Tuyên bố của Chủ tịch Quỹ Tiền tệ Quốc tế làm Hy Lạp nổi giận

Thứ Ba, 05/06/2012, 15:15

Sau buổi phỏng vấn bà Christine Lagarde của tờ The Guardian về tình hình của Hy Lạp và các khó khăn mà người dân phải đối mặt thường ngày, làn sóng phản ứng đã nổi lên khắp bán đảo này.

"Bà có đơn giản hiểu rằng chúng tôi đã cạn tiền rồi không?" Lời nhắn này cũng như 10.000 lời nhắn khác được đưa lên trang Facebook của bà Christine Lagarde, cho thấy nỗi bất mãn của người dân Hy Lạp trước sự cố chấp của bà.

Trong buổi phỏng vấn, bà Chủ tịch nhận xét rằng, một bộ phận người dân Hy Lạp cố trốn thuế nên phải chịu trách nhiệm về sự xuống dốc của các điều kiện sống trong nước. Trước sự bất bình của mọi người, bà còn tuyên bố quan tâm đến số phận của trẻ em ở châu Phi hơn là cuộc sống của người dân Hy Lạp. "Tôi nghĩ rằng người dân Hy Lạp phải trợ giúp nhau bằng cách đóng thuế. Tôi nhớ đến các trẻ em của một trường học ở Niger mỗi ngày chỉ được học 2 giờ, 3 em ngồi 1 ghế và thèm khát được đi học. Tôi thường xuyên nghĩ đến chúng và tôi cho rằng chúng cần được giúp đỡ nhiều hơn là người dân Hy Lạp".

Những lời lẽ này quả là một sự miệt thị đối với một số người. Trong một diễn văn đọc hôm 26/5, Chủ tịch đảng Pasok (giống như đảng Xã hội ở Pháp) Evangelos Venizelos cáo buộc bà đã có hành vi lăng nhục. "Không ai có thể lăng nhục dân chúng Hy Lạp trong thời buổi khủng hoảng này, và tôi đặc biệt nói đến bà Christine Lagarde". Hơn thế nữa, ứng viên cho kỳ bầu cử lập pháp ngày 17/6 đó yêu cầu bà Christine Lagarde phải "xem xét lại" lời lẽ của mình. Ngoài đường phố, phản ứng của đa số người dân cũng giống như thế.

Sau đó, bà Christine Lagarde cố xoa dịu mọi người. "Như tôi đã nói nhiều lần trong quá khứ, tôi rất có cảm tình với người dân Hy Lạp vì những thử thách mà họ phải đương đầu" - bà viết trên trang Facebook. Nhưng không vì thế mà bà nhượng bộ. "Một phần lớn nỗ lực đó nằm ở chỗ mỗi người phải đảm đương phần gánh nặng của mình" - bà viết để nhấn mạnh cho lời kêu gọi người dân Hy Lạp phải đóng đủ mọi thứ thuế.

Lời kết đó lại kéo theo vô số bình luận đa phần là bất bình. "Bà Christine Lagarde có cảm tình với nhân dân Hy Lạp ư? Theo cách này hay cách khác, các chương trình thắt lưng buộc bụng mà IMF yêu cầu Hy Lạp phải áp dụng lại không cho thấy điều đó. Những biện pháp đó đã dẫn đến nạn thất nghiệp hàng loạt, đói nghèo và hủy hoại xã hội Hy Lạp" - một cư dân mạng bình luận.

Nỗi bất bình đã lan sang nước Pháp với đủ thứ tính từ dành cho bà Chủ tịch IMF, phe cánh tả tha hồ dùng mọi từ ngữ để lên án tuyên bố của bà. Chủ tịch Mặt trận cánh tả Jean-Luc Mélenchon cho rằng: "Đó là những lời lẽ không xứng hợp và nếu có một đạo đức chính trị, bà Christine Lagarde nên rời khỏi chức vụ của mình. Tại sao bà không nói: chính những nhà tư bản phải đóng thuế nhưng họ lại không đóng?".

François Bayrou, Chủ tịch đảng Phong trào Dân chủ đã tỏ ra cực kỳ chướng tai khi nghe tuyên bố của bà Christine Lagarde. "Trong xã hội Hy Lạp, trong chính quyền Hy Lạp có những trách nhiệm nhưng không phải người dân phải chịu trách nhiệm về những gì xảy ra với họ. Họ đã bị dẫn dắt một cách mù quáng, bị bịt mắt và người ta khiến cho họ tin rằng cứ tiếp tục sống và vay tiền. Nhưng họ không phải là dân tộc duy nhất tại châu Âu bị bịt mắt và bị khuyến dụ rằng có thể tiếp tục sống và mang nợ. Tôi không muốn người ta quy trách nhiệm các dân tộc yếu ớt nhất. Chính họ phải nhận lãnh hậu quả của những khủng hoảng mà người khác đã quyết định”.

Chỉ còn 3 tuần nữa là đến kỳ bầu cử lập pháp tại Hy Lạp, sự căng thẳng càng rõ rệt hơn giữa Hy Lạp và các định chế quốc tế về cơ hội của những biện pháp tiết kiệm. Các cuộc thăm dò cho thấy sự bế tắc đó trong khi người dân vẫn còn chưa chắc chắn về ý định bầu cử của mình, đồng thời vẫn còn đó khả năng của một cuộc bầu cử chống “thắt lưng buộc bụng”.

Đảng Tân Dân chủ cánh hữu bảo thủ vốn ủng hộ chính sách “thắt lưng buộc bụng” để được cứu trợ 130 tỉ euro có thể chiếm từ 23,3 đến 25,8% số phiếu. Nhưng chẳng có đảng nào chiếm đa số tuyệt đối và sự cách biệt không lớn lắm so với đảng Syriza cánh tả chống kiêng khem. Nếu kết quả đúng như thế, phe chiến thắng buộc phải liên kết với các đảng phái khác để ổn định chính phủ và có nguy cơ lại bế tắc chính trị. Chỉ có một điều chắc chắn là 82,4% người dân Hy Lạp đồng ý tiếp tục nằm trong khối đồng euro

M.L. (tổng hợp)
.
.