Vụ kiện đòi danh dự của bà Ngô Quế Hiền, nguyên Phó thủ tướng Trung Quốc

Thứ Bảy, 14/10/2006, 11:00
Ngày 11/6/2006, bà Ngô Quế Hiền, nguyên Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị BCH TƯ Đảng CS Trung Quốc, Phó thủ tướng Quốc vụ viện nước CHND Trung Hoa đã đệ đơn lên Tòa án Đặc khu Thâm Quyến, khởi kiện một số tổ chức và cá nhân ở TQ đã có hành vi "xâm phạm tới danh dự" của bà.

Danh sách các bị đơn khá đông đảo và không kém phần nổi tiếng, đó là: Chu Nguyên Thạch, hiện là  Chuyên viên nghiên cứu thuộc Sở Nghiên cứu TQ đương đại; Nhà xuất bản TQ đương đại; Chu Khuông Chính, Chuyên viên nghiên cứu thuộc Sở Nghiên cứu Lịch sử TQ; Phòng phát hành thuộc Nhà xuất bản Văn Sử TQ; Doãn Vận Công, Chuyên viên nghiên cứu thuộc Viện Khoa học xã hội TQ; Nhà xuất bản tạp chí Tung Hoành.

Bà Ngô Quế Hiền sinh ngày 10/2/1938 tại thành phố Củng Nghĩa, tỉnh Hà Nam. Năm 13 tuổi  (1951), được tuyển vào làm công nhân Nhà máy Quốc doanh sản xuất bông số 1 tỉnh Hồ Bắc tại Thiểm Tây, trở thành đảng viên ĐCS TQ năm 1958.

Năm 1969, trúng cử Ủy viên BCH TƯ ĐCS TQ khóa 9. Năm 1970, là Phó bí thư Đảng ủy Nhà máy bông số 1 Hà Bắc. Tháng 3/1971, bà là Phó bí thư Tỉnh ủy Thiểm Tây, tái trúng cử Ủy viên BCH TƯ khóa 10 và được bầu làm Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị (BCT). Tháng 8/1974, lên Bắc Kinh tham gia BCT, đặc trách công tác thanh niên, phụ nữ và công nghiệp.

Tháng 4/1975, được bầu làm Phó thủ tướng Quốc vụ viện nước CHND Trung Hoa, trực tiếp phụ trách công nghiệp nhẹ, công nghiệp dệt, Bộ Y tế. Năm 1977, trúng cử Ủy viên BCH TƯ khóa 11 đến tháng 9/1977 trở về Thiểm Tây làm Phó bí thư Đảng ủy Nhà máy bông số 1. Năm 1988, bà được mời đến Thâm Quyến làm trong công ty của Tập đoàn Mậu dịch Đối ngoại Thâm Quyến. Ban đầu đảm nhiệm chức Phó tổng giám đốc Công ty In nhà máy dệt Bằng Hoa, sau đó trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị. Năm 1995, bà về hưu và hiện là Hội trưởng Hội Xúc tiến vì sự chấn hưng Thiểm Tây tại Thâm Quyến.

Theo lời giới thiệu của luật sư Trương Chấn Tây thuộc Phòng Sự vụ Tập đoàn Luật sư Quốc Hạo có trụ sở chính tại đặc khu Thâm Quyến, TQ, người bảo vệ quyền lợi của bà trong vụ kiện, thì từ cuối tháng 3/2004, bà Ngô Quế Hiền đã liên tiếp nhận được rất nhiều thư và lời nhắn của bạn bè ở cả trong và ngoài Thâm Quyến. Các bạn bè của bà Ngô đều đề nghị bà phải chú ý xem xét nội dung của  một cuốn sách có tên “Ngô Đức khẩu thuật” (lời kể của Ngô Đức - Ngô Đức nguyên là Bí thư Thành ủy Bắc Kinh, Ủy viên BCT ĐCS TQ) mới xuất hiện gần đây trên thị trường và đã được tung trên mạng Internet.

Có người cho rằng cuốn sách này đã công khai vu cáo và bôi nhọ danh dự của bà Ngô, nhưng cũng có một số người tỏ ý hoài nghi rằng “Phải chăng bà Ngô đã từng tham gia vào nhóm 4 tên (bao gồm Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Vương Hồng Văn, Diêu Văn Nguyên), tiến hành các hoạt động “phản Đảng, phản dân trong thời Cách mạng văn hóa?”.

Sau khi nghe những tin này, bà Ngô đã cất công tìm hiểu sự tình và biết được rằng: quyển sách trên được ra đời là do Chu Nguyên Thạch đã thông qua các cuộc nói chuyện, phỏng vấn... rồi tiến hành viết và  chỉnh lý, sau đó  được Nhà xuất bản TQ đương đại xuất bản với nhan đề đầy đủ là “Ngô Đức khẩu thuật thập niên phong vũ ký sự - Ngã tại Bắc Kinh công tác đích nhất ta kinh lịch” (Một thời công tác tại Bắc Kinh của tôi - Chuyện kể của Ngô Đức về 10 năm sóng gió).

Theo bà Ngô Quế Hiền thì sau khi đọc quyển sách này, bà đã “vô cùng kinh ngạc và phẫn uất”, bởi vì  “nội dung cuốn sách đã viết không đúng sự thật, đã xúc phạm và bôi nhọ danh dự” của bà. Khi được các phóng viên đề nghị cho ý kiến cụ thể, bà Ngô lập tức nói: “Thí dụ trong chương “Về cuộc đấu tranh đập tan “bè lũ 4 tên”, Chu Nguyên Thạch đã tiến hành sửa lại lời kể của Ngô Đức như sau: “Tôi (tức Ngô Đức) cũng có cảm giác rằng một số hoạt động của “bè lũ 4 tên” là bất bình thường. Tôi nghĩ: chỉ có thể  có 2 cách giải quyết, một là bắt giam chúng lại; hai là triệu tập Hội nghị BCT và dùng phương pháp bỏ phiếu kín để tước bỏ mọi chức vụ mà chúng  đang nắm giữ. Tôi nghiêng về chủ trương tiến hành hội nghị và bỏ phiếu kín, bởi chúng tôi tin rằng chúng tôi sẽ có được sự ủng hộ của số đông, ngược lại bọn chúng nhiều nhất cũng chỉ có bốn phiếu rưỡi mà thôi”. Nhưng ngay sau đoạn này, Chu Nguyên Thạch đã chua thêm rằng: “Cái nửa phiếu này là muốn chỉ Ngô Quế Hiền, kẻ cùng một duộc với “bè lũ 4 tên”, vì Ngô lúc đó là Ủy viên dự khuyết BCT, không có quyền biểu quyết”. Theo bà Ngô thì đây là một trong những đoạn  đã khiến bà rất tức giận và cho rằng Chu Nguyên Thạch và Nhà xuất bản TQ đương đại đã “phỉ báng và bôi nhọ” bà.

Luật sư Trương Chấn Tây cho biết: thật ra, nguyên văn lời kể của Ngô Đức là: “Việc bỏ phiếu của BCT thì chúng tôi bao giờ cũng chiếm đa số tuyệt đối...". Như vậy, so với nguyên văn lời kể của Ngô Đức  thì rõ ràng “bị cáo 1 và bị cáo 2 đã vô cớ vu cáo và bôi nhọ” bà Ngô khi nói rằng bà Ngô là cùng một duộc với “bè lũ 4 tên”. Vì vậy, trong hai ngày 27/5/2004 và 3/6/2004, qua các cơ quan truyền thông, bà Ngô đã lên tiếng tố cáo và nghiêm khắc chỉ trích “sự vu cáo, sự nhục mạ, sự xâm phạm danh dự” của Chu Nguyên Thạch và Nhà xuất bản TQ đương đại đối với bà.

Trước sự phản ứng quyết liệt của bà Ngô, ngày 18/6/2004, Nhà xuất bản TQ đương đại đã gửi thư tới bà, và hứa:

1- Sẽ lập tức thông báo tới tất cả các nhà xuất bản, các báo và tạp chí có đăng tải nội dung của cuốn sách trên phải cắt bỏ câu: “Cái nửa phiếu này là muốn chỉ Ngô Quế Hiền, kẻ cùng một duộc với “bè lũ 4 tên”, vì bà Ngô lúc đó là Ủy viên dự khuyết BCT, không có quyền biểu quyết”.

2 - Khi nhà xuất bản chúng tôi tái bản cuốn sách này thì cũng sẽ cắt bỏ câu văn nói trên”. Tuy nhiên, theo bà Ngô thì Nhà xuất bản TQ đương đại đã không giữ đúng lời hứa trịnh trọng của mình, bằng chứng là khi họ tung cuốn sách trên lên mạng Internet thì vẫn giữ nguyên nội dung như cũ.

Cũng theo bà Ngô thì từ tháng 1/2006 cho tới nay, qua việc tự mình tìm hiểu trên mạng cũng như theo bạn bè và người thân cho biết thì Chu Khuông Chính, chuyên viên nghiên cứu thuộc Sở Nghiên cứu Lịch sử TQ (bị cáo 3) và Phòng phát hành thuộc Nhà xuất bản Văn Sử TQ (bị cáo 4) đã cho xuất bản cuốn “Đại võng sự” (Những chuyện lớn đã qua). Trong phần thứ 3 của cuốn sách có nhan đề “Sự thực về những quyết sách của cấp lãnh đạo cao nhất trong chuyên án bắt giam bè lũ 4 tên”, khi  nói về “bốn phiếu rưỡi” giữ nguyên những lời phỉ báng bà. Như vậy, theo bà Ngô, cả 4 bị cáo  đều có những hành động “xúc phạm tới danh dự” của cá nhân bà một cách rất nghiêm trọng.--PageBreak--

Luật sư Trương Chấn Tây còn cho biết trong lời nói đầu của cuốn sách “Đại võng sự”, tác giả cuốn sách Chu Khuông Chính đã tuyên bố như đinh đóng cột rằng “tất cả các tài liệu trong cuốn sách đều căn cứ bài số 4 năm 2005”! Từ đó, luật sư Trương cho rằng Doãn Vận Công, chuyên viên nghiên cứu thuộc Viện Khoa học xã hội TQ (bị cáo 5) và Ban biên tập tạp chí “Tung Hoành” (bị cáo 6), đã mắc tội “phỉ báng và xúc phạm đến danh dự” của bà Ngô. Và tất cả bọn họ phải chịu sự phán quyết của pháp luật.

Nhân dịp này đã có nhiều phóng viên hỏi bà Ngô về mối quan hệ “thực sự” của bà với “bè lũ 4 tên”, nhất là với Giang Thanh trong 10 năm CMVH  (1966-1976). Bà Ngô cho biết: “Trước năm 1974, tôi chưa hề tiếp xúc với bè lũ 4 tên, và chắc chắn họ cũng không biết tôi là ai, cho tới tháng 9-1974, tôi được tham dự Hội nghị TƯ  với tư cách là đại biểu của giai cấp công nhân. Sau hội nghị đó, Chủ tịch Mao Trạch Đông đề nghị tôi và Trần Vĩnh Quý (đại biểu của giai cấp nông dân) ở lại Bắc Kinh để làm việc trong TƯ. Điều này khiến tôi hoàn toàn bất ngờ. Tôi chưa hề nghĩ tới việc ở lại Bắc Kinh nên quần áo, tiền bạc đều không chuẩn bị gì, nhất là vấn đề tem lương thực, tôi cũng mang theo rất ít (thời bấy giờ muốn có cơm ăn thì phải nộp cho nhà bếp tem lương thực). Tuy nhiên, tôi vẫn phải lập tức phục tùng mệnh lệnh, tới Trung Nam Hải nhận công tác và ở trong Điếu Ngư Đài.

Tôi được phân vào ở lầu số 11, còn Giang Thanh lúc bấy giờ ở lầu số 10, nhưng chúng tôi cũng chưa hề gặp gỡ nhau. Vào mùa xuân năm 1975, tôi có nhắn chồng tôi mang tới Bắc Kinh cho tôi những vật dụng cá nhân cần thiết. Nhân dịp này, chồng tôi bèn kết hợp mang theo đứa con gái 4 tuổi lên thăm mẹ. Lúc hai bố con đến chỗ tôi ở, hai vợ chồng tôi đã thống nhất với nhau những  quy định: Hai bố con không được tự ý  ra ngoài, phải giữ im lặng trong phòng, nếu ra ngoài gặp ai cũng không được nói bất cứ chuyện gì.

Nhưng không may, vào một buổi tối, tưởng tất cả mọi người đã đi ngủ, chồng tôi dắt cháu ra con đường trước cửa để đi dạo một lát, thì lại gặp ngay Giang Thanh cũng đang dạo bước trên con đường đó. Vừa nhìn thấy chồng và con tôi, Giang Thanh đã lập tức đi vào căn lầu tôi đang ở. Theo quy định lúc bấy giờ khi các thủ trưởng tới thăm ai thì phải lập tức báo cho người đó chuẩn bị nghênh tiếp. Vì vậy, nhân viên bảo vệ đã gọi điện cho tôi và báo rằng “thủ trưởng ở lầu số 10 (tức Giang Thanh) đang tới”. Tôi vội vã chạy xuống chân cầu thang và gặp Giang Thanh. Chưa cần biết nếp tẻ ra sao, Giang Thanh đã hỏi tôi một cách gay gắt: “Tại sao ở ngoài kia lại có trẻ con? Cô có biết những người sống trong khu  này là những ai không? Chỉ có các cán bộ lãnh đạo cao cấp mới được ở đây. Cô là Ủy viên dự khuyết BCT mới tới ở đây mà sao đã dám cho người nhà vào ở?”. Tôi chỉ còn dám cười gượng rồi nói: “Tôi sẽ lập tức cho họ ra ngoài ngay bây giờ”. Và ngay hôm sau, tôi yêu cầu Văn phòng TƯ cho tôi ra khỏi Điếu Ngư Đài. Đầu tiên, tôi chuyển tới Hoa Viên Thôn, sau chuyển tiếp tới Giao Đạo Khẩu. Từ đó mới tạm yên về chỗ ở. Và đó cũng là toàn bộ sự thực về  “Giang Thanh đã từng thăm hỏi và giúp đỡ Ngô Quế Hiền khi Ngô Quế Hiền trú trong Điếu Ngư Đài”.

Khi được hỏi thêm về thời gian đảm nhiệm chức Phó thủ tướng Quốc vụ viện nước CHND Trung Hoa    về vai trò của bà Ngô trong những cuộc họp của BCH TƯ và BCT mà bà Ngô đã từng tham dự, bà cho biết: Từ một nữ công nhân dệt, tôi đã trở thành Ủy viên dự khuyết BCT, Phó thủ tướng và điều này khiến tôi không thể quen ngay được. Thí dụ như sau khi trở thành Phó thủ tướng, Văn phòng Chính phủ đề nghị bố trí cho tôi thư ký riêng và cảnh vệ, nhưng tôi đã từ chối. Tất cả các công văn giấy tờ, tôi đều tự quản lý. Sau đó đã xảy ra một sự cố nhỏ về tài liệu, tôi mới nói với Uông Đông Hưng (Chánh Văn phòng TƯ Đảng) bố trí cho tôi một thư ký riêng. Mấy ngày sau, họ điều cho tôi một nữ thư ký từ Thiểm Tây tới có tên là Vương Kiệt. Đây là thư ký riêng đầu tiên của tôi. Sau đó, tôi được phân công phụ trách cả mảng công nhân, thanh niên, phụ nữ, Bộ Y tế, Bộ Dệt may nên tài liệu văn kiện trong ngày có cả hàng đống thì tôi nhận thêm một thư ký nữa có tên là Trương Kiến Dân. Có điều, tôi không bao giờ cần tới cảnh vệ. Còn trong các cuộc họp BCH TƯ hoặc BCT thì đúng là tôi chỉ ngồi nghe mà không phát biểu gì.

Một trong những lý do là so với các đồng chí khác, tôi thuộc loại ít tuổi nhất (34 tuổi). Cũng có lần khi đồng chí chủ tọa sắp cho bế mạc cuộc họp thì có hỏi thêm rằng: ai có ý kiến gì nữa không, thì tôi đã hăng hái nói to: “Không có”. Thấy tôi chẳng bao giờ phát biểu ý kiến, cũng có đồng chí lãnh đạo cuộc họp đã hỏi tôi: “Quế Hiền à, sao không thấy đồng chí phát biểu gì vậy”, tôi đã trả lời: “Ý kiến của các đồng chí phát biểu trước đó đã quá đầy đủ rồi ạ”, hoặc “Những chỉ thị của Chủ tịch tôi hoàn toàn đồng ý”. Với lại, thật ra tôi tự thấy trình độ của mình còn hạn chế nên cũng có phần e dè”...

Bà Ngô nói tiếp: “Sau khi làm Phó thủ tướng được chừng nửa năm, tôi đã gặp Thủ tướng Chu Ân Lai và đề nghị được chuyển công tác. Tôi nói với Thủ tướng: “Tôi xuất thân từ công nhân nên chỉ quen với công nhân. Còn những việc khác, tôi không được hiểu lắm. Xin Thủ tướng cho tôi được nghỉ công tác 1 năm để tôi đi học làm bí thư huyện 3 tháng, học làm bí thư nhà máy ngành công nghiệp nặng  3 tháng, học làm bí thư tỉnh ủy 3 tháng, sau đó tôi xin quay về làm tiếp công việc của mình”. Thủ tướng nghe nhưng không đồng ý. Thủ tướng chỉ cho phép mỗi năm tôi được xuống cơ sở 2 tháng để thâm nhập thực tế mà thôi”.

Hiện nay, vụ khởi kiện “để bảo vệ danh dự cá nhân” của bà Ngô Quế Hiền nhận được sự quan tâm của dư luận rộng rãi cả trong và ngoài TQ. Theo dư luận  thì đây là vụ kiện đầu tiên của một vị nguyên là quan chức cấp cao của nước TQ đối với các cá nhân và tổ chức đã mắc tội “phỉ báng và xâm phạm danh dự”.   

Bà Ngô hy vọng rằng bằng con đường kiện ra tòa, pháp luật sẽ trừng trị những kẻ đã xâm phạm “quyền về danh dự” đối với bản thân bà, từ đó danh dự của bà được phục hồi

Nguyễn Tiến Cử (Theo china.com)
.
.