Vị ngọt trong quả đắng

Thứ Ba, 20/02/2018, 14:43
Năm 2017, điều lạ là hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều tăng trưởng dương, như tờ Wall Street nhận định, đây là điều hiếm thấy trong 50 năm qua. Song kinh tế càng mạnh, tính khó lường trong quan hệ nước lớn càng gia tăng, nhất là sau khi lãnh đạo các cường quốc đưa ra những tuyên bố chiến lược xoay chuyển ở quy mô toàn cầu.

Một năm kết thúc với đầy đủ mừng vui, quan ngại và hy vọng trong một thế giới ngày càng phức tạp...

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các Trưởng đoàn chụp ảnh chung tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Ảnh: Ban Tổ chức APEC 2017.

Những vết rạn quanh địa cầu

Trên chính trường thế giới, sự thay đổi chóng mặt của những “ngôi sao lớn” làm cho thế giới choáng váng và cảm thấy khó hiểu, nhiều vết rạn đã xuất hiện quanh địa cầu.

Kể từ khi nhậm chức hồi tháng 1-2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây chấn động toàn thế giới bằng khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”, cương quyết xáo trộn “từ gốc đến ngọn” trật tự thế giới đa phương. Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi nhiều thỏa thuận quốc tế lớn, như Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); Tổ chức Văn hóa và Giáo dục của Liên Hiệp Quốc (UNESCO); chấm dứt tham gia Thỏa thuận toàn cầu về nhập cư...

Không dừng ở đó, trong vòng một năm, Tổng thống Mỹ còn đưa ra hàng loạt tuyên bố gây sốc về vấn đề Triều Tiên; về Jerusalem; thay đổi chính sách về Cuba; chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và gần đây là chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ... đã và đang gây ra những cơn sóng trải dài từ châu Á, qua Trung Đông, tới châu Âu, Mỹ Latinh...

Chưa năm nào các mối quan hệ giữa các nước lớn lại có nhiều biến động như vậy. Quan hệ Trung-Mỹ bề ngoài khá ổn định nhưng dòng nước ngầm âm ỉ chảy trong những rủi ro của sự đối đầu tiếp tục tích tụ. Cho dù đã có một vài cải thiện, song việc Tổng thống Mỹ tháng 11-2017 đưa ra khái niệm “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, “cơ chế 4 nước” Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia đã khiến nền kinh tế lớn thứ hai không khỏi nghi ngại.

Tổng thống Mỹ DonalD Trump trong lễ tuyên thệ nhậm chức tháng 1-2017. Ảnh: PBS.

Liền một lúc khu vực châu Á - Thái Bình Dương có 2 chiến lược lớn cùng tồn tại. Chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tự do và cởi mở” và Sáng kiến “Vành đai, Con đường”. Châu Á - Thái Bình Dương bình an hay dậy sóng phụ thuộc rất nhiều vào cách triển khai sáng kiến và chiến lược này.

Nhà chiến lược hàng hải người Ấn Độ Gurpreet S. Khurana, Giám đốc điều hành Quỹ Hàng hải quốc gia có trụ sở tại New Delhi, dự đoán Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ là một “vùng mở rộng cho hội nhập” nếu các “khuôn khổ lý thuyết” và chuẩn mực ứng xử quốc tế được bảo đảm. Ngược lại, nó sẽ trở thành đấu trường trong cuộc cạnh tranh áp đặt sự thống trị; trở thành trận địa của cuộc “Chiến tranh Lạnh mới” giữa những người khổng lồ.

Sự đan xen và những vết nứt phức tạp còn thể hiện qua các mối quan hệ theo kiểu hợp tác trong cạnh tranh. Điển hình là quan hệ Trung - Nhật, Ấn Độ - Trung Quốc, Nga - Trung Quốc... Trong năm qua, mối quan hệ giữa các cặp nước lớn này đã đạt được những bước phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực quan trọng, từ an ninh - quốc phòng cho tới kinh tế, chính trị, ngoại giao đã góp phần làm cho bản đồ chính trị thế giới định hình một cách rõ nét hơn; những căng thẳng liên quan tới tranh chấp chủ quyền, biển, đảo giữa các cặp nước lớn trên đã giảm nhiệt nhưng có thể bùng phát trở lại bất kỳ lúc nào bởi vấn đề lịch sử và cả lợi ích chiến lược hiện tại - tương lai vẫn chưa giải quyết được tận gốc.

Vết rạn nhìn thấy rõ nét nhất chính là quan hệ Mỹ-EU. Cuộc “hôn nhân” của “những người cũ” đang bị ảnh hưởng nặng bởi chính sách mới của Tổng thống D.Trump, khiến hai bên đang dần xa rời nhau. Ở góc độ lớn hơn, một vết rạn lớn hơn, vết rạn trong quan hệ Mỹ-Nga. Vết rạn ấy bắt nguồn từ những nghi kỵ chưa bao giờ chấm dứt giữa 2 cường quốc từ thời Chiến tranh Lạnh.

Cho tới giờ, tuy phải hợp tác với nhau trong cuộc chiến chung chống khủng bố, giải trừ hạt nhân hay cùng giảm nhiệt các điểm nóng trên thế giới... Song chưa bao giờ hai nước có thể đi tới cùng một đích. Cho dù thế nào, vết rạn giữa 2 cường quốc quân sự hàng đầu phải được thu nhỏ lại, bởi họ không thể thiếu nhau trong giải quyết các vấn đề lớn của thế giới, đặc biệt trong hợp tác chống khủng bố.

Nhìn một cách tổng thể, năm 2017, trật tự quốc tế hiện nay tiếp tục suy yếu. Trên thực tế, việc can dự vào công việc thế giới của phương Tây đang giảm sút. Trong khi đó, những chiến thắng vang dội của Nga trước chủ nghĩa khủng bố ở Trung Đông, tầm ảnh hưởng của nước này trong giải quyết các điểm nóng và sự vững vàng của nước Nga trong giải quyết các vấn đề với châu Âu đã cho thấy vai trò của các cường quốc như Nga và Trung Quốc ngày càng quan trọng trong tham gia và dẫn dắt thế giới, đặc biệt trong bối cảnh trật tự quốc tế có nhiều thay đổi như thời gian gần đây.

Những cuộc ra đi vội vã

Trong năm 2017, các cuộc bầu cử ở châu Âu như tại Hà Lan, Pháp, Đức và Áo đã giáng thêm một đòn vào sự hỗn loạn của thế giới.

Với việc Thủ tướng Đức Angela Merkel thất bại trong việc thành lập chính phủ đa số và muốn tổ chức bầu cử lại, bà có thể đối mặt với một cuộc chiến khó khăn hơn nếu một cuộc bầu cử lại được tiến hành. Tại London, tiếp theo những khó khăn của Thủ tướng Anh Theresa May trước các cuộc đàm phán để nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), hiện đã xuất hiện nỗi lo sợ lan rộng rằng "vết chân" của những người ủng hộ Brexit sẽ làm gia tăng sự hoài nghi châu Âu và nỗi sợ hãi châu Âu nhiều hơn.

Giới phân tích cảnh báo việc nước Anh rời khỏi EU đặt ra thách thức có hệ thống đối với tương lai của sự thống nhất châu Âu.

Jerusalem sẽ tiếp tục là chủ đề nóng trong năm 2018. Ảnh: Vox.
Quân đội Iraq tuyên bố đẩy lùi IS tại các khu vực. Ảnh: Reuters.

Theo giới phân tích, từ “đòn chí mạng” Brexit tới những hỗn loạn tại Catalonia, các loại hình mới của chủ nghĩa dân tộc đang thử thách sự kết nối và đoàn kết của EU. Cuộc khủng hoảng tại Tây Ban Nha là lời nhắc nhở mạnh mẽ về sự rạn nứt trong châu Âu, với việc một chính phủ trung ương của một quốc gia phải vật lộn với một khu vực đang muốn ly khai.

Nguy cơ ly khai không chỉ là “lý thuyết”. Theo ông Matthew Goodwin, nhà chính trị học tại Đại học Kent, các hệ thống chính trị của châu Âu “chưa bao giờ bất ổn như vậy, với mức độ thay đổi quan điểm của cử tri trong các cuộc bỏ phiếu cao kỷ lục và sự mất đi những ủng hộ dành cho các đảng truyền thống”.

Sự thể hiện của các đảng phản đối chính giới, hoài nghi châu Âu và theo chủ nghĩa dân túy trong các cuộc bầu cử trong năm 2018 tại Italy, Hungary và Thụy Điển sẽ là phép thử quan trọng, cho thấy quy mô của thách thức mà EU đang đối mặt.

Lùa thêm gió vào lò

Ở những khu vực khác trên thế giới cũng xuất hiện những “rạn nứt”. Năm 2017 khép lại với mối đe dọa này ngày càng trở nên đáng lo ngại hơn, nhất là sau vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hồi tháng 11 của Triều Tiên và tuyên bố của nhà lãnh đạo Kim Jong-un về khả năng tấn công mọi thành phố trên đất Mỹ. Tuy nhiên, vết rạn ở đây là cách giải quyết của các bên.

Chính Tổng thống D.Trump đã khiến tình hình trở nên căng thẳng hơn khi đe dọa trút “lửa và thịnh nộ” vào Bình Nhưỡng. Lần đầu tiên trong lịch sử, điều khiến cả thế giới lo lắng lại không phải là những hành vi bất thường của Triều Tiên, mà chính là những tín hiệu khó đoán mà Nhà Trắng đưa ra.

Năm 2017 còn ghi nhận một năm xáo trộn và đầy toan tính của cả Trung Đông. Sau tình trạng bạo lực tại Syria và Yemen, Iraq... đến lượt Qatar giàu dầu mỏ đã bị cô lập bởi các quốc gia láng giềng Arập đầy quyền lực với cáo buộc nước này ủng hộ chủ nghĩa khủng bố. Các chuyên gia đang kêu gọi áp dụng các kênh liên lạc và hợp tác đa phương nhằm tránh sự hiểu nhầm mà có thể khiến các cuộc xung đột trở nên tồi tệ hơn.

Trong những ngày cuối năm 2017, quyết định của Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel được xem như “thổi thêm gió vào lò lửa Trung Đông”. Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc và 128 quốc gia trên thế giới lên tiếng kêu gọi Mỹ rút lại tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Có thể thấy rõ, việc nước Mỹ “thổi thêm gió” vào hai lò lửa ở Đông Bắc Á, Trung Đông đang khiến họ bị cô lập. Nước Mỹ không quyết định thế giới. Nhưng những tuyên bố và chính sách của Tổng thống Mỹ đã khiến thế giới thực sự xáo trộn.

Ngoài hai lò lửa ở Đông Bắc Á và Trung Đông, một “lò lửa kinh tế” ở Mỹ Latinh cũng sắp bùng cháy khi các đầu tàu khu vực đang chật vật giải quyết hàng loạt khó khăn về kinh tế. Những diễn biến phức tạp trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội... đặt ra thách thức không nhỏ cho khu vực từng một thời là “ngôi sao đang lên” của thế giới.

Những “cơn đau” do những “khối u ác tính” từ bê bối tham nhũng, tiêu cực ở khắp các nước Nam Mỹ đã gây ra hậu quả vô cùng nặng nề, làm nhiều quốc gia rơi vào khủng hoảng kinh tế.

Điểm sáng ở nơi cùng cực

Trong một thế giới đầy rạn nứt, năm 2017 cũng chứng kiến những hy vọng nhờ nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng từng gây ra bạo lực và tàn sát ở những nước vốn đang chìm trong bất ổn, người dân sống trong cảnh cùng cực, đã thất thủ ở Iraq và Syria.

Thất bại quân sự trên diện rộng khiến địa bàn hoạt động còn lại của IS bị thu hẹp, khả năng tan vỡ của IS ngày càng lớn, một giai đoạn mới dường như bắt đầu nhen nhóm ở Syria, Iraq.

Còn nhớ, có những giai đoạn IS gia tăng sức mạnh nhanh chóng, bành trướng và chiếm lĩnh được phần lãnh thổ rộng lớn ở Trung Đông, thậm chí vươn cả “vòi bạch tuộc” tới châu Á, châu Phi. Đáng lo ngại hơn, những tư tưởng cực đoan và tinh thần "thánh chiến", "tử vì đạo" của chúng đã reo rắc khắp nơi trên thế giới khiến cho bất cứ đâu cũng có thể trở thành mục tiêu bị tấn công.

Châu Âu và Mỹ là những nơi đã phải trải qua nỗi kinh hoàng bởi các vụ tấn công khủng bố liên quan tới IS mà điển hình là các vụ tấn công của những “con sói đơn độc” bị IS tiêm nhiễm tư tưởng cực đoan.

Vấn đề tên lửa Triều Tiên là chủ đề nóng nhất trong năm 2017. Ảnh: russia now.
Quân đội Iraq diễu hành ăn mừng chiến thắng trước IS. Ảnh: Reuters.

Thắng lợi trước IS ở Iraq và Syria có thể coi là một thắng lợi mang tính bước ngoặt của cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống khủng bố trên quy mô toàn cầu. Thắng lợi tại hai địa bàn trọng yếu của IS là đòn chí mạng vào đầu não của nhóm khủng bố từng là nỗi ám ảnh không chỉ của Trung Đông mà cả thế giới mấy năm về trước, dập tắt tham vọng thành lập một vương quốc Hồi giáo ở Trung Đông của chúng. Từ đó mở ra cơ hội hòa bình và ổn định cho đất nước Iraq, Syria và toàn Trung Đông.

Thắng lợi còn mang ý nghĩa nhân văn, nhân đạo bởi nó giải phóng hàng triệu người đang phải "sống không bằng chết" dưới ách cai trị hà khắc, dã man của IS ở những vùng lãnh thổ mà tổ chức này chiếm đóng.

Chưa có cuộc chiến nào huy động lực lượng hùng hậu của nhiều quốc gia tới như vậy và nhiều liên minh quân sự được thành lập đến vậy. Ở thời điểm năm 2015 có tới 3 liên minh quốc tế chống IS ở Iraq và Syria: Một do Mỹ dẫn đầu với khoảng 69 quốc gia, một do Nga dẫn đầu với sự hỗ trợ của Iran, chính quyền Syria, Iraq và sau cùng là liên minh chống khủng bố gồm 34 thành viên do Saudi Arabia đứng đầu.

Nhưng không có gì bảo đảm thắng lợi quyết định ở Iraq và Syria trước IS sẽ đánh bại hoàn toàn tổ chức này, bởi sức sống của IS đã từng được thấy là luôn tiềm ẩn nhiều bất ngờ. IS từng có giai đoạn lật ngược được tình thế ở Iraq và Syria để chiếm ưu thế trên chiến trường. Tổ chức này luôn biết lợi dụng những khoảng trống quyền lực tại các vùng lãnh thổ khác nhau để trỗi dậy, tuyển mộ tân binh và tập hợp lực lượng.

Việc IS thâm nhập vào Libya hay Bán đảo Sinai (Ai Cập) và trong những ngày cuối năm 2017 như một thông điệp mà IS muốn gửi tới thế giới, IS vẫn còn ở đây và có thể tái hiện diện bất cứ khi nào. Việc mất đi địa bàn Trung Đông dường như không ngăn cản được IS tiếp tục “hồi sinh”.

Ở thời điểm đang bị đánh tơi tả trên chiến trường, IS vẫn làm thế giới bàng hoàng bởi những cuộc tấn công đẫm máu ở châu Âu, Nga, Mỹ và cả châu Á. Mất lãnh thổ trên thực địa, IS chuyển hướng sang chiến lược xây dựng cái gọi là “vương triều ảo”. Đẩy mạnh việc tuyển mộ các chiến binh qua Internet, mở rộng các cuộc tấn công khủng bố mang tính hăm họa nhằm phô trương thanh thế.

Thay vì hoạt động tại một cơ sở nào đó, nơi chúng có thể lợi dụng người dân địa phương, truyền bá chủ nghĩa khủng bố sang các nước láng giềng và lên kế hoạch cho các vụ tấn công trên toàn cầu. IS đang trên đường trở thành một đế chế “ảo” với nền tảng truyền bá chủ nghĩa khủng bố trong không gian mạng, qua các mạng xã hội, hay các phương tiện liên lạc của thời đại số.

Cuộc chiến chống IS cho dù đã giành thắng lợi quân sự, nhưng vì thế mà sẽ chuyển sang một giai đoạn mới, với sứ mệnh quan trọng nhất là phải xóa sổ được những tư tưởng cực đoan cùng những nhóm khủng bố “chân rết” mà IS đã lan truyền rộng khắp trên thế giới. Về lâu dài, để đánh bại chủ nghĩa khủng bố, cần lắm các giải pháp hậu xung đột mang tính toàn diện và sự tham gia của cộng đồng quốc tế mới có thể thành công trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố và duy trì hòa bình toàn cầu lâu dài trong tương lai.

Các nhà phân tích cho rằng, nếu các nhà lãnh đạo của những nước lớn xích lại gần hơn với nhau, mối quan hệ căng thẳng và xa cách có lẽ sẽ giảm bớt, thế giới sẽ không phải lo lắng nhiều đến thế. Cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường không thể chấm dứt thì những cuộc chiến cạnh tranh để bảo vệ lợi ích của mình sẽ vượt lên sự hợp tác. Những vết rạn sẽ ngày một lớn. Vòng xoáy một cuộc đối đầu mới quyết liệt hơn lại bắt đầu.

Klaus Schwab, nhà sáng lập và cũng là Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới, nhận định: "Tạo dựng một tương lai chung trong một thế giới có nhiều rạn nứt đòi hỏi giải quyết những vấn đề toàn cầu theo cách tổng thể, tương tác lẫn nhau và định hướng cho tương lai".

Nguyễn Hòa
.
.