Vụ bê bối thư điện tử trong đảng của bà Hillary Clinton

Thứ Sáu, 29/07/2016, 15:45
Vụ bê bối hộp thư điện tử của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) bị hacker nước ngoài đột nhập lấy trộm thư đang trở thành vấn đề nóng trong lúc đảng này tổ chức đại hội toàn quốc tại Philadelphia. Gần như chắc chắn đại hội DNC sẽ bầu bà Hillary Clinton làm ứng cử viên tổng thống đại diện cho đảng. Nhưng đồng thời, một cuộc xáo trộn lớn cũng đang diễn ra.

Đỉnh điểm của vụ bê bối thư điện tử của đảng Dân chủ là việc bà Debbie Wasserman Schultz tuyên bố từ chức Chủ tịch đảng Dân chủ kể từ sau đại hội. Tuyên bố của bà Wasserman Schultz được đưa ra ngay hôm trước khi đại hội DNC khai mạc. Và khi đại hội khai diễn (ngày 24-7), bà Wasserman Schultz cũng vắng mặt, không tham dự.

Bà Wasserman Schultz nêu lý do của việc từ chức và vắng mặt tại đại hội đảng là để nhận trách nhiệm trong vụ bê bối thư điện tử, đồng thời để giảm bớt căng thẳng trong đại hội đảng Dân chủ do vụ bê bối này gây ra. Bà Wasserman Schultz đã trao đổi với Tổng thống Barack Obama – người đã bổ nhiệm bà – và ứng cử viên tổng thống của đảng Hillary Clinton, và đã nhận được sự đồng ý của Tổng thống Obama.

Chủ tịch DNC Debbie Wasserman Schultz.

Xung quanh việc từ chức của bà Wasserman Schultz, nhiều ý kiến trong đảng, nhất là nhóm đảng viên ủng hộ ông Bernie Sanders, đã đồng tình và cho rằng bà đã làm một việc hết sức đúng đắn. Đích thân ông Sanders đã lên tiếng bình luận về việc từ chức của bà Wasserman Schultz, cho rằng ban lãnh đạo DNC đã không làm tròn trách nhiệm của mình trong suốt tiến trình bầu cử sơ bộ để chọn người đề cử ra ứng cử.

Ông Sanders nói, thông thường, lãnh đạo DNC phải thể hiện tính khách quan, không thiên vị trong suốt thời gian bầu cử sơ bộ, nhưng điều này đã không có trong cuộc bầu cử năm nay. Và ngay sau khi đại hội DNC khai mạc vào sáng ngày 24-7, ông Sanders đã kêu gọi thay đổi hoàn toàn ban lãnh đạo DNC. Ngay lập tức, một số thành viên khác của DNC đã phản bác lời kêu gọi của ông Sanders, gây nên một cuộc “nội chiến” ngay tại đại hội đảng Dân chủ, làm lu mờ khẩu hiệu đoàn kết, thống nhất của đảng này.

Vụ việc bà Wasserman Schultz từ chức và việc WikiLeaks tiết lộ nội dung thư điện tử của DNC có thể sẽ gây nên sự tức giận trong thành phần đảng viên Dân chủ ủng hộ ông Sanders. Nhóm người này không ủng hộ quan điểm trong đảng là tập trung ủng hộ bà Clinton để ngăn chặn ứng cử viên Donald Trump bên đảng Cộng hòa. Từ đầu cuộc đua, ông Sanders đã lên tiếng than phiền rằng ban lãnh đạo đảng Dân chủ đã thiếu khách quan, can thiệp vào cuộc đua tranh giữa các ứng viên.

Đến ngày 22-7, khoảng 20.000 thư điện tử của đảng Dân chủ bị hacker lấy cắp được trang WikiLeaks tung lên mạng làm lộ ra những điều bí mật động trời trong nội bộ đảng này. Điều gây “bão” chính là nội dung thư của một quan chức gợi ý việc lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng của Sanders để làm cho cử tri ở các bang nặng về tôn giáo không bỏ phiếu cho ông Sanders mà bỏ phiếu cho bà Clinton.

Bản thân bà Chủ tịch DNC Wasserman Schultz không trực tiếp liên quan đến nội dung kế hoạch chống Sanders, nhưng trong những thư khác, bà cũng thể hiện nội dung “nói xấu” ông Sanders.

Ông Bernie Sanders kêu gọi thay đổi ban lãnh đạo DNC sau khi đọc những nội dung thư điện tử bị WikiLeaks tiết lộ.

Vụ việc thư điện tử của đảng Dân chủ đã từng “râm ran” từ trung tuần tháng 6-2016, khi đó đảng Dân chủ đã thừa nhận có một vụ đột nhập hộp thư điện tử của đảng này. Thủ phạm được cho là các hacker có liên quan đến các cơ quan tình báo Nga. Khi đó, Chủ tịch DNC Wasserman Schultz đã tuyên bố rằng, vụ việc hacker đột nhập hộp thư điện tử của DNC là có thật và là một vụ xâm nhập nghiêm trọng.

Bà Wasserman Schultz cũng đưa ra nghi vấn các hacker đột nhập vào hộp thư của DNC có liên quan đến tình báo Nga. Và ngay sau khi những tuyên bố của bà Wasserman Schultz được phát đi, một nhóm hacker có bí danh là Guccifer 2.0 đã lên mạng xã hội Twitter nhận trách nhiệm đột nhập. Lời nhận trách nhiệm này đã châm ngòi cho một cuộc tranh cãi ở Mỹ, tạo ra sự nghi ngờ trong nội bộ đảng Dân chủ. Bà Wasserman Schultz đã phải thuê công ty CrowdStrike chuyên về an ninh mạng tiến hành cuộc điều tra.

Bằng cách kiểm tra chiến thuật tấn công và kiểm tra mã độc mà các hacker triển khai, công ty CrowdStrike đã xác định được hai nhóm hacker đã đột nhập hộp thư của DNC. Nhóm thứ nhất có bí danh là “Cozy Bear” đã đột nhập hộp thư DNC vào mùa hè năm nay. Nhóm này cũng chính là thủ phạm đã thực hiện các vụ đột nhập vào cơ sở dữ liệu thư điện tử của Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc trong năm 2015.

Nhóm thứ hai có tên là “Fancy Bear”, đã đột nhập hộp thư DNC vào tháng 4-2016. Đây là nhóm đã có bề dày nhiều năm theo đuổi tấn công các mục tiêu chính phủ Mỹ, cũng như các tập đoàn, công ty trong các ngành hàng không, quốc phòng, năng lượng, truyền thông.

Cả hai nhóm đã liên tục thực hiện việc theo dõi thư điện tử và các giao tiếp điện tử nội bộ của DNC trong hơn một năm qua, trong đó có những nội dung nghiên cứu ứng cử viên đối phương – Donald Trump bên đảng Cộng hòa.

Tiếp sau cuộc điều tra của CrowdStrike, một nghiên cứu của hãng an ninh mạng SecureWorks cũng công bố một nhóm hacker khác mang bí danh là TG-4127. Nhóm này đã “lai rai” đột nhập vào cả hộp thư của DNC và ứng viên Hillary Clinton trong nhiều tháng qua. TG-4127 đã thực hiện các cuộc tấn công bằng cách gửi đường link mã độc vào 108 hộp thư nhân viên chiến dịch của bà Clinton cũng như hộp thư DNC trong tháng 3 và 5-2016.

Tuy nhiên, các công ty điều tra an ninh mạng đã không thể khẳng định những điều rất quan trọng rằng liệu các nhóm hacker Nga này có liên quan gì với nhau hay không? Bằng cách nào mà các nội dung thư điện tử mà các nhóm này lấy được lại xuất hiện trên trang WikiLeaks?

Liệu các nhóm này thật sự có mối liên hệ nào với các cơ quan tình báo Nga hay không? Tất cả chỉ nằm trong sự phỏng đoán và “đổ lỗi” lẫn nhau của các thành viên đảng Dân chủ.

An Châu (tổng hợp)
.
.