Ván cờ Iran của Tổng thống Obama

Thứ Năm, 12/03/2015, 15:25
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Mohammad Javad Zarif của Iran đã gặp nhau tại Geneva hôm 22/2 vừa qua. Những kẻ đối lập với Tổng thống Obama cùng những cựu cố vấn của ông cũng như các đồng minh Israel và ARập lo ngại rằng, mong muốn đạt được một thỏa thuận tối thiểu với Iran đang che đậy giấc mơ nhích gần lại đất nước Hồi giáo này.

Vào tháng 1/2014, Tổng thống Obama đã có cuộc trò chuyện với phóng viên David Remnick của tờ The New Yorker.

Sau năm 2013, do thất bại trong chính sách với Syria và sự tê liệt của Quốc hội, Tổng thống Obama cho rằng, cơ may là 50-50 để đạt được một thỏa ước hạt nhân với Iran. Nhưng ông vẫn nuôi hy vọng và không giấu giếm tầm quan trọng chính trị về vấn đề này đối với nhiệm kỳ 2 của ông.

Mối bận tâm nhất của ông là tìm được "một sự quân bình địa chính trị mới, ít xáo động hơn là quang cảnh nội chiến kinh hoàng và xung  đột sắc tộc hiện nay".

Dường như Tổng thống Obama đang mơ về một ván cờ địa chính trị có lợi, khả dĩ thay đổi được cục diện tại Trung Đông. "Iran có một chặng đường để chấm dứt sự cô lập. Nếu làm được, đó sẽ là một sức mạnh khu vực đầy hứa hẹn".

Tổng thống Obama còn hé lộ rằng, Mỹ có thể hợp tác với Iran trong nhiều lĩnh vực khác một khi đạt được thành công về hồ sơ hạt nhân. Điều này khiến Israel và các nước Vùng Vịnh lo âu.

Phải chăng có một ván cờ chưa hé lộ về Iran? Cựu cố vấn Michael Doran về vùng Cận Đông dưới thời Tổng thống G.Bush tin thế. Nhà nghiên cứu này cho rằng, lá bài Iran đã được Tổng thống Obama chơi từ đầu.

"Nếu dưới thời Bush, ông ấy xử sự như một sếp cảnh sát, đưa những đội quân đi săn lùng quái vật, còn với Obama, nước Mỹ tìm cách tước vũ khí của các đối thủ bằng cách trói họ vào một tấm lưới hợp tác. Ông Obama mơ ước một sự nhích gần lại với Iran giống như Nixon đã làm với Trung Quốc" - Michael Doran nhận định.

Michael Doran nhận thấy các dấu hiệu rõ rệt qua những bức thư trao đổi riêng giữa Tổng thống Obama và Giáo chủ Khamenei.

Ông nhắc đến những cuộc đàm phán song phương bí mật ngay từ trước khi Tổng thống Rouhani đắc cử vào mùa xuân 2013. Ông tin rằng, Chính phủ Mỹ đã mặc nhiên thỏa thuận với Tehran để né tránh vấn đề Syria.

Tổng thống Rouhani và Tổng thống Obama.

Có một yếu tố củng cố cho nhận định của Michael Doran: Tờ Wall Street Journal từng đưa tin: Tổng thống Obama đã viết cho Giáo chủ Khamenei một bức thư khẳng định Mỹ sẽ không nhắm đến quân đội của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad và Iran trong chiến dịch chống IS. Michael Doran dẫn lời một vị tướng Mỹ tiết lộ Chính phủ Mỹ đã mở một kênh liên lạc với Iran qua Iraq về vấn đề IS nhằm tránh "mâu thuẫn trong việc tiến hành các chiến dịch của hai bên".

"Với câu hỏi chủ yếu liệu Iran có thể là một nhân tố tích cực không, câu trả lời của Mỹ rõ ràng là: Có. Hơn nữa, đó lại là một quan điểm khá phổ biến tại Washington, và không phải là không có lý do. Nếu định nghĩa chiến lược của chúng ta  bằng cách dùng một mô hình tin học, chúng ta thấy rõ rằng Iran và Mỹ có rất nhiều điểm chung và giữa Iran với Israel cũng thế. Chỉ có điều đấy là một nước Cộng hòa Hồi giáo”.

Theo Michael Doran, từ năm 2006, Tổng thống Obama đã chịu ảnh hưởng từ ý tưởng của Lee Hamilton và James Baker, hai đồng Chủ tịch Nhóm nghiên cứu về Iraq.

Hai người này đã kêu gọi Tổng thống Bush rút quân ở Iraq về, tập trung vào Afghanistan, tái khởi động tiến trình hòa bình Israel-Palestine và có chính sách cởi mở với Iran cũng như Syria.

Dự án tương tự đã được thực hiện từng điểm bởi Tổng thống Obama. "Baker và Hamilton cho rằng Obama quá phụ thuộc vào Israel" - Doran cho biết và nhắc lại rằng các cố vấn Denis McDonough và Ben Rhodes của Obama cũng cùng làm việc với họ.

Gần đến thời điểm cuối tháng 3 của cuộc đàm phán về hạt nhân, Michael Doran không phải là người duy nhất lo lắng về các dự tính của ông Obama đối với Iran.

Bài xã luận của tờ Washington Post nhắc đến cuộc điều trần của Henry Kissinger trước Ủy ban Các Lực lượng vũ trang của Thượng viện.

Nhiều nghị sĩ lo lắng về "một sự đàm phán thay thế mục tiêu loại trừ khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân của Iran bằng mục tiêu nhân nhượng và hạn chế tạm thời khả năng đó".

Bài xã luận cũng nhấn mạnh đến "sự khước từ của Nhà Trắng, không có khả năng chống trả những nỗ lực của Iran nhằm bành trướng tầm ảnh hưởng tại Trung Đông (nhất là Yemen) và sẵn sàng nhượng cho Iran một vị trí quyền lực trong vùng thay cho Israel và nhiều đồng minh khác".

Một cựu quan chức trong Chính phủ Obama là Martin Indyk đã đưa ra một luận cứ để khẳng định rằng, xét theo các rối loạn trong khu vực, Chính phủ Mỹ buộc phải chọn lựa giữa sự nhích gần lại với Iran và sự tái sắp xếp với các đồng minh Arập Xêút, Ai Cập và Israel.

Martin cho rằng chọn lựa Iran - trong trường hợp có thỏa thuận về hạt nhân - sẽ có lợi và có thể dẫn đến một chính sách chung để loại bỏ Bashar Al-Assad, kế đó là đấu tranh với IS hữu hiệu hơn. Nhưng ông lại phản bác kịch bản đó và rằng thật "ảo tưởng" khi nghĩ rằng Giáo chủ Khamenei có thể "vượt qua các mặc cảm thù ghét Washington".

Và Martin đề nghị một sự quay về với các đồng minh truyền thống. Lập luận của ông dường như cho thấy rằng dù sao Nhà Trắng cũng bị cám dỗ bởi chọn lựa kia.

Một số nhà nghiên cứu thân cận với chính quyền bác bỏ sự cám dỗ của một ván cờ Iran. "Hãy nhìn chính sách của chúng ta tại Arập Xêút và phái đoàn đông đảo tháp tùng Tổng thống Obama đến Riyadh, đó là một sự xa cách sao? Không, chúng ta cần Arập Xêút để chống lại IS" - chuyên gia Brian Katulis cho biết.

Còn chuyên gia Chas Freeman nhận xét: "Có lẽ một vài nhân vật trong chính phủ nhận thấy lợi ích rõ rệt khi hợp tác với Iran về việc chống IS. Và chuyến công du đến Riyadh có thể được hiểu như là một cách để trấn an Arập Xêút. Nhưng tôi không thấy có một chiến lược chung trong Nhà Trắng. Những người ở đấy giống như lũ ếch trong hốc, mạnh ai nấy kêu".

Nhà nghiên cứu Robert Einhorn (từng tham gia đàm phán) với Iran cũng tỏ ra nghi hoặc. "Nhà Trắng chỉ đi mỗi lần một bước và theo một chính sách thực tiễn. Thật khó tưởng tượng ra một sự hợp tác khác ngoài việc thảo luận về hạt nhân".

Nhưng ông thừa nhận rằng nếu đạt được một thỏa thuận với Iran, "một sự hợp tác có thể diễn ra về những chủ đề khác, chẳng hạn như về Afghanistan".

Không mấy tin tưởng vào những lập luận trên, cũng như nội dung của cuộc đàm phán, phe Cộng hòa khẳng định rằng, họ sẽ không bao giờ ký kết một thỏa ước "rẻ mạt" và đang chuẩn bị phê chuẩn một chu trình chế tài mới vào cuối tháng 3.

Tổng thống Obama đã cảnh báo về mọi mưu toan phá hoại cuộc đàm phán và đe dọa sẽ sử dụng quyền phủ quyết đối với chế tài trên. "Rất nhiều người tại Washington cũng như Tehran muốn làm hỏng cuộc đàm phán. Rất khó khăn cho một thành công" - Chas Freeman cho biết. Tuy nhiên, một nguồn tin thân cận với chính quyền tiết lộ rằng Mỹ và Iran "chưa bao giờ đến gần một thỏa thuận như thế".

Minh Luân (tổng hợp)
.
.