Đài Loan: Cuộc đối đầu của hai “nữ hiệp”

Thứ Sáu, 14/08/2015, 11:25
Cuộc bầu cử người đứng đầu Đài Loan năm 2016 sẽ là cuộc đấu tay đôi giữa nữ ứng cử viên thuộc hai đảng phái chính ở đảo Đài Loan là Quốc dân đảng (KMT) và Dân tiến đảng (DPP), do đó chắc chắn Đài Loan năm tới sẽ có người đứng đầu chính quyền là nữ đầu tiên trong lịch sử.

Cuộc đua tranh ghế người đứng đầu chính quyền Đài Loan đang bắt đầu sôi động, với hai nữ ứng cử viên đều tuyên bố sẽ giành chiến thắng vào tháng 1/2016. Cả hai là  bạn học cùng trường thời trung học.

Bà Hồng Tú Trụ (Hung Hsiu-chu) năm nay 67 tuổi, là ứng cử viên đại diện KMT ra tranh cử với ứng cử viên đảng DPP là bà Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen). Bà Hồng Tú Trụ tốt nghiệp ngành luật Đại học Văn hóa Trung Quốc (Đài Bắc). Bà là một cựu giáo viên, tính tình "dữ dằn", nói năng thẳng thắn, quyết liệt, vì thế được mọi người đặt cho biệt hiệu là "Tiểu Lạt Tiêu". Hôm 19/7 vừa qua, bà đã được hội nghị KMT đảng chọn làm ứng cử viên đại diện cho đảng này ra tranh cử cương vị người đứng đầu chính quyền, qua mặt ông Vương Kim Bình (Wang Jin-ping), Viện trưởng Viện Lập pháp Đài Loan.

Phát biểu với báo chí hôm 19/7, bà Hồng Tú Trụ nói: "Tôi hy vọng cuộc đấu lần này giữa 2 người phụ nữ sẽ mang lại sự hiểu biết hoàn toàn mới và một điển hình dân chủ mới".

Trong khi đó, ứng cử viên Thái Anh Văn, 58 tuổi, nguyên quán thành phố Tân Bắc, Đài Loan, từng là một luật sư được đào tạo bài bản (bằng thạc sĩ) tại Đại học Cornell và Trường Kinh tế London, hiện là Chủ tịch đảng DPP. Bà là một nhà lập pháp cao cấp của Đài Loan, được đánh giá là nhà lãnh đạo hàng đầu trong các vấn đề giáo dục.

Trước khi được đảng DPP chọn làm ứng cử viên vào tháng 4/2015, bà Thái Anh Văn là Phó Chủ tịch Viện Lập pháp Đài Loan. Trong kỳ bầu cử năm 2012, bà Thái cũng từng ra tranh cử người đứng đầu chính quyền Đài Loan nhưng đã để thua ông Mã Anh Cửu.

Hai nữ ứng cử viên Hồng Tú Trụ (trái) và Thái Anh Văn.

Về trình độ đào tạo, hai bà Hồng và Thái đều cùng học ngành luật, nhưng bà Thái có nền tảng học hành cao hơn, được đào tạo ở môi trường cao cấp hơn, được giới quan sát đánh giá là có năng lực của một nhà lãnh đạo kỹ trị, tương tự như ông Mã Anh Cửu. Thời lãnh đạo Lý Đăng Huy, bà Thái Anh Văn làm cố vấn an ninh quốc gia vào cuối thập niên 90, làm Phó Thủ tướng dưới thời ông Trần Thủy Biển.

Trình độ học vấn cao, từng trải kinh nghiệm chính trường nhiều, bà Thái có dáng vẻ đạo mạo của một nhà trí thức làm chính trị, do đó mà bà có biệt danh "Giáo sư Thái". Tuy nhiên, khi ra tranh cử, bà lại phát biểu một cách khiêm tốn rằng "nhân dân Đài Loan sẽ có một cuộc trắc nghiệm nghiêm túc vào năm tới - đó là liệu chúng ta có chấp nhận một phụ nữ làm lãnh đạo hay không". Thực tế thì không phải dân Đài Loan có chấp nhận một phụ nữ làm lãnh đạo hay không mà là "sẽ phải chọn ai" trong 2 ứng cử viên toàn là phụ nữ.

Chuyên gia Fell nhận xét: "Sự cải thiện về công bằng giới trong chính trị có một tiến trình từng bước trong 25 năm qua. Một yếu tố tác động là phong trào phụ nữ mạnh mẽ, phụ nữ ngày càng được giáo dục tốt hơn và sự ưu tiên phụ nữ ngày càng nhiều đã tác động tích cực đến kết quả của ngày hôm nay”.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, cán cân hiện đang nghiêng nhiều về phía ứng cử viên Thái Anh Văn của đảng DPP. Ứng cử viên Hồng Tú Trụ của KMT còn có cả núi nhiệm vụ phải làm nếu muốn giành chiến thắng trước bà Thái Anh Văn.

Dafydd Fell, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đài Loan SOAS, nhận xét: "Hiện tại, bà Thái Anh Văn chắc chắn là người dẫn trước. Bà ấy dẫn đầu trong tất cả các  cuộc thăm dò một cách khách quan, không cần sự ưu ái của truyền thông".

Bà Hồng bị bỏ lại phía sau chủ yếu là do ảnh hưởng từ nhiệm kỳ nhạt nhòa và thân Bắc Kinh của ông Mã Anh Cửu khiến đại bộ phận người Đài Loan không hài lòng. Trong một nỗ lực nhằm vực dậy nền kinh tế Đài Loan, ông Mã Anh Cửu đã chủ trì việc ký kết hiệp định hợp tác thương mại chưa từng có giữa đảo Đài Loan với Trung Hoa đại lục vào mùa hè năm 2014.

Bước đi mạnh mẽ đó khiến nhiều người dân ở Đài Loan không hài lòng, nhất là khi Bắc Kinh đã có phản ứng cứng rắn đối với các cuộc biểu tình phản đối, đòi cải cách hệ thống bầu cử của người dân Hồng Công. Một phong trào được đặt tên là Hoa Hướng Dương đã bùng nổ tại Đài Loan, với hàng ngàn sinh viên xuống đường tuần hành và chiếm giữ tòa nhà Viện Lập pháp trong nhiều tuần liền để phản đối hiệp định thương mại vừa được ký kết với Trung Quốc.

Chuyên gia Fell nói: "Kể từ năm 2012, ý kiến công chúng đã ngày càng thận trọng hơn trong vấn đề sáp nhập với Trung Hoa và những rủi ro mà nó mang lại. Và yếu tố Trung Hoa có thể sẽ đóng một vai trò then chốt tạo ra kết quả bầu cử sắp tới".

Thật vậy, cuộc bầu cử địa phương tháng 11/2014 đã là một lời cảnh báo sớm của cử tri đối với Quốc Dân đảng và bản thân bà Hồng Tú Trụ nói riêng, với kết quả thất bại thảm hại của đảng KMT. Với kết quả này, cuộc bầu cử vào tháng 1/2016 chắc chắn sẽ lại là một màn kiểm chứng khắc nghiệt dành cho đảng KMT.

Cho dù kết quả thế nào thì Đài Loan cũng sẽ là vùng lãnh thổ tiếp theo ở châu Á có phụ nữ là lãnh đạo sau Philippines, Indonesia, Pakistan, Bangladesh… Đó là một trào lưu đang ngày càng phổ biến trên toàn thế giới, với nhiều vị trí lãnh đạo khác nhau, từ tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng ngoại giao cho đến đại sứ và các bộ trưởng nội các.

Văn Trương (tổng hợp)
.
.