Từ thẩm phán khiêm nhường trở thành Tổng thống Italia

Thứ Bảy, 07/02/2015, 09:05
Sau 4 vòng bỏ phiếu căng thẳng tại Nghị viện, kết quả ông Sergio Mattarella 74 tuổi ứng viên của đảng Dân chủ (PD) do Thủ tướng Matteo Renzi làm thủ lĩnh, đã được bầu làm Tổng thống thứ 12 của Italia.

Tân Tổng thống S. Mattarella sinh ngày 23/7/1941 tại Palermo, thủ phủ đảo Sicili, Nam Italia, trong một gia đình chính khách nổi tiếng. Có cha là ông Bernardo Mattarella (1905-1971), một trong những nhà sáng lập đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo Italia (DC) trong Thế chiến II, từng nhiều lần giữ ghế bộ trưởng qua các đời thủ tướng khác nhau.

Chính nghị sĩ B. Mattarella là người khởi xướng việc thành lập một ủy ban đặc biệt của Quốc hội ngay từ năm 1958, để điều tra hoạt động phi pháp của các tổ chức tội phạm mafia. Còn người anh trai Piersanti Mattarella (1935-1980), Thống đốc vùng Sicily đã bị băng nhóm mafia Cosa Nostra thủ tiêu khi đang tại chức.

Sau khi tốt nghiệp cử nhân Luật của Trường đại học Sapienza ở Rome vào năm 1966, với tấm bằng xuất sắc nên luật sư trẻ tuổi S. Mattarella được mời về làm giảng viên chính thức tại Trường đại học Tổng hợp Palermo, chuyên khoa về luật tổ chức Quốc hội và Hội đồng địa phương. S. Mattarella khi ấy muốn theo đuổi nghề giáo, chứ không tham gia vào chính trường.

Tân Tổng thống S. Mattarella phát biểu trên cương vị là người đứng đầu Nhà nước Italia.

Nhưng sau cái chết của người anh P. Mattarella vào đầu năm 1980, Mattarella quyết định gia nhập đảng DC và ra tranh cử vào Viện Đại biểu (Hạ viện Italia). Trong suốt 1/4 thế kỷ kế tiếp, kể từ năm 1983-2008, Mattarella liên tục đắc cử trở thành một trong những vị dân biểu kỳ cựu nhất tại Quốc hội Italia, trong vai trò ứng viên của các đảng phái khác nhau như DC từ năm 1983-1994, đảng Nhân dân Italia (PP) từ năm 1994-2002, đảng Dân chủ là Tự do (DL) từ năm 2002-2007 và PD từ năm 2007 đến nay.

Đồng thời cũng trong giai đoạn này, ông S. Mattarella được tín nhiệm giao phó đứng đầu các cơ quan trọng yếu khác nhau trong nội các, như Bộ trưởng phụ trách Quan hệ với Quốc hội từ năm 1987-1989 dưới thời Thủ tướng Giovanni Goria, Bộ trưởng Bộ Giáo dục trong Chính phủ của Thủ tướng Giulio Andreotti từ năm 1989-1990, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng qua 2 đời Thủ tướng Massimo D'Alema và Giuliano Amato từ năm 1999-2001. Đặc biệt trong nội các của Thủ tướng M. D'Alema, chức vụ chính thức của ông Mattarella là Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng. Chính Bộ trưởng S. Mattarella đã tiến hành cuộc cải cách sâu rộng lực lượng vũ trang Italia, tiến tới bãi bỏ luật nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với mọi nam công dân.

Trên cương vị phụ trách các bộ khác nhau, ông Mattarella luôn thể hiện tư thế độc lập không ràng buộc của mình.

Ví như vào năm 1990 ông bất ngờ từ chức Bộ trưởng Giáo dục, thể hiện hành động phản đối quan điểm của G. Andreotti, người từng 3 lần giữ chức Thủ tướng Italia muốn chính phủ hợp pháp hóa mạng lưới truyền hình Mediaset của nhà tài phiệt Silvio Berlusconi. Tới lượt ông Berlusconi, ngay từ khi lên làm Thủ tướng nhiệm kỳ đầu, năm 1994 đã gọi Mattarella là "kẻ thù truyền kiếp"...

Cũng vào năm 1990, S. Mattarella được bầu làm Phó chủ tịch đảng DC kiêm Tổng biên tập nhật báo Il Popolo, cơ quan ngôn luận của DC. Đầu năm 1993, sau khi Ban lãnh đạo DC đồng ý gia nhập liên minh bầu cử với đảng Forza Italia (FI) của S. Berlusconi, ông S. Mattarella quyết định rời bỏ DC, chính đảng từng nắm quyền suốt nửa thế kỷ qua và đứng ra thành lập đảng mới là PP.

Tân Tổng thống S. Mattarella và người tiền nhiệm G. Napolitano (phải).

Năm 2007, S. Mattarella là một trong những nhà sáng lập đảng PD, một liên minh trung tả mới quy tụ các chính đảng khác nhau, bao gồm cả đảng Dân chủ Cánh tả với tiền thân là đảng Cộng sản Italia. Đầu tháng 11-2011, được sự chấp thuận của Quốc hội, ông S. Mattarella đã được Tổng thống Giorgio Napolitano bổ nhiệm làm thẩm phán Tòa án Hiến pháp, cơ quan tư pháp cao nhất ở Italia.

Theo luật định, chỉ có Tổng thống mới được quyền bổ nhiệm các thẩm phán thuộc Tòa án Hiến pháp và Tòa án Tối cao. Sau khi vợ ông, bà Marisa Chiazzese, mất vào tháng 3/2012, thẩm phán S. Mattarella chuyển về sống tại một căn hộ nhỏ thuộc khu chung cư dành cho các thành viên thuộc Tòa Hiến pháp. Một điều ngẫu nhiên, rằng tòa chung cư này lại nằm đối diện với cung điện Palazzo del Quirinale ở trung tâm Rome, cũng là Dinh Tổng thống Italia.

Sau khi Tổng thống G. Napolitano quyết định từ nhiệm vì lý do sức khỏe, cả 2 viện thuộc Quốc hội Italia đã tiến hành bầu cử kín chọn tổng thống mới. Kết quả ở vòng thứ 4 diễn ra vào ngày 31/1 vừa qua, ứng viên S. Mattarella của PD là người đạt số phiếu quá bán với 665 phiếu thuận, 240 phiếu chống và 104 phiếu trắng. Trong đó số phiếu chống là của giới nghị sĩ FI và liên minh trung hữu S. Berlusconi đứng đầu.

Những người có dịp tiếp xúc với ông Mattarella đều cho rằng đó là một nhân vật khiêm nhường, kiệm lời, song hành với sự am tường chính trị nên luôn có khả năng cân bằng hài hòa lợi ích của các phe nhóm khác nhau. Đặc biệt là ông rất hiếm khi cho báo chí phỏng vấn. Dấu hiệu duy nhất chứng tỏ sự mất kiên nhẫn của vị thẩm phán dày dạn kinh nghiệm, là ông thường tế nhị lấy tay sửa lại gọng kính.

Tân Tổng thống S. Mattarella có 3 người con, 1 gái và 2 trai đều đã trưởng thành. Ông Sergio Mattarella đã chính thức nhận bàn giao chức vụ từ người tiền nhiệm G. Napolitano vào ngày 3/2 vừa qua.

Kim Dung (tổng hợp)
.
.