Tương lai chính trị của con rể Tổng thống D. Trump

Thứ Tư, 19/07/2017, 17:00
Do bị điều tra vì liên quan đến những cuộc gặp gỡ với người Nga, tương lai chính trị của Jared Kushner, con rể Tổng thống Donald Trump, đang được mang ra đặt lên bàn cân. Việc có tước quy chế an ninh của anh hay không sẽ phụ thuộc vào quyết định cá nhân của Tổng thống Trump.

Câu chuyện về vấn đề tước hay không tước quy chế an ninh đối với con rể Tổng thống Trump đang là đề tài bàn tán trong dư luận chính trị Mỹ. Trong câu chuyện này, một số người chống đối gia đình Tổng thống Trump cho rằng nên xem xét tước quy chế an ninh của Jared Kushner bởi lý do rất rõ ràng là anh đã có những hành động không phù hợp với tư cách an ninh của mình thời gian qua.

Từ thời làm ăn kinh tế gia đình cho đến khi trở thành con rể của tỉ phú Trump, Kushner đã có điều kiện tiếp xúc với người nước ngoài rất nhiều, đặc biệt là giới doanh nhân đến từ Nga. Khi ông Trump ra tranh cử tổng thống, những mối quan hệ trong làm ăn đã trở thành một ưu thế về mặt vận động tài chính tranh cử. Và Kushner đã chứng minh khả năng quan hệ rộng của mình trong việc giúp ích cho ông Trump trong quá trình tranh cử.

Tuy nhiên, việc Kushner gặp gỡ, tiếp xúc với người Nga trong giai đoạn này đã trở thành nguồn gốc gây ra những rắc rối sau khi ông Trump lên nhậm chức và trao cho con rể vị trí cố vấn quan trọng đòi hỏi phải có quy chế an ninh tối mật. Trong tờ khai ban đầu để làm hồ sơ xin cấp quy chế an ninh, Kushner đã bỏ sót, không khai báo về những cuộc tiếp xúc với các quan chức người nước ngoài, trong đó có cuộc tiếp xúc với Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak và một doanh nhân Nga.

Jared Kushner và Ivanka Trump.

Mới đây nhất, vào đầu tháng 7, người con trai Donald Trump Jr bị báo chí phanh phui đã có cuộc tiếp xúc không phù hợp với một luật sư người Nga tên là Natalia Veselnitskaya trong thời gian diễn ra cuộc vận động tranh cử năm 2016, và tại cuộc gặp đó cũng có mặt Kushner. Gần đây, Kushner mới cập nhật hồ sơ quy chế an ninh cá nhân, trong đó anh bổ sung thông tin là có tiếp xúc với... hơn 100 người nước ngoài.

Những hành động như tiếp xúc với người nước ngoài không khai báo được đánh giá là quá đủ để bất kỳ nhân viên nào của chính quyền liên bang bị mất quy chế an ninh. Nhưng với Kushner, câu chuyện có vẻ khác, vì anh không phải là một nhân viên bình thường. Quyết định đối với quy chế an ninh của Kushner phức tạp hơn nhiều so với các nhân viên và quan chức bình thường của chính quyền liên bang. Vậy ai là người có thẩm quyền cấp và tước quy chế an ninh cho Kushner?

Thẩm quyền cấp quy chế an ninh xuất phát từ quyền hành pháp chứ không do luật quy định, và Tổng thống Mỹ là người nắm quyền quyết định tối cao. Thường thì Tổng thống không tự mình quyết định vấn đề này mà giao quyền cho Văn phòng Quản lý nhân sự (OPM) và Cục Điều tra liên bang (FBI).

Ở Mỹ hiện có hơn 4 triệu người được cấp quy chế an ninh. Quy trình cấp quy chế an ninh được mô tả như sau: Người được cấp quy chế an ninh phải do một cơ quan quản lý giới thiệu và trải qua một quá trình điều tra, xác minh lý lịch nhân thân. Phần lớn việc điều tra để xác minh quy chế an ninh của các quan chức các cơ quan liên bang đều được xử lý bởi Văn phòng Quản lý nhân sự (OPM), nơi được giao nhiệm vụ giám sát từng li từng tí mọi hành động của giới công chức, quan chức chính quyền liên bang.

Quy trình và tiêu chuẩn để xét cấp quy chế an ninh vô cùng nghiêm ngặt và rất khó. Một luật sư chuyên về lý lịch an ninh ở Mỹ nói rằng, một người bình thường mắc nợ 2.000 USD, cho dù có trả xong nợ ngay trong quá trình điều tra thì anh ta cũng không được xét cấp quy chế an ninh. Quyết định cuối cùng của việc cấp quy chế an ninh do cơ quan chủ quản giới thiệu người được cấp quy chế quyết định.

Theo định kỳ, người được cấp quy chế an ninh sẽ được tái thẩm tra. Tuy nhiên, các quan chức Nhà Trắng thì theo một quy trình khác. Đối với các nhân viên mới của Nhà Trắng chưa có quy chế an ninh, việc điều tra lý lịch cá nhân thường do Cục Điều tra liên bang (FBI) đảm nhận, có thể có sự tham gia của Cục Tình báo trung ương (CIA). Sau khi điều tra xong, FBI sẽ gửi bản đề xuất ý kiến cho Nhà Trắng.

Tổng thống Trump là người nắm trong tay quyền quyết định quy chế an ninh của con rể.

Trong trường hợp con rể Tổng thống Trump buộc phải xác minh lý lịch an ninh thì ông có thể phải lên tiếng yêu cầu giữ lại quy chế an ninh cho con rể mình. Steven Aftergood, một chuyên gia về quy chế bảo mật của Chính phủ Mỹ cho rằng, trong trường hợp Tổng thống Trump muốn ai đó được cấp quy chế an ninh thì không ai có thể ngăn cản được ông.

Theo giới quan sát, Tổng thống Trump là người rất coi trọng gia đình, luôn đặt lợi ích của gia đình trên hết, vì vậy nhiều người cho rằng sẽ khó có chuyện con rể Kushner của ông bị tước quy chế an ninh.

Quy chế an ninh có tầm quan trọng rất lớn đối với Jared Kushner. Với tư cách là một cố vấn cấp cao cho Tổng thống Trump, Kushner nắm trong tay nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó có việc tham gia giải quyết các vấn đề tại Trung Đông, cụ thể là thỏa thuận hòa bình Israel-Palestine. Không có quy chế an ninh sẽ là trở ngại lớn cho việc thực thi nhiệm vụ của Kushner.

Để giải quyết các vấn đề liên quan nhiệm vụ được giao, Kushner buộc phải dành nhiều ngày để nghiên cứu các tài liệu mật và thường xuyên ngồi nói chuyện riêng với bố vợ về những vấn đề bí mật quốc gia. Không có quy chế an ninh, Kushner không thể làm được như thế.

An Châu (tổng hợp)
.
.