Trung Đông nhìn từ một Iran lao đao trong đại dịch

Thứ Ba, 31/03/2020, 18:56
Những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 ở Iran đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế. Hiện tại, không những số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Iran tăng nhanh, tỷ lệ tử vong cao mà nó đã lây nhiễm một cách nhanh chóng, khiến nhiều quan chức chính phủ mắc bệnh.

Sự thất bại trong kiểm soát dịch làm nảy sinh một loạt hậu quả trong nước và quốc tế.

Lan nhanh chóng mặt

Theo giới phân tích, sự bất ổn chính trị là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh lan nhanh tại Iran những ngày qua. Sau khi tướng Qasem Soleimani bị ám sát và máy bay chở khách bị bắn hạ vào đầu năm nay, Chính phủ Iran phải đối diện với sức ép lớn hơn ở cả trong và ngoài nước. Lòng tin của dân chúng, bao gồm cả đối với hệ thống y tế công cộng, bị suy giảm. Nhiều người tỏ ra không tin vào khả năng ứng phó và số liệu công bố của chính phủ, không hợp tác trên các phương diện như xét nghiệm, cách ly... Bên cạnh đó, nhiều người Iran lo ngại về nguy cơ lây nhiễm khi đến bệnh viện.

Các hoạt động tôn giáo cũng góp vai trò thúc đẩy sự lây lan của dịch bệnh. Thông tin cho hay dịch bệnh ở Iran đã lan từ Qom - thánh địa của những người theo dòng Hồi giáo Shiite ra bên ngoài. Chủng viện Qom là học viện tôn giáo cấp cao nhất dành cho người Shiite, vì vậy Qom cũng được coi là một thành phố chính trị ngang hàng với thủ đô Tehran, thu hút hàng chục triệu tín đồ dòng Shiite đến hành lễ mỗi năm.

Sau khi xuất hiện các ca mắc COVID-19 đầu tiên, các địa điểm tôn giáo không đóng cửa kịp thời dưới áp lực từ bên ngoài - thậm chí còn khuyến khích tập trung, chủ trương sử dụng tín ngưỡng để chữa bệnh. Qom cũng bị cho là chậm trễ trong việc phong tỏa thành phố dẫn tới khó khăn khi ngăn chặn xu hướng lan rộng của dịch bệnh. Qua khảo sát, một số ca bệnh “nhập khẩu” của các nước như Azerbaijan, Afghanistan, Bahrain, Kuwait, Iraq, Oman, Canada... cũng có liên quan đến hoạt động tôn giáo với Qom.

Trung Đông cần một giải pháp hòa giải chính trị và cùng phòng, chống dịch bệnh.

Cùng với đó, hệ thống y tế quá tải cũng là một nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát nhanh chóng. Theo Chỉ số an ninh sức khỏe toàn cầu năm 2019, Iran đứng thứ 97 trên thế giới về xếp hạng năng lực y tế tổng thể với 37,7 điểm, trong đó năng lực phản ứng nhanh với các bệnh dịch đứng thứ 109 toàn cầu với 33,7 điểm, tất cả đều dưới mức trung bình toàn cầu. Thực tế tình hình hiện nay, Iran không những thiếu giường bệnh, thiết bị xét nghiệm mà vấn đề nghiêm trọng hơn là thiếu thiết bị bảo hộ cần thiết khiến cho nhiều nhân viên y tế bị lây nhiễm.

Việc Mỹ tiếp tục duy trì các lệnh trừng phạt đối với Iran làm cho ngân sách của Tehran càng eo hẹp hơn, trong khi việc tiếp nhận viện trợ bên ngoài cũng gặp trở ngại nhất định. Bên cạnh đó, có thông tin cho rằng việc đánh giá sai tình hình và công bố dịch bệnh không kịp thời có thể khiến Iran bỏ qua thời cơ điều trị tốt nhất cho những người mắc bệnh nhẹ, đồng thời làm tăng thêm rủi ro lây nhiễm cộng đồng.

Hiệu ứng xấu

Kinh tế diễn biến xấu thường sẽ kéo giảm uy tín của giới chức trách. Nền kinh tế và ngân sách của Iran phụ thuộc nhiều vào thương mại dầu mỏ nhưng nhu cầu thu hẹp do dịch bệnh đã khiến giá dầu lao dốc. Điều này đương nhiên ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu của chính phủ và cuộc sống của người dân, lạm phát và giá cả tăng cao là điều khó tránh khỏi. Ngoại thương cũng sẽ bị thiệt hại.

Chẳng hạn, năm 2019, kim ngạch thương mại song phương Iran - Trung Quốc đạt khoảng 23 tỷ USD, giảm 1/3 so với năm 2018. Dịch bệnh làm cho nhu cầu của Trung Quốc giảm đi, từ đó sẽ tiếp tục tác động đến hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và các sản phẩm phi dầu mỏ của Iran sang Trung Quốc.

Sau khi bị Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt, Iran từng bước chuyển trọng tâm thương mại từ “Đông Á và châu Âu” sang “đối tác khu vực”, hơn một nửa sản phẩm phi dầu mỏ của Iran được xuất khẩu sang Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Afghanistan... nhưng dịch bệnh đã khiến các nước Trung Đông thắt chặt kiểm soát biên giới đối với Iran, ảnh hưởng đến doanh thu thương mại và du lịch. Bên cạnh đó, việc buộc phải phong tỏa một số thành phố do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng hạn chế hoạt động kinh tế trong nước, tình hình vì thế mà lại càng khó khăn hơn.

Một thách thức khác đối với chính phủ, đó là làn sóng chống đối trên các phương tiện truyền thông xã hội. Có thể nhận thấy các nỗ lực phòng chống dịch bệnh của Chính phủ Iran ít nhận được sự quan tâm, ngược lại, truyền thông xã hội, đặc biệt là những luồng từ bên ngoài không kiểm soát được, còn tập trung vào những tồn tại vượt tầm kiểm soát của chính quyền. Trên thực tế, theo một số phân tích đánh giá khách quan, nhiều lực lượng coi dịch bệnh lần này là dịp quan trọng để gây áp lực với Chính phủ.

Ngoài ra, việc một số quan chức cao cấp bị nhiễm bệnh cũng ảnh hưởng không nhỏ tới công tác tuyên truyền và ổn định lòng tin trong nhân dân. Nhiều quan chức cấp cao như Phó Tổng thống, thành viên trong Ủy ban Cố vấn của lãnh tụ tinh thần Khamenei, Thứ trưởng Bộ Y tế Iran đã được xác nhận mắc COVID-19. 10% thành viên Quốc hội cũng được biết đã mắc COVID-19. Quốc hội Iran đã ngừng hoạt động vô thời hạn. Các nhà lập pháp cũng được yêu cầu không gặp gỡ công chúng. Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến công tác xem xét và phê duyệt ngân sách chi tiêu, trong đó bao gồm cả các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.

Lựa chọn

Từ tình hình thực tế của Iran, theo các nhà phân tích, có thể thấy sự lây lan dịch bệnh ở Trung Đông hiện nay khiến cho vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng trở nên quan trọng và mức độ quan tâm của an ninh truyền thống đã giảm. Nếu như là Syria, Yemen, Libya hay Afghanista,... những nơi vẫn đang chìm trong chiến tranh loạn lạc thì cuộc khủng hoảng nhân đạo chắc chắn sẽ còn lớn hơn nhiều.

Do đó, hòa giải chính trị và cùng phòng chống dịch bệnh sẽ là là một lựa chọn khả thi, ít nhất là trong lúc này. Nhiều bế tắc chính trị cũng có thể dựa vào đó để tìm cách giải quyết, hơn là những cuộc bập bênh không có điểm dừng.

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.