Venezuela: Quân đội tuyên bố ủng hộ Tổng thống Maduro

Thứ Ba, 29/01/2019, 13:09
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Venezuela đã leo thang nghiêm trọng sau khi ông Juan Guaido - Chủ tịch Quốc hội - tự tuyên bố là “Tổng thống tạm quyền” và ngay sau đó Mỹ cùng một số nước đồng minh trong khu vực nhanh chóng công nhận.

Trong phiên họp đặc biệt tại Tòa án tối cao hôm 24-1, Tổng thống Nicolas Maduro tuyên bố đóng cửa Đại sứ quán và Lãnh sự Mỹ tại Venezuela. Trước đó một ngày, ông Maduro tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ và yêu cầu nhân viên ngoại giao Mỹ phải rời Venezuela trong vòng 72 giờ.

Những bất ổn tại Venezuela đã kéo dài trong nhiều tháng qua, là hậu quả của tình trạng kinh tế khó khăn, lạm phát phi mã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Tình hình đó tạo cơ hội cho những cuộc biểu tình phản đối do thành phần chính trị đối lập, chống Tổng thống Nicolas Maduro với hàng ngàn người tham gia tràn ngập các đường phố trên khắp đất nước, đặc biệt là ở thủ đô Caracas.

Đã có hơn 10 người chết trong các cuộc biểu tình này. Ngày 23-1, những cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra tại thủ đô Caracas. Và Chủ tịch Quốc hội Venezuela Juan Guaido đã đứng trước đám đông biểu tình để “tự tuyên thệ tiếp nhận tất cả quyền lực tổng thống” từ tay tổng thống được dân bầu hợp pháp Maduro.

Việc Chủ tịch Quốc hội Guaido tự tuyên thệ làm tổng thống đã gây chia rẽ sâu sắc nội bộ đất nước Venezuela, đồng thời tạo ra một tình huống đối đầu chính trị, ngoại giao, quân sự nguy hiểm giữa các cường quốc thế giới.

Sau tuyên bố của Guaido, đất nước Venezuela vốn đang lún sâu trong khủng hoảng kinh tế, nay lại càng thêm khó khăn với việc 2 “tổng thống” cùng tranh giành quyền lãnh đạo đất nước. Những người ủng hộ phe đối lập đang mong muốn Tổng thống Maduro phải ra đi “càng sớm càng tốt” để nhường quyền kiểm soát đất nước về tay mình.

Đây là cuộc đấu quyền lực giữa phe đối lập - do các thế lực bên ngoài tiếp tay và giật dây - kéo dài dai dẳng hơn 20 năm nay, kể từ khi cố Tổng thống Hugo Chavez lên nắm quyền và thiết lập chế độ xã hội chủ nghĩa Bolivar tại Venezuela. Đất nước Venezuela dưới thời ông Chavez từng là một quốc gia tương đối ổn định, có nền kinh tế khá tốt với xuất khẩu dầu mỏ là mặt hàng chủ lực.

Tổng thống Nicolás Maduro (đứng giữa) nói chuyện với những người ủng hộ hôm thứ tư (23-1-2019) tại thủ đô Caracas.

Nhưng từ khi ông Chavez qua đời vào năm 2013 và ông Maduro lên thay, Venezuela bắt đầu gặp khó khăn. Đặc biệt là trong vòng 3 năm trở lại đây, kinh tế đất nước giàu dầu mỏ nhất nhì thế giới ngoài OPEC này đã xuống dốc trầm trọng, lạm phát phi mã, lương thực, thuốc men khan hiếm, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, tình trạng thiếu ăn lan rộng.

Chính phủ Venezuela tỏ ra bế tắc trong việc tìm kiếm giải pháp vực dậy nền kinh tế nhằm cải thiện đời sống người dân. Với khí thế sau lời “tuyên thệ” của Chủ tịch Quốc hội Guaido và sự tiếp sức từ bên ngoài, phe chống đối Tổng thống Maduro càng thêm hăng say vận động người dân tham gia biểu tình, bạo loạn, tạo nên tình huống rối ren chưa từng có tại Venezuela.

Ngay sau khi ông Guaido tự tuyên thệ làm “tổng thống tạm quyền”, chính quyền Mỹ đã nhanh chóng lên tiếng chính thức công nhận. Sau Mỹ, một loạt quốc gia đồng minh và khu vực Mỹ Latinh như Canada, Brazil, Colombia,... cũng tuyên bố sẽ công nhận theo Mỹ. Tuy nhiên, đến nay chưa có nước nào chính thức công nhận “Tổng thống Guaido” ngoài Mỹ.

Riêng Liên minh châu Âu (EU) chỉ đưa ra tuyên bố “mau chóng tiến tới các cuộc bầu cử tự do” cho người dân Venezuela và rằng chỉ có người dân Venezuela có quyền định đoạt tương lai của đất nước mình. Đi xa hơn, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn tuyên bố “tất cả các lựa chọn đang nằm trên bàn” khi trả lời phóng viên báo chí về phản ứng của Mỹ đối với tình hình Venezuela, trong đó có cả lựa chọn quân sự mà ông Trump đã úp mở nhắc đến trong thời gian qua.

Động thái có phần quá vội vàng và quyết liệt này của Mỹ ngay lập tức vấp phải sự phản ứng từ nhiều phía, đặc biệt là Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia trong khu vực Mỹ Latinh như Mexico, Cuba, Uruguay,...

Nguy cơ đối đầu căng thẳng giữa Mỹ với Nga được giới bình luận đánh giá là rất cao nếu Mỹ nóng vội tiến hành những động thái mạnh tay để hậu thuẫn phe đối lập. Lâu nay, Nga (cùng với Trung Quốc) luôn duy trì là đồng minh thân cận, ủng hộ Venezuela trong mọi tình huống. Vào tháng 12-2018, Nga đã thể hiện sự ủng hộ này bằng việc cử 2 máy bay ném bom hạng nặng TU-160 đến Venezuela.

Bộ Ngoại giao Nga cũng ra tuyên bố sẽ ủng hộ Venezuela trong tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Ngày 24-1, Trung Quốc cũng lên tiếng sẽ dùng các nỗ lực của mình để duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ của Venezuela, chống lại sự can thiệp từ bên ngoài vào nội tình Venezuela. Cùng với Nga và Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Cuba cũng lên tiếng ủng hộ chính quyền ông Maduro và lên án sự can thiệp trắng trợn của Mỹ nhằm lật đổ tổng thống hợp pháp của đất nước Venezuela. 

Cho đến nay Chính phủ Venezuela vẫn đứng vững trước sức ép ngoại giao lẫn phe đối lập trong nước là do vẫn còn những con người đủ tỉnh táo tiếp tục đứng bên cạnh ủng hộ Tổng thống Maduro để giúp tình hình an ninh - chính trị trong nước tránh khỏi tình huống vượt “lằn ranh đỏ” rơi vào hỗn loạn.

Chiều tối 24-1 (giờ địa phương), Bộ trưởng Quốc phòng Vladimir Padrino đã đáp lại lời kêu gọi của Tổng thống Maduro, lên tiếng phản đối việc ông Guaido tự tuyên thệ làm “Tổng thống” và tố cáo phe đối lập do Guaido lãnh đạo, đã hợp tác với Mỹ và đồng minh trong khu vực như Brazil âm mưu thực hiện một cuộc “đảo chính” nhằm lật đổ Tổng thống Maduro và chính quyền hợp pháp của ông.

Bộ trưởng Padrino tuyên bố ủng hộ Tổng thống Maduro, đồng thời kêu gọi phe đối lập đối thoại nhằm tránh xảy ra xung đột, nội chiến.

Văn Trương (tổng hợp)
.
.