Trắc trở đàm phán Anh-EU

Thứ Ba, 03/03/2020, 17:56
Chỉ còn vài ngày trước thời điểm chính thức bước vào cuộc đàm phán về một thỏa thuận song phương hậu Brexit tại Brussels (Bỉ) từ ngày 2 đến ngày 5 tháng 3 nhưng Anh và Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề, thậm chí thể thức đàm phán cho đến giờ cũng chưa được thống nhất.

Những quan điểm đối nghịch nhau của hai phía cho thấy giai đoạn đàm phán về quan hệ thương mại tương lai giữa nước Anh và EU có thể gặp nhiều trắc trở như quá trình đàm phán thỏa thuận “ly hôn” kéo dài hơn 3 năm qua.

Ngày 27-2, Chính phủ Anh đã công bố văn bản ủy nhiệm đàm phán với EU về quan hệ song phương thời hậu Brexit thể hiện rõ quan điểm cứng rắn, trong đó nhấn mạnh mong muốn một tương lai tự do về kinh tế và chính trị.

Theo đó, từ nay đến tháng 6 tới, hai bên sẽ phải thống nhất những nội dung mà phía Anh gọi là "chung nhất" cho một thỏa thuận để có thể tiến tới hoàn tất thỏa thuận chi tiết vào tháng 9 nếu không Anh sẽ hướng tới một thỏa thuận theo mô hình EU-Australia. Văn bản ủy nhiệm đàm phán mới được Chính phủ Anh công bố nêu rõ vào ngày 31-12-2020, Anh sẽ khôi phục hoàn toàn tự do kinh tế và chính trị.

Văn bản thể hiện tầm nhìn về một mối quan hệ Anh-EU dựa trên hợp tác hữu nghị giữa những bên bình đẳng về chủ quyền, trong đó các bên tôn trọng quyền tự trị về luật pháp và quyền quản lý nguồn tài nguyên thuộc sở hữu riêng mà mỗi bên xem là phù hợp. Thủ tướng Anh Boris Johnson, người đứng đầu chiến dịch vận động ủng hộ Brexit giao nhiệm vụ cho nhóm đàm phán "đảm bảo một cuộc chia tay dứt khoát" với EU.

Cả hai bên đều khẳng định mong muốn thống nhất một thỏa thuận trước hạn chót 31-12 để duy trì ổn định dòng chảy thương mại song phương, với một số hoạt động kiểm soát bổ sung và các dàn xếp về những vấn đề như giao thông hàng không, có thể được tiếp tục một cách êm thấm. Tuy nhiên, ở thời điểm chỉ còn vài ngày trước khi bước vào đàm phán, hai bên vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề, thậm chí thể thức đàm phán còn chưa được thống nhất.

Trước đó, Anh và EU đã bất đồng về các cuộc đàm phán hậu Brexit, khi London bác bỏ hoàn toàn các yếu tố chính trong bộ khung đàm phán của EU, tạo ra sự khởi đầu trắc trở cho các cuộc đàm phán vào tuần tới.

Đàm phán hậu Brexit Anh-EU có nguy cơ không đạt được kết quả như kỳ vọng.

Trong lúc trưởng đoàn đàm phán EU cảnh báo sẽ không từ bỏ các nguyên tắc để đạt được một thỏa thuận, người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng phản ứng bằng tuyên bố Anh sẽ không nhượng bộ trước các yêu cầu của Brussels đòi hỏi quyền tiếp cận tới khu vực đánh cá hoặc khẳng định rằng các công ty Anh phải tuân thủ các tiêu chuẩn của EU về hàng hóa. Không chỉ cảnh báo các cuộc đàm phán sẽ khó khăn, thậm chí là “vô cùng khó khăn”, trưởng đoàn đàm phán thương mại với Anh Michel Barnier khẳng định: “Chúng tôi sẽ không tiến tới một thỏa thuận bằng bất kỳ giá nào”.

Theo các nhà phân tích, trong bối cảnh các cuộc đàm phán bắt đầu vào ngày 2-3, dự đoán trong một bầu không khí ngột ngạt, thời hạn chót vào ngày 31-12 để đạt được một thỏa thuận đang thu hẹp dần, ông Boris Johnson lại tuyên bố sẽ không tìm cách gia hạn tiến trình đàm phán. Khi đó, Anh rời khỏi EU vào cuối tháng 1-2020 theo thỏa thuận “ra đi” được nhất trí vào cuối năm 2019 và sẽ được coi là “nước thứ 3” ngoài EU trong các cuộc đàm phán mặc dù họ vẫn giao thương với các nước khác như một thành viên EU cho đến hết tháng 12-2020, khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc. Nếu không có thỏa thuận về mối quan hệ mới, thương mại giữa EU và Anh sẽ trở lại tuân thủ các thỏa thuận cơ bản theo quy tắc của WTO, gây tổn thất về kinh tế với cả hai bên, đặc biệt là Anh.

Trong khi đó, theo yêu cầu của EU, Anh phải tuân thủ các tiêu chuẩn của châu Âu nếu London muốn hàng hóa của họ tiếp tục được tiếp cận thị trường chung khổng lồ với mức thuế 0%. Bất kể thỏa thuận nào đạt được với Anh đều phải bao gồm “các cam kết” tuân thủ các quy tắc này. Brussels lo sợ rằng nếu không có sự đảm bảo “sân chơi bình đẳng”, Anh có thể tìm cách cạnh tranh với châu Âu qua việc hạ thấp thuế suất và các tiêu chuẩn về môi trường và lao động.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, nếu không đạt được thỏa thuận thương mại song phương với EU, mỗi năm, Anh có thể mất 32 tỷ USD kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sang các nước EU. Hiện thị trường EU chiếm tới 46% hàng hóa xuất khẩu của Anh, do đó việc Anh không có được một thỏa thuận với EU sẽ tác động mạnh đến kinh tế của nước này.

Cụ thể, mức thiệt hại 32 tỷ USD trên tương ứng 14% giá trị kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Anh sang EU. Trong đó, một nửa thiệt hại bắt nguồn từ các biện pháp thuế quan mà hai bên có thể áp dụng và một nửa do các biện pháp phi thuế quan ảnh hưởng đến giao thương giữa hai bên như các quy định về y tế, môi trường và tiêu chuẩn đóng gói hàng hóa.

Không chỉ Anh, với EU, nếu không đạt được thỏa thuận với “xứ sở sương mù”, một số nước EU cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực. Ireland là quốc gia chịu tổn thất nhất với hàng hóa xuất khẩu có thể giảm tới 10% nếu kịch bản không thỏa thuận xảy ra.

Cuối tháng 1, Anh đã rời EU, đồng thời tuyên bố tìm cách đạt được quan hệ thương mại mới với khối này vào cuối năm nay. Các nhà kinh tế nhận định ngay cả khi hai bên đạt được một thỏa thuận "tiêu chuẩn" tương tự thỏa thuận EU-Canada, xuất khẩu hàng hóa của Anh sang EU vẫn giảm khoảng 9%.

Tuy nhiên, với kịch bản không thỏa thuận thương mại giữa EU và Anh, đây lại là cơ hội đối với một số nước đang phát triển xuất khẩu sang Anh và cả EU. Những hàng rào thương mại giữa Anh và EU sẽ có lợi các nước thứ 3. Ngược lại, việc hai bên đạt được thỏa thuận thương mại sẽ ngăn cản động lực chuyển hướng tìm kiếm đối tác thương mại tại những nước thứ 3.

Dự báo xuất khẩu hàng hóa từ các nước đang phát triển sang Anh có thể tăng tới 4%, tập trung nông sản, thực phẩm, đồ uống, gỗ và giấy.

Theo kế hoạch, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier sẽ bắt đầu vòng đàm phán đầu tiên với Vương quốc Anh từ ngày 2 đến ngày 5 tháng 3 tới tại Brussels (Bỉ) và vòng đàm phán thứ 2 sẽ diễn ra tại London vào cuối tháng 3 tới với chương trình nghị sự gồm thương mại, an ninh, chính sách đối ngoại cùng nhiều lĩnh vực khác. Tuy nhiên, thực tế này là dấu hiệu cho thấy tiến trình đàm phán sẽ rất căng thẳng.

Quang Nguyễn
.
.