Tổng thống Roh Moo-hyun tự minh oan bằng cách gieo mình từ mỏm núi chim cú

Thứ Sáu, 07/04/2017, 19:05
Tổng thống Lee Myung-bak tuyên bố việc cựu Tổng thống Roh Moo-hyun qua đời là "một bi kịch của dân tộc" đồng thời yêu cầu "các cơ quan hữu quan cần nhanh chóng thực thi các biện pháp để giải quyết tình hình" và các biện pháp này phải thể hiện "sự tôn trọng" đối với vị cựu tổng thống đáng kính.


Nếu như Tổng thống Roh Moo-hyun có đông đảo người ủng hộ bao nhiêu thì sau lưng ông cũng không ít thành phần chống đối. Nhưng đa số các nhà sử học và chính trị học đều thừa nhận rằng, vị cố lãnh đạo này đã trải qua nhiều khó khăn với quyết tâm cao độ cùng lập trường không gì lay chuyển trong mọi tình huống và rằng tất cả những nỗ lực và sự tận tụy của ông xuất phát từ bầu nhiệt huyết muốn tạo ra một xã hội tốt đẹp hơn.

Cựu Tổng thống Roh Moo Hyun và vợ, bà Kwon Yang Sook, trong lần xuất hiện trước công chúng vào tháng 2-2009. Ảnh: AP.

Thế mà vào những ngày cuối đời, ông cũng không thoát khỏi những tì vết chính trị. Năm 2007, Hàn Quốc bước vào cuộc bầu cử tổng thống mới. Tổng thống Roh Moo-hyun quyết định rút lui khỏi chính trường. Trong quãng thời gian chuyển giao quyền lực, ông không thể lưu lại trong Nhà Xanh (Dinh Tổng thống Hàn Quốc) cũng như không thể thuê tạm trú bên ngoài. Đây là tình tiết bi hài của vị tổng thống đầu tiên trong lịch sử xứ Hàn không đủ tư cách để thuê nhà tại thủ đô Seoul sau khi rời nhiệm sở vì… không có hộ khẩu.

Theo luật Hàn Quốc, một người không có hộ khẩu tại Seoul thì không được thuê nhà trừ trường hợp được chính phủ phong tặng danh hiệu là "Người có công với quốc gia".  Đầu năm 2008, sau khi chính thức trao quyền lực cho tân Tổng thống Lee Myung-bak, ông Roh Moo-hyun đã cùng vợ ngồi lên xe ôtô đi thẳng về làng Bonghwa quê hương mình, cách thủ đô Seoul 450km.

Tại quê hương, ông Roh Moo-hyun được cư dân chào đón như một vị anh hùng trở về. Cựu tổng thống hy vọng sau những năm tháng vượt lên hoàn cảnh và số phận để đấu tranh không mệt mỏi cho nền dân chủ đất nước, chống độc tài, chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy công quyền sẽ có những ngày cuối đời êm đẹp bên những người thân yêu nhất.

Ông sống trong ngôi nhà nhỏ của gia đình bên sườn núi, tham gia các hoạt động xã hội như tiếp xúc người dân, trao đổi quan điểm, bày tỏ sự ủng hộ, giúp đỡ gia đình những người dân nghèo muốn có con cái được học hành đến nơi đến chốn...

Mỗi sáng Chủ nhật hàng tuần lại có hàng trăm chuyến xe hơi, xe buýt chở hàng nghìn người đến trước cửa nhà ông với hy vọng được một lần gặp ông và nghe ông nói chuyện. Nhiều bậc cha mẹ còn mang con mình đến để được ông cầu phúc.

Tờ New York Times (Mỹ) bình luận: "Việc một vị cựu tổng thống có sức hút mạnh mẽ đến vậy là điều chưa từng có trong lịch sử Hàn Quốc". Kim Min-jeong, một hướng dẫn viên du lịch, cho biết: "Khoảng 8 lần trong ngày, ông Roh lại ra chào và nói chuyện với mọi người ngay trong sân nhà. Điều này quá đặc biệt bởi theo lẽ thường một cựu tổng thống chỉ nhận được những tiếng la hét phản đối hay các cuộc biểu tình sau khi rời nhiệm sở mà thôi".

Tai tiếng bắt đầu bủa lên cựu Tổng thống Roh Moo-hyun khi ông Park Yeon-cha, Chủ tịch Tập đoàn da giày Tae Kwang bị Cơ quan điều tra Hàn Quốc bắt giam vào tháng 12-2008 về tội trốn thuế. Trong lúc cung cấp lời khai cho Cơ quan điều tra, Park Yeon-cha tố cáo ông Roh Moo-hyun khi còn tại vị đã nhận hối lộ 6 triệu USD từ ông và 2 đồng hồ đeo tay trị giá 78.000 USD, vợ của ông Roh Moo-hyun thì nhận 1 triệu USD.

Biển người tiễn đưa cố Tổng thống Roh Moo Hyun.

Một nhân vật khác là cựu Giám đốc tình báo quốc gia Kim Man-bok cũng bị điều tra về thông tin vào năm 2007, ông này đã chỉ đạo cho nhân viên tình báo thuộc cấp… tìm nhà cho con trai ông Roh Moo-hyun tại Mỹ! Ngày 10-5-2008, ông Jung Sang-moon, nguyên thư ký Phủ tổng thống dưới thời ông Roh Moo-hyun đã bị công tố buộc tội biển thủ một số tiền tương đương 1 triệu USD trong ngân sách của Phủ tổng thống.

Nhân vật thân tín của cựu Tổng thống Roh Moo-hyun còn bị tố cáo nhận tiền đút lót khoảng 300.000 USD từ doanh nhân Park Yeon-cha đã đề cập ở trên, trước khi ông Roh Moo-hyun mãn nhiệm. Chưa hết, theo lời khai của lãnh đạo Tập đoàn Tae Kwang, ông Park còn gửi thêm 5 triệu USD cho Yeon Cheol Ho, chồng của cháu ông Roh, để chuyển cho Roh Geon Ho, 35 tuổi, con trai độc nhất của ông Roh.

Lúc đầu, các công tố viên tập trung điều tra những gì liên quan tới 1 triệu USD mà cựu đệ nhất phu nhân Kwon Yang Sook thừa nhận đã nhận từ doanh nhân Park. Số tiền này, theo các công tố viên, đủ để khởi tố cựu tổng thống vì tội nhận hối lộ. Khi đến cơ quan điều tra ở Busan để trả lời thẩm vấn vào ngày 11-4, bà Kwon từ chối bình luận về việc tiền đã được chi tiêu thế nào nhưng như thế cũng khiến bà mang tiếng là đệ nhất phu nhân đầu tiên bị điều tra, kể từ khi thành lập nước này.

Trong khi đó, cựu tổng thống Roh Moo-hyun cho biết, ông không hề biết chuyện "bà lại mở cửa sau"; mãi cho đến lúc vụ việc vỡ lở thì ông mới được vợ thông báo số tiền nhận từ ông Park nên cho rằng, đây không phải là "tiền hối lộ" mà chỉ là một khoản tiền vay, "một khoản đầu tư" vào chuyện làm ăn của thành viên gia đình mình.

Tuy nhiên, viện công tố khẳng định: doanh nhân Park đã khai chính ông Roh hỏi vay số tiền trên để lo cho con trai học tại Mỹ.

Về vụ hối lộ 5 triệu USD, các điều tra viên cho rằng, có liên quan đến một công ty đầu tư mà con trai ông Roh đang nắm giữ cổ phần lớn. "Nhân vật trung gian" Yeon Cheol Ho bị cáo buộc là đã thăm một nhà máy của ông Park ở Việt Nam vào cuối năm 2007; và con trai của ông Roh đã đi theo ông này với mục đích rõ ràng là gây áp lực lên ông Park.

Trước khi bị cơ quan điều tra thẩm vấn, ông Roh Moo-hyun đã viết trên website của mình: "Chịu trách nhiệm về đạo đức và chịu trách nhiệm về luật pháp là hai phạm trù khác nhau" điều này cho thấy ông Roh cho rằng mình và gia đình không thể bị trừng trị theo luật pháp. Dù vậy, cũng trên website của mình, cựu tổng thống Hàn Quốc thừa nhận "nhà tôi", tức cựu đệ nhất phu nhân Kwon Yang Sook, đã "mượn" 1 triệu USD từ ông Park "để trả nợ" và khẳng định sẽ hợp tác với cơ quan điều tra.

"Tôi không còn mặt mũi nào để nhìn mọi người. Tôi xin lỗi là đã làm cho mọi người thất vọng" - ông Roh Moo-hyun tuyên bố trong sự xúc động khi đến trình diện trước cơ quan luật pháp. Sau khi tiến hành thẩm vấn cựu tổng thống suốt hơn 12 tiếng đồng hồ, ngày 30-4-2009, Viện công tố tối cao Seoul ra quyết định truy tố ông Roh Moo Hyun vì tội nhận hối lộ.

Như lẽ thường, giới truyền thông Hàn Quốc lao vào hăng say "mổ xẻ" scandal chính trị đình đám nhất năm 2009. Tờ Chosun Ilbo "bắn phát pháo"  khai màn khi bình luận: "Cựu tổng thống Roh Moo Hyun hiện chỉ còn một cách nói sự thật và chỉ có thể tự trách mình. Phẩm giá của Hàn Quốc đã bị ảnh hưởng. Thế giới nghĩ thế nào về chúng ta?". Thật oái oăm là khi nắm quyền, ông Roh từng chỉ trích tầng lớp được ưu đãi đã bị tệ tham nhũng làm hoen ố. Ông tranh cử với khẩu hiệu quyết liệt chống tham nhũng khiến người dân tin tưởng và suy tôn ông là "Ngài trong sạch".

Tờ Chosun Ilbo bình luận tiếp: "Thế mà khi lên làm tổng thống, ông ấy đã viết lên lịch sử Hàn Quốc hiện đại những dòng chữ "thủ tiêu công lý", "loại bỏ chính trực" và "chủ nghĩa cơ hội".

Tờ Korea Times cho rằng "cựu tổng thống phải bị đánh giá dựa trên khả năng và tính chính trực của những người xung quanh ông" vì trước khi vụ lùm xùm này nổ ra còn lộ ra vụ anh trai ông Roh, Roh Gun Pyeong, 66 tuổi, bị khởi tố vào tháng 12-2008, sau khi có những cáo buộc nhận hối lộ 2,3 triệu USD.

Con người từng được cựu tổng thống mô tả là "một nông dân khiêm tốn" bỗng biến thành một tay môi giới chính trị tham lam, biết sử dụng ảnh hưởng của em mình trong những "phi vụ buôn nước bọt". Thế mà khi anh trai của ông bị bắt, ông Roh giữ im lặng hoặc chỉ bình luận vài lời qua loa.

Đội ngũ các công tố viên và cách thức thẩm vấn, truy cứu đến cùng của họ được xem là mang động cơ chính trị chứ không vì công lý đã khiến vị cựu tổng thống cảm thấy nhục nhã. Thế nhưng, trong thời gian gần 2 tháng thường phải có mặt tại cơ quan điều tra và chịu thẩm vấn, khi quay về nhà, ông vẫn đọc sách, chèo thuyền hoặc đi bộ khắp các ngọn đồi quanh dinh thự của mình và bình thản tiếp chuyện với mọi người. Dựa trên những thông tin lưu lại trên máy tính của ông Roh ở nhà, cảnh sát cho biết ông đã hoàn thành lá thư tuyệt mệnh dài 14 dòng vào lúc 5 giờ 44 phút sáng ngày 23-5-2009.

Chừng ít phút sau, ông xỏ giày leo núi, nói với người cận vệ riêng tên là Lee Byong-chun: "Tôi đi dạo đây". Người cận vệ lúc đó không thấy dấu hiệu bất thường nào từ phía ông Roh cho dù trông ông có vẻ mệt mỏi. 6 giờ sáng, cựu tổng thống đã lên đến ngọn núi Bonghwa. Năm trước, ông từng leo ngọn núi này nhiều lần. Mỏm núi nơi cựu tổng thống Hàn Quốc dừng chân có tên là mỏm Chim cú, từ đây có thể phóng tầm mắt chiêm ngưỡng phong cảnh làng quê Bonghwa yên bình và là nơi ông Roh thích nhất, có lẽ vì vậy mà ông đã chọn nơi đây để kết thúc những ngày tháng đầy thăng trầm của cuộc đời mình.

Khi dừng bước đưa mắt nhìn ngôi nhà của mình và đồng lúa quê hương, người cận vệ bắt đầu thấy ông có những biểu hiện bất thường nên luôn giữ khoảng cách 1-2 mét bên cạnh. Lúc đó, có một người leo núi đi ngang qua, ông Roh khi đó bình thản hỏi: "Ai thế? Anh ta là phóng viên à?". Chàng cận vệ quay người như để xem đấy là ai, thì bất ngờ, ông Roh tiến lên hai bước và nhảy xuống vực sâu bên dưới. Lúc đó là 6 giờ 45 phút, Lee Byong-chun chứng kiến toàn bộ nhưng không kịp trở tay vì mọi việc diễn ra quá nhanh. Ông Roh nhanh chóng được đưa vào bệnh viện thành phố Busan lúc 8 giờ 13 phút và qua đời lúc 9 giờ 30 phút do vỡ sọ não.

Luôn hãnh diện là một chính trị gia trong sạch ở một quốc gia từ lâu vẫn bị tệ nạn tham nhũng hoành hành, những lời cuối trong thư tuyệt mệnh của ông vẫn thể hiện lòng tự trọng: "Tôi mang nợ với quá nhiều người. Họ đang phải chịu thống khổ vì tôi. Đừng thương tiếc tôi, đừng phiền trách ai khác. Đó chỉ là định mệnh". Những dòng cuối thư, ông khẳng định: "Tôi thật sự quá xấu hổ. Tôi càng xấu hổ hơn với những người đã tin tưởng và ủng hộ tôi. Tôi thành thật xin lỗi. Nhưng tôi hoàn toàn trong sạch. Lịch sử sẽ phán xét tôi".

Sự ra đi bất ngờ của cựu Tổng thống Roh Moo-hyun đã khiến cả đất nước Hàn Quốc bàng hoàng và đau đớn. Vài giờ sau cái chết của cựu Tổng thống Roh Moo-hyun, dường như cảm nhận được mũi dùi công luận sẽ hướng thẳng về phía mình, Bộ trưởng Tư pháp Hàn Quốc Kim Kyung-han tuyên bố khép lại cuộc điều tra các cáo buộc tham nhũng đối với gia đình người quá cố. Các chuyên gia sức khỏe tâm thần lập tức ra lời cảnh báo về hiệu ứng tự tử "theo gương một nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội".

Từ tối 23-5, hàng chục ngàn người dân Seoul đã đổ về đặt hoa viếng cựu Tổng thống ở bàn thờ dựng trước cửa Cung điện Toksoo. Trong khi vật vã đau buồn cho ông, nhiều người lớn tiếng chỉ trích giới truyền thông, một số người khác than trách sao ông Roh Moo-hyun không đợi đến khi hệ thống tư pháp ra quyết định cuối cùng.

Tổng thống Lee Myung-bak tuyên bố việc cựu Tổng thống Roh Moo-hyun qua đời là "một bi kịch của dân tộc" đồng thời yêu cầu "các cơ quan hữu quan cần nhanh chóng thực thi các biện pháp để giải quyết tình hình" và các biện pháp này phải thể hiện "sự tôn trọng" đối với vị cựu tổng thống đáng kính.

Người tiền nhiệm của cố Tổng thống Roh Moo-hyun, ông Kim Dae-Jung, nói rằng ông đã mất đi "một người bạn đồng hành trong suốt cuộc đời, người cùng tôi tranh đấu cho dân chủ và chia sẻ một chính phủ dân chủ trong 10 năm. Người bạn cả đời hiên ngang vì nền dân chủ nhưng rồi cũng không chịu nổi áp lực của truyền thông vì cáo buộc tham nhũng!".

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.