Nội bộ Anh tiếp tục chia rẽ trong quyết định “đi hay ở lại EU”

Chủ Nhật, 28/02/2016, 16:00
Mặc dù vừa đạt được thỏa thuận cải cách với các đối tác trong Liên minh châu Âu (EU) giữ Anh ở lại "ngôi nhà chung", song London đang đứng trước tình huống “tiến thoái lưỡng nan” khi cân nhắc về việc đi hay ở lại EU trong chính nội bộ mình.

Thủ tướng Anh David Cameron và một số bộ trưởng chủ chốt trong nội các ủng hộ Anh ở lại EU, trong khi Thị trưởng London và một số nhân vật khác lại hậu thuẫn giải pháp “xứ sở sương mù” ra khỏi “cựu lục địa”. Nước Anh đang đứng trước thách thức lớn.

Trước hết ta hãy điểm qua những điểm chính tổng kết các đòi hỏi của Thủ tướng Cameron như đã đề cập trong bức thư gửi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk vào tháng 11-2015, và những gì ông đã đạt được trong một loạt thỏa hiệp thường được diễn dịch bằng thứ ngôn ngữ ngoại giao trúc trắc và mập mờ.

Trong vấn đề nhập cư: Dưới áp lực của dân chúng và đảng bảo thủ chống lại sự gia tăng người nhập cư, Thủ tướng Cameron muốn gia hạn thêm 4 năm cho các công dân EU tại Anh cần đến sự trợ giúp và nhà ở xã hội. Ông cũng muốn ngăn cản những người di dân đó hưởng trợ cấp gia đình cho con cái còn ở nước ngoài.

Thủ tướng Anh David Cameron tại Hội nghị  thượng đỉnh EU.

Trước sự phản kháng của các quốc gia Đông Âu, Thủ tướng Cameron đạt được 1 điều khoản có hiệu lực trong 7 năm đối với một số trợ cấp xã hội cho những người di dân mới, điều này sẽ hạn chế tiền trợ cấp theo bậc thang. Một hệ thống cũng được lập ra để định mức trợ cấp gia đình theo mức sống của quốc gia nơi con cái họ đang sống. Điều này cũng áp dụng cho các đơn xin mới nhưng có thể mở rộng cho những người hiện tại từ năm 2020.

Trong vấn đề chủ quyền

Để trả lời cho những kẻ lo lắng về cái “ách” của Brussels đối với những định chế của Anh, Thủ tướng Cameron từng nói rõ là ông muốn có một hệ thống “thẻ đỏ” giúp cho một nhóm nghị sĩ quốc gia có thể đưa ra quyền phủ quyết đối với mọi luật pháp châu Âu. Số “thẻ đỏ” sẽ đạt được với điều kiện có một liên minh 55% số phiếu dành cho Quốc hội, điều này khiến nó rất phức tạp về thực tiễn.

Trong vấn đề kinh tế

Thủ tướng không muốn thấy quy chế nước Anh bị thiệt thòi vì không sử dụng đồng euro. Đó là một lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm với đất nước mà thủ đô là một trong các trung tâm tài chính thế giới. Ông yêu cầu cần có một loạt “các nguyên tắc được luật pháp kiểm soát”, như sự thừa nhận rằng trong khối EU lưu hành nhiều đơn vị tiền tệ, còn những quốc gia không phải là thành viên khu vực euro không thể là nạn nhân của sự phân biệt và công dân Anh không phải gánh chịu các khủng hoảng của khu vực euro.

Như vậy, với thỏa thuận đạt được với EU hôm 19-2, Anh sẽ hưởng quy chế đặc biệt: không phải tham gia sâu hơn vào EU, quyền thực hiện các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ thành phố London, quyền trì hoãn thực thi những đạo luật Eurozone và dừng chi trả phúc lợi cho những lao động nhập cư.

Tuy nhiên, để có “quy chế đặc biệt” này, Thủ tướng David Cameron phải tiến hành cuộc trưng cầu ý dân để xem cử tri nước này còn muốn tiếp tục là một thành viên EU hay không, một lời hứa được ông đưa ra 3 năm trước để đối phó với sự trỗi dậy của đảng Độc lập Anh (UKIP) mang tư trưởng bài nhập cư và châu Âu cùng một bộ phận nghị sĩ bảo thủ. Dư luận Anh chia rẽ nặng nề khi ông Cameron tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về địa vị thành viên của Anh trong EU vào ngày 23-6 năm nay.

Ngay sau phiên họp nội các được triệu tập khẩn cấp vào sáng 20-2, 6 trong số 29 bộ trưởng nội các đã công bố ý định nói "không" với quyết định ở lại EU để giành lại quyền tự chủ của mình, trong đó có Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove vốn được xem là đồng minh rất thân cận của Thủ tướng Cameron. Nhưng người “thọc gậy bánh xe” đáng kể nhất chính là Thị trưởng London. Là nghị sĩ đảng bảo thủ, ngày 21-2, Boris Johnson đã tuyên bố ông sẽ mở chiến dịch kêu gọi nước Anh rút khỏi EU.

Còn cách cuộc trưng cầu dân ý tới 4 tháng, Thủ tướng Cameron đã yêu cầu ông đừng về phe những kẻ ủng hộ Brexit (nước Anh rút khỏi EU).

“Tôi sẽ mở chiến dịch để nước Anh rời khỏi EU” - Boris Johnson tuyên bố ngay trước nhà riêng của ông tại London, và nói rõ rằng ông sẽ không tham gia những cuộc tranh luận trên truyền hình để chống lại đảng của ông. “Xét theo thời gian mà ông ấy có, Thủ tướng Cameron đã xoay sở rất tốt. Nhưng tôi cho rằng chẳng ai có thể khẳng định rằng thỏa ước này là một sự cải cách cơ bản cho EU hay mối quan hệ của Anh với EU”.

Boris Johnson thú nhận đã rất khó khăn khi đi đến quyết định đó vì ông “rất yêu mến châu Âu và thành phố Brussels, nơi ông đã từng sống rất lâu”, nhưng cũng “đừng lẫn lộn các thắng cảnh ở châu Âu, những chuyến nghỉ hè tại châu Âu, thức ăn tuyệt vời và tình bạn… với một dự án chính trị đã tồn tại từ nhiều thập niên đang đe dọa thoát khỏi mọi sự kiểm soát dân chủ” - ông giải thích.

Rõ ràng, sự đồng thuận của một loạt nhân vật cao cấp trong nội các, kéo theo sự ủng hộ của khoảng 100 nghị sĩ vào chiến dịch "bỏ phiếu rời khỏi EU" có thể lôi kéo được một lượng đáng kể những cử tri đã chán ngán "ngôi nhà chung châu Âu".

Xét về tương quan lực lượng, phe ủng hộ ở lại EU vẫn đang mạnh hơn. Người đứng đầu các "bộ sức mạnh" như Ngoại giao, Quốc phòng, Nội vụ, Tài chính đều khẳng định đứng về phía Thủ tướng Cameron. Và cùng với họ là hầu hết nghị sĩ Công đảng, đảng Dân chủ Tự do (LibDem) và đảng Xanh.

Ông Cameron cũng có được sự hậu thuẫn chắc chắn của giới doanh nghiệp khi một nửa trong số 100 công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất được niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán London, trong đó có cả những tập đoàn đa quốc gia như BT, Shell và Vodafone, lên tiếng mạnh mẽ rằng việc làm và đầu tư của Anh phụ thuộc vào tư cách thành viên EU. Song, những người “nói không” với quyết định ở lại EU không phải hoàn toàn vô lý.

Xét ở một góc độ nào đó, việc rời khỏi EU có thể giúp Anh tiết kiệm ngay khoảng 8 tỷ euro mỗi năm do không phải đóng góp vào ngân sách EU; thoát khỏi chính sách nông nghiệp chung khiến giá thực phẩm của nước này có thể rẻ hơn, đồng thời nước này sẽ không phải lo lắng về thuế giao dịch tài chính và dần dần thoát khỏi các quy định tài chính châu Âu...

Đáp lại những lập luận này, phía ủng hộ Anh ở lại EU cho rằng, những lợi ích trên không thể bù đắp cho những thiệt hại khi thị trường tài chính London có nguy cơ trở thành “đất thánh” của đầu cơ tài chính, đồng nghĩa với việc Vương quốc Anh sẽ phải hứng chịu những thiệt hại vô cùng lớn về chính trị cũng như kinh tế.

Nông dân Anh sẽ không còn được hưởng hàng tỷ tiền trợ giá của EU. Đó là chưa kể, các doanh nghiệp Anh phải đóng thuế nhập khẩu cao nếu họ muốn bán các sản phẩm của mình trong EU. Anh cũng sẽ phải đàm phán lại hàng chục thỏa thuận thương mại song phương ở vị trí yếu thế hơn.

Thị trưởng Boris Johnson.

Trong sứ mệnh giữ nước Anh ở lại EU, ông Cameron còn đang khai thác triệt để vấn đề an ninh quốc gia như một lý do chính đáng để thuyết phục cử tri Anh không rời bỏ "ngôi nhà chung châu Âu" vào lúc này. Bởi trên thực tế, để ứng phó với những mối đe dọa và rủi ro mà nước Anh đang phải đối mặt cần có sự hợp tác quốc tế chặt chẽ mà chỉ tư cách thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thôi thì chưa đủ.

Bên cạnh đó, Anh đang kiểm soát biên giới tại Calais với sự giúp đỡ của Pháp và cuộc chiến chống khủng bố phụ thuộc vào trát bắt giữ châu Âu (EAW)... Chẳng phải ngẫu nhiên mà các đồng minh thân hữu nhất của Anh, đi đầu là Mỹ, đã lên tiếng kêu gọi nước Anh ở lại EU. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng nhập cư mà châu Âu đang trầy trật tìm hướng giải quyết là một bất lợi cho nỗ lực của ông Cameron bởi phe vận động rời khỏi EU sẽ dựa vào lý do không thể kiểm soát lượng người nhập cư như một cái cớ để chia tay liên minh này.

Kết quả cuộc thăm dò mới nhất sau khi Thủ tướng Cameron công bố thời điểm trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU cho thấy tỉ lệ ủng hộ ở lại liên minh này cao hơn tỉ lệ muốn rời đi 15%. Tuy nhiên, vẫn còn một tỉ lệ khá cao chưa quyết định và đây chính là nhóm có thể làm thay đổi kết quả cuộc trưng cầu ý dân.

Rõ ràng, Thủ tướng Cameron không còn cách nào khác là phải tận dụng từng giây từng phút để lôi kéo nhóm "chưa quyết định" này về phía mình nếu như không muốn gây ra một cơn địa chấn "Brexit"  - một viễn cảnh không chỉ khiến nước Anh rời khỏi EU mà còn có thể "tan đàn xẻ nghé" sau đó bởi xứ Scotland - vì lý do ủng hộ EU - sẽ đòi tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý nữa để tách khỏi Vương quốc Anh.

Bảo Trân - Mê Linh (tổng hợp)
.
.