Tổng thống Trump sẽ thay đổi nhân sự Nhà Trắng?

Thứ Năm, 01/06/2017, 17:35
Kết thúc chuyến công du nước ngoài vài ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trở về Washington để tiếp tục đối mặt với cuộc khủng hoảng đang diễn biến ngày càng phức tạp với hàng loạt cuộc điều tra của FBI và các ủy ban trong Quốc hội xung quanh nghi vấn về quan hệ giữa các phụ tá của ông với nước Nga, đặc biệt là vụ việc liên quan đến con rể ông.

Áp lực của các cuộc điều tra vẫn đang đè nặng Nhà Trắng khiến bộ sậu của Tổng thống phải tìm mọi cách giải tỏa. Một chiến dịch PR mới đang hình thành để đối phó khủng hoảng một cách hiệu quả hơn. Ông Trump cũng được cho là đang chuẩn bị thay đổi cách thức Nhà Trắng giao tiếp với báo chí và công chúng.

Theo Washington Post, có thể vai trò của thư ký báo chí Sean Spicer bị thu hẹp lại, đồng thời tăng cường các cuộc tập hợp cử tri theo kiểu như thời vận động tranh cử. Và nhiều khả năng cựu giám đốc chiến dịch tranh cử Corey Lewandowski sẽ được mời trở lại phục vụ cho đợt “cải tổ” này.

Người ta không rõ liệu con rể ông Trump, Jared Kushner sẽ từ chức hay tiếp tục làm việc nhưng đảm nhận vai trò hạn hẹp hơn.

Vấn đề lớn ảnh hưởng đến nhiều mặt hoạt động của Nhà Trắng hiện nay chính là cuộc điều tra nhắm vào con rể ông, Jared Kushner. Ngay từ khi ông Trump còn đang công du ở châu Âu, báo chí ở quê nhà đã làm ầm ĩ lên chuyện Jared Kushner có cuộc gặp riêng với Đại sứ Nga Sergey Kislyak vào tháng 12-2016 tại Trump Tower để bàn về việc thiết lập một “kênh sau” trong quan hệ giữa chính quyền Tổng thống Trump với Điện Kremlin. Và FBI đang điều tra Kushner về nghi vấn này.

Báo chí đeo bám các cố vấn của ông ngay tại châu Âu, trong đó, cố vấn an ninh quốc gia HR McMaster không hé răng nửa lời về vấn đề chính, trong khi thư ký an ninh nội địa John Kelly lại phán rằng “chẳng có chuyện gì lớn lao về Jared cả”, rằng “kênh sau” trong giao tiếp “là chuyện bình thường, có thể chấp nhận được”, là “điều tốt”.

Các thành viên đảng Dân chủ và những người của chính quyền tiền nhiệm (thời Tổng thống Barack Obama), cũng như một bộ phận không nhỏ dư luận nước Mỹ tỏ ra không đồng tình, thậm chí kịch liệt phản đối việc các quan chức chính quyền ông Trump, trong đó có con rể ông, có quan hệ với nước Nga. Bởi lý do rất đơn giản là phần lớn nước Mỹ không ủng hộ Nga vì nhiều lý do, kể cả lý do chính trị, lịch sử.

Hôm 28-5, Nghị sĩ đảng Dân chủ Adam Schiff thuộc Ủy ban Tình báo Hạ viện nói rằng những thông tin báo chí về Kushner là “rất đáng ngại” trong bối cảnh liên quan đến cuộc bầu cử năm 2016 trong đó người Nga bị nghi ngờ can thiệp, thao túng bầu cử theo chiều hướng có lợi cho ông Trump.

Ông Schiff cũng cho rằng Quốc hội Mỹ cần “đi đến tận cùng” đối với các cáo buộc nhắm vào Kushner. Nếu kết quả điều tra là thật thì chắc chắn Kushner sẽ không còn được cấp quy chế an ninh. James Clapper, cựu Giám đốc Tình báo quốc gia thời Tổng thống Obama, cho rằng cho dù vì động cơ, mục đích gì thì việc Kushner tiếp xúc với các quan chức Nga cũng không được chấp nhận, bởi vì ông vốn xem nước Nga là một quốc gia “thù địch” với nước Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và con rể kiêm cố vấn đặc biệt Jared Kushner.

Trước những thông tin ồn ào của báo chí, Kushner đã lên tiếng bày tỏ sẵn sàng ra đối chứng tại quốc hội về những cuộc gặp giữa ông với các quan chức Nga, trong đó có các cuộc gặp với Đại sứ Kislyak.

Vấn đề không chỉ dừng lại ở các cuộc điều tra các mối quan hệ với nước Nga. Ngay khi ông Trump còn ở châu Âu họp với các đồng minh khối NATO, đã xảy ra vụ rò rỉ thông tin mật về cuộc điều tra vụ đánh bom ở Manchester, Anh. Ngay sau đó, người ta xác minh được nguồn rò rỉ thông tin là từ Nhà Trắng.

Cho đến nay vẫn chưa thể xác định được ai trong nội bộ Nhà Trắng là nguồn rò rỉ, nhưng vụ việc đã làm cho Thủ tướng Anh Theresa May nổi giận và khiến Tổng thống Trump bị bẽ mặt trước các đồng minh châu Âu. Những lời chỉ trích, phê phán nhắm vào ông và bộ sậu Nhà Trắng xung quanh vụ rò rỉ thông tin tiếp tục tràn về không ngớt, khiến ông Trump và các phụ tá phải tìm mọi cách lái chúng sang hướng khác.

Trên Twitter sáng Chủ nhật 28-5, Trump đã ghi một loạt câu bình luận trong đó ông cho rằng “nhiều vụ rò rỉ thông tin từ Nhà Trắng là những lời nói dối được giới truyền thông thêu dệt nên”. Ông Trump cho rằng “rất có khả năng những nguồn tin đó không tồn tại nhưng được các cây bút tin giả sáng tạo nên”.

Cũng cần nói thêm rằng, những câu chuyện trên báo chí được trích nguồn nặc danh (hoặc giấu tên) là mô típ đặc thù của báo chí chính trị Mỹ. Và vấn đề rò rỉ thông tin tình báo Anh một lần nữa cho thấy báo chí Mỹ đang rất để tâm đến những câu chuyện loại này.

Còn nhớ, trước khi ông Trump thực hiện chuyến công du, báo chí Mỹ đã làm ầm ĩ chuyện ông Trump tiết lộ thông tin tình báo mật cho Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trong chuyến thăm Mỹ của ông Lavrov trước đó. Chưa hết, nội dung thông tin tiết lộ lại do tình báo Israel chia sẻ với tình báo Mỹ, cho nên khi đặt chân đến Israel và hội đàm với Thủ tướng Israel Netanyahu, ông Trump đã phải giải thích lại và trấn an ông Netanyahu rằng không có chuyện ông tiết lộ thông tin do tình báo Israel cung cấp cho Ngoại trưởng Nga.

Trong vụ việc rò rỉ thông tin vụ Manchester, trợ lý Kelly của ông Trump nhận định rằng tiết lộ thông tin tình báo đây là trường hợp vượt lằn ranh cho phép vì đây là thông tin tình báo của nước ngoài, có độ mật cao.

An Châu (tổng hợp)
.
.