“Vườn ươm” nữ lãnh đạo tương lai tại châu Á

Thứ Ba, 22/02/2011, 16:40
Theo ông Amad - người sáng lập Trường đại học châu Á dành cho phụ nữ (Asian University for Women - AUW, việc trường tập trung vào giảng dạy cho phụ nữ cũng là vì ở khu vực châu Á lâu nay vẫn khá thờ ơ đối với giáo dục dành cho phụ nữ, và nếu muốn thành lập một trường đại học để đạt hiệu quả thì cách tốt nhất là tập trung vào nhóm đối tượng trước đây đã từng không được chú ý tới.

Với niềm tin rằng giáo dục là một con đường quan trọng để đưa tới sự tiến bộ về kinh tế, sự bình đẳng về chính trị và xã hội cũng như để phát triển khả năng lãnh đạo trong tương lai cho phụ nữ, Trường đại học châu Á dành cho phụ nữ (Asian University for Women-AUW) đã được thành lập, có trụ sở tại Bangladesh, để đem lại những chương trình giảng dạy hữu ích cho phụ nữ trẻ có tiềm năng trở thành những nhà lãnh đạo tương lai đất nước bất kể họ đến từ quốc gia nào ở Nam và Đông Nam Á, bất kể nền tảng văn hóa, tôn giáo của họ ra sao.

Theo ông Kamal Amad, người sáng lập Trường AUW, lý do của việc thành lập một trường đại học chỉ dành riêng cho phụ nữ này là bởi vì bất cứ một quốc gia nào muốn trở thành nước phát triển thì một nhu cầu vô cùng quan trọng đối với họ là cần phải có những người có học vấn cao trong xã hội. Làm sao có thể điều hành đất nước một cách hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết các khó khăn nếu không có những người có kỹ năng và kiến thức để giải quyết những vấn đề đó. Vì vậy, Trường đại học AUW được thành lập là để cho thấy được rằng, giáo dục đại học và trên đại học là chìa khóa quan trọng để đem lại sự phát triển ở bất cứ quốc gia nào.

Theo ông Amad, việc trường tập trung vào giảng dạy cho phụ nữ cũng là vì ở khu vực châu Á lâu nay vẫn khá thờ ơ đối với giáo dục dành cho phụ nữ, và nếu muốn thành lập một trường đại học để đạt hiệu quả thì cách tốt nhất là tập trung vào nhóm đối tượng trước đây đã từng không được chú ý tới.

Trường đại học AUW có điểm nổi bật và khác biệt so với các trường đại học khác trên thế giới là có chương trình giáo dục đặc biệt phù hợp để đem lại một thế hệ nữ lãnh đạo kế tiếp. Để thực hiện điều này, một phần AUW thực hiện bằng loại hình giáo dục. Trường có chương trình khoa học xã hội ở cấp đại học với việc tập trung vào các môn toán và khoa học, sau đó cũng khuyến khích tất cả các sinh viên theo học tiếp lên một trong các chương trình cao học, như quản trị kinh doanh hay kỹ thuật, với ý tưởng là việc kết hợp hai loại hình đào tạo này, một là chương trình khoa học nhân văn tổng quát cho phép sinh viên học không chỉ học toán và khoa học mà còn về nhân văn và nhân chủng học, cùng với chương trình cao học tập trung vào việc làm sao để đạt được kết quả thực tiễn để họ sẵn sàng đảm nhận các vị trí sẽ tạo nên sự khác biệt trong tương lai.

Một phần nữa là vì AUW có trụ sở ở Bangladesh, nơi mà các vấn đề nghiêm trọng đang tồn tại khá rõ. Việc học tập tại đây và việc tiếp xúc với người dân và những vấn đề nổi cộm như vậy ở khu vực này sẽ giúp sinh viên có kiến thức tốt hơn về các vấn đề phải giải quyết. Trong bối cảnh đó, ý tưởng ở đây là kiến thức thực sự được coi như một thứ công cụ để giải quyết các vấn đề đã trở nên nghiêm trọng.

Một buổi học trong Trường AUW.

Vì thế, AUW khác với các trường khác không phải chỉ vì trường này tập trung đào tạo phụ nữ mà còn vì việc kết hợp giữa các loại hình giáo dục, cũng như bằng cách tập trung vào những vấn đề của các nước đang phát triển. Bằng việc kiến tạo nên một mạng lưới dành cho phụ nữ trong khắp khu vực, UAW không chỉ có sinh viên đến từ Bangladesh mà còn có cả sinh viên đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal và Pakistan. AUW hy vọng sau khi tốt nghiệp họ sẽ có một mạng lưới trải rộng khắp khu vực và mạng lưới đó sẽ giúp họ có thêm nhiều tiềm lực hơn.

Một trong những mục tiêu của trường là đào tạo phụ nữ châu Á để trở thành các nhà lãnh đạo hiệu quả, năng động nên việc đề ra tiêu chí để lựa chọn sinh viên, xác định xem sinh viên tiềm năng đó là ứng viên tốt để trở thành một nhà lãnh đạo tương lai, một người có thể đem lại sự thay đổi cho cộng đồng hay cho đất nước họ... là những câu hỏi đáng quan tâm. Theo ông Kamal Amad, về một khía cạnh nào đó thì thật khó mà có thể biết được khi nói chuyện với một cô gái 18 tuổi và nói rằng cô ấy sẽ trở thành một nhà lãnh đạo tương lai, cũng như điều gì ở một người phụ nữ trẻ mà chỉ mới thoáng qua người ta đã có thể thấy rằng họ khác biệt với tất cả mọi người khác.

Ông Kamal Amad thừa nhận AUW chưa có một công thức chính xác, tuy nhiên ngoài thành tích học tập trường này cũng xét đến hai điều: thứ nhất là lòng can đảm của sinh viên, thông qua các câu hỏi đánh giá như "điều gì bạn đã thực hiện trong đời để chứng tỏ với chúng tôi rằng bạn có lòng can đảm để vượt qua thử thách"; và thứ hai là đo lường khả năng đánh giá sự công bằng trong xã hội của họ. Khó có một người nào đó có thể trở thành một nhà lãnh đạo trong thời đại hiện nay mà không có lòng can đảm và không bất bình trước những sự bất công xung quanh. Vì vậy, đó là hai yếu tố quan trọng, ngoài thành tích học tập, để đánh giá trong quá trình tuyển sinh.

Kinh phí hoạt động hiện tại của AUW dựa vào sự đóng góp của những tổ chức từ thiện như Quỹ Bill and Melinda Gates, Quỹ Rockefellor, Quỹ Hewlett. Sinh viên học tại đây được cấp học bổng toàn phần.

Ông Kamal Amad cho biết ngoài việc trang bị một nguồn lực dồi dào, có sinh viên ưu tú, đội ngũ giảng viên xuất sắc và cơ sở đào tạo tốt, AUW cũng phải thức thời để khi xã hội thay đổi và đòi hỏi phải có những giải pháp mới cho các vấn đề, khi đâu đó xuất hiện những tiếng nói mới đòi công lý thì sinh viên và giảng viên của trường có thể đáp ứng được bằng những giải pháp sắc bén nhất đối với những thách thức cụ thể đó. Vì vậy, hy vọng của AUW là không chỉ trở thành một trường đại học xuất sắc mà còn là một trường có thể đáp ứng được những nhu cầu của khu vực

Hà Ninh (tổng hợp)
.
.