Tranh cãi quanh việc gia hạn nhiệm kỳ của Giám đốc FBI Robert Mueller

Thứ Bảy, 28/05/2011, 19:20

Giám đốc Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) Robert S. Mueller đang bị nhân viên dưới quyền phản ứng quyết liệt vì việc gia hạn nhiệm kỳ của ông. Một cuộc tranh cãi gay gắt cũng đang diễn ra xoay quanh chính sách hạn chế thời gian nhiệm chức của các vị trí quản lý.

Cuộc tranh cãi và phản ứng mạnh mẽ của nhiều nhân viên FBI nảy sinh khi Tổng thống Barack Obama muốn tiếp tục giữ ông Robert Mueller trên ghế giám đốc FBI thêm vài năm. Hiện Quốc hội Mỹ đang xem xét đề xuất của Tổng thống Obama về việc gia hạn nhiệm kỳ hiện tại của ông Mueller thêm 2 năm nữa. Ông Obama cho rằng việc gia hạn này là nhằm bảo đảm tính ổn định ở vị trí lãnh đạo của FBI khi các cơ quan phụ trách về an ninh khác, như CIA, Bộ Quốc phòng, Hội đồng An ninh quốc gia đang có những sự thay đổi lãnh đạo. Nhưng thực tế lại không đơn giản như vậy.

"Chúng tôi hiểu ý muốn ổn định. Nhưng mọi người ở đây đang hỏi rằng “Thế còn sự ổn định của tôi thì sao?”. Điều trớ trêu là sự ổn định này lại không được áp dụng cho các nhóm trưởng, đội trưởng của FBI" - phát biểu của Konrad Motyka, Chủ tịch Hiệp hội Nhân viên FBI.

Ý kiến của ông Motyka phản ánh vấn đề chính gây nên những tranh cãi và phản ứng quyết liệt của nhân viên FBI. Đó là chính sách hạn chế thời gian nhiệm chức của các vị trí quản lý dưới quyền giám đốc, bị giới chuyên môn đánh giá là kỳ cục nhất trong các cơ quan an ninh Mỹ, được áp dụng kể từ sau sự kiện khủng bố 11/9/2001. Chính sách được gọi nôm na là "đi lên hay bị đào thải" (up or out) này bắt buộc các nhân viên quản lý của FBI sau một thời gian nhiệm chức nhất định phải rời vị trí đó và nộp đơn xin chuyển lên một vị trí quản lý cao hơn. Nếu anh nào không nộp đơn chuyển lên trên thì sẽ phải hoặc là nghỉ hưu sớm hoặc là bị giáng xuống làm nhân viên thường với mức lương thấp hơn trước đây.

Các lãnh đạo FBI cho biết, mục đích của việc áp dụng chính sách "đi lên hay bị đào thải" này chủ yếu là nhằm tạo ra sự cạnh tranh trong hàng ngũ quản lý của FBI, khi số người cùng xin chuyển lên thì nhiều mà các vị trí ở cấp càng cao thì càng ít.

Việc áp dụng chính sách cạnh tranh này được cho là xuất phát từ thực tế số lượng nhân viên FBI gia tăng mạnh kể từ sau sự kiện 11-9. Theo báo cáo của Bộ Tư pháp Mỹ, trong 10 năm qua, quân số của FBI đã gia tăng thêm 3.000 người, trong đó có hàng trăm vị trí, công việc mới nảy sinh, còn số chuyên gia phân tích tình báo tăng gấp 3 lần, và FBI hiện đang chuyển dần sang mô hình của một cơ quan tình báo hơn là một cơ quan điều tra như truyền thống lâu nay.

Tháng 6/2004, chính sách "đi lên hay bị đào thải" chính thức được Giám đốc Mueller ký ban hành, với thời hạn quy định là 5 năm đối với các đội trưởng quản lý tại các trạm, văn phòng đại diện của FBI. Đến năm 2008, thời hạn nhiệm chức này được tăng lên 7 năm. Trong 7 năm triển khai chính sách này, đã có 1.055 nhân viên quản lý trong FBI được thăng tiến các vị trí cao hơn, đồng thời cũng có không ít người nghỉ hưu sớm hoặc bị giáng cấp vì không thể cạnh tranh các vị trí mong muốn.

Nhiều nhân viên FBI không đồng ý việc gia hạn thời gian tại nhiệm cho ông Mueller.

Không thể phủ nhận ông Mueller có công lao không nhỏ trong thành công của FBI trong cuộc chiến chống khủng bố 10 năm qua. Thành tựu đáng khích lệ nhất của cơ quan này là đã kiểm soát tốt tình hình an ninh bên trong nước Mỹ, kịp thời phát hiện và ngăn chặn nhiều âm mưu khủng bố trên đất Mỹ, bắt giữ nhiều phần tử cực đoan, khủng bố nguy hiểm ngay trước khi chúng kịp ra tay thực hiện hành vi khủng bố. Dưới thời Mueller, FBI cũng đã lật tẩy nhiều gián điệp làm nội gián cho tình báo nước ngoài, nổi cộm nhất là các vụ gián điệp Israel bên trong Bộ Quốc phòng, các vụ chuyển thông tin kỹ thuật quốc phòng và kỹ thuật công nghiệp cho tình báo Trung Quốc, rồi vụ phá vỡ mạng lưới 10 điệp viên Nga…

Với những thành tích đạt được, ông Mueller đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ cả 2 đảng trong Quốc hội. Đặc biệt, đề xuất gia hạn nhiệm kỳ thêm 2 năm cho ông Mueller đã nhận được sự ủng hộ khá mạnh mẽ của các thành viên đảng Dân chủ trong Quốc hội, Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder và Hiệp hội Các nhà phân tích tình báo FBI.

Cũng chính việc Tổng thống Obama ưu ái ông Mueller và muốn giữ ông lại ghế lãnh đạo FBI đã khiến cho tham vọng thăng tiến lên vị trí lãnh đạo FBI của một số người bị chặn lại. Hơn nữa, tuy được lòng cấp trên, nhưng ông Mueller lại không được lòng thuộc cấp do phong cách lãnh đạo quá cứng nhắc và xa cách, chỉ biết phục vụ cho cấp trên nhưng lại bỏ qua những vấn đề mà thuộc cấp quan tâm. Vì vậy, tiếp tục tại vị trong tình trạng quan hệ với thuộc cấp không được tốt có thể khiến ông Mueller gặp không ít khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ được giao

Quốc Vương (tổng hợp)
.
.