024”.

Bên cạnh đó, chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh trang bị công nghệ kỹ thuật số trong nền kinh tế và lĩnh vực xã hội và việc thành lập các ngành kinh tế cơ bản, đặc biệt là trong công nghiệp chế biến sản xuất và nông nghiệp, lĩnh vực định hướng sản xuất xuất khẩu cao, phát triển trên cơ sở công nghệ hiện đại và đảm bảo nhân viên có trình độ cao.

4 trở ngại lớn

Không ai có thể phủ nhận thành quả của ông Putin trong nhiệm kỳ vừa qua về mặt đối ngoại nhưng để đạt được mục tiêu mong đợi là có được bước ngoặt trong nền kinh tế Nga trong 6 năm cầm quyền tới, các chuyên gia cho rằng Tổng thống Putin sẽ phải vượt qua 4 trở ngại lớn.

Thứ nhất, về nhân lực. Ứng cử viên Vladimir Putin đã đề cập đến chính sách gia đình rất nhiều lần trong chiến dịch vận động của mình, vì đó là vấn đề rất quan trọng. Nga, hiện có 146,9 triệu dân, đã giảm hơn 5 triệu kể từ năm 1991. Đây là hậu quả của cuộc khủng hoảng nhân khẩu học nghiêm trọng xảy ra sau khi Liên Xô tan rã.

Thế hệ sinh ra trong những năm đầu của thời hậu Xôviết, với tỷ lệ sinh giảm, hiện đang tham gia vào thị trường lao động, có nguy cơ gây ra tình trạng thiếu nhân lực có trình độ và từ đó hạn chế tăng trưởng của nền kinh tế. Thế hệ trẻ này ít hơn thế hệ trước đó và đến lượt họ lại cũng hạn chế sinh con hoặc sinh con rất trễ.

“Chúng ta sẽ có ít người trẻ hơn trong vòng từ 10 đến 15 năm tới. Hậu quả là một chuyên gia trẻ tuổi có kỹ năng mới - tư duy và kỹ thuật, bao gồm lập trình máy tính - sẽ quý như vàng”, Cựu Bộ trưởng Tài chính Nga Alexei Kudrin cảnh báo gần đây.

Tuổi nghỉ hưu ở Nga - 55 đối với phụ nữ và 60 đối với nam giới - là mức thấp nhất trên thế giới. Với sự suy giảm nhân khẩu học, hệ thống hưu trí, mặc dù rất nhỏ nhưng cũng đang dần trở thành một gánh nặng cho ngân sách liên bang. Tổng thống Vladimir Putin đã nhiều lần thừa nhận rằng một cuộc cải cách tuổi về hưu sẽ là cần thiết nhưng lại cho rằng giờ chưa phải lúc.

Cựu Bộ trưởng Alexei Kudrin từng ủng hộ việc tăng dần tuổi nghỉ hưu đến 63. Nhưng hiện đồng lương hưu ở Nga khá thấp, cộng thêm tình trạng nhiều người về hưu thường đấu tranh phản đối việc cắt giảm lương hưu và tăng tuổi về hưu nên việc cải cách chính sách này đối với Tổng thống Putin trong thời gian tới là rất khó khăn. Ngày 16-3 vừa qua, Điện Kremlin tuyên bố chuẩn bị các biện pháp cho phép lương hưu tăng nhanh hơn mức lạm phát.

Thứ hai, để khắc phục những trở lực trong phát triển kinh tế, Tổng thống Putin thường có thái độ rất trân trọng các nhà đầu tư nước ngoài tại các hội nghị về kinh tế. Ông hứa hẹn sẽ cải thiện môi trường kinh doanh Nga bị ảnh hưởng bởi tình trạng quan liêu.

Theo Chris Weafer, người sáng lập Tổ chức tư vấn Macro, “Nga cần thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn, phải tạo ra một môi trường cạnh tranh thuận lợi (giảm thuế cho ngành công nghiệp, khuyến khích đầu tư) và giảm quan liêu”.

Theo nhà phân tích Weafer, “nhu cầu cải thiện đầu tư nước ngoài cũng là lý do khiến Điện Kremlin không đáp trả lệnh trừng phạt mới của Mỹ. Chính phủ Nga không muốn các biện pháp trả đũa gây khó khăn hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài khi muốn đến Nga làm ăn”.

Vừa qua, Điện Kremlin đã chỉ thị cho Thủ tướng Dmitry Medvedev và Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Elvira Nabiullina từ nay đến ngày 15-7-2018 phải xây dựng một “kế hoạch hành động” để tăng đáng kể tỷ lệ đầu tư trong nền kinh tế Nga, vốn đang phụ thuộc nhiều vào dầu khí.

Ông Dmitry Medvedev tại lễ nhậm chức của Tổng thống Putin.

Nếu trong năm 2017, đầu tư đã tăng 4,4%, theo Cơ quan thống kê Rosstat, thì mức tăng này lại chủ yếu đến từ các dự án lớn mang tính tạm thời như xây dựng cầu nối đất liền Nga với bán đảo Crimea hoặc các công trình phục vụ Giải Vô địch bóng đá thế giới do Nga đăng cai trong năm nay.

Thứ ba là Nga cần đa dạng hóa nền kinh tế. Nga, quốc gia có trữ lượng dầu khí khổng lồ, vẫn chịu sự biến động của giá cả, như những gì chúng ta thấy qua cuộc khủng hoảng dầu khí năm 2015-2016. Để thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn thu từ chất đốt, chuyên gia Chris Weafer đề nghị Nga nên đa dạng hóa cơ cấu kinh tế, chẳng hạn đầu tư phát triển các doanh nghiệp nhỏ bằng cách hạ thấp hàng rào tín dụng cho họ. Khuyến khích đầu tư vào robot, công nghệ “thông minh” và trí thông minh nhân tạo.

Lev Jakobson, giáo sư tại Trường Kinh tế cao cấp của Moskva, cho biết sự tăng trưởng ấn tượng về năng suất của lĩnh vực nông nghiệp Nga trong những năm qua, khi nó phá vỡ kỷ lục về sản lượng và xuất khẩu, là một bài học kinh nghiệm để đa dạng hóa nền kinh tế Nga.

Thách thức cuối cùng với kinh tế Nga là năng suất. Chuyên gia Chris Weafer nói: “Nền kinh tế Nga hiện không hiệu quả vì di sản của hệ thống Xôviết và vì sự phát triển dễ dàng có được từ dầu khí trong những năm 2000-2013. Có rất nhiều sự thiếu hiệu quả trong hệ thống mà nếu được sửa chữa có thể dẫn tới tăng trưởng mạnh”. Ông trích dẫn ví dụ về ngành dầu mỏ Nga khi bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng giá dầu, đã buộc phải tăng sản lượng bình quân hằng ngày, 740.000 thùng mỗi ngày, từ tháng 8-2014 đến tháng 11-2016.

“Ngành công nghiệp này đã buộc phải trở nên hiệu quả và sáng tạo hơn”, chuyên gia Weafer nhận xét. Để hiện đại hóa các công ty và tập đoàn lớn, Chính phủ Nga đã đưa ra một số kế hoạch cổ phần hóa, nhưng việc nhà nước vẫn còn nắm phần lớn quyền sở hữu trong nền kinh tế trong thời gian gần đây lại đang cản trở phần nào công cuộc cải cách năng suất cho nền kinh tế.

Khó khăn còn đến từ các hoạt động chống phá từ trong lẫn ngoài. 2 ngày trước lễ nhậm chức của ông Putin, ngày 5-5, hàng chục cuộc biểu tình phản đối diễn ra trên cả nước theo lời hô hào của lãnh đạo đối lập Alexei Navalny. Theo các phương tiện truyền thông Nga, ông Alexei Navalny đã bị bắt sau đó theo lệnh của Viện Công tố Moskva vì ông này cố gắng tiến hành các cuộc biểu tình mà không xin phép.

Trong khi đó, áp lực từ các nước phương Tây tiếp tục đè nặng lên nước Nga. Trong một hành động mới nhất, ngày 4-5, Lầu Năm Góc thông báo Hải quân Mỹ đang tái lập Hạm đội 2, gần 7 năm sau khi nó bị giải thể vì các lí do tiết kiệm chi phí và tổ chức. Hạm đội 2, trước đây chịu trách nhiệm tuần tra vùng Bắc Đại Tây Dương, sẽ được đặt tại thành phố Norfolk ở bang Virginia ven Đại Tây Dương và sẽ bắt đầu hoạt động vào ngày 1-7 tới.

“Trong chiến lược quân sự quốc gia mới của chúng ta nói rõ rằng chúng ta đã trở lại thời đại cạnh tranh quyền lực của các cường quốc, số lượng thách thức đối với chúng ta đang tăng lên, tình hình phức tạp hơn. Vì thế chúng ta đang tái lập Hạm đội 2 để đáp trả những thách thức này, đặc biệt là ở Bắc Đại Tây Dương”, Tư lệnh hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson, nói. Trước đó trong năm nay, Lầu Năm Góc đã loan báo một chiến lược quốc phòng mới với ưu tiên là Nga và Trung Quốc.

M.T. (tổng hợp)
.
.