Yemen: Đường đến hòa bình thêm xa

Thứ Tư, 06/05/2020, 11:59
Sau 2 năm thực thi thỏa thuận ngừng bắn, hòa bình vẫn chưa thể ngự trị trên đất nước Yemen, thậm chí xung đột còn tiếp tục leo thang phức tạp hơn, với việc nhóm phiến quân ly khai ở miền Nam Yemen tuyên bố “tự trị”, tách khỏi chính quyền lưu vong của Tổng thống Abd Rabbu Mansour Hadi.

Cú sốc mang tên “STC”

Nhóm phiến quân ly khai có tên gọi là Hội đồng Chuyển tiếp miền Nam (STC) là một bộ phận tham gia chính quyền lâm thời của Yemen do Liên Hợp quốc bảo trợ. Nhóm này vừa tuyên bố lập “tự trị” tại khu vực miền Nam Yemen bao gồm thành phố cảng Aden và một số tỉnh khác. Hôm 25-4, STC đã triển khai lực lượng vũ trang tại Aden và các tỉnh miền Nam để thực hiện tuyên bố của mình.

Ngày 27-4, Chính phủ Yemen đã chính thức lên tiếng về động thái gây sốc của STC và đang nỗ lực để dập tắt mầm mống hỗn loạn ở miền Nam. Ngoại trưởng Yemen Mohammed al-Hadrami đã lên án hành động của STC, gọi đó là hành vi “đi ngược lại hoàn toàn với Thỏa thuận Riyadh, đồng thời kêu gọi Saudi Arabia có biện pháp mạnh để xóa bỏ ngay quyền “tự trị” của STC.

Tuy nhiên, đến ngày 30-4 Riyadh vẫn chưa có động thái nào mạnh hơn tuyên bố được đưa ra trước đó rằng “hành động của STC là một sự leo thang”. Trong khi đó, người phát ngôn của nhóm STC cho báo chí biết hành động của nhóm này xuất phát từ việc Thỏa thuận Riyadh đã không được thực thi trên thực tế.

STC được xem là nhóm ly khai lớn nhất ở miền Nam Yemen. Từ nhiều năm qua, nhóm này đã liên tục gây sức ép lên Chính phủ Yemen đòi quyền tự trị lớn hơn và được công nhận như một thực thể độc lập, tách khỏi sự kiểm soát của Sanaa. Năm 2019, STC nổi dậy chống lại Chính phủ Yemen và chiếm Aden làm thủ phủ, trong khi cuộc nội chiến ở Yemen vẫn chưa kết thúc.

Tổng thống Yemen Abd Rabbu Mansour Hadi.

Ngày 5-11-2019, Saudi Arabia, quốc gia hậu thuẫn Chính phủ Yemen và dẫn đầu liên quân chống phiến quân Houthi, đã đứng ra làm trung gian đàm phán thành lập chính quyền chia sẻ quyền lực giữa STC Chính phủ Yemen, đặt mọi lực lượng dưới sự kiểm soát của chính phủ có sự tham gia của STC. Thỏa thuận Riyadh bao gồm các điều khoản phân chia quyền kiểm soát các định chế về an ninh, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, trong đó đặc biệt quan trọng là sự trở lại Aden của Thủ tướng Moeen Abdelmalek. Thế nhưng, từ đó cho đến nay, Thỏa thuận Riyadh hầu như chưa được thực thi trên thực tế.

Ngoại trưởng Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Anwar Gargash cho rằng “không nên vì tức giận trước sự chậm thực thi Thỏa thuận Riyadh mà đơn phương làm thay đổi hiện trạng ở miền Nam Yemen”. Còn đặc phái viên Liên Hợp quốc tại Yemen Martin Griffiths cũng cho rằng động thái của STC là đáng ngại. “Giờ là lúc tất cả các bên chính trị phải hợp tác và tin tưởng nhau, kiềm chế, tránh hành động leo thang và đặt lợi ích của người Yemen lên trên hết” - ông Griffiths nói.

Giới quan sát cho rằng, nếu hành động tuyên bố tự trị của STC được công nhận và việc “tự trị” được bảo đảm thì những nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc đàm phán hòa giải dân tộc ở Yemen xem như thất bại. Nghiêm trọng hơn, sự leo thang phức tạp của cuộc nội chiến sẽ càng gây thêm khó khăn cho những nỗ lực chống đại dịch COVID-9 đang có nguy cơ bùng phát tại đất nước này.

Xung đột lợi ích nước lớn

Yemen hiện là chiến trường lớn, với cuộc nội chiến kéo dài từ năm 2015 cho đến nay. Cuộc nội chiến này ban đầu xuất phát từ việc phiến quân Houthi, được cho là do Iran hậu thuận, liên minh với quân đội trung thành với cựu Tổng thống Abdullah Saleh dấy loạn chống lại chính phủ do Tổng thống Abdrabbuh Mansur Hadi lãnh đạo nhằm lật đổ ông. Ông Hadi chạy sang Saudi Arabia lánh nạn.

Saudi Arabia đã dẫn đầu một liên quân quốc tế, trong đó có UAE, tiến hành cuộc chiến bằng không quân chống phiến quân Houthi với mục tiêu giành lại quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Yemen cho ông Hadi. Cộng đồng quốc tế đánh giá đây là một “cuộc chiến ủy thác” giữa Saudi Arabia, Iran và Yemen là một mặt trận trong cuộc trong cuộc cạnh tranh quyền lực giữa hai cường quốc này cùng những đồng minh hùng mạnh của Saudi Arabia ở phương Tây, trong đó có cả Anh và Mỹ.

Cuộc chiến khốc liệt ở Yemen đã khiến cho khoảng 100.000 người thiệt mạng, hơn 30% trong số đó là dân thường, biến Yemen thành thảm họa nhân đạo lớn nhất đầu thế kỷ 21, trong đó hơn 24 triệu người Yemen mất nhà cửa, lâm vào cảnh thiếu đói, nhiều loại dịch bệnh đã bùng phát gây chết chóc cho hàng chục ngàn người, nhất là trẻ em.

Liên quân quốc tế do Saudi Arabia dẫn đầu dường như đã thất bại trong nỗ lực đập tan Houthi ở Yemen. Bản thân Saudi Arabia cũng phải chịu những thiệt hại khá nặng do những đợt tấn công bằng bom và không quân của Houthi. Năm 2018, một thỏa thuận ngừng bắn đã được các bên tham chiến ký kết, tạm thời đình hoãn mọi hoạt động quân sự ở Yemen để mở đường cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo. Tuy nhiên, bất chấp thỏa thuận ngừng bắn, hàng loạt vụ bạo lực vẫn xảy ra trong 2 năm qua, khiến cho hàng chục dân thường phải bỏ mạng mỗi ngày.

Giới phân tích đặt câu hỏi: Tại sao sau khi thỏa thuận ngừng bắn đã được ký kết, vẫn chưa thể có các nỗ lực hòa giải để mang lại hòa bình thật sự cho Yemen?

Một phần câu trả lời nằm ở hai nước đồng minh trong liên quân chống Houthi: Saudi Arabia và UAE. Hai nước này hiện đang theo đuổi những mục tiêu lợi ích khác nhau, thậm chí là đối lập nhau tại Yemen. Hai bên hiện đang cạnh tranh nhau quyền kiểm soát miền Nam Yemen trong đó hải cảng Aden có vị trí chiến lược quan trọng bậc nhất khu vực. Saudi Arabia hậu thuẫn Chính phủ Yemen, trong khi UAE hậu thuẫn phiến quân STC.

Người ta cho rằng sở dĩ STC có thể chiếm được Aden vào năm 2019 và nay là tuyên bố lập khu vực “tự trị” ở miền Nam là nhờ có sự hậu thuẫn của UAE. Do năng lực quân sự có hạn và tình hình khó khăn về tài chính nên gần đây Saudi Arabia đã bí mật đàm phán với phiến quân Houthi nhằm tranh thủ sức mạnh của phiến quân này giành lại miền Nam từ tay STC.

An Châu (Tổng hợp)
.
.