Vì sao châu ÂU “ngăn cản” Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU?

Thứ Năm, 24/03/2005, 07:19
Vừa qua, tại trụ sở EU ở Brussels (Bỉ), 25 thành viên EU đã đồng ý thảo luận trở lại việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập khối này. Tuy nhiên, trong số 3 nước đầu tàu của khối, Istanbul mới được  Anh "gật đầu", nhưng Pháp và Đức còn lưỡng lự...

Từ năm 1988, Thổ Nhĩ Kỳ đã có đơn xin gia nhập EU, có nghĩa là đến nay đã 17 năm  lá đơn của Istanbul vẫn bị đưa đi đẩy lại trên bàn nghị sự của EU. Trong lúc đó hầu hết các nước như Ba Lan, Hungari, Bungari, Czech, Slovakia, Latvia, Liva, Estonia... mới gửi đơn gia nhập EU những năm 1998, 1999 mà nay đã là thành viên của EU.

Brussels lấy lý do, quốc gia Hồi giáo 70 triệu dân này có tới gần 95% lãnh thổ thuộc lục địa châu Á. Thế nhưng trên thực tế lâu nay, Istanbul tham gia hầu hết các hoạt động nghiêng về châu Âu. Tờ Le Figaro của Pháp bóc mẽ ra rằng, đó chẳng qua chỉ là cách từ chối khéo của EU...

Lợi ích không song hành

Trên phương diện kinh tế, còn lâu Thổ Nhĩ Kỳ mới đáp ứng được các điều kiện ngặt nghèo của EU về hệ thống tài chính và ngân hàng, tỉ lệ lao động thất nghiệp... Dù là một quốc gia đông dân nhưng kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ  chủ yếu phát triển dựa vào du lịch và dễ bị tổn thương bởi các tác động từ bên ngoài. Thất nghiệp của nước này đang ở mức cao 16% trong khi dân số lại tăng quá nhanh (bình quân mỗi phụ nữ sinh 2,2 con, con số đó ở EU là 1,13).

Đến năm 2015, dân số Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến là 82 triệu người, năm 2020 là 85 triệu và năm 2030 là 95 - 100 triệu. Thất nghiệp cao, dân số lại tăng nhanh khiến làn sóng người Thổ Nhĩ Kỳ nhập cư vào EU và sang các nước thành viên cũ kiếm việc làm sẽ tăng cao. Theo số liệu của ủy ban châu Âu, dự tính khi hội nhập đầy đủ vào EU, sẽ có từ 0,5 đến 4,4 triệu người Thổ “đổ bộ” vào các nước trong khối nhất là vào Đức, Hà Lan, Áo, Pháp...

Dân số tăng đảm bảo cho Thổ Nhĩ Kỳ một chỗ đứng chắc chắn trong Nghị viện châu Âu. Đến năm 2015, chiểu theo Hiến pháp mới của EU, Istanbul sẽ nắm giữ 95 ghế nghị viện châu Âu - con số tối đa cho phép với một nước thành viên. Tiếp đó theo quy định của Hội đồng châu Âu, số phiếu của mỗi thành viên tương ứng với số dân, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chiếm 15% số phiếu, cao hơn 2 nước trụ cột trong liên minh là Đức (14%) và Pháp (12%).

Điều đó giải thích tại sao lâu nay Tổng thống Pháp J.Chirac luôn “tẩy chay” Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ đến gần đây Istanbul có nhiều động thái tỏ ra “biết điều” với Paris, ông J.Chirac mới bớt ngăn cản Thổ Nhĩ Kỳ.

Châu Âu còn có lý do nữa là: Nếu chính thức gia nhập EU, Thổ sẽ là quốc gia Hồi giáo đầu tiên - một điều hiếm có trong khi đạo Hồi đang xung đột với nền văn minh phương Tây. Biết đâu bọn khủng bố, tội phạm sẽ qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ để “nhập khẩu” vào EU.

Tuy nhiên ngoài các lý do “thập cẩm” như trên, còn một yếu tố chính trị quan trọng xen vào giữa quan hệ EU với Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là liên tục trong hơn một năm qua, Chính phủ của Thủ tướng Erdogan hậu thuẫn Mỹ xâm chiếm Iraq nên ông G.Bush hứa trả ơn Istanbul bằng cách gây sức ép lên Brussels, đòi kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ.

Đến lúc này thì ngay cả Ba Lan, Italia - những đồng minh lớn của Mỹ trong chiến tranh Iraq cũng khó chấp nhận. Mối quan hệ Washington - Brussels càng căng thẳng thì EU càng giữ thế, và họ kiên quyết “loại” Thổ.

Lời hứa thành lời hứa hão...

Giờ đây Thủ tướng Erdogan đã phải xin lỗi người dân về lời hứa đưa Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU trong năm 2004. Sau khi EU “bật đèn xanh” chắc chắn còn mất một thời gian dài nữa Istanbul mới đủ điều kiện trở thành thành viên EU. Đây là lúc Thổ Nhĩ Kỳ phải bình tĩnh đáp ứng các điều kiện, yêu sách của Brussels, thậm chí là đề nghị của từng nước thành viên tương tự như gia nhập WTO.

Theo AFP, trong tháng 1 và 2/2005, Istanbul phải hoàn tất hồ sơ đảo Chypre (vốn chưa được Thổ Nhĩ Kỳ công nhận), sau đó là các hồ sơ kinh tế, việc làm. Các thông tin lạc quan nhất cho thấy, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có “hộ khẩu” trong EU sớm nhất vào năm 2008, khi mà ông Erdogan đã hết nhiệm kỳ thủ tướng...

Bảo Sơn (theo PM)
.
.