Vương Quang Mỹ - Một đời tận tụy

Thứ Hai, 19/03/2007, 10:15
Vương Quang Mỹ, phu nhân của cố Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lưu Thiếu Kỳ là một trong những phụ nữ Trung Quốc có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ XX.

Cuộc đời Vương Quang Mỹ đã nếm trải đủ vị cay đắng, ngọt bùi, có những bước thăng trầm nhưng chưa bao giờ bà mất niềm tin, luôn kiên cường và thể hiện một sự lạc quan phi thường.

Hoạt động không mệt mỏi

Năm bà Vương Quang Mỹ 82 tuổi, ở quê hương của cố Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ đã phát động phong trào học tập tác phong của Vương Quang Mỹ. Mặc dù tuổi đã cao nhưng từ cửa Đức Dục Viên (nhà nghỉ của Vương Quang Mỹ) đến địa điểm tổ chức kỷ niệm 105 năm ngày sinh Lưu Thiếu Kỳ và đến nhà cũ của Lưu Thiếu Kỳ, bà từ chối dùng xe lăn do nhân viên phục vụ chuẩn bị mà tự mình đi bộ đến, thân mật bắt tay thăm hỏi từng cụ già...

Đây là lần thứ sáu Vương Quang Mỹ về quê Lưu Thiếu Kỳ. Lần đầu tiên là từ tháng 4 đến tháng 5/1961, bà cùng Lưu Thiếu Kỳ về Hồ Nam để dự một hội nghị. Những lần khác là vào năm 1980, 1983, 1988 và 1997.

Bà nhớ lại khi gặp Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ lần cuối: “Ngày 5/8/1967, tôi và Lưu Thiếu Kỳ bị tách ra, phê đấu ở phía trước và sau của một gian nhà trong Trung Nam Hải. Giữa chừng được nghỉ một lát, tôi và Lưu Thiếu Kỳ được phép uống chút nước trong thư phòng, nhưng không được phép nói chuyện với nhau. Khi phê đấu tiếp tục, tôi bất chấp tất cả, chạy lại nắm lấy tay Lưu Thiếu Kỳ, nắm thật chặt... Chúng tôi nhìn nhau, có biết bao điều muốn nói mà không sao nói được. Không ngờ cái nắm tay ấy cũng là cái nắm tay cuối cùng của tôi và ông ấy”.

Vương Quang Mỹ khi còn học phổ thông từng được tôn là “nữ hoàng toán học” vì năng khiếu thiên bẩm về toán học của bà, sau đó bà tốt nghiệp Đại học Phố Nhân. Bà chung sống với Lưu Thiếu Kỳ 20 năm, cùng Lưu Thiếu Kỳ trải qua bao gian khổ và vinh quang, nhưng dù Lưu Thiếu Kỳ có ở trong hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm như thế nào, bà vẫn luôn ở bên cạnh ông, động viên, giúp đỡ ông và là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn đối với ông.

Năm 1979, sau 12 năm ngồi tù, Vương Quang Mỹ được trả tự do. Năm 1980, Lưu Thiếu Kỳ được minh oan (sau khi từ trần 10 năm).

Vương Quang Mỹ không chỉ là một người bà hạnh phúc sống với con cháu, mà còn là người rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Năm 1995, phong trào “công trình hạnh phúc” giúp đỡ các bà mẹ trong hoàn cảnh khó khăn với khẩu hiệu “chống đói nghèo, chống ngu dốt, chống bệnh tật” được phát động trong cả nước, Vương Quang Mỹ chính là hạt nhân của phong trào đó.

Là Chủ nhiệm tổ “công trình hạnh phúc”, Vương Quang Mỹ đã bôn ba khắp nơi để nắm bắt tình hình. Bà đã đem đến niềm vui và sự ấm áp cho những bà mẹ ở những vùng còn khó khăn như huyện An Tuyền (Phúc Kiến), Môn Tam Hiệp (Hà Nam), Môn Đầu Câu (Bắc Kinh)...

Năm 1996, Vương Quang Mỹ bán bốn tác phẩm nghệ thuật rất có giá trị mà mẹ bà để lại, thu được hơn 500.000 NDT đóng góp vào quỹ phong trào “công trình hạnh phúc”.

Đọc sách báo là một thói quen hàng ngày của bà. Loại báo bà thường xem là Nhân dân nhật báo, Quang minh nhật báo, Tin tham khảo... Thông thường vào buổi sáng bà rất bận rộn với các hoạt động xã hội, buổi chiều bà mới có thời gian rảnh đọc sách báo và xem tài liệu.

Vương Quang Mỹ nói: “Ngày trước thỉnh thoảng còn khiêu vũ, bây giờ già rồi, chân tay không còn linh hoạt nữa, tản bộ cũng là một sự nghỉ ngơi rất tốt, vừa thư thái đầu óc, giãn gân cốt lại có thể xóa tan mệt mỏi. Mỗi tối xem tivi nhất là các chương trình thời sự, bình luận sự kiện... như vậy có thể nắm bắt được tình hình Trung Quốc, tình hình thế giới”.

Năm 1989, Vương Quang Mỹ bị mắc bệnh hiểm nghèo, nhưng do chịu khó rèn luyện nên sức khỏe vẫn bình thường. Khi ở Bắc Kinh, mỗi tuần bà đi bơi ở Điếu Ngư Đài hai đến ba lần, mỗi lần 20 phút. Bà nói: “Đi bơi rất tốt cho sức khỏe, có thể tăng cường thể chất, giúp cho gân cốt dẻo dai và kích thích tuần hoàn khí huyết”.

Truyền thống gia đình cách mạng

Vương Quang Mỹ, sinh năm 1921 ở Bắc Kinh nhưng quê gốc ở Thiên Tân. Cha bà là Vương Trị Xương, một trí thức nổi tiếng từng du học ở Nhật Bản. Mẹ bà là Đổng Khiết Như, đã tốt nghiệp Học viện Sư phạm nữ Thiên Tân. Bà Đổng Khiết Như là người thông minh và có nhiều quan điểm rất tiến bộ. Bà sinh được 8 người con gái và 3 con trai, trong đó Vương Quang Mỹ là con gái lớn. Bà Đổng Khiết Như không chỉ dành tình thương cho các con đẻ của mình mà dành cho cả những người con riêng của Vương Trị Xương.

Vương Quang Mỹ nhớ lại: “Thơ ấu, tôi không hề biết ba anh trai của tôi là anh em cùng cha khác mẹ. Mẹ tôi không bao giờ nói các anh ấy không phải con mình đẻ ra. Sau khi anh cả tôi mắc bệnh qua đời, mẹ tôi rất đau khổ, do đó anh ấy luôn có vị trí đặc biệt trong lòng anh chị em chúng tôi. 11 anh chị em chúng tôi chỉ có anh hai và anh ba là du học ở nước ngoài, 8 người còn lại đều không hề đi du học. Điều đó cho thấy mẹ tôi đặc biệt quan tâm bồi dưỡng những người con riêng của chồng còn hơn cả con đẻ”.

Gia đình Vương Quang Mỹ là một gia đình có truyền thống cách mạng. Anh thứ ba là Vương Quang Siêu trong thời gian chiến tranh kháng Nhật đã bất chấp nguy hiểm, vận chuyển một lượng lớn dược phẩm và dụng cụ y tế vào vùng giải phóng.

Anh tư Vương Quang Kiệt là đảng viên Cộng sản đầu tiên của gia đình. Trong thời gian chiến tranh kháng Nhật, anh đã bí mật thiết lập một đường dây điện đài trong vùng địch chiếm đóng để thông báo tin tức địch cho Diên An. Sau khi nước Trung Quốc mới thành lập ông từng đảm nhận chức Thứ trưởng Bộ Công nghiệp điện tử. Em thứ sáu là Vương Quang Anh hiện đang là Phó ủy viên trưởng Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Phó chủ tịch Quốc hội). Bốn người em gái của Vương Quang Mỹ đều là đảng viên Cộng sản và đều đảm nhận các vị trí lãnh đạo quan trọng.

Một gia đình như vậy đương nhiên đã ảnh hưởng rất lớn đến Vương Quang Mỹ. Khi còn là học sinh, Vương Quang Mỹ rất tích cực tham gia các phong trào học sinh, sinh viên do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Năm Vương Quang Mỹ ra đời cũng là năm Đảng Cộng sản Trung Quốc được thành lập ở Thượng Hải. Sau khi học xong tiểu học tại Trường tiểu học Thực nghiệm II, Vương Quang Mỹ thi đậu vào trường trung học thuộc Đại học Sư phạm Bắc Bình. Sau sự kiện Lư Câu Kiều ngày 7/7/1937, Vương Quang Mỹ tự học ở nhà, năm 1939 thi vào Đại học Phố Nhân khoa Vật lý, năm 1943 sau khi tốt nghiệp đại học, tiếp tục học thạc sĩ hai năm ở Viện Nghiên cứu sinh Bắc Bình. Năm 1945, Vương Quang Mỹ làm trợ giáo đại học, hướng dẫn sinh viên viết luận văn.--PageBreak--

Thời kỳ đi học của Vương Quang Mỹ chính là thời điểm Nhật Bản phát động cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện đối với các quốc gia Đông Á. Hàng triệu triệu thanh niên Trung Quốc sôi sục nhiệt huyết cách mạng, quyết tâm làm mọi việc để bảo vệ đất nước, dân tộc, quê hương. Vương Quang Mỹ đã có mặt trong phong trào đó, vừa học đại học vừa tích cực tham gia công tác cách mạng dưới sự lãnh đạo của những người phụ trách đảng bộ cơ sở Bắc Bình như Thôi Nguyệt Lê (sau 1949 là Bộ trưởng Y tế), Lưu Nhân (sau 1949 là Bí thư Thành ủy Bắc Kinh).

Sau khi chiến tranh kháng Nhật thắng lợi, Chính phủ Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch thực hiện âm mưu “hòa bình giả, nội chiến thật”. Ngày 10/1/1946, đại biểu hai đảng Quốc - Cộng chính thức ký kết “hiệp định đình chiến”. Theo hiệp định, tại Bắc Bình sẽ thành lập một Ban Chấp hành điều phối quân sự gồm đại biểu của Chính phủ Quốc dân đảng, Đảng Cộng sản và Chính phủ Hoa Kỳ, phụ trách giám sát việc thực hiện hiệp định, thành lập các Tiểu tổ chấp hành điều phối quân sự ở các địa điểm tranh chấp.

Khi đó, Vương Quang Mỹ mới 24 tuổi được sự giới thiệu của Chi bộ Đảng Bắc Bình, đã đảm nhận làm phiên dịch tiếng Anh cho Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc do Diệp Kiếm Anh, La Thụy Khanh và Lý Khắc Nông lãnh đạo. Ở cương vị này, Vương Quang Mỹ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Mùa thu năm 1946, hòa đàm Quốc - Cộng đổ vỡ, cuộc nội chiến quy mô lớn bắt đầu. Do thân phận đã bại lộ, và để đảm bảo an toàn cho Vương Quang Mỹ, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc phê chuẩn cho bà đến căn cứ địa cách mạng Diên An.

Người đồng chí, người bạn thân thiết, người vợ đảm đang bên cạnh Lưu Thiếu Kỳ

Vương Quang Mỹ đến Diên An không lâu thì gặp gỡ và quen biết Lưu Thiếu Kỳ. Sau khi nhận công tác ở Tây Bách Ba, do quan hệ công tác, Vương Quang Mỹ càng có điều kiện tiếp xúc nhiều với Lưu Thiếu Kỳ.

Hai người do có chung một lý tưởng cách mạng và mong ước cuộc sống tốt đẹp cho tương lai nên tháng 8/1948 họ quyết định kết hôn.

Hôm cưới, hai người chẳng có hôn lễ long trọng cũng không có cả tiệc cưới nhưng điều khó quên là Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai và các đồng chí lãnh đạo Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đều đến. Sau khi kết hôn, Vương Quang Mỹ được điều động về làm thư ký chính trị cho Lưu Thiếu Kỳ ở Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bà làm việc trên cương vị này suốt 18 năm, cho đến năm 1966 cuộc Cách mạng văn hóa nổ ra mới thôi.

Vương Quang Mỹ và Lưu Thiếu Kỳ có thể nói là cặp vợ chồng mẫu mực, luôn tương thân tương ái, đồng cam cộng khổ, dù trong bất cứ hoàn cảnh sóng gió nào cũng không thể chia cắt tình cảm của họ.

Lưu Thiếu Kỳ là Phó chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa nên công việc vô cùng bận rộn. Để Lưu Thiếu Kỳ có thể chuyên tâm vào những chuyện quốc gia đại sự, Vương Quang Mỹ đã hết lòng quan tâm chăm sóc cho ông từ bữa ăn đến giấc ngủ.

Vì Lưu Thiếu Kỳ quá nhiều việc nên trong thời gian dài đã hình thành thói quen làm việc về đêm, Vương Quang Mỹ đã điều chỉnh thời gian biểu làm việc, ngủ, nghỉ của mình để phù hợp với Lưu Thiếu Kỳ. Bà ngày đêm ở bên Lưu Thiếu Kỳ, làm mọi chuyện để chồng có thể làm việc được tốt nhất. Vương Quang Mỹ không những tự mình chăm lo cho Lưu Thiếu Kỳ mà còn hoàn thành xuất sắc công việc thư ký chính trị của bà.

Mùa hè năm 1959, trong thời gian Hội nghị Lư Sơn, Lưu Thiếu Kỳ do làm việc quá sức nên khi vừa nằm nghỉ đã ngất đi và ngã xuống đất. Nhờ có Vương Quang Mỹ kịp thời gọi bác sĩ cấp cứu và túc trực chăm sóc suốt ngày đêm nên ông đã nhanh chóng qua khỏi.

Vương Quang Mỹ và Lưu Thiếu Kỳ sinh được 4 người con, 1 trai 3 gái, trai là Nguyên Nguyên, gái là Bình Bình, Đình Đình và Tiêu. Do Lưu Thiếu Kỳ bận bịu công việc nên Vương Quang Mỹ cáng đáng toàn bộ trách nhiệm nuôi dạy con cái. Bà dạy con rất nghiêm khắc, không cho phép các con dựa thế cha mẹ mà sinh ra kiêu ngạo, và yêu cầu các con phải thường xuyên gần gũi, tiếp xúc với mọi người, có tác phong giản dị, cần kiệm.

Bà cũng yêu cầu các con phải ở nội trú tại trường, đối xử bình đẳng với bạn học, tôn kính thầy cô giáo, nỗ lực học tập, tự đi bằng đôi chân của chính mình. Mỗi khi nhà trường tổ chức họp phụ huynh, nếu có thể thu xếp thời gian được, bà lập tức đạp xe đến dự.

Năm 1959, Bình Bình và Nguyên Nguyên vào học Trường tiểu học Thực nghiệm II Bắc Kinh. Có lần, Vương Quang Mỹ cho mời thầy giáo đến để hỏi chuyện về việc dạy dỗ các con. Bà nói: “Các thầy cô giáo hãy cứ dạy dỗ, quản lý con cái chúng tôi như con cái của mình, xin đừng nhân nhượng chúng. Không nên vì chúng là con của chúng tôi mà chiếu cố cho chúng, ngược lại cần phải yêu cầu chúng nghiêm khắc hơn”.

Mùa hè năm 1965, Vương Quang Mỹ đến thị trấn Cao, huyện Tân Thành (Hà Bắc) phát động chiến dịch “5 sạch”. Bình Bình khi đó mới 15 tuổi, theo lời dặn của Lưu Thiếu Kỳ, đã tự mình mua vé, tự mình lên tàu hỏa đến Tân Thành thăm mẹ mà không hề có người hộ tống, cũng không thông báo cho huyện Tân Thành để cử người đến đón. Do bình thường được giáo dục nghiêm khắc nên Bình Bình không hề sợ hãi. Khi Bình Bình bất ngờ xuất hiện trước mặt Vương Quang Mỹ thì mọi người đều vô cùng kinh ngạc.

Cô bé tự hào nói: “Con tự đi đến đấy! Con đã biết làm sao để mua vé và đi tàu hỏa mà”. Nguyên Nguyên tuổi còn nhỏ nhưng khi được nghỉ hè, Vương Quang Mỹ và Lưu Thiếu Kỳ đã bảo con đi gác với các chú tiêu binh để học tập tinh thần chịu đựng gian khổ và tác phong chấp hành kỷ luật của Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa.

Do được dạy dỗ và rèn luyện một cách nghiêm khắc như vậy nên những người con của Lưu Thiếu Kỳ và Vương Quang Mỹ trong thời gian Cách mạng văn hóa do bố mẹ bị bức hại mà chịu rất nhiều gian khổ, nhưng vẫn kiên cường đứng dậy, vượt qua sóng gió và vững bước tiến lên.

Ngày 13/10/2006, Vương Quang Mỹ tạ thế, hưởng thọ 85 tuổi

Vũ Anh (Theo Thời báo Hoàn cầu)
.
.