Vì sao Mỹ không dám can thiệp vào cuộc bạo động tại Hungary năm 1956

Thứ Sáu, 12/01/2007, 14:00
Nửa thế kỷ đã trôi qua từ ngày xảy ra cuộc bạo động ở Budapest, nhưng sự thật về thái độ của Mỹ hồi đó vẫn còn là câu hỏi lớn. Mới đây, một cựu cố vấn ngoại giao Mỹ, ông Charles Gati, Giáo sư Đại học John Hopkins, có dịp tiếp xúc với hồ sơ mật của CIA đã hé mở đôi điều.

Theo ông, người Mỹ phải chịu trách nhiệm về vụ bạo động bởi họ đã tìm mọi cách kích động dân chúng nổi dậy nhằm lật đổ chế độ XHCN ở Hungary, gây ra bao thiệt hại về người và của ở đất nước này.

Nếu không có quân đội Liên Xô tiêu diệt bọn phản động thì đất nước Hungary thời ấy không biết ra sao. Đến nay, người dân Hungary vẫn không quên tinh thần quên mình vì nghĩa vụ quốc tế của các chiến sĩ Xôviết, nhưng dư luận phương Tây vẫn nghi ngờ thái độ lập lờ của Mỹ và muốn Mỹ thừa nhận trách nhiệm trong vụ này. Vậy, đâu là sự thực?

Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Dwight Eisenhower, người đặt nhiệm vụ “giải phóng Trung Âu” lên hàng đầu trong chính sách đối ngoại, đã từng công khai chỉ trích người tiền nhiệm Harry Truman về chủ trương chấp nhận sự lấn lướt của Liên Xô.

Ông cho rằng cần tìm mọi cách đẩy lùi ảnh hưởng của Liên Xô, buộc họ phải rút lui khỏi Praha, Varsovie hoặc Budapest. Song đấy chỉ là lời nói, sự thực gần như ngược lại. Trong hồ sơ Nhà Trắng, người ta tìm thấy một câu của Richard Nixon, Phó tổng thống Mỹ hồi ấy thể hiện điều đó.

Phát biểu trước một tiểu ban, đúng 3 tháng trước khi biểu tình ở một số nước xã hội chủ nghĩa, ông nói: “Sẽ không phương hại gì đến lợi ích của Mỹ nếu bàn tay sắt Xôviết một lần nữa giáng xuống khối Đông Âu”. Nói cách khác, Phó tổng thống Mỹ đợi Nga can thiệp rồi mới nhân cơ hội đó tố cáo họ trước thế giới và đề cao vai trò của Mỹ.

Vậy, tại sao trước công chúng, Tổng thống Mỹ đọc những bài diễn văn phê phán lập trường nhượng bộ của đảng Dân chủ và không ngớt lời hứa hẹn bảo vệ tự do cho những “người anh em” bên kia “bức màn sắt”?

Đơn giản chỉ vì muốn thắng cử. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1952, phiếu bầu của những người di cư từ Trung Âu đã đóng vai trò quyết định tại một số bang lớn như Michigan, Illinois... Nay muốn giành thắng lợi, Eisenhower quyết định lôi kéo số cử tri trên bằng cách hứa sẽ “giải phóng” Tổ quốc họ khỏi "ách" Xôviết.

Làm như vậy, ông cũng sẽ được cánh hữu ủng hộ. Tất cả đều là mưu toan chính trị, không phải nhằm đẩy lùi người Nga mà chính là đẩy lùi đảng Dân chủ.

Cần thừa nhận rằng, Mỹ đã tiến hành một số thủ đoạn phá hoại cách mạng ở các nước Đông Âu, đặc biệt ở Hungary, đáng kể nhất là tuyên truyền xuyên tạc và kích động qua Đài Phát thanh Châu Âu tự do do Mỹ dựng lên và tài trợ.

Nhưng trước sự lớn mạnh của các nước XHCN Đông Âu, sự phá hoại đó không thể mang lại hiệu quả mong muốn, và rõ ràng là chưa đủ để lật ngược thế cờ. Khai thác hồ sơ mật của CIA, Charles Gati vô cùng ngạc nhiên khi biết rằng, trước và trong lúc diễn ra cuộc bạo động năm 1956, CIA không có cuộc tiếp xúc nào với các nhóm phản nghịch có vũ trang trong nội địa Hungary, không có một điệp viên nào nằm vùng để hỗ trợ cho lực lượng bạo động.

Họ chỉ có một  sĩ quan duy nhất biết nói tiếng Hungary tại Budapest, còn tại Ban Hungary ở tổng hành dinh CIA không có người nào, ở Tây Âu cũng không có một đơn vị bán vũ trang nào sẵn sàng xuất quân can thiệp. Từ năm 1953, Washington đã đóng cửa các trại huấn luyện biệt kích ở Tây Đức.

Không chỉ vì CIA yếu kém mà Mỹ phải đánh bài lùi ở Đông Âu bởi CIA đã nhiều phen thất bại ở khu vực này. Năm 1949, mưu toan lật đổ Chính phủ Albania không thành, năm 1952 lại bị tình báo Ba Lan cài bẫy trong một chiêu lừa ngoạn mục.

CIA đinh ninh nắm được một tổ chức kháng chiến bí mật chống Liên Xô tại Ba Lan, đã gửi cho những người môi giới 1 triệu USD để chuẩn bị kế hoạch hành động, nào ngờ chỉ mấy hôm sau, Đài Phát thanh Varsovie hoan hỉ báo tin những người trung gian ấy chính là điệp viên của Ba Lan, và kịch bản do họ dựng lên. Bị bẽ mặt, CIA tạm thời co lại.

Nguyên nhân giải thích thái độ của Mỹ khi xảy ra sự kiện Hungary năm 1956 còn ở một số mặt khác. Cuộc chiến tranh Triều Tiên lúc bấy giờ buộc CIA phải tung lực lượng sang châu Á, vì ở đây, cuộc chiến chống Cộng từ lạnh đã chuyển sang nóng. Dưới mắt Nhà Trắng, Hungary là một nước nhỏ, ít có lợi ích chiến lược đối với Mỹ.

Đài Phát thanh Châu Âu tự do suốt ngày đêm nhắc lại lời hứa của Mỹ rằng, khi dân chúng Hungary nổi dậy, Mỹ sẽ có mặt và giúp đỡ. Những kẻ cầm đầu bạo loạn đã quá tin vào Mỹ để chuốc lấy thất bại. Trên thực tế, ngoài những luận điệu tuyên truyền kích động, hướng dẫn qua đài cách làm mìn thủ công, cách phá hỏng xe tăng T54 của Liên Xô, hoặc khi Thủ tướng mới của Hungary Imre Nagy thực hiện ngừng bắn thì hô hào các nhóm phản động đừng hạ vũ khí và tiếp tục chiến đấu, Mỹ không muốn làm gì thêm nữa nhất là việc đưa quân vào can thiệp.

Mỹ sợ bùng bổ một cuộc chiến tranh với Liên Xô. Ý kiến giúp đỡ vũ khí cho phiến quân Hungary do CIA đề xuất cũng bị Eisenhower bác bỏ. Cả đến biện pháp ngoại giao cũng không. Phải chăng vì ông ta đang bị mắc kẹt vào vụ kênh Suez xảy ra vào lúc đó?

Henry Kissinger đã viết một cách chua chát trong hồi ký: “Không hề có một công văn ngoại giao, không biểu hiện một áp lực nào, cũng như không một đề nghị nhờ ai làm trung gian. Không có gì cả”. Và chỉ sau khi cuộc bạo động bị đập tan, Eisenhower mới chịu biểu quyết lên án Liên Xô ở Liên Hiệp Quốc. Cũng cần phải khẳng định rằng, ngày ấy, quân đội Liên Xô rất hùng mạnh, có thể đập tan bất cứ đội quân xâm lược nào.

Được biết, sau sự kiện Hungary năm 1956, Washington có đôi lời khen ngợi các phóng viên, bình luận viên Đài Phát thanh Châu Âu tự do. Còn ông Eisenhower được tái đắc cử tổng thống, ngày 6/11, đúng vào ngày các phần tử phản nghịch đầu hàng ở Budapest

Trọng Hiếu (theo Nouvel Observateur)
.
.