Argentina cải tổ hệ thống tình báo vì lợi ích quốc gia

Chủ Nhật, 01/03/2015, 16:00
Cuối tháng 1 vừa qua, Tổng thống Argentina Cristina Fernandez chính thức thông báo chuẩn bị thành lập một tổ chức mới thay thế cho Cơ quan Tình báo quốc gia (SI, tên gọi cũ là SIDE). Bà Cristina Fernandez cho biết, bộ phận lãnh đạo của cơ quan tình báo mới - gọi là Cục Tình báo Liên bang (AFI) - được chính phủ đề cử và cần có sự thông qua từ Quốc hội Argentina. Bà Fernadez nói rằng: "Chúng ta phải cải tổ hệ thống tình báo Argentina bởi vì tổ chức mà chúng ta đã có không phục vụ cho các lợi ích quốc gia".

Cải tổ và làm suy yếu khả năng thu thập thông tin tình báo

Kế hoạch cải tổ hệ thống tình báo quốc gia Argentina của Tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner - người kế nhiệm chức vụ tổng thống từ chồng là Nestor Kirchner vào ngày 10/12/2007 - không chỉ đơn thuần là thay đổi tên gọi mà còn nhằm làm suy yếu đáng kể khả năng thu thập thông tin tình báo tín hiệu của tổ chức này.

Tổng thống Cristna Fernandez.

Theo nhận định của giới chuyên gia phân tích chính trị, một yếu tố quan trọng dẫn đến kế hoạch cải tổ là mối lo ngại về những cáo buộc hình sự xuất phát từ cuộc điều tra của công tố viên Alberto Nisman chống lại nữ Tổng thống và một số thành viên nội các khác. Tuy nhiên, sự cải tổ này sẽ có tác động rất lớn và lâu dài đến bộ máy an ninh quốc gia Argentina sau khi bà Cristina Fernandez mãn nhiệm.

Mặc dù Chính phủ của bà Fernandez không tiết lộ chi tiết, nhưng người ta cho rằng sự cải tổ sẽ làm hạn chế đáng kể quyền hành của tổ chức tình báo Argentina. Trước hết, cơ quan tình báo mới không chỉ cần có sự phê chuẩn của một thẩm phán liên bang như trước đây mà còn đòi hỏi thực hiện thêm nhiều yêu cầu khác nữa trước khi có thể tiến hành chiến dịch thu thập thông tin đồng thời cũng chịu sự giám sát chặt chẽ hơn của Bộ Tư pháp.

Cựu Tổng thống Juan Peron.

Trước khi quyết định cải tổ, bà Fernandez đã có sự thay đổi cơ cấu lãnh đạo của SI. Ngày 16/12/2014, bà Fernandez ra lệnh cách chức hai lãnh đạo của SI là Giám đốc Hector Icazuriaga và Phó giám đốc Fernando Larcher - hai nhân vật thân cận của cố Tổng thống Nestor Kirchner, được chỉ định lãnh đạo SI cách đây hơn chục năm.

Dưới sự lãnh đạo của Icazuriaga và Latcher, SI cung cấp cho chính phủ thông tin tình báo về các đối thủ chính trị, bao gồm các tổ chức công đoàn và thành viên các đảng phái chính trị đối lập.

Chính quyền Argentina lấp đầy khoảng trống quyền lực của SI bằng 2 cá nhân được coi là thân cận với đảng cầm quyền. Oscar Parrilli (cựu Tham mưu trưởng của Cristina Fernandez) được đề cử làm Giám đốc AFI, còn Juan Martin Mena (quan chức pháp lý có mối quan hệ chặt chẽ với Bộ trưởng Tư pháp hiện nay Julio Alak) giữ chức Phó giám đốc.

Có nguồn tin cho rằng Fernando Basanta, quan chức trung thành với con trai Maximo Kirchnez của bà Fernandez, hiện kiểm soát trực tiếp nguồn tài chính của SI.

Basanta là một phần của La Campora, một hệ thống bảo trợ chính trị quan trọng để bảo đảm hỗ trợ chính trị hiệu quả nằm bên trong chính quyền đảng cầm quyền Mặt trận Chiến thắng của Cristina Fernandez. Maximo Kirchnez kiểm soát trực tiếp La Campora - mạng gia tăng sự hiện diện đáng kể trong nội các chính phủ và các công ty kinh doanh trong vài năm qua. Có vẻ như bà Cristina Fernandez muốn cải tổ bộ máy tình báo nhằm phản ứng lại thách thức từ những đối thủ chính trị bên trong tổ chức SI.

Mối đe dọa từ SI

Giới chuyên gia phân tích nhận định, kế hoạch cải tổ tình báo cho phép bà Cristina  không chỉ đập tan mối đe dọa tiềm ẩn đáng sợ cho cá nhân mình cũng như những nhân vật thân cận của bà mà còn làm suy yếu mạng lưới thu thập thông tin tình báo tín hiệu của cơ quan tình báo. SI được cho là bị chia rẽ nội bộ trong vòng 2 năm qua - một số người trung thành với đảng Mặt trận Chiến thắng cầm quyền trong khi một số khác rất khó bị kiểm soát.

Hiện trường vụ đánh bom AMIA ở Buenos Aires.

Ví dụ, Trưởng ban Ngoại giao SI Fernando Pocino bắt tay với chính quyền (thông qua mối quan hệ với Bộ trưởng Quốc phòng Nilda Garre) trong khi đó Antonio - tức "Jaime" Stiusso - và Larcher đối chọi lại chính quyền của nữ Tổng thống. "Jaime" Stiusso là Giám đốc phụ trách các chiến dịch tình báo của SI, phục vụ tổ chức từ năm 1974. Nestor Kirchner được cho là sử dụng bộ phận trung thành của SI làm công cụ mấu chốt để thu thập thông tin tình báo về các liên minh chính trị và đối thủ.

Cristina Fernandez coi SI là mối đe dọa tiềm ẩn bởi vì cánh chống đối được cho là cung cấp cho các thẩm phán liên bang thông tin nhằm chống lại bà và một số quan chức cấp cao khác. Sự không trung thành của SI cũng đe dọa mọi hoạt động chính trị của Tổng thống khi bà sắp sửa mãn nhiệm.

Ngoài ra, sau khi Fernandez mãn nhiệm thì chính phủ của bà cũng bị mất đi quyền miễn truy tố trước pháp luật. Fernandez hiện đang bị điều tra sau khi có thông tin cho rằng một công ty khách sạn do bà sở hữu dính líu đến hoạt động rửa tiền và 4 quan chức chính quyền - bao gồm Phó tổng thống và Bộ trưởng Tư pháp - cũng đang đối mặt với cuộc điều tra hình sự.

Oscar Parrilli (cựu Tham mưu trưởng của Cristina Fernandez) được đề cử làm Giám đốc Cơ quan Tình báo mới AFI.

Những vụ án này cho thấy rõ động cơ khiến bà Fernandez cố gắng đưa thật nhiều cá nhân trung thành với mình vào SI. Ngoài ra, một báo cáo cuối năm ngoái tiết lộ Fernandez đang thương lượng việc chỉ định 4 trong số 5 thẩm phán vào Tòa Phá án Hình sự Quốc gia, tổ chức tư pháp cao nhất xét xử những vụ án tham nhũng của Argentina.

Kết hợp mọi yếu tố lại với nhau sẽ thấy rõ Cristina Fernandez đang cố gắng bảo đảm quyền miễn truy tố cho chính bản thân mình cũng như những người trung thành với bà sau khi tất cả mãn nhiệm.

Do dó, số phận của SI và mối đe dọa của nó đối với các chính quyền tương lai của Argentina tùy thuộc rất lớn vào kế hoạch cải tổ hệ thống tình báo của Tổng thống Fernandez. Việc thông qua dự luật cải tổ tình báo cũng cần sự phê chuẩn của Quốc hội. Do đảng Mặt trận Chiến thắng kiểm soát 39/72 ghế trong Thượng viện và 130/257 ghế ở Hạ viện cho nên kế hoạch cải tổ hệ thống tình báo của Fernandez có lẽ sẽ được thông qua nhanh chóng.

Lịch sử đen tối của SI

SI là một trong những cơ quan nhà nước bị căm ghét và đáng sợ nhất ở Argentina. Được thành lập bởi tướng Juan Domingo Peron năm 1946, và ban đầu là cơ quan tình báo dân sự gọi là Cơ quan Thông tin. Theo nhà báo Uki Goni, nhiệm vụ đầu tiên của SI là sắp đặt việc di chuyển của các tội phạm chiến tranh Quốc xã thời hậu chiến đến Argentina và một số người trong đó cũng phục vụ cho cơ quan tình báo của Peron.

Cựu Giám đốc SI Hector Icazuriaga.

Kể từ đó, cơ quan tình báo đổi tên nhiều lần và cuối cùng là SI. Dưới thời quân sự cầm quyền ở Argentina (1976 - 1983), SI tiến hóa thành một lực lượng mật vụ nguy hiểm được giao sứ mạng truy lùng những phần tử chống đối và gián điệp bất cứ ai bị coi là có âm mưu lật đổ chính quyền - bao gồm thành phần học sinh sinh viên, thành viên công đoàn và các nhà hoạt động cánh tả. Kể từ đó, SI được coi là tổ chức tình báo quyền lực bậc nhất và đen tối nhất của chính quyền quân sự Argentina.

Sau khi Argentina tái lập nền dân chủ vào năm 1983, SI trở thành cơ quan tình báo được các chính quyền kế tiếp nhau sử dụng để giám sát mọi hoạt động của những phần tử đối lập, nhà báo, thẩm phán và công tố viên. Chuyên gia phân tích tình báo Luis Alberto Somoza cho biết, trong những năm qua, SI được sử dụng chủ yếu cho hoạt động gián điệp chính trị và cá nhân.

Chuyên gia nhận định: "Những nhân vật quyền thế sử dụng các hoạt động tình báo để phục vụ cho mục đích cá nhân sẽ phải trả giá". Người sáng lập trang web Wikileaks Julian Assange phát biểu với trang tin tức Infobae của Argentina rằng nước này từng có một trong những "chế độ gián điệp ghê gớm nhất" trong khu vực Mỹ Latinh. Julian Assange cũng cảnh báo chính quyền Tổng thống Cristina Fernandez thuê dụng một số lớn "các công ty do thám".

Hội Nhân quyền Argentina (ADC) và Các tổ chức phi chính phủ khác (NGO) đều cùng bày tỏ mối lo ngại về những gì mà họ coi là thiếu kiểm soát đối với hệ thống tình báo ở nước này.

Còn theo báo cáo từ giới truyền thông Argentina, tổ chức Quốc hội duy nhất chịu trách nhiệm giám sát hoạt động tình báo của SI - Ủy ban nằm dưới sự lãnh đạo của một nhà lập pháp thành viên đảng cầm quyền - chỉ họp có 2 lần trong năm 2014 và không hoạt động gì suốt 1 năm. Nhân lực cũng như nguồn tài chính hoạt động của SI vẫn được giữ bí mật tuyệt đối.

"Jaime" Stiusso, 61 tuổi, chuyên gia viễn thông điều hành mạng lưới nghe lén quy mô trong suốt nhiều năm - từ năm 1972 đến 2014 - được coi là nhân vật bí ẩn đáng sợ nhất ở Argentina.

Dưới thời Nestor Kirchner và Fernandez, Stiusso được cho là gia tăng quyền lực đáng kể nhờ các chiến dịch tăng cường nghe lén các đối thủ chính trị cho hai vợ chồng tổng thống. Nhưng, sau khi biết được công tố viên Alberto Nisman đang chuẩn bị hồ sơ về vụ đánh bom AMIA chống lại mình, Tổng thống Cristina Fernandez mới hiểu Stiusso không còn đáng tin cậy nữa do đã giấu nhẹm thông tin này.

Tháng 12/2014, Fernandez bắt đầu nghi ngờ chính Stiusso giúp Nisman soạn thảo 300 trang hồ sơ chuẩn bị truy tố mình. Thật ra, ngay từ năm 2013, Sttiusso đã trở mặt với Fernandez và bí mật cung cấp thông tin nghe lén cho tòa án và nhà báo dẫn đến một số vụ án tham nhũng bị phơi bày gây ồn ào dư luận Argentina trong 2 năm qua.

Hiện nay, có thông tin cho rằng Stiusso đã bay sang Mỹ do bất mãn với những gì xảy đến cho hệ thống tình báo Argentina và nhất là việc 20 cộng tác viên thân cận nhất của ông bị Fernandez sa thải. Những người chỉ trích nhận định kế hoạch thành lập AFIA của Cristna Fernandez không bảo đảm sẽ chống lại được sự lạm dụng quyền lực của hệ thống tình báo Argentina trong tương lai.

Họ cũng lo ngại chính quyền Fernandez sẽ chuyển các hoạt động nghe lén nguy hiểm từ tình báo dân sự sang cho lực lượng quân đội. Bằng chứng là, chuyên gia tình báo tướng Cesar Milani được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng đồng thời Tổng thống cũng dành phần lớn ngân sách tình báo hàng năm của Argentina cho quân đội.

Diên San (tổng hợp)
.
.