Xung quanh khoản tiền mặt khổng lồ của giới chính khách cao cấp Ukraine

Thứ Tư, 09/11/2016, 20:25
Thủ tướng Ukraine Volodymyr Groysman tiết lộ ông và vợ ông sở hữu 1,8 triệu USD tiền mặt. Groysman làm việc cho chính quyền Ukraine suốt 14 năm qua và được bổ nhiệm vào vị trí thủ tướng hồi tháng 4-2016.

Tài khoản ngân hàng của ông này có 100.000 USD (có vẻ khiêm tốn) và “trôi nổi bên ngoài” là 15 bất động sản cùng bộ sưu tập 12 đồng hồ xa xỉ. Groysman công khai tài sản của mình cùng thời điểm Ukraine ban hành luật chống tham nhũng mới trong đó yêu cầu giới chức cao cấp trong chính quyền tích cực khai báo tài sản cá nhân trên hệ thống dữ liệu điện tử mới.

Cái cách chống tham nhũng của Ukraine được coi là hành động cần thiết để Kiev tiếp tục nhận được sự ửng hộ từ các đối tác phương Tây. Khoảng 50.000 giới chức cao cấp - bao gồm thẩm phán, chính khách và công chức cao cấp - đã sẵn sàng công bố tài sản của mình.

Thủ tướng Volodymyr Groysman.

Trong một thông báo đăng trên Facebook, Thủ tướng Groysman cho biết “khoản tiền tiết kiệm lớn đáng kể” của mình là “tài sản và quyền lợi từ hợp tác kinh doanh... cùng khoản thu nhập từ hoạt động kinh doanh của riêng vợ tôi”.

Groysman không là chính khách duy nhất của Ukraine sở hữu lượng tiền mặt lớn đến mức đó. Ví dụ Viktor Romanyuk, một thành viên khác của Quốc hội Ukraine, sở hữu 753.000 USD. Gennadiy Kernes, thị trưởng gây tranh cãi của thành phố Kharkov lớn thứ 2 Ukraine, sở hữu lượng tiền mặt hơn 1,6 triệu USD. Kernes là người ủng hộ các lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine năm 2014 nhưng sau này chuyển sang hậu thuẫn cho chính quyền nước này.

Những tiết lộ tài sản của giới chức chính quyền Ukraine xem ra cũng khó mà vực dậy được lòng tin của người dân ở đất nước mà tiền lương trung bình hằng tháng chỉ ở mức rất thấp. Thói quen tích trữ tiền mặt của giới chức cao cấp cho thấy họ chẳng mấy tin tưởng vào hệ thống ngân hàng Ukraine vốn đang trải qua một số cải cách căng thẳng.

Thị trưởng Kharkov - Gennadiy Kernes.

Alexander Valchyshen, quan chức làm việc cho tổ chức quản lý tài sản ICU đặt trụ sở tại Kiev, lý giải: “Một người tích trữ tiền mặt có nghĩa là không còn tin tưởng vào hệ thống ngân hàng nữa”.

Ông cũng cho rằng “kế toán trung thực” là yếu tố cần thiết để tạo nên nền kinh tế ổn định đồng thời chặn đứng “gian lận tài chính” và nâng cao lòng tin vào các ngân hàng. Tuy nhiên, kế hoạch công khai tài chính ở Ukraine được đánh giá là bước đi quan trọng để giải quyết nạn tham nhũng vốn là mối lo ngại đáng kể cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Oleksandra Ustinova, quan chức Trung tâm Hành động chống tham nhũng của Ukraine, mô tả kế hoạch mới là “cuộc cách mạng” và hy vọng nó sẽ giúp phát hiện những bản kê khai tài chính mập mờ đáng ngờ để từ đó một cơ quan chống tham nhũng mới có cơ sở tiến hành điều tra.

Bà Ustinova cũng báo cáo có 500 thẩm phán chấp nhận từ chức thay vì công bố tài sản cá nhân trước chính quyền. Bà cũng tin tưởng rằng, một tòa án chống tham nhũng mới sẽ đóng vai trò tích cực nếu như chính quyền Ukraine muốn thực hiện những cuộc cải cách mới thật triệt để và bắt đầu truy tố những quan chức tham nhũng.

Theo Ustinova, dự luật làm cơ sở cho sự thành lập tòa án chống tham nhũng hiện đang chờ quốc hội thông qua trong thời gian sắp tới. Hiện tại, vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy bất cứ chính khách nào kê khai tài sản vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, hành động công bố tài sản trực tuyến cũng giúp trấn an những chính khách ủng hộ Ukraine ở Washington và Tây Âu. Judith Gough, Đại sứ Anh ở Kiev, đăng tweet trên Twitter rằng việc công khai tài chính của Thủ tướng Volodymyr Groysman là “bước đi quan trọng”.

Riêng Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, một trong những nhân vật quyền lực giàu nhất đất nước, vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị công khai tài chính. Trước khi trở thành tổng thống, Poroshenko đã xây dựng được khối tài sản đáng kể nhờ vào hoạt động kinh doanh chocolate và vì thế mà ông được gọi là “Vua chocolate”.

Trên đường phố các đô thị Ukraine nhiều người vô gia cư.

Trong suốt chiến dịch tranh cử Tổng thống Ukraine năm 2014, Poroshenko cam kết sẽ bán phần lớn tài sản doanh nghiệp của mình. Trong vụ bê bối Hồ sơ Panama thời gian qua, Poroshenko cũng bị vạ lây và hứng nhiều chỉ trích cho rằng xây dựng tài sản ở nước ngoài để trốn thuế.

Tuy nhiên, Poroshenko nhấn mạnh trên Facebook rằng, sau khi trở thành tổng thống, ông đã giao công việc quản lý tài sản cho các công ty luật và tư vấn: “Tôi tin bản thân mình có lẽ là quan chức cao cấp đấu tiên ở Ukraine chấp hành yêu cầu công bố tài sản, nộp thuế đầy đủ và hoàn toàn tuân thủ luật pháp Ukraine và quốc tế”.

Mặc dù vậy, lãnh đạo đảng Cấp tiến Oleh Lyashko cũng buộc tội Poroshenko lạm dụng chức vụ và trốn thuế cũng như làm giàu trên nền kinh tế thảm hại của Ukraine. Theo tạp chí Forbes, Tổng giá trị tài sản của Poroshenko ước khoảng 858 triệu USD.

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.