Twitter kiện chương trình gián điệp của Chính phủ Mỹ

Chủ Nhật, 02/11/2014, 21:20

Hôm 7/10 vừa qua, mạng xã hội Twitter - nền tảng tiểu blog lớn nhất thế giới - chính thức đệ đơn kiện Bộ Tư pháp Mỹ lên Tòa án Liên bang ở North California, cho rằng những quy định giới hạn của cơ quan chính phủ ngăn cản công ty thông tin công khai về yêu cầu cung cấp dữ liệu người dùng cho các cơ quan tình báo vì lý do an ninh quốc gia. Theo Twitter, yêu cầu không tiết lộ thông tin cho người dùng về chương trình gián điệp của Bộ Tư pháp đã vi phạm Hiến pháp sửa đổi lần thứ nhất của nước Mỹ trong đó bảo đảm quyền tự do ngôn luận của công dân.

Với vụ kiện này, Twitter có trụ sở tại San Francisco - đã hành động xa hơn 5 công ty công nghệ hàng đầu khác (bao gồm Google, Yahoo! Inc., Microsoft Corp., LinkedIn Corp. và Facebook) trong nỗ lực dàn xếp với chính quyền Mỹ vào đầu năm nay về mức độ cho phép tiết lộ thông tin dữ liệu người dùng giữa mối lo ngại đang tăng đối với các chương trình gián điệp của cộng đồng tình báo nước này. Sau những tiết lộ hàng loạt của Edward Snowden, các công ty công nghệ cố gắng bảo đảm cam kết tôn trọng sự riêng tư của họ đối với khách hàng.

Benjamin Lee, Phó Chủ tịch Twitter, cho biết Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và Bộ Tư pháp có những quy định ngăn cản Twitter công bố số liệu hay bất kỳ thông tin nào liên quan đến chương trình gián điệp trong các báo cáo minh bạch hai lần trong năm của công ty.

Điều mà Twitter mong muốn là được phép tiết lộ với người dùng con số chính xác những lệnh của chính quyền liên quan đến an ninh quốc gia mà công ty nhận được. Tuy nhiên, Twitter không nhận được khối lượng khổng lồ các yêu cầu từ chính quyền như các nhà cung cấp dịch vụ email.

Người phát ngôn Emily Pierce của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, họ đang cân nhắc đơn kiện của Twitter và nhấn mạnh rằng trong thời gian qua chính quyền đã "hợp tác" với các công ty công nghệ để đạt được thỏa thuận cho phép họ "cung cấp thông tin rõ ràng về những yêu cầu của chính quyền trong khi vẫn bảo vệ được an ninh quốc gia".

Giới chức chính quyền cũng lập luận rằng FBI và NSA luôn tìm cách để bảo vệ đất nước trước những mối đe dọa rất hiện thực, do đó nếu cả thế giới biết được các nguồn và phương pháp của họ thì khả năng thất bại là rất cao.

Twitter chính thức đưa đơn kiện Bộ Tư pháp sau nhiều tháng nỗ lực nhằm đạt một thỏa thuận giữa hai bên đã không thành công. Tháng 4/2014, Twitter gửi đến Bộ Tư pháp và FBI bản sao phác thảo báo cáo minh bạch của công ty với yêu cầu được xem xét trước khi công bố. Đến tháng 9 vừa qua, luật sư trưởng FBI James A. Baker nói với luật sư Michael A. Sussmann của Twitter rằng: "Chúng tôi kết luận rằng thông tin chứa đựng trong bản báo cáo là mật nên không được phép công bố".

Jameel Jaffer, Phó Giám đốc phụ trách pháp lý của Liên minh Dân quyền Mỹ (ACLU), nhận định: "Twitter đang hành động đúng đắn khi thách thức các lệnh của tòa án và những quy định giữ bí mật. Nếu những quy định này ngăn cấm Twitter tiết lộ thông tin tối thiểu về chương trình gián điệp của chính quyền, thì chúng đã vi phạm Hiến pháp sửa đổi lần thứ nhất. Hiến pháp không cho phép chính quyền áp đặt lệnh cấm công bố sự thật về hành vi của họ. Chúng tôi hy vọng các công ty công nghệ khác sẽ theo gương của Twitter. Các công ty công nghệ bắt buộc phải bảo vệ thông tin nhạy cảm của khách hàng chống lại chương trình gián điệp của chính quyền, và phải ngay thẳng với khách hàng về việc thông tin của họ được sử dụng và chia sẻ như thế nào".

Logo của Twitter phía trước Sàn giao dịch chứng khoán New York, tháng 11/2013.

Tổ chức Ranh giới Điện tử (EFF) cũng lên tiếng chỉ trích chính quyền muốn che giấu người dân sự thật về "cách thu thập dữ liệu cá nhân" của mình. Luật sư Kurt Opsahl của EFF phát biểu: "Ngày càng có thêm nhiều nhà cung cấp dịch vụ công bố các báo cáo minh bạch của họ với khách hàng để duy trì niềm tin".

Những phản ứng mạnh mẽ của nhiều công ty công nghệ Mỹ xuất hiện rầm rộ sau khi Edward Snowden tiết lộ hàng loạt tài liệu tình báo mật của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ cho giới truyền thông và từ đó phơi bày sự thật bẩn thỉu về những chương trình gián điệp, nghe lén điện thoại, do thám Internet cũng như các lãnh đạo trên thế giới của cơ quan tình báo.

Dưới sức ép đang gia tăng về việc bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, Google và Apple Inc. đã phát triển công nghệ mã hóa mới cho các smartphone mới nhất nhằm chống lại hành vi do thám của chính quyền lẫn bọn hacker một cách hiệu quả hơn. Google và Facebook cũng ủng hộ những luật mới kìm hãm hoạt động thu thập dữ liệu Internet và cho phép các công ty công nghệ tiết lộ nhiều hơn nữa về yêu cầu cung cấp thông tin người dùng từ chính quyền.

Các công ty công nghệ càng bị o ép hơn nữa khi Luật Bảo vệ nước Mỹ (PAA) thông qua năm 2007 cho phép chính quyền thu thập dữ liệu đối với các mục tiêu tình báo ở bên ngoài nước Mỹ. Một tài liệu vào tháng 2/2008 mô tả lệnh buộc Yahoo cung cấp dữ liệu bao gồm "một số loại giao tiếp khi chúng được truyền đi". Điều đó cho thấy rõ là các mục tiêu ở bên ngoài nước Mỹ nhưng khó tránh khỏi sự thu thập thông tin "ngẫu nhiên" các giao tiếp của công dân Mỹ

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.