Vài nét về Ted Osius, tân Đại sứ Mỹ trong tương lai tại Việt Nam

Thứ Sáu, 05/12/2014, 17:00
Thượng viện Mỹ tối 18/11 vừa qua đã thông qua quyết định bổ nhiệm ông Ted Osius, tên đầy đủ là Theodore G. Osius III, làm tân Đại sứ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam, thay người tiền nhiệm David Share. Ông Ted Osius đã được bổ nhiệm vị trí này sau khi giành thắng lợi trước ba ứng cử viên khác trong một cuộc biểu quyết tại Thượng viện Mỹ theo đề cử của Tổng thống Mỹ Barack Obama từ ngày 15/5.

Từng đạp xe đạp xuyên Việt
Ông Ted Osius.

Theo tờ Washington Post, sinh ra ở bang Maryland nhưng Ted Osius lại theo học Trường The Putney ở bang Vermont, tốt nghiệp năm 1979 và theo học ngành Xã hội học tại Đại học Harvard. Ông đã viết cho Harvard Crimson - tờ nhật báo sinh viên của Đại học Havard, nghiên cứu và sửa đổi một số cuốn trong loạt sách du lịch "Let's go". Năm 1984, ông lấy bằng cử nhân và thực tập tại Đại học Mỹ ở Cairo, Ai Cập một năm. Trong thời gian ở Ai Cập, cha ông, Tiến sĩ Ted Osius, một bác sĩ tiết niệu, đã qua đời vì một cơn đau tim trong khi đi săn. Năm 1985, ông trở về Mỹ và làm cộng tác viên lập pháp cho Thượng nghị sĩ Al Gore tới năm 1987. Sau đó, ông theo học tại Trường Nghiên cứu Quốc tế (SAIS) thuộc Đại học Johns Hopkins và tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Kinh tế quốc tế và Chính sách đối ngoại Mỹ năm 1989. Ông tham gia kỳ thi tuyển vào Bộ Ngoại giao Mỹ năm đó và lần này ông trúng tuyển. Nhiệm vụ đầu tiên của ông là ở Manila, từ năm 1989 đến 1991. Kế tiếp ông được chỉ định đến Vatican và Liên Hiệp Quốc (LHQ).

Năm 1996, ông Osius có mặt trong phái đoàn quan chức Mỹ đầu tiên đến Việt Nam kể từ khi quan hệ song phương được bình thường hóa và ông đã có một năm ở Hà Nội để chuẩn bị cơ sở cho sự có mặt của Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam. Trong thời gian này, có lần ông đã "nổi hứng" đạp xe hơn 1.930km từ Hà Nội vào TP HCM. Sau khi trở về Washington năm 1998, Ted Osius đảm nhiệm vị trí Cố vấn cao cấp về các vấn đề quốc tế cho Phó tổng thống Al Gore, chuyên trách về các lĩnh vực châu Á và các vấn đề thương mại - kinh tế quốc tế, cho tới năm 2001. Ông từng đại diện Phó tổng thống Al Gore tham gia đội chuẩn bị hiệp định thương mại song phương với Việt Nam. Trước đó, ông đã tháp tùng Tổng thống Bill Clinton trong chuyến thăm Việt Nam vào năm 2000.

Năm 2001, Osius quay lại Đông Nam Á trong vai trò một cán bộ về các vấn đề môi trường tại Đại sứ quán Mỹ ở Bangkok. Thời gian ở Thái Lan, Ted Osius đã viết một cuốn sách mang tên "The U.S.-Japan security alliance: Why it matters and how to strengthen it" (tạm dịch: Liên minh an ninh Mỹ - Nhật: Tại sao quan trọng và làm thế nào để tăng cường nó). Trong cuốn sách này, ông xem xét vai trò của Mỹ là người bảo vệ của quân đội Nhật Bản. Năm 2004, Osius trở về Washington làm Phó giám đốc Văn phòng các vấn đề Hàn Quốc tại Vụ các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ.

Người đồng tính công khai thứ 7 được Tổng thống Mỹ bổ nhiệm giữ chức vụ đại sứ

Năm 2004 cũng là một điểm mốc quan trọng trong cuộc đời của Ted Osius khi ông gặp Clayton Bond tại cuộc họp mặt của những người đồng tính trong ngành Ngoại giao Mỹ. Và họ đã tiến hành lễ kết hôn vào năm 2006 tại Vancouver, Canada. Và trong năm đó, ông và Bond đã nhận nuôi một bé trai. Sau đó, cả 2 đã được điều động sang làm việc tại Đại sứ quán Mỹ tại New Delhi, Ấn Độ. Ted Osius khi đó giữ chức Tham tán Công sứ phụ trách chính trị. Năm 2008, ông được mời làm quan sát viên trong cuộc thăm dò chuẩn bị cho cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên ở Bhutan. Khi hết nhiệm kỳ vào năm 2009, ông lại được bổ nhiệm làm Phó đại sứ Đại sứ quán Mỹ tại Jakarta, Indonesia. Năm đầu tiên ở đây, ông đã giúp phối hợp các nỗ lực khắc phục hậu quả của trận động đất ở Tây Sumatra. Năm 2012, Ted Osius trở lại Washington và được bổ nhiệm làm thành viên cấp cao và cố vấn chính sách đối ngoại tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế (CSIS). Về sau ông là giáo sư giảng dạy tại Đại học Quốc phòng Mỹ và Đại học Chiến tranh Quốc gia cũng thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ.

Trong suốt buổi điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hôm 17-6-2014 sau khi được Tổng thống Obama đề cử giữ chức Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, chính Osius là người nêu quan điểm có thể đã tới lúc Washington cân nhắc dỡ bỏ lệnh cấm bán và chuyển giao vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Sau buổi điều trần này ít lâu, Chính phủ Mỹ đã chính thức gỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam nhằm giúp Việt Nam tăng cường năng lực giám sát và quản lý hàng hải. 25 năm hoạt động trong ngành ngoại giao, trong đó có nhiều năm làm việc tại khu vực châu Á, tân Đại sứ Mỹ tại Việt Nam nói được tiếng Việt, tiếng Pháp, Italia và một chút tiếng Indonesia, Nhật Bản, Thái Lan, Arập, Hindu.

Ông Ted Osius cùng bạn đời và con trai.

Ông Osius là người đồng tính công khai thứ 7 mà Tổng thống Obama đã bổ nhiệm giữ chức vụ đại sứ của Mỹ. Những người đồng tính khác có cựu Đại sứ Mỹ tại New Zealand David Huebner, Đại sứ Mỹ tại Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu, Đại sứ Mỹ tại Tây Ban Nha James Costos, Đại sứ Mỹ tại Đan Mạch Rufus Gifford, Đại sứ Mỹ tại Cộng hòa Dominica James Wally Brewster. Tờ Washington Blade dẫn lời Selim Ariturk, Chủ tịch nhóm nhân viên đồng tính, song tính và chuyển giới của Bộ Ngoại giao Mỹ (GLIFAA) nói rằng, việc phê chuẩn ông Osius là nguồn tự hào cho toàn thể cộng đồng đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT): "Đại sứ Osius là một người lãnh đạo trong GLIFAA từ rất lâu trước khi cộng đồng này có thể cảm thấy thoải mái khi công khai ở Bộ Ngoại giao. Và việc bổ nhiệm ông là nguồn cảm hứng cho tất cả chúng tôi".

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.