Watergate, “cú ngã ngựa” đau đớn của cựu Tổng thống Nixon

Thứ Ba, 05/07/2005, 07:03

Ngày 17/6/1972, nước Mỹ xảy ra vụ Watergate khiến Tổng thống đương nhiệm lúc bấy giờ là Nixon và những phụ tá của ông ta sa lầy. Watergate như một bức tường chặn đứng con đường chính trị của Nixon và kết thúc bằng việc lần đầu tiên một tổng thống Mỹ phải rời nhiệm sở trước thời hạn.

2h 30' ngày 17/6/1972, 5 người đàn ông bị bắt tại trụ sở của Ủy ban Toàn quốc đảng Dân chủ Mỹ (DNC), trong khu nhà văn phòng của khách sạn Watergate tại thủ đô Wasington. Điều lạ là mục đích của 5 tên trộm này chẳng phải tiền bạc hay của cải vật chất gì quý giá. Vậy họ cần gì? Những thiết bị mà 5 người này mang theo đã là câu trả lời: máy ghi âm siêu nhỏ, thiết bị quan trọng dùng để nghe trộm và ăn cắp thông tin. Những người này đã lục soát tài liệu trong phòng, đặt máy ghi âm và cài đặt thiết bị nghe lén điện thoại.

Khi bị tra hỏi, một người trong số những kẻ bị bắt là James McCord khai rằng: anh ta làm việc cho Cục Tình báo Trung ương. Người ta cũng tìm thấy trong sổ địa chỉ của 2 trong số 5 tên trộm có ghi dòng chữ: “E. Howard Hunt”. Chính dòng chữ này đã là “gót chân Asin” dẫn dắt các điều tra viên lần ra những kẻ giấu mặt giật dây. E. Howard Hunt, từng là nhân viên tình báo, ông ta làm cố vấn cho Tổng thống Nixon suốt từ năm 1969 đến 1972. Hunt cũng chính là người vạch kế hoạch và chỉ huy 5 tên trộm trên.

Từ Hunt, đã làm lộ diện cả một đường dây đứng sau vụ việc này, bao gồm những nhân vật cao cấp nhất trong Nhà Trắng. Từ cựu Bộ trưởng Tư pháp John Mitchell (hiện là Giám đốc Ủy ban Tái cử của Tổng thống), Chánh văn phòng Nhà Trắng Halderman, Phụ tá đặc biệt của Tổng thống John Ehrlichman, Trợ lý Tổng thống John Dean, Thư ký Ủy ban Tái cử của Tổng thống Gordon Liddy và cả Tổng thống đương nhiệm Nixon.

Chỉ vì mong muốn có được những tin tức nội bộ từ phe đối lập để có thể chiếm ưu thế hòng quật ngã đối thủ trong cuộc tranh giành quyền lực mà Nixon và những phụ tá của ông ta đã sa vào mớ bòng bong không tài nào dứt ra nổi. Đây cũng là sự mở đầu cho một quá trình điều tra và luận tội kéo dài suốt hơn hai năm, với đương sự là những nhân vật lãnh đạo cao nhất của Hoa Kỳ lúc đó.

Vén màn bí mật

Khách sạn WaterGate và 5 kẻ đột nhập.

Chỉ hai ngày sau, báo chí đã nắm được thông tin về vụ đột nhập, cho dù lúc đó tin tức đang bị Nhà Trắng phong tỏa nghiêm ngặt. Tờ Bưu điện Washington, với phóng viên Woodward, đã tiến hành điều tra và liên tiếp đăng loạt bài về vụ việc này. Đây là cơ quan truyền thông đầu tiên đưa vụ bê bối Watergate ra công luận.

Việc tin tức được truyền ra ngoài và trở thành mối quan tâm hàng đầu của dư luận lúc bấy giờ có phần đóng góp rất lớn của Mark Felt, Phó giám đốc FBI lúc đó. Dưới cái tên Deep Throat, Felt đã cung cấp những tin tức được coi là tối mật, để từ đó báo chí có cơ sở mở rộng điều tra. Từ sự điều tra của báo chí đã giúp khám phá ra một loạt hoạt động trái pháp luật của Tổng thống Nixon và những cộng sự của ông ta.

Tháng 1/1973, 7 người bị thẩm vấn đầu tiên bao gồm: Howard Hunt, Cố vấn Tổng thống; Gordon Liddy, Thư ký Ủy ban Tái cử của Tổng thống và 5 kẻ đột nhập. Người chủ trì xét xử là Thẩm phán John J. Sirica, Chánh án Tòa án quận Columbia. Trong suốt những tháng đầu xét xử, những bài báo điều tra liên tục được đăng tải công bố những chứng cứ liên quan tới Nhà Trắng trong vụ đột nhập vào DNC. Nhưng bỏ qua mọi dư luận, Nixon và những người phụ tá của ông ta một mực phủ nhận mọi sự liên quan của chính phủ với những kẻ bị bắt tại khách sạn Watergate, rằng không có một ai trong chính phủ có dính líu tới vụ bê bối.

Trong ngày tuyên án 23/3/1973, Thẩm phán Jonh J. Sirica đã đọc một bức thư của bị cáo James W. McCord, một trong 5 kẻ đột nhập, bức thư McCord nêu rõ việc Nhà Trắng đã “nhắc nhở” họ bằng mọi cách giấu giếm, che đậy sự liên quan của Chính phủ tới vụ việc. McCord cũng cho hay, cả 7 bị cáo phải chịu một sức ép rất nặng nề từ phía Nhà Trắng, phải nhận lỗi về mình và “khóa miệng” lại. Theo McCord, những người làm chứng tại phiên tòa đã nói dối trong suốt quá trình xét xử.

Trước khi bồi thẩm đoàn họp để ra phán quyết cuối cùng thì Jeb Start Magruder, trợ lý của John Mitchell (Giám đốc Ủy ban Tái đắc cử của Tổng thống) đã xin thay đổi lời khai trong lần làm chứng trước. Ông ta đã thừa nhận rằng việc đột nhập vào DNC là chủ trương của Tổng thống, rằng Tổng thống muốn như vậy.

Một cuộc điều tra mới được tiến hành và lần này nhằm thẳng vào Tổng thống đương nhiệm Nixon.

Ngày 30/4/1973, Nixon công bố trước dư luận thừa nhận trách nhiệm của mình về những hành động sai phạm của những thành viên trong nội các có dính líu tới vụ bê bối. Nixon cũng đã chấp nhận đơn xin từ chức của một loạt phụ tá thân tín là: Halderman, John Ehrlichman, John Dean và Bộ trưởng Tư pháp Richard Kleindienst. Mặc dù thừa nhận mình có một phần trách nhiệm, trong vụ việc nhưng Nixon cho rằng đó chỉ là trách nhiệm trong việc quản lý cán bộ, chứ ông ta không hề biết gì về kế hoạch đột nhập và đặt máy nghe trộm thông tin từ phe đối lập và cả những trò che đậy và dối trá trước tòa.--PageBreak--

Thượng viện Mỹ vào cuộc

Sau khi Kleindienst từ chức, Nixon đã đề bạt Elliot Richardson đảm nhiệm chức Bộ trưởng Tư Pháp, Richardson đã chọn Archibald Cox, một giáo sư luật tại Đại học Harvard, làm công tố viên đặc biệt trong vụ Watergate. Nhưng thật không may cho Nixon, vụ bê bối chính trị và những tình tiết nảy sinh từ phiên tòa vừa xét xử đã làm những nhà lập pháp tại Thượng viện Mỹ đặc biệt quan tâm. Cuộc điều tra được chuyển sang Thượng Nghị viện.

Trong tháng 5/1973, Thượng viện Mỹ đã chỉ định Ủy ban về những hoạt động trong chiến dịch tranh cử tổng thống sẽ thụ lý việc điều tra và xét xử vụ Watergate. Ủy ban này được thành lập tháng 2/1973, bởi Chủ tịch Thượng viện Sam Ervin, một đảng viên đảng Dân chủ.

Phiên tòa xét xử vụ bê bối được truyền hình công khai và không lâu sau Ủy ban trên đã khui ra những chứng cứ sai phạm của Nhà Trắng và Ủy ban Tái cử của Nixon, nhưng vẫn chưa đủ bằng chứng để buộc tội Tổng thống có liên quan trực tiếp đến vụ Watergate và cố tình che giấu sự thật. 

Ngày 16/7/1973, Alexander Butterfield, cựu Chánh Văn phòng Nhà Trắng đã tiết lộ về một cuốn băng ghi âm cuộc nói chuyện bí mật trong phòng riêng của Tổng thống. Ngày 23/7/1973, Ủy ban điều tra của Thượng viện Hoa Kỳ đã yêu cầu Nhà Trắng phải mang cuộn băng ghi âm trên tới tòa. Nixon đã từ chối và nói rằng, cuốn băng đã bị hỏng. Điều này đã dẫn đến việc đột ngột thay đổi phiên tòa phúc thẩm vào tháng 10/1973.

Để tránh những rắc rối mới sẽ nảy sinh với Thượng viện, Nixon đưa ra đề nghị sẽ tóm tắt nội dung trong cuốn băng bằng văn bản để trình lên Ủy ban điều tra. Đổi lại Ủy ban sẽ không đề cập tới vấn đề cuốn băng và dừng việc tìm kiếm thêm những tư liệu về Tổng thống.     

Ngày 20/10/1973, Nixon đề nghị mãn nhiệm vị trí công tố đặc biệt của Cox và thay vào đó là Bộ trưởng Tư pháp Richardson. Nhưng cả Richardson và William Ruckelshaus, Thứ trưởng Tư pháp đã đồng loạt xin từ chức. Việc công tố Cox là người đòi truy ra bằng được cuốn băng ghi âm bí mật của Nhà Trắng, phải rời khỏi vị trí trong lúc cuộc điều tra đang vào hồi căng thẳng nhất, đã gây ra những bất lợi cho Nixon.

Những sự việc trên đã tạo nên một trận cuồng phong trong công chúng Mỹ. Trước sự phản đối kịch liệt của dư luận, ngày 8/12/1973, Nixon đã cho công bố những cuốn băng bí mật. Nhưng chỉ có 7 băng trong số 9 cuốn theo yêu cầu của thẩm phán Sirica. Theo như Nhà Trắng thì không hề có 9 cuốn băng như lời của Sirica. Khi Ủy ban điều tra kiểm tra 7 băng được trình lên tòa thì có một băng bị vấp và ngắt quãng nhiều lần, bị ngắt quãng đó không phải là một sự ngẫu nhiên.

Cuộc điều tra càng mạch lạc và sáng tỏ hơn khi John Dean, ra làm chứng trước tòa. Sự xuất hiện của Dean tại tòa là lá bài quyết định khiến Nixon phải hợp tác thành khẩn hơn với Ủy ban điều tra. Khi Dean tiết lộ những bằng chứng về sự dính líu trực tiếp của Nhà Trắng trong vụ bê bối, Dean cũng chứng minh việc Nixon biết rõ mọi việc và cố tình cản trở  việc điều tra, ngay lập tức Nixon đã sa thải Dean. 

Tổng thổng Nixon ngậm ngùi ra đi

Từ những chứng cứ đã thu được và sự đòi hỏi của công chúng về những vấn đề vẫn đang là dấu hỏi đã khiến Ủy ban Tư pháp của thượng viện mở cuộc điều tra sâu rộng với những điểm còn nghi ngờ quanh Tổng thống. Ngày 20/5/1974, thẩm phán Sirica yêu cầu Nixon phải đưa ra những cuốn băng còn lại. Ngày 24/7/1974 Tòa án tối cao đã nhất trí với yêu cầu buộc Nixon phải bàn giao toàn bộ những bản sao của các cuốn băng.

Ngày 5/8/1974, Nixon đã cung cấp bản sao của 3 cuốn băng nhưng nó đã bị xóa sạch những gì có dính líu tới ông ta. Việc những thông tin vốn được coi là bí mật này được khám phá và công bố, Nixon đã hoàn toàn mất đi sự ủng hộ trong Quốc hội. Ngày 8/8/1974, Tổng thống Nixon tuyên bố từ chức.

Và, đúng 11 giờ 35 phút ngày 9/8/1974, Nixon đã ngậm ngùi rời khỏi Nhà Trắng, chấm dứt sự nghiệp chính trị không lấy gì làm sáng sủa của mình

Vũ Trọng Kính (Tổng hợp)
.
.