Từng có một “Donald Trump” trong bầu cử Tổng thống 1848?

Thứ Năm, 07/07/2016, 17:20
Tiến sĩ Gil Troy, Giáo sư sử học Trường Đại học McGill, vừa có một bài viết thú vị, trong đó ông so sánh ứng cử viên tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa với Zachary Taylor, Tổng thống thứ 12 của Mỹ.

Trong bài viết của mình, Tiến sĩ Troy coi ông Zachary là một "người ngoài cuộc" giàu có, thô lỗ, không đủ trình độ, thiếu kinh nghiệm, sau đó đặt ra câu hỏi liệu ông Trump có thể tàn phá đảng Cộng hòa giống như những gì ông Taylor đã làm với đảng Whig cách đây một thế kỷ rưỡi hay không? Vậy ông Zachary là người như thế nào và giống ông Trump ra sao?

Anh hùng thời chiến

Sinh năm 1784 trong một gia đình nhiều nô lệ giàu có ở miền Nam, ông Taylor trở thành quân nhân khi 23 tuổi. Ông có thành tích nổi trội khi trở thành đại úy trong cuộc chiến năm 1812 và gặt hái được nhiều danh tiếng hơn trong cuộc chiến tranh Florida. Ông nổi tiếng vì rắn rỏi, biết chia sẻ khó khăn với binh sĩ khi dũng cảm vượt đầm lầy nguy hiểm cùng họ trong trận chiến Okeechobee. Ông hiếm khi mặc những bộ quân phục oai vệ. Thứ người ta thường thấy gắn với ông lại là chiếc mũ rơm, thứ khiến ông "trông giống một nông dân mang trứng ra chợ bán".

Tổng thống thứ 12 Zachary Taylor.

Khi xảy ra cuộc chiến tranh Mỹ-Mexico, ông Taylor với tư cách là thiếu tướng đã trở thành một anh hùng dân tộc được yêu mến. Chỉ vài ngày trước khi quốc hội chính thức tuyên bố chiến tranh với Mexico tháng 5-1846, ông Taylor đã dẫn dắt binh sĩ Mỹ giành hai chiến thắng trước lực lượng Mexico lớn mạnh hơn rất nhiều tại Palo Alto và Resaca de la Palma. Tháng 2-1847, lực lượng của ông Taylor đã đánh bại quân Mexico cho dù bị áp đảo về số lượng. Tại trận Buena Vista, quân Mỹ chỉ bằng một phần ba hoặc một phần tư quân Mexico. Sau chiến thắng, ông Taylor được tung hô từ Maine tới Georgia.

Thành viên của cả hai chính đảng Mỹ lúc bấy giờ là đảng Dân chủ và đảng Whig bắt đầu tổ chức các cuộc ăn mừng để vinh danh ông Taylor. Những màn ăn mừng thường lên tới cao trào khi người ta reo hò và ủng hộ việc đề cử ông làm ứng cử viên tổng thống năm 1848.

Là một quân nhân năng động, ông Taylor lúc đầu ngần ngại. Cả cuộc đời mình, ông Taylor luôn kiêu hãnh từ chối đăng ký làm thành viên một đảng chính trị nào đó và tự hào khi tuyên bố mình chưa bao giờ đi bỏ phiếu! Cuối năm 1864, ông Taylor khẳng định ý nghĩ trở thành tổng thống "chưa bao giờ xuất hiện trong đầu tôi và ý nghĩ này có thể cũng không xuất hiện trong đầu bất kỳ người nào điên rồ". Vợ ông bị bệnh và ông không đủ trình độ. Hơn nữa, ông thích làm chủ đất và chủ nô ở Kentucky, Louisiana và Mississippi hơn. Những tài sản này ông có được là nhờ phần thưởng hậu hĩnh cho những chiến thắng trên mặt trận, khiến ông trở thành một trong những người giàu nhất nước Mỹ thời đó.

Ứng cử viên gây tranh cãi

Thế nhưng, cuối cùng ông Taylor cũng bị sức hút chính trị lôi cuốn. Trong nhiều lá thư do chính ông viết, ông bắt đầu giải thích rằng nghĩa vụ với đất nước đã buộc ông phải vượt qua ngăn cản của bản thân và cho phép mọi người đề cử tên ông. Ông có thể làm theo ý chí của người dân nhưng không cam kết trung thành với bất kỳ nguyên tắc cụ thể nào. Ông sẽ chỉ chấp nhận đề cử làm tổng thống một nước chứ không phải một đảng.

Cho dù nói rằng không muốn gắn với một đảng nào, nhưng ông Taylor bắt đầu tiến gần hơn với đảng Whig và người đảng này cũng tiến gần hơn tới ông. Lúc đầu, ông Taylor dường như là một lựa chọn lạ lùng với đảng Whig. Đảng này thành lập những năm 1830, là một liên minh miễn cưỡng gồm những người bảo thủ của các bang miền Nam và những nhà công nghiệp miền Bắc. Hai lực lượng này có điểm chung là chán ghét tột cùng sự bành trướng quyền lực của Tổng thống Andew Jackson. 

Sau đó, sự phản ứng mà đảng này khuấy lên chống Tổng thống thứ 11 của Mỹ là James K. Polk mạnh mẽ đến mức đảng Whig giành quyền kiểm soát quốc hội trong bầu cử giữa kỳ năm 1864. Khi Mỹ giành chiến thắng trước Mexico nhờ ông Taylor, sự phấn khích lớn đến mức một số thành viên đảng Whig tính toán rằng đảng sẽ có lợi nếu thu hút được một anh hùng chiến tranh cực kỳ nổi tiếng như ông Taylor.

Hơn nữa, vừa là quân nhân lại vừa là chủ nô, ông Taylor dường như là lựa chọn thông minh cho một đảng đang ngày càng bị chia rẽ về tình trạng bắt người da đen làm nô lệ hàng loạt ở miền Nam. Lãnh thổ mà Mỹ chiếm được trong cuộc chiến với Mexico càng làm cho vấn đề nô lệ leo thang. Nó kích hoạt một cuộc tranh cãi chính trị lớn về việc liệu nô lệ có được phép ở các lãnh thổ mới này không? Hoàn cảnh đó khiến cả hai đảng đều có lý do để chọn một ứng cử viên tổng thống an toàn, tức là không ngả hẳn về bên nào.

Tuy nhiên, nhiều thành viên đảng Whig không tin ông Taylor. Ông vốn là một người thô lỗ, không đảng phái và không hề có khả năng làm tổng thống. Thượng nghị sĩ bang Ohio, ông Thomas Corwin, tự hỏi: "Làm sao mà 40 năm ở rừng rú, cạo rêu trên bắp chân lại có thể giúp ông Taylor đủ trình độ làm tổng thống?". 

Cựu Ngoại trưởng Daniel Webster thì gọi Taylor là "đại tá mặt trận mù chữ 40 năm không đi bỏ phiếu". Ông Webster tỏ ra khinh thường ông Taylor đến mức từ chối thỏa thuận làm người cùng tranh cử với ông này. Nhà viết tiểu sử Holman Hamilton nhận định ông Taylor là "một trong những ứng cử viên tổng thống kỳ lạ nhất lịch sử, ứng cử viên Nhà Trắng đầu tiên trong lịch sử không có chút xíu kinh nghiệm nào trong bất kỳ chính quyền dân sự nào".

Mùa xuân năm 1848, lúc đó đang trong cơn say đề cử, ông Taylor tìm cách xoa dịu các nghị sĩ trên. Ông tuyên bố trung thành với đảng Whig trong một bức thư nhờ anh rể viết hộ. Ông anh rể đã tiết lộ bức thư, nói rằng ông Taylor vẫn lo lắng về các cam kết, có vẻ tự hào vì không biết gì về các chi tiết chính trị. Trong thư, ông Taylor tuyên bố: "Tôi là một người Whig, nhưng không phải siêu Whig".

Henry Clay, người đã bị ông Taylor chặn đường vào Nhà Trắng.

Sự non nớt kinh nghiệm của ông Taylor khiến ông Henry Clay, một nghị sĩ có "máu mặt" và là siêu đảng viên Whig, tức giận. Ông này đã phải nhường ghế tổng thống cho ông Polk năm 1844 và hy vọng sẽ được đảng Whig đề cử cho cuộc tranh cử tổng thống năm 1848. Ông làu bàu chế giễu những binh sĩ thắng trận được đối xử như ngôi sao: "Tôi ước mình có thể giết một người Mexico. Đảng Whig đã bị một cá nhân đơn thuần lật đổ". Ông thề sẽ không tham gia vận động nếu đảng đề cử "kẻ ngoại đạo" này.

Về phía đảng Dân chủ, Tổng thống Polk giữ đúng lời hứa là chỉ tại nhiệm một nhiệm kỳ. Tại đại hội đảng hồi tháng 5, các thành viên Dân chủ chia rẽ đã quyết định chọn tướng Lewis Cass, cựu thượng nghị sĩ và là Bộ trưởng chiến tranh, làm ứng cử viên tổng thống. Ông Cass bị coi là một người nhu nhược, dễ bảo, là người miền Bắc nhưng mang nguyên tắc của người miền Nam. Ông này ủng hộ "chủ quyền đại chúng", để cho các lãnh thổ mới tự quyết định về vấn đề nô lệ.

Tháng 6 năm đó, đảng Whig tổ chức đại hội đảng ở Philadelphia và bị chia rẽ xung quanh ông Taylor. Trong vòng bỏ phiếu đầu tiên, ông Taylor giành được 76% phiếu của đại biểu miền nam, nhưng 85% đại biểu miền Bắc phản đối ông. Một anh hùng khác trong cuộc chiến tranh với Mexico là tướng Winfield Scott kêu gọi đảng Whig vốn có tư tưởng phản đối chủ nghĩa chiếm hữu nô lệ không ủng hộ cả hai người là Taylor và Clay vì hai ông này đều là chủ nô. Trong vòng bỏ phiếu thứ tư, ông Taylor cuối cùng cũng giành được đề cử, đánh bại đối thủ là Clay, Scott và Webster.

Ông Taylor tuyên bố mình giành chiến thắng tự thân mà không cần phải đưa ra cam kết nào. Chiến thắng này cho thấy mọi người tin vào "sự trung thực, chính xác và liêm chính hiếm có của tôi". Và bây giờ, cử tri Mỹ có vẻ như đang gặp sự lặp lại mang tên… Donald Trump!

Hồi cáo chung của đảng Whig

Tuy nhiên, tình trạng chia rẽ nội bộ đảng mà "kẻ ngoại đạo" Taylor gây ra trong đảng Whig là nghiêm trọng, đặc biệt là vì ông này được kỳ vọng là có khả năng đoàn kết đảng và nước Mỹ. 62% lá phiếu ủng hộ ông Taylor trong đại hội đảng vẫn là do đại biểu Whig ở miền Nam. Những người này tính toán rằng việc đề cử ông Taylor sẽ giết chết phong trào bãi nô.

Việc đề cử ông Taylor khiến nhiều đảng viên Whig bất mãn. Mặc dù đại hội đề cử một người trung thành với đảng Whig là ông Millard Fillmore làm phó tổng thống tranh cử với ông Taylor, nhưng nhiều người vẫn chán ghét thực tế là sự nổi tiếng của ông Taylor đã đè bẹp mọi nguyên tắc và lòng trung thành của đảng. Đảng Whig thậm chí còn không vạch ra cương lĩnh tranh cử cho ông Taylor. Nhà báo Horace Greeley của tờ New York Tribune gọi đại hội đảng Whig là "lò mổ các nguyên tắc Whig".

Trong tâm trạng không muốn tranh cử tổng thống với tư cách ứng viên độc lập, cũng không muốn ủng hộ ông Taylor, ông Henry Clay nói: "Tôi sợ rằng đảng Whig sẽ bị giải tán và sẽ không có nguyên tắc Whig nào có thể khơi dậy nhiệt huyết và nỗ lực nữa". Một thành viên đảng Whig ở New York chán nản nói rằng đại hội "đã phạm tội ác kép là tự tử và giết đảng", rằng đảng Whig vậy là đã chết, cái tên này sẽ bị từ bỏ nếu ông Taylor trở thành tổng thống và sẽ bị thay bằng "đảng Taylor".

Trong thực tế, đảng Whig bắt đầu có dấu hiệu tan rã. Gần như ngay sau khi ông Taylor được đề cử, đảng Whig đã hình thành một nhóm nội bộ gọi là  "Conscience Whigs" (Những người Whig có lương tâm), gồm những người phản đối chủ nghĩa chiếm hữu nô lệ. Nhóm này từ chối ủng hộ một ứng cử viên chủ nô như ông Taylor. Cùng với một số phe phái chống chủ nghĩa nô lệ khác, gồm cả các thành viên Dân chủ bỏ đảng, nhóm "Conscience Whigs" đã tách ra lập đảng Mảnh đất Tự do và đề cử cựu Tổng thống Martin Van Buren làm ứng cử viên tổng thống.

Khi bước vào chiến dịch tổng tuyển cử, mọi chuyện không được thuận lợi với ông Taylor. Ông bắt đầu viết ngày càng nhiều thư khẳng định sự độc lập, bác bỏ nguyên tắc của đảng, thậm chí nói rằng ông sẵn sàng nhận đề cử của đảng Dân chủ trên hành trình trở thành "tổng thống đại chúng". Sự phù phiếm và liều lĩnh của ông Taylor khiến giới Whig chán nản thêm.

Tuy nhiên, ông Taylor có một may mắn là đối thủ của ông ở đảng Dân chủ thậm chí còn bị căm ghét hơn. Do đó, ông đã giành chiến thắng chung cuộc dù tỷ lệ ủng hộ chỉ là 47% phiếu phổ thông, nhiều hơn ông Clay 60.000 phiếu. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu giảm từ 78,9% năm 1844 xuống 72,7% năm 1848, cho thấy cử tri bất mãn với cả hai ứng cử viên. Số lá phiếu đại cử tri mà ông Taylor giành được chỉ hơn đối thủ về nhì 36 - khoảng cách mong manh nhất trong hơn 20 năm qua.

Nhà báo Horace Greeley nhận định cuộc bầu cử năm 1848 đã làm mất tinh thần những người Whig và làm xói mòn lòng tin của cử tri vào đảng này. Bình luận của ông Greeley là đúng. Ông Taylor là tổng thống cuối cùng của đảng Whig. Ông Taylor nếu làm tổng thống với tư cách là một anh hùng dân tộc sẽ không khác gì việc vả vào mặt đảng Whig vốn phản đối chiến tranh. Còn khi ông làm tổng thống với tư cách chủ nô, ông cũng không thể xoa dịu chia rẽ về vấn đề nô lệ. Như vậy, ông không hề phù hợp để xử lý cuộc chiến nội bộ đảng khi trở thành tổng thống.

Trong vòng một năm ông Taylor làm tổng thống, mọi hi vọng của đảng Whig bị dập tắt. Trong vòng 4 năm, đảng Whig bị đảng Dân chủ đè bẹp. Trong 8 năm, đảng Whig hoàn toàn biến mất khỏi chính trường Mỹ.

Lịch sử luôn có những dấu hiệu cảnh báo để thế hệ sau tránh lặp lại. Giới Cộng hòa ngày này đã trỗi dậy với nhiều quyền lực hơn. Dù vậy, theo Tiến sĩ Gil Troy, đảng Cộng hòa có lẽ cần nghiên cứu năm 1848 để lường trước mọi việc trước khi quyết định "nhân tố Donal Trump" khó lường. Và họ cũng cần lưu ý rằng Zachary Taylor từng bị coi là một tổng thống tệ hại nhất lịch sử Mỹ! Với đảng Dân chủ, bầu cử năm 1848 vẫn có giá trị tham khảo khi một người ngoại đạo vẫn đủ sức hấp dẫn để đánh bại một cựu thượng nghị sĩ và cựu thành viên nội các lão luyện.

Dương Thùy (tổng hợp)
.
.