Tổng thống mãn nhiệm Gruzia M. Saakashvili: Những điều được mất

Thứ Hai, 18/11/2013, 20:45

Tổng thống Gruzia Saakashvili sẽ kết thúc nhiệm kỳ thứ hai và chuyển giao quyền lực cho tân Tổng thống Giorgi Margvelashvili vào ngày 17/11 tới đây. Sự kiện này được cho là sẽ mở ra thời kỳ phát triển mới đối với Gruzia. Nhân dịp này, báo chí cả ở trong và ngoài Gruzia, đặc biệt là báo chí Nga đã có mhững đánh giá khác nhau về hai nhiệm kỳ cầm quyền của ông Mikhail Saakashvili.

Mikhail Saakashvili bắt đầu sự nghiệp chính trị dưới sự dẫn dắt của cựu Tổng thống Gruzia Eduard Shevarnadze. Được bầu vào Quốc hội Gruzia, ông trở thành người đứng đầu phái nghị sĩ của đảng "Liên minh công dân Gruzia". Nhưng con đường công danh của Mikhail Saakashvili chỉ được rộng mở sau khi các vụ tham nhũng và gian lận trong bầu cử của các chiến hữu dưới quyền Tổng thống Shevarnadze bị lật tẩy.

Năm 2003, Mikhail Saakashvili đã "giành" được Quốc hội, tạo ra bước ngoặt trên chính trường Gruzia và Tổng thống Shevarnadze đã phải từ chức. Được sự ủng hộ nhiệt thành của người dân Gruzia, trong các cuộc bầu cử Tổng thống sau đó, Mikhail Saakashvili giành được 96% phiếu bầu.

Năm 2004, Tổng thống Saakashvili gặt hái được thành công đầu tiên - khôi phục lại quyền kiểm soát Adjara, vùng lãnh thổ đã ly khai khỏi chính quyền Trung ương Gruzia. Theo các nhà phân tích chính trị, chính thắng lợi có phần dễ dàng ở Adjara đã dẫn đến hành động xâm lược Nam Ossetia sau này của Gruzia.

Ở nước Nga vào thời điểm đó, nhiều lực lượng chính trị có ảnh hưởng đã chủ trương thực hiện "chính sách dàn hòa" với Mikhail Saakashvili. Trong bối cảnh như vậy, nhiều ý kiến đều thống nhất nhận định việc đánh chiếm Adjara bằng sức mạnh quân sự ít có khả năng xảy ra. Nhưng trên thực tế, trong quá trình giải quyết cuộc xung đột cuối cùng giữa Gruzia và Adjara, nhằm chinh phục được Adjara, Gruzia đã phải sử dụng Lữ đoàn Bộ binh cơ giới Batumi Số 25 của quân đội và các binh sĩ Tổng cục 3 Bộ Nội vụ nước này.

Trong khi đó, cần lưu ý rằng tại Batumia, Nga cũng có căn cứ quân sự Số 12 gồm Sư đoàn Bộ binh cơ giới 145, Trung đoàn Bộ binh cơ giới 35 và Tiểu đoàn Xe tăng độc lập 115.

Mặc dù Gruzia được coi là biểu tượng của nền dân chủ non trẻ, được “ca ngợi” vì sự trong sạch của chế độ và những giá trị dân chủ. Bà Hillary Clinton và ông Joe Mckey đã đề cử tặng giải Nobel Hòa bình cho Tổng thống Saakashvili. Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã liên tục nâng mức đánh giá đối với Gruzia trong lĩnh vực chống tham nhũng.

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu chính trị Maxim Grigoriev - Giám đốc Quỹ Nghiên cứu các vấn đề dân chủ, thành viên Viện Xã hội Liên bang Nga, thực trạng nạn tham nhũng ở Gruzia khác xa với những gì đã được tuyên truyền. Là tác giả cuốn sách vừa được xuất bản ở Nga "Chế độ Saakashvili: Đó là những gì?", Maxim Grigoriev cho rằng một trong những thành tích tuyên truyền quan trọng nhất của chế độ Saakashvili là họ đã xây dựng được câu chuyện hoang đường về các thành tựu chống tham nhũng ở đất nước này.

Sau thất bại của đảng cầm quyền của Tổng thống Saakashvili trong các cuộc bầu cử năm 2012, nhiều nghị sĩ Quốc hội Gruzia bắt đầu buộc tội cá nhân Tổng thống Saakashvili và gia đình đã thiết lập sự kiểm soát đối với toàn bộ các ngành kinh tế của đất nước, chuyển nhượng tài sản quốc gia với giá tượng trưng cho những người thân thích nhất của mình. Thị trưởng Tbilisi Gigi Ugulava bị buộc tội chiếm đoạt và biển thủ tài sản quốc gia khi mua lại Hãng truyền hình Imedi. Cựu lãnh đạo Cảnh sát Tài chính và cựu Bộ trưởng Quốc phòng David Kezerashvili bị buộc tội nhận hối lộ  4,669 triệu USD và các khoản thu nhập bất hợp pháp khác với số tiền 12,334 triệu USD. Cựu Bộ  trưởng Tài chính Alexander Heruari, cựu Bộ trưởng Tư pháp và Giáo dục Nika Gvaramiya bị buộc tội nhận hối lộ 1 triệu USD.

Nhà nghiên cứu chính trị Maxim Grigoriev.

Dưới thời của Tổng thống Saakashvili, có một thực tế là các doanh nhân sẵn sàng  "tặng" tài sản của mình. Thực chất, do vi phạm pháp luật, sợ bị giam cầm, các doanh nhân này đã buộc phải hợp thức hóa giấy tờ tự nguyện chuyển giao tài sản. Một ví dụ điển hình, cựu lãnh đạo Cục An ninh Hiến pháp thuộc Bộ Nội vụ Gruzia dùng vũ khí đe dọa, buộc doanh nhân David Begiashvili hợp thức hóa giấy tờ để chuyển tài sản của mình cho ông ta. Hành động này diễn ra ngay trong tòa nhà của Bộ Nội vụ - biểu tượng của những cải cách thành công lực lượng cảnh sát.  

Maxim Grigoriev còn cho rằng, Tổng thống Saakashvili đã kiên trì xây dựng cho mình một hệ thống quyền lực riêng với các dấu hiệu của một nhà nước độc tài. Mikhail Saakashvili đã lập ra một hệ thống đàn áp nhằm vào các đối thủ chính trị, những người bất đồng chính kiến và người thân của họ.

Ở Gruzia vẫn lưu truyền các đồn đoán xung quanh cái chết của Zurab Zhvania và Badri Patarkashvili - những đối thủ chính trị của Tổng thống Saakashvili. Nhiều nhà chính trị Gruzia đã thẳng thắn cho rằng đó là những vụ ám sát chính trị…

Chế độ của ông Saakashvili cũng nổi tiếng về gian lận trong các cuộc bầu cử ở Gruzia. Họ đã thực hiện việc mua chuộc cử tri với quy mô rộng bằng "chứng từ Tổng thống" vào năm 2006 và tuyển dụng lao động giả nhằm rút tiền từ ngân sách quốc gia để trả lương cho 21.000 tuyên truyền viên của đảng vào năm 2012.

Chế độ của ông Saakashvili đang đi dần vào quá khứ. Các cuộc bầu cử vừa diễn ra là các cuộc bầu cử đầu tiên trong thời gian gần đây không đi liền với các cáo buộc gian lận lớn. Các kết quả của cuộc bầu cử tổng thống ở Gruzia vừa được công bố cho thấy, theo nhà nghiên cứu chính trị Maxim Grigoriev, "những bông hồng cách mạng" vừa tàn

Hoàng Tuất (theo Izvestia)
.
.