Vì sao bà Hillary Clinton “thù oán” Tổng thống Nga Putin?

Thứ Tư, 09/11/2016, 18:20
Báo chí Mỹ đã lật lại những tư liệu về khoảng thời gian bà Clinton làm Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ trong nhiệm kỳ I của Tổng thống Barack Obama. Những lời “tham mưu” của bà khi đó về chính sách đối ngoại cho Tổng thống Obama đã khiến cho quan hệ Nga - Mỹ đi từ “reset” (làm lại từ đầu) đến “pause” (tạm dừng quan hệ).

Trong giai đoạn tranh cử vừa qua, người ta nhìn thấy và nghe nhiều về những luận điệu chống nước Nga và chống Tổng thống Putin từ đảng Dân chủ, ban vận động tranh cử tổng thống và bản thân bà Clinton. Câu chuyện ầm ĩ nhất thể hiện luận điệu chống Tổng thống Putin của bà Clinton và ban vận động của bà chính là lời cáo buộc nước Nga của Tổng thống Putin có liên quan trong vụ hacker đột nhập hộp thư điện tử (e-mail) của đảng Dân chủ và e-mail cá nhân của ông John Podesta - Chủ tịch chiến dịch tranh cử của bà Clinton.

Cho đến nay, bà Clinton - và một bộ phận nước Mỹ - vẫn khăng khăng cho rằng nước Nga đã tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ nhằm lèo lái kết quả theo hướng có lợi cho mình. Câu chuyện thứ hai thể hiện luận điệu chống Putin của bà Clinton và đảng Dân chủ là cáo buộc cho rằng ứng cử viên của đảng Cộng hòa Donald Trump có quan hệ “mật thiết” với Tổng thống Putin, và Chủ tịch chiến dịch tranh cử Paul Manafort cũng bị nghi ngờ có liên quan đến Ngân hàng Alfa Bank.

Bà Hillary Clinton từng một thời phải “thân thiện” với ông Putin vì chính sách đối ngoại “reset” của Tổng thống Obama.

Những lời cáo buộc đó đã biến thành căn cứ để Tổng thống Obama yêu cầu Bộ Tư pháp chỉ đạo Cục Điều tra liên bang (FBI) mở cuộc điều tra để xác định mối liên quan đó có hay không, và có đến mức độ nào. Tuy nhiên, kết quả các cuộc điều tra vừa được FBI công bố hồi tuần trước cho thấy không có bằng chứng nào chứng minh các mối quan hệ như bà Clinton cáo buộc.

Mối hiềm khích của bà Clinton với nước Nga có lẽ đã có từ trước khi bà được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Mỹ vào năm 2009. Khi còn là thượng nghị sĩ, bà Clinton là người lên án việc Nga đưa quân đội vào South Ossetia giúp lãnh thổ này chống lại quân đội Gruzia vào tháng 8-2008. Khi đó, ông Putin làm Thủ tướng Nga sau khi hết hai nhiệm kỳ tổng thống.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2008, bà Clinton từng dùng những lời lẽ nặng nề để nói về ông Putin khi đó còn là Thủ tướng Nga. Thế rồi hơn 1 năm sau, khi ông Obama giành chiến thắng, trở thành Tổng thống Mỹ, bà Clinton được mời làm Bộ trưởng Ngoại giao và lãnh nhiệm vụ triển khai chính sách “reset” mối quan hệ ngoại giao với nước Nga nhằm tận dụng thời cơ thay đổi lãnh đạo ở hai nước mà mở ra một giai đoạn hợp tác mới.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016, hình ảnh Trump - Putin luôn được khai thác theo chiều hướng xấu nhằm đả kích ông Trump và Tổng thống Putin.

Nhà Trắng mới tin rằng tổng thống mới của Nga Dmitry Medvedev sẽ cởi mở hơn, dễ “chơi” hơn ông Putin. Các cựu quan chức Bộ Ngoại giao từng tham gia các cuộc họp chính sách của bà bộ trưởng kể lại rằng rốt cuộc bà Clinton cũng đồng ý với chính sách “reset” đó, nhưng vẫn còn nghi ngờ về khả năng mối quan hệ với nước Nga khó có thể vượt ra khỏi các vấn đề mà nước Nga vốn nắm ưu thế trong hợp tác.

Thái độ do dự, chưa hoàn toàn “nhập vai” của bà Clinton được giải thích là do trong lòng bà vẫn còn nghi ngờ về ông Putin. Bà Clinton luôn nhìn ông Putin với tư cách là một cựu điệp viên có phong cách giao tiếp và hành xử bí mật, khó đoán trước, nên luôn luôn dè chừng. Cũng như nhiều người ở Washington, bà Clinton nhìn về nước Nga với suy nghĩ trong đầu rằng tuy ông Putin làm Thủ tướng nhưng trên thực tế ông mới là người nắm quyền lãnh đạo nước Nga chứ không phải Tổng thống Medvedev.

Clinton cùng nhóm người này quan sát, theo dõi nước Nga với tâm trạng lo âu ngày càng tăng khi Thủ tướng Putin thể hiện quan điểm cứng rắn với Mỹ. Một quan chức đối ngoại kỳ cựu nhận xét rằng thời điểm đó muốn chuyển chính sách “reset” thành mối quan hệ đối tác chiến lược, bền vững là điều không dễ dàng chút nào. Quá nhiều vấn đề khác biệt còn tồn tại giữa hai nước, nhất là khác biệt căn bản trong thế giới quan.

Bà H. Clinton gặp gỡ Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tháng 3-2010.

Có một chi tiết nhỏ khá khôi hài nhưng lại có thể ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại Nga – Mỹ, đó là sự cố trong dịch thuật ngôn ngữ ngoại giao. Số là, tại một cuộc họp báo ở Geneva vào tháng 3-2009, bà Clinton trao cho Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov một nút bấm màu đỏ trên có in chữ tiếng Anh “reset” và tiếng Nga “peregruzka”, hàm ý muốn bày tỏ với ông Lavrov rằng Mỹ muốn “làm lại từ đầu” mối quan hệ ngoại giao với nước Nga. Nhưng đáng tiếc, khâu dịch thuật lại bị lỗi, khiến cho chữ “reset” (có nghĩa là “làm lại từ đầu”) trong tiếng Anh thay vì được dịch đúng nghĩa lại được chuyển thành từ “peregruzka”, trong tiếng Nga có nghĩa là “quá tải”.

Lỗi dịch thuật này đã khiến ông Lavrov bối rối, không hiểu ý bà Clinton muốn nói gì? Vài năm sau, ông Lavrov đã bác bỏ quan niệm cho rằng “reset” Nga - Mỹ là sáng kiến của bà Clinton, vì ông cho rằng trước đó ông đã có mối quan hệ khá tốt với Ngoại trưởng Condoleezza Rice.

Bất chấp những hoài nghi ban đầu, chính sách “reset” vẫn gặt hái được một số thành quả hợp tác bước đầu. Từ năm 2010, Mỹ và Nga đã hợp tác tốt trong gói cấm vận kinh tế của LHQ để gây áp lực buộc Iran chịu đàm phán tiến tới chấm dứt chương trình hạt nhân. Đổi lại, chính quyền Mỹ nỗ lực khắc phục những rào cản ở Mỹ đối với việc Nga gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Cũng trong năm 2010, Tổng thống Obama tuyên bố chấm dứt triển khai hệ thống phòng thủ lá chắn tên lửa ở Đông Âu có từ thời ông George W. Bush mà phía Nga cực lực phản đối, xem đó là mối đe dọa an ninh quốc gia Nga. Rồi đến việc Nga (cùng Trung Quốc) rút lại lá phiếu phủ quyết để cho phép Mỹ và đồng minh ở châu Âu can thiệp vào Libya, lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi vào năm 2011.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov. Việc Nga phủ quyết can thiệp vào Lybia được xem là rào cản thực thi chính sách của Mỹ ở Trung Đông.

Những kết quả bước đầu đó không đủ để làm cho chính sách “reset” tồn tại lâu hơn, đặc biệt là khi Moskva tiếp tục thay đổi lãnh đạo. Đảng Nước Nga Thống nhất (United Russia) của ông Putin tiếp tục nắm quyền sau cuộc bầu cử tháng 12-2011. Tiếp đến là việc ông Putin thắng cử, trở lại làm Tổng thống Nga, ông Medvedev làm Thủ tướng.

Bối cảnh thế giới cũng có những thay đổi, phần nào làm ảnh hưởng theo chiều hướng xấu mối quan hệ “reset” giữa Nga-Mỹ. Cuộc nội chiến Syria là câu chuyện thứ nhất trong đó Nga -  Mỹ bất đồng sâu sắc trong cách tiếp cận và xử lý vấn đề. Câu chuyện thứ hai là cuộc khủng hoảng Ukraine vào năm 2014, với cuộc nội chiến giữa quân nổi dậy ở miền Đông ủng hộ Nga và quân đội chính phủ, và đỉnh điểm là việc bán đảo Crimea đồng thuận sáp nhập vào nước Nga, và những diễn biến xấu liên tục sau đó.

Mỹ và châu Âu quyết tâm áp đặt cấm vận chống nước Nga đồng thời với chiến thuật đánh vào giá dầu, khí đốt, với suy nghĩ là làm cho Nga suy sụp mà “quy hàng”. Nhưng rốt cuộc, những chính sách đó đã không mang lại điều Washington mong muốn.

Đó là những kết quả khiến bà Clinton thất vọng và không vừa lòng mỗi khi nghĩ đến giai đoạn làm Bộ trưởng Ngoại giao. Nó phần nào lý giải vì sao bà “ghét” Tổng thống Nga Putin đến vậy.

Văn Trương (tổng hợp)
.
.