Xung quanh bê bối tài chính nước Úc: Đường lối chính trị con đà điểu

Thứ Năm, 18/10/2012, 10:40

Báo cáo dài 1.100 trang về những bê bối của Nghiệp đoàn Dịch vụ y tế ÚC (HSU) không chỉ nêu tên "ông trùm" Michael Williamson, mà còn đề cập tới nhiều chính khách quyền lực dưới trướng của Thủ tướng Julia Gillard. Một trong số nghi can phải nhắc tới là Craig Thomson, thành viên Công đảng rất được lòng bà Gillard.

>> Xung quanh bê bối tài chính đang chấn động nước Úc

Thomson từng là thư ký bên cạnh Michael Williamson giai đoạn 1999-2002, bị nghi ngờ dính líu tới mạng lưới tham nhũng do cựu Chủ tịch HSU tổ chức. Nhân vật này chịu cáo buộc sử dụng thẻ tín dụng của HSU cho những vụ ăn chơi "tới bến", thậm chí nướng trên dưới 500.000 đôla mỗi lần vào nhà thổ.

Công đảng dậy sóng, "đứng ngồi không yên" khi hai thành viên từng một thời "tung hoành ngang dọc" với Julia Gillard lại dính vào bê bối không thể cứu vãn. Chính phủ vẫn tiếp tục bịt mắt bưng tai theo “đường lối chính trị con đà điểu” chỉ khiến dư luận gia tăng nghi ngờ và mất niềm tin. Có lẽ họ vẫn mong chờ một câu trả lời thỏa đáng cho vấn đề chữ tín và niềm tin, cũng như quyền lợi của người lao động trước cơn bão tham nhũng đang sắp tràn về xứ sở chuột túi…

Chính khách biển thủ tiền công quỹ vào… nhà thổ

Quá trình điều tra chi nhánh HSU ở New South Wale (NSW) đã được mở rộng với số lượng nghi phạm tăng dần theo tuần. Cảnh sát tình nghi nghị sĩ Craig Thomson, vốn là thư ký tại Chi nhánh miền Đông HSU, đã biển thủ nhiều triệu đôla tiền quỹ bằng thẻ tín dụng mua biệt thự xa xỉ và chi tiêu riêng của bà vợ. Năm 2002, Thomson được Williamson tin tưởng, giao phó chức cố vấn tài chính cấp cao tại HSU, nhưng đột nhiên rời bỏ trụ sở NSW để tiếp quản vị trí Chủ tịch HSU ở Melbourne. Thomson từ chối mọi giao tiếp báo chí, tuy nhiên vẫn trở thành "tầm ngắm" của các nhà báo vì nhân vật này có liên quan với Williamson trong mạng lưới bằng hữu ở HSU.

Người ta cho rằng Williamson đã nhờ Thomson phi tang nhiều giấy tờ quan trọng, đáng chú ý là những thanh toán, hợp đồng tín dụng với American Express. Trong khi đó, Thomson tuyên bố việc bắt giữ Williamson hoàn toàn không liên quan tới ông ta: "Tôi luôn khẳng định tôi vô can. Bê bối này tôi không tham gia, cũng chẳng nhận được một xu nào từ Williamson như báo giới đồn thổi".

Nhà báo Mark Davis tiết lộ rằng, Thomson thời kỳ còn làm thư ký của HSU đã bí mật sử dụng trên 500.000 đôla tiền quỹ vào những tiêu xài cá nhân, đặc biệt là viếng các nhà thổ. Ông ta phải đối mặt với cáo buộc trả tiền cho gái làng chơi và rút trên 100.000 đôla tiền mặt "không lý do" cũng như sử dụng tiền quỹ của HSU cho cuộc vận động bầu cử tại đơn vị Dobell, vùng Central Coast.

Các tài liệu được cung cấp cho thấy năm 2011, các nhân viên của HSU cũng nhìn nhận rằng các thẻ tín dụng được cấp cho Thomson cùng các nguồn tài chính khác là để phục vụ chiến dịch vận động bầu cử. Tuy nhiên, những chi tiêu này đã không được tiết lộ theo như luật bầu cử đòi hỏi. Thực tế, Thomson đã lạm chi 270.000 đôla từ Quỹ HSU cho chiến dịch tranh cử của Công đảng vào năm 2007, 200.000 đôla cho hai nhân viên hỗ trợ ông ta và 71.000 đôla cho "các dịch vụ sung sướng" và tu sửa tư gia.

Trong chiến dịch tranh cử chủ tịch HSU 2007, Williamson tập trung mọi nguồn lực dưới sự trợ giúp của Thomson để thâu tóm Chi nhánh miền Đông của HSU. Williamson tự sắp xếp cơ cấu nghiệp đoàn, chi tiền nhờ mua phiếu ủng hộ và thuê hàng chục căn phòng hạng sang để phục vụ sinh hoạt trong giai đoạn vận động tranh cử. Williamson là chính khách "máu mặt" thuộc cỗ máy Công đảng, nắm giữ cương vị Chủ tịch HSU trong khi đó bạn thân Craig Thomson được trao quyền Tổng thư ký HSU trong vòng 4 năm. Chính vì thế, không khó hiểu khi cả hai nhân vật này đều bị cảnh sát buộc tội tham nhũng và nhận tiền "lại quả" từ các nhà cung cấp dịch vụ của HSU thông qua thẻ American Express.

Còn nhớ, sau khi bà Julia Gillard đắc cử thủ tướng, con gái bà là Alexandra ngay lập tức được bà chọn làm cố vấn truyền thông. Dư luận tin rằng hai mẹ con thủ tướng giữ vai trò then chốt khi cải tổ nội các, lôi kéo Thomson vào chính phủ và đặt ông này dưới quyền bảo hộ của luật pháp cùng với Williamson trong vòng hai năm.

Mối quan hệ giữa Williamson, Thomson, HSU và Công đảng rất mờ nhạt. Chỉ biết rằng có sự chuyển hóa qua lại những lợi ích cá nhân giữa 4 cá nhân và tổ chức này. Riêng Thomson nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ nhiều nghiệp đoàn khác nhau, thậm chí một số quan chức chính phủ cùng công khai ủng hộ ông ta về vật chất. Họ hàng nhà Williamson được coi là những báu vật đứng sau một Thomson đang tham quyền, khát tiền. Tuy nhiên, khi bê bối HSU vỡ lở, chính phủ quyết bỏ mặc Thomson một mình. Và không cần suy nghĩ, Thomson quay sang buộc tội Williamson tham gia vụ bê bối tài chính ở HSU dẫn tới một kết cục bi thảm cho ông ta hiện tại.

Với kết luận về vụ tham nhũng của Michael Williamson và Craig Thomson, Tòa đặc cách cấp quốc gia Úc đã hoàn tất vụ việc để đưa vụ tham nhũng được xem là gây chấn động ra tòa án liên bang. Tuần trước, Cảnh sát NSW yêu cầu Thomson nêu tên những nghi can tham nhũng Quỹ HSU, ông ta im lặng dù trước đó khăng khăng chỉ danh nhà Williamson lạm dụng quỹ sai mục đích và có liên quan tới gái làng chơi. Thế nhưng, một thông cáo mới đây cho thấy Thomson sẽ nêu tên những cá nhân trong chính phủ, nhưng còn e sợ, cần tới sự biện hộ và bảo vệ từ các luật sư.

Hai chính khách: Michael Williamson (phải) và Craig Thomson, bị tình nghi liên quan tới bê bối tham nhũng HSU thông qua thẻ tín dụng American Express.

Lá chắn bảo hộ từ Công đảng

Trước những vụ bê bối của HSU Y tế, Hội đồng Các nghiệp đoàn Úc đã có thái độ quyết liệt khi cho tiến hành một cuộc thay đổi nhân sự quan trọng: Jeff Lawrence, thư ký của Hội đồng, người được tiếng là hòa nhã và mềm mỏng, đã được thay thế bởi Dave Oliver, thư ký của nghiệp đoàn công nhân chế tạo, người được các nghiệp đoàn đặt kỳ vọng có thể đương đầu với những cơn bão bê bối trong tương lai. Hồi năm ngoái, Oliver là người đã thành công trong việc buộc chính phủ phải chấp nhận một số nhượng bộ đối với lĩnh vực chế tạo.

Chủ trương của hội đồng này là một phong trào nghiệp đoàn trong sạch, mạnh mẽ để đấu tranh vì công bằng của người lao động. Hơn nữa, các quan chức cao cấp của bang NSW đã được cảnh báo về sự vận hành bộ máy HSU thông qua những con người đang có "vấn đề" nhưng đã bị cho qua. Chính vì vậy mà hội đồng này đã công khai tấn công HSU và yêu cầu phải làm cho ra lẽ những bê bối nội bộ. "Phong trào nghiệp đoàn Úc tuyệt đối không dung thứ cho hành vi tham nhũng hay lạm dụng công quỹ của các thành viên hoặc quản lý công việc của nghiệp đoàn một cách tồi tệ", Oliver tuyên bố.

Công khai tài chính minh bạch của Williamson và Thomson trong báo cáo điều tra 1.100 trang (minh họa).

"Cú đánh phủ đầu" loại HSU ra khỏi Hội đồng Nghiệp đoàn Úc là một đòn tâm lý đối với Thomson, và cả Williamson khi cắt đứt kênh chuyển tiền của hai nhân vật này. Tuy nhiên, cho tới nay Chính phủ của Thủ tướng Gillard vẫn tiếp tục bao che cho hai ông này. Truyền thông đã đặt ra cho bà Gillard một số câu hỏi xoay quanh diễn tiến của vụ việc. Trước hết là việc tòa phân xử trong quan hệ lao động (Fair Work Australia) đã thu thập được một bản báo cáo về những bê bối của HSU và gửi lên Viện trưởng Viện Công tố liên bang. Nhưng sau đó, viện trưởng lại cho rằng, bản báo cáo chưa có đủ bằng chứng để tiến hành truy tố. Nói cách khác, 3 năm điều tra và thu thập các sự kiện về những bê bối của HSU coi như "nước đổ lá khoai".

Trước thái độ của Viện trưởng Viện Công tố, Thủ tướng Gillard giải thích một cách "hòa vốn" rằng: "Tòa phân xử trong quan hệ lao động và Viện Công tố liên bang là hai cơ quan hoàn toàn độc lập với chính phủ". Bị các nhà báo hỏi dồn đến 4 lần, bà Gillard phát cáu lên và nói: "Đừng tấn công tôi. Tôi chỉ là thủ tướng". Ý bà muốn nói rằng chuyện bê bối nội bộ HSU chẳng ăn nhập gì tới bà và gián tiếp bảo đảm rằng cái ghế của bà vẫn còn rất vững chắc.

Theo bản báo cáo của tòa phân xử trong quan hệ lao động, vụ bê bối HSU bao gồm tất cả 76 vi phạm nhỏ về luật quan hệ lao động và 105 vi phạm có thể bị trừng phạt theo dân luật. Điều đáng nghi ngờ là bản báo cáo lại không được công khai hóa. Dù kết quả có thế nào đi nữa, không có lý do gì để giữ kín bản báo cáo. Càng che đậy thì càng làm dấy lên sự nghi ngờ cho rằng Công đảng đang tìm cách bao che cho Craig Thomson và Michael Williamson, khiến cử tri Úc lại một lần nữa nghi ngờ về khả năng và thiện chí muốn nói sự thật của chính phủ.

Câu hỏi lớn về niềm tin

Phải chăng tất cả những hành động dối trá và khéo che đậy trên đây đều nằm phục vụ một mục đích duy nhất là củng cố thế yếu của Công đảng trong Quốc hội? Theo nhận định của báo The Sydney Morning Herald số ra mới đây, cuộc điều tra về những bê bối của HSU thực chất chỉ là một mắt xích trong chuỗi mắt xích xuyên suốt của một trò chơi quyền lực. Thủ tướng Gillard đã nuốt lời hứa khi ra tranh cử bằng cách đề ra thuế khí thải. Bà đã ngang nhiên xé bỏ cam kết về việc điều chỉnh các biện pháp hạn chế việc cờ bạc. Bà đã dùng thủ đoạn và áp lực khiến Harry Jenkins phải từ chức Chủ tịch Hạ viện và mua chuộc Peter Slipper để ông này rời bỏ Liên đảng và về đầu quân cho bà.

Vấn đề cốt lõi vẫn là niềm tin. Công đảng từng bao che trắng trợn cho Thomson hay Williamson chỉ làm gia tăng sự nghi ngờ và thiếu tin tưởng của dân chúng đối với chính phủ. Với cử tri Úc, vụ HSU chỉ củng cố cái nhìn vốn đã rất phổ biến: chính phủ đang có dấu hiệu suy yếu trước tốc độ và sức mạnh ngày càng lớn của những bê bối xã hội, đặc biệt là tham nhũng và thói lộng quyền. Craig Thomson và Michael Williamson chỉ là 2 trong số nhiều "ông trùm" vẫn đang hoạt động ngầm trong Quốc hội. Khi nào chưa loại bỏ hết nguồn gốc của suy thoái đạo đức thì Công đảng vẫn sẽ còn gặp khó khăn khi ban hành các dự luật và thực hiện các chính sách cải cách quốc gia.

Dưới sức ép quá lớn từ các đảng đối lập, Công đảng buộc phải khai trừ Craig Thomson. Từ lâu, đảng này thấy rõ Craig Thomson đang gây họa và cần thanh lọc để tiếp tục lấy lại niềm tin trong dân chúng. Tuy nhiên, vấn đề lại nằm ở "cái ghế" Dobell, vị trí bang then chốt giúp Công đảng hoạt động nếu không bãi nhiệm tư cách đại biểu của Thomson. Dư luận đang chứng kiến cảnh đảng cầm quyền lao đao và tuyệt vọng trước số phận hai chính khách quyền lực. Họ tự hỏi liệu có nên tiếp tục ủng hộ chính phủ liên bang hay không khi mà bê bối đã diễn ra trong khi Thủ tướng luôn tự hào rằng mọi chính sách vẫn rất hiệu quả cùng nội các hoạt động "không tì vết"…

Trần Quân - Anh Doãn (tổng hợp)
.
.