Từ bỏ ngai vàng vì tình yêu

Thứ Bảy, 05/02/2005, 07:31
Hoàng tử Johan Friso, người thừa kế ngai vàng Hà Lan ở hàng thứ hai, đã ngôi vị của mình để thành một thành viên hoàng gia bình thường. Người mà Hoàng tử Friso kết hôn là một người có mối quan hệ khá “phức tạp” theo đánh giá của Hoàng gia.

Vào 10h sáng ngày 24/4/2004, Hoàng tử Johan Friso cầm bút ký vào bảng chứng nhận kết hôn cùng người yêu của mình là Mabel Wisse Smit tại Tòa thị chính của thành phố nhỏ Deft, trước sự chứng kiến của mẹ - Nữ hoàng Beatrix, anh trai - Thái tử Hà Lan Willem Alexander, Thủ tướng Jan Peter Balkenende và cả nhà tỉ phú người Mỹ George Soros.

Là tiến sĩ kinh tế và còn là một kỹ sư hàng không, Hoàng tử Johan Friso, con trai thứ hai của Nữ hoàng Beatrix, làm quen với Mabel Wisse Smit, một phụ nữ tài giỏi, tháo vát, từng làm việc tại Liên Hiệp Quốc, nói được bảy thứ tiếng, trong một buổi chiêu đãi từ thiện do Open Society Institute, một tổ chức xã hội do nhà tỉ phú George Soros thành lập vào năm 1994 và giao cho Mabel làm giám đốc.

Ba năm sau, cả hai quyết định tiến tới hôn nhân cho dù gặp phải sự phản ứng kịch liệt từ chính phủ. Nguyên nhân chính là do quá khứ có nhiều vết chàm của Mabel. Theo điều tra của chính phủ, thì Mabel từng có quan hệ khá thân mật với trùm buôn lậu ma túy Klass Bruisma, bị giết hại vào ngày 27/6/1991 bên ngoài khách sạn Hilton ở thành phố La Haye của Hà Lan.

Mabel còn có quan hệ với Mohamed Sacirbey, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Bosnia, đang bị giam giữ tại Mỹ về tội tham nhũng. Để hoàng gia và chính phủ không lâm vào một cuộc khủng hoảng vì hôn nhân của mình, cuối cùng Hoàng tử Friso đã can đảm chọn giải pháp từ bỏ quyền thừa kế ngai vàng cùng nhiều đặc quyền khác.

Vua Edouad VIII trong tuyên bố thoái vị trên Đài phát thanh.

Trường hợp dám từ bỏ quyền lực chỉ vì tình yêu như Hoàng tử Johan Friso không phải là cá biệt. Vào ngày 10/12/1936, nhà vua Edouard VIII, vừa lên ngôi được 11 tháng, đã làm cả thế giới và thần dân của ông phải ngạc nhiên khi tuyên bố trên đài phát thanh:

“Tôi cảm thấy không thể gánh vác nổi trách nhiệm nặng nề mà quốc gia và thần dân giao phó, nếu không có sự giúp đỡ và động viên của người phụ nữ mà mình yêu...”, điều này có nghĩa là nhà vua đã quyết định thoái vị để được cưới người phụ nữ mà ông yêu tha thiết, một người Mỹ, hai lần ly dị, tên là Wallis Warfield Simpson.

Sau khi thoái vị và mất hết quyền lực, Quận công Windsor (tước vị hữu danh vô thực cuối cùng mà Nhà vua Edouard VIII được phép giữ lại) liền đến Pháp để làm đám cưới với bà Wallis Simpson vào ngày 3/6/1937 và định cư hẳn tại đó cho đến khi qua đời vào ngày 28/5/1972. 16 năm sau, vào ngày 10/12/1986, bà Wallis Simpson qua đời tại tòa lâu đài nhỏ Canté bên dòng sông Loire, nơi mà bà và chồng đã sống một cuộc đời thường dân vô cùng hạnh phúc.

Tại Bỉ, năm 1938, ba năm sau ngày Hoàng hậu Astrid qua đời trong một tai nạn giao thông, Nhà vua Leopold III gặp gỡ và mê mệt Lilian de Rétry, con gái tỉnh trưởng tỉnh Flandres của Bỉ. Thế nhưng, theo quy định của hoàng gia và hiến pháp, một vị vua không có quyền hai lần lấy vợ.

Vua Leopold và bà Lilian De Restry.

May thay, chiến tranh thế giới bùng nổ, Hoàng gia Bỉ và gia đình nhiều nhân vật tiếng tăm phải lánh nạn sang Thụy Sĩ khi Đức Quốc xã xâm chiếm Bỉ, trong đó có cả gia đình của Lilian de Rétry. Tại Thụy Sĩ, Nhà vua Leopold III đã bí mật kết hôn với bà Lilian. Khi chiến tranh kết thúc, cả hoàng gia hồi hương và thông tin về Nhà vua Leopold III đã lập gia đình lần thứ hai bất chấp luật lệ của hoàng gia và hiến pháp đã khiến dân chúng Bỉ bị sốc.

Riêng Thủ tướng Bỉ lúc đó là Achille Van Peters tuyên bố sẽ từ chức nếu nhà vua không hủy bỏ "cuộc hôn nhân bất hợp pháp" của mình. Năm 1951, dân chúng Bỉ một lần nữa lại bị sốc khi Nhà vua Leopold III quyết định thoái vị để trao ngai vàng lại cho Thái tử Baudouin (con trai của ông và Hoàng hậu Astrid). Leopold cùng bà Lilian thanh thản trở về cuộc sống dân dã nhưng hạnh phúc trong một trang trại ở vùng Argenteuil cho đến ngày ông qua đời vào ngày 1/6/1983.

Một trong những hoàng gia có luật lệ nghiêm khắc nhất như Hoàng gia Tây Ban Nha cũng có đến hai hoàng tử cũng vì tình yêu mà từ bỏ quyền lực. Vào năm 1933, Thái tử Alfonso cưới Edelmira Rubato, con gái một chủ trang trại ở Cuba làm vợ rồi bỏ Tây Ban Nha sang sinh sống hẳn tại quê vợ; còn Hoàng tử Jaime lại cưới Emanuela de Dampierre, một cô gái con nhà dân thường ở thành phố Saragosse làm vợ, sau khi tuyên bố không nhận bất cứ chức tước hay bổng lộc gì của hoàng gia.

Làm hao tốn giấy mực của báo chí nhiều nhất là câu chuyện tình giữa Vua Harald và Hoàng hậu Sonja hiện nay của Na Uy. Vào cuối thập niên 50, Thái tử Harald khi đang theo học tại Đại học Oxford ở Anh đã gặp gỡ rồi yêu mê mệt một nữ sinh viên người Na Uy tên Sonja Haraldsen. Cả hai quyết định sẽ tiến tới hôn nhân sau khi đã tốt nghiệp đại học.

Thái tử Harald và Công nương Sonja sau đám cưới vào tháng 8/1968.

Vào một ngày tháng 10/1961, Vua Olaf đã nổi trận lôi đình khi Thái tử Harald xin phép cha được cưới Sonja làm vợ (Thái tử Harald là con trai duy nhất của Nhà vua Olaf). Nhà vua Olaf tuyên bố như đinh đóng cột với con trai rằng: “Con hãy chọn, hoặc ngai vàng, hoặc là Sonja. Quyết định cuối cùng là ở con”.

Còn Thủ tướng Einar Gerhardsen  thì tuyên bố thẳng thừng: “Hoặc Thái tử phải cưới một công chúa làm vợ, hoặc Na Uy sẽ trở thành một nước cộng hòa không có hoàng gia”. Về phần Sonja, không thể chịu đựng trước nhiều áp lực, bà đã toan tính chọn cái chết, 2 lần tự tử, nhưng cả 2 lần bà đều được cứu sống. Tuy tình yêu mãnh liệt của họ  không làm lay chuyển quyết định của vua cha và chính phủ, nhưng lại làm cảm động dân chúng Na Uy và cả châu Âu.

Và khi dư luận bắt đầu lên tiếng ủng hộ cuộc tình của Thái tử Harald và Sonja thì cả hoàng gia và chính phủ mới chịu nhường bước. Sau 9 năm kiên trì, nhẫn nại, thuyết phục, cuối cùng  Thái tử Harald mới được phép làm đám cưới với Sonja vào ngày 19/8/1968. Cho đến nay, chuyện tình của Nhà vua Harald và Hoàng hậu Sonja luôn được xem là thiên tình sử lãng mạn, đẹp nhất và cũng gian truân nhất, nhưng lại kết thúc có hậu của các hoàng gia châu Âu

Hoàng Phú (theo Point de Vue)
.
.