Về việc chấm dứt hợp tác an ninh Hàn Quốc - Nhật Bản
- Hàn Quốc - Nhật Bản: Tranh cãi chính trị, thương mại lan sang an ninh, tình báo
- Quan hệ Hàn Quốc – Nhật Bản thêm một lần “chông chênh”
Thông báo của chính quyền Tổng thống Moon Jae-in hôm 22-8 về việc Hàn Quốc sẽ rút khỏi GSOMIA (quyết định này có hiệu lực vào tháng 11 tới) đã nhanh chóng vấp phải sự phản đối từ Tokyo và khơi sâu thêm mối ân oán với quốc gia láng giềng liên quan đến vấn đề lịch sử.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến của giới phân tích cho rằng động thái này chỉ là lời cảnh báo mạnh mẽ đối với việc Nhật Bản áp đặt những hạn chế thương mại đối với Hàn Quốc hồi tháng trước.
Công cụ đối phó
GSOMIA đã được coi như một công cụ hữu ích để hợp lý hóa việc chia sẻ thông tin tình báo giữa Seoul và Tokyo trước các mối đe dọa hạt nhân từ CHDCND Triều Tiên. GSOMIA Hàn-Nhật cho phép trao đổi trực tiếp những bí mật quân sự dưới cấp độ II mà không qua Mỹ, được ký kết vào tháng 11-2016.
Hiệp định gồm 21 điểm, quy định về cấp độ trao đổi bí mật, phương pháp trao đổi bí mật quân sự, nguyên tắc bảo vệ thông tin, phạm vi người có quyền truy cập thông tin, cách hủy thông tin và cách đối phó với trường hợp thông tin bị thất lạc hoặc phá hoại. Văn bản này có hiệu lực 1 năm và trong vòng 90 ngày trước khi hiệp định kết thúc, hai bên sẽ thông báo việc gia hạn văn kiện thông qua kênh ngoại giao.
Nếu không có văn bản thông báo, hiệp định sẽ được tự động gia hạn 1 năm, tức là Seoul và Tokyo không cần trải qua những thủ tục phức tạp, chỉ gửi văn bản thông báo thì có thể hủy bỏ hiệu lực văn kiện này.
Hàn Quốc và Nhật Bản có thế mạnh riêng khi thu thập thông tin tình báo và hiệp định này đảm bảo thông tin quân sự chung Hàn-Nhật sẽ tăng cường khả năng giám sát và chất lượng thông tin về CHDCND Triều Tiên. Điểm mạnh của Tokyo là khả năng thu thập thông tin thông qua trang thiết bị hiện đại, trong khi thế mạnh của Seoul là thu thập thông tin tình báo qua con người.
Nhật Bản sở hữu những trang thiết bị thu thập thông tin như vệ tinh, ra-đa, máy bay cảnh báo sớm, máy bay tuần tra biển và có thể thu thập các thông tin liên quan đến căn cứ tàu ngầm, căn cứ tên lửa đạn đạo và tên lửa đạn đạo có khả năng được phóng từ tàu ngầm của Triều Tiên.
Trong khi đó, Seoul có thể thu thập thông tin thông qua con người như tình trạng người tị nạn Triều Tiên, đặc biệt là những người ở khu vực biên giới Trung-Triều và các loại trang thiết bị nghe lén được lắp đặt ở đường ranh giới quân sự liên Triều. Các thông tin này được đánh giá là "rất chi tiết và không thể có được ở bất cứ nơi nào khác".
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo và Đại sứ Nhật Bản tại Hàn Quốc Yasumasa Nagamine ký Hiệp định Chia sẻ thông tin tình báo quân sự (GSOMIA) tại Seoul ngày 23-11-2016. Theo: YONHAP. |
Sự rạn nứt rõ ràng
Giới phân tích cho rằng quyết định của Hàn Quốc chấm dứt GSOMIA cũng có thể làm cho liên minh Seoul-Washington trở nên lỏng lẻo, mất khả năng đối phó các nguy cơ an ninh trong khu vực. Đánh giá này hoàn toàn trái ngược với khẳng định của Chính phủ Hàn Quốc rằng việc chấm dứt GSOMIA không liên quan gì đến liên minh Hàn-Mỹ và chỉ do sự "thay đổi nghiêm trọng" trong môi trường hợp tác an ninh giữa Hàn Quốc và Nhật Bản.
Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã ký một thỏa thuận riêng rẽ, Thỏa thuận Chia sẻ thông tin 3 bên (TISA) vào năm 2014, để đối phó với sức mạnh hạt nhân và tên lửa đang ngày càng lớn của CHDCND Triều Tiên. Thỏa thuận đó giới hạn phạm vi thông tin có thể chia sẻ chỉ liên quan đến các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng, khác với GSOMIA cho phép Hàn Quốc và Nhật Bản trao đổi thông tin tình báo rộng hơn về CHDCND Triều Tiên. Với việc chấm dứt thỏa thuận này, hai đồng minh của Mỹ sẽ phải thông qua Washington để điều phối bất kỳ phản ứng nào với Bình Nhưỡng.
Washington đã từng hi vọng Seoul sẽ từ bỏ lời đe dọa chấm dứt GSOMIA nhằm ngăn chặn những mâu thuẫn về thương mại và các vấn đề lịch sử với Tokyo lan sang lĩnh vực an ninh. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố ông "thất vọng" trước quyết định của Hàn Quốc và bày tỏ hi vọng hai nước sẽ tiến hành hàn gắn mối quan hệ song phương.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã đi xa hơn khi chỉ trích chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in rằng việc chấm dứt thỏa thuận "thể hiện sự đánh giá sai lầm nghiêm trọng của Chính phủ Hàn Quốc về những thách thức an ninh lớn mà các nước này phải đối mặt ở Đông Bắc Á".
Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cũng bày tỏ lo ngại về quyết định của Hàn Quốc chấm dứt GSOMIA, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác an ninh liên tục giữa 3 quốc gia Mỹ-Nhật-Hàn.
Mặt khác, giới phân tích cũng lưu ý rằng sự bất đồng xảy ra vào thời điểm Seoul và Washington chuẩn bị đàm phán gia hạn thỏa thuận chia sẻ chi phí cho sự đồn trú của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố ý định của mình đòi Seoul "phải trả nhiều tiền hơn" để đảm bảo an ninh.
Hãng thông tấn Yonhap ngày 26-8 dẫn kết quả cuộc thăm dò dư luận do hãng Realmeter công bố cùng ngày với 501 người trên 19 tuổi khắp cả nước cho biết có tới 54,9% người dân ủng hộ chính phủ về việc chấm dứt GSOMIA.
Giới phân tích quốc tế thống nhất rằng, thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo Nhật-Hàn bị hủy bỏ sẽ tác động đến nỗ lực của Mỹ trong hơn một thập niên qua nhằm liên kết các đồng minh khu vực Đông Bắc Á đối phó với các mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên cũng như kiểm soát ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Chính vì vậy, việc thỏa thuận GSOMIA, biểu tượng trụ cột hợp tác an ninh của Nhật Bản và Hàn Quốc đồng thời cũng là nền tảng chính cho hợp tác an ninh 3 bên Mỹ-Nhật-Hàn bị đổ vỡ sẽ gây tổn thất lớn cho chiến lược của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm bao vây, ngăn chặn đà trỗi dậy của Trung Quốc cũng như việc nhổ bỏ "cái gai an ninh" từ chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.