Vì sao Chủ tịch đảng Dân chủ tự do Anh mất chức?

Thứ Hai, 12/11/2007, 10:15
Sir Menzies Campbell, chủ tịch đảng Dân chủ Tự do, đảng lớn thứ ba của nước Anh vừa bị ép phải từ chức hôm 15/10. Báo chí cho rằng nguyên nhân chính của sự ra đi là cái tuổi của ông.

Sir Walter Menzies Campbell, 66 tuổi, thường được biết đến với cái tên Ming Campbell, là một chính trị gia có tiếng của Anh, được bầu làm người đứng đầu đảng Dân chủ tự do ngày 2/3/2006 và bị buộc thôi giữ chức vụ này mới đây.

Dư luận chung của báo chí Anh nhận định chính cái tuổi của ông là lý do khiến ông bị mất chức. Nhật báo The Independent viết: “Winston Churchill năm 65 tuổi mới lên làm thủ tướng. Bà Margaret Thatcher thì đến 65 tuổi mới bị rời khỏi chức vụ này. Nhưng người dân Anh hiện nay có vẻ như muốn các vị lãnh đạo của họ trẻ hơn cái tuổi đó nhiều. Hay ít nhất đó là cảm giác người ta có được khi nhìn vào việc Sir Menzies Campbell, bị ép phải từ chức hôm 15/10”.

Tờ Telegraph phụ họa: “Mặc dù chỉ lớn hơn Churchill khi lên làm thủ tướng vào năm 1940 có một tuổi, nhưng Sir Menzies Campbell đã thường xuyên bị các nhà hí họa chính trị vẽ thành một ông già ngồi xe lăn, hoặc là đang lập cập chống gậy hoặc tàn nhẫn hơn nữa như một bộ xương”.

Báo này dẫn lời Norman Lamb, một dân biểu thuộc đảng Dân chủ tự do, cho biết: “Nói ra thật đáng buồn, nhưng do cái tuổi ông đã làm hại cho ông. Chính vì những lời châm biếm về tuổi tác thường xuyên được đăng trên báo chí, thành ra ông đã gặp rất nhiều khó khăn để đưa thông điệp của mình tới quần chúng”.

Telegraph kết luận: Hàm ý của Norman Lamb ở đây là chính trị ở Anh bây giờ giống như một trò chơi của những người trẻ tuổi, của những người trên dưới 30 tuổi vốn xuất thân từ những “bộ phận tinh túy” và dựa vào cơ số cố vấn đặc biệt".

Trong khi đó, tờ Người quan sát lại cho rằng, tuy buồn nhưng còn có phần nào an ủi cho Sir Menzies, vì thất bại không phải là lỗi của ông. Nhưng thực tế phức tạp hơn, và nó cũng tạo ra một bài học cho các nhà chính trị, cả Thủ tướng Gordon Brown hiện nay của Anh cũng như nhiều chính trị gia tại các nước khác.

Báo này cho biết thêm Sir Menzies thất bại không phải vì ông quá già mà là vì ông đã không có đủ sức thu hút quần chúng như những gì người dân đòi hỏi đối với các chính trị gia trong thế kỷ thứ XXI. Theo đó, những người làm chính trị phải có ít nhất một số tiêu chuẩn tối thiểu về thể chất, nếu bụng phệ và hói đầu... là không được.

Họ cũng phải đưa ra được một viễn cảnh nào đó hấp dẫn về tương lai mà có thể chuyển được một cách dễ dàng thành ra “kịch bản” cho phù hợp với nhu cầu của truyền hình hoặc Internet.

Có một quá khứ oanh liệt của một cựu vận động viên chạy đua đại diện cho nước Anh tại thế vận hội như của Sir Menzies không đủ để bù đắp lại sự thiếu hai tiêu chuẩn trên.

Giải thích cho xu hướng thích lãnh đạo trẻ tại Anh hiện nay, Hãng tin BBC nhận xét: trong một ý nghĩa nào đó, những đòi hỏi trên của dân chúng có thể nói là xuất phát từ những năm 60 của thế kỷ trước sau sự đăng quang của Tổng thống John F. Kennedy.

Nhưng chỉ những năm về sau này với sự theo dõi các nhà chính trị ngày càng gay gắt của các phương tiện truyền thông khiến bất kỳ một nhược điểm nào của họ đều lập tức bị đưa ra và phê phán. Thành ra mọi chính trị gia, muốn làm người đứng đầu đảng, chính phủ... đòi hỏi cần phải có sự hấp dẫn của một tài tử màn bạc cùng với sự chịu đựng và gan lỳ của một đấu thủ bóng bầu dục.

Trên phương diện này, Thủ tướng Churchill trước đây, người hiểu rất rõ sự quan trọng của truyền thông cũng như là việc tạo ra một chủ đề độc đáo của mình và ông đã vượt qua. Nhưng Clement Attlee, một vị thủ tướng khác của Anh có lẽ sẽ không qua khỏi.

BBC nhận định thêm: một bài học nữa trong sự thất bại của ông Sir Menzies Campbell là những đòi hỏi đối với một vị lãnh đạo một đảng phái khác hẳn với những đòi hỏi đối với các chính trị gia, dù chỉ thấp hơn một bậc.

Trước khi lên làm lãnh đạo, Sir Menzies chịu trách nhiệm theo dõi các vấn đề ngoại giao của đảng Dân chủ tự do. Ông đã chứng tỏ là một nhà chính trị làm việc có nguyên tắc và  trung thành với các chính sách ngoại giao của chính phủ.

Nhưng khi lên làm chủ tịch đảng ông đã bị buộc phải lãnh đạo, tức là phải nắm chung mọi vấn đề và phải chứng tỏ khả năng quyết đoán và lôi cuốn. Và ông đã không làm được chuyện đó. Nhưng Sir Menzies không phải là người đầu tiên gặp khó khăn trong vấn đề này.

Chẳng hạn Churchill hoặc Thatcher khi chuyển từ bộ trưởng lên thủ tướng thì rất bình thường, trong khi đó thì một số khác như Anthony Eden lại thất bại.

BBC rút ra kết luận rằng, tất cả những vấn đề xảy ra đối với Sir Menzies đều có thể xảy ra với Thủ tướng Gordon Brown. Tuy ông Brown là một vị Bộ trưởng Tài chính giỏi, nhưng liệu ông có thể bước qua được cái khoảng cách giữa trách nhiệm của một vị bộ trưởng và một vị thủ tướng hay không.

Cố nhiên là đối với việc lãnh đạo một đảng như đảng Dân chủ tự do không thể so sánh được với một vị thủ tướng hay ngay cả một vị lãnh đạo đảng đối lập chính như ông David Cameron của đảng Bảo thủ. Dân chúng Anh coi họ như là những người ngoài biên hơn là những chính khách có triển vọng lãnh đạo đất nước.

Trong khi nhiệm kỳ của một lãnh đạo đối lập tại Anh chỉ có thể kéo dài vài năm là cùng, thì một vị thủ tướng nếu không để cho đất nước sa vào khủng hoảng kinh tế có thể ngồi lâu hơn nhiều và họ có cơ hội để có thể chứng tỏ khả năng của mình hơn là chỉ trông cậy vào những vẻ hấp dẫn bề ngoài.

Điều đáng lo hiện nay của ông Brown là sự ra đi của Sir Menzies báo hiệu một chiều hướng mới trong các cuộc đấu tranh chính trị hậu trường tại Anh. Tình trạng “thí quân” này đang có nguy cơ trở thành một hiện tượng thường xuyên: đảng Dân chủ tự do lật đổ liên tiếp hai vị lãnh đạo, ông Charles Kennedy năm 2006 và nay là Sir Menzies Campbell; trước đó, đảng Bảo thủ đã từng lật đổ bà Margaret Thatcher.

Liệu hiện tượng này có xảy ra đối với đảng Lao động hay không? Một số những người ủng hộ của ông Tony Blair vẫn còn ấm ức với ông Brown và chắc hẳn sẽ có những hành động nào đó nếu ông Brown không lật ngược được chiều hướng sa sút trong sự ủng hộ của người dân đối với đảng Lao động vào những tháng sắp tới

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.