Đàm phán EU – Thổ Nhĩ Kỳ: Đâu là động cơ chính?
Đây liệu chỉ đơn giản là những đòi hỏi mới quá cao đối với châu Âu hay còn động cơ nào đứng đằng sau cuộc mặc cả này?
Những yêu sách bất ngờ
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã khiến những người đồng cấp phải kinh ngạc khi yêu cầu EU viện trợ thêm 3 tỷ euro (tương đương 3,3 tỷ USD) để đổi lấy sự trợ giúp của nước này trong nỗ lực đối phó với cuộc khủng hoảng người di cư lớn nhất châu lục kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Ông Davutoglu cũng đề xuất một thỏa thuận trao đổi người tị nạn, theo đó Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chỉ chịu tiếp nhận người tị nạn Syria từ Hy Lạp với điều kiện EU phải tái định cư cho một trường hợp tương ứng từ Thổ Nhĩ Kỳ, động thái mà các đảng cánh hữu cho là không công bằng.
Thêm nữa, ông Davutoglu còn yêu cầu khối 28 quốc gia thành viên này sớm miễn thị thực du lịch cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ đến tháng 6 tới, đồng thời đẩy nhanh nỗ lực trở thành thành viên EU vốn đã bị trì hoãn khá lâu của nước này.
Sau hơn 13 tiếng với kết quả rất sơ sài (hội nghị kéo dài 10 tiếng so với kế hoạch họp 3 tiếng ban đầu), các bên đành nhất trí thảo luận thêm 10 ngày nữa trước khi gặp lại nhau vào ngày 17-18/3. HIện, châu Âu đang chịu áp lực lớn trước việc phải tìm ra được một thỏa thuận có thể đẩy lùi cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất với làn sóng hơn 1 triệu người tị nạn và nhập cư kể từ khi bùng phát cách đây hơn 1 năm. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là trục đường chính trong hành trình nguy hiểm mà những người nhập cư thực hiện qua eo biển Aegean để tới Hy Lạp.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã bày tỏ quan ngại rằng việc đóng cửa hàng loạt biên giới nhằm ngăn chặn người nhập cư đổ vào châu Âu sẽ gây tổn hại đến quy chế miễn thị thực trong khu vực Schengen, vốn được coi là một trụ cột của sự thống nhất và tự do trong thời đại châu Âu hậu chiến tranh. Bên cạnh đó, giới phân tích cho rằng mọi nỗ lực của các nước EU trong việc kiểm soát biên giới đều sẽ vô ích nếu như không có sự bắt tay của Thổ Nhĩ Kỳ.
Việc nhiều nước thuộc khối Schengen nối lại kiểm soát biên giới - đi ngược quy tắc đi lại tự do trong khối, và mới đây nhất là Áo và các nước vùng Balkan tự nhất trí "cùng nhau khép chặt cánh cửa" đối với người tị nạn - càng cho thấy EU vẫn chưa thể tìm ra lời giải chung cho cuộc khủng hoảng người di cư.
Các hành động đơn phương của một quốc gia hay một nhóm quốc gia ở châu Âu chỉ là giải pháp tạm thời. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng di cư reo rắc trong EU những bất đồng sâu sắc như vậy, việc đạt được một thỏa thuận cuối cùng có lẽ sẽ rất khó khăn.
Làn sóng người tị nạn Syria vẫn ồ ạt tràn vào châu Âu. |
Động cơ nào?
Nhận định về các cuộc đàm phán giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ ngày 7/3 vừa qua, giới phân tích đã cho rằng mặc dù chủ đề chính của hội nghị là cuộc khủng hoảng di cư, song động cơ thực sự của các cuộc đàm phán này là những vấn đề rộng lớn hơn như mối quan hệ của EU với Nga và triển vọng cuộc chiến tại Syria.
Theo các nhà quan sát, có ít lý do để tin rằng sẽ có một thỏa thuận nào về vấn đề nhập cư giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ được thực thi, và cũng không có nhiều khả năng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chấp nhận thỏa thuận như hiện nay. Tại hội nghị thượng đỉnh trên, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra thêm những yêu sách như EU phải cung cấp thêm tiền ngoài khoản 3 tỷ euro (3,3 tỷ USD) đã hứa hồi năm ngoái và quan trọng hơn là EU phải sớm thực thi cơ chế miễn thị thực với công dân Thổ Nhĩ Kỳ tới các nước EU cũng như đẩy nhanh các cuộc đàm phán về việc nước này gia nhập EU. Thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ thừa biết rằng các yêu sách trên của họ đều khó có thể được các nước thành viên EU chấp nhận.
Lập trường đàm phán cứng rắn của Thổ Nhĩ Kỳ gắn liền với cuộc chiến tại Syria. Nhiều năm qua, Ankara đã nỗ lực thúc đẩy để có một vùng cấm bay ở biên giới phía Nam giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, và một vùng đệm an toàn tại phía Bắc Syria. Tuy nhiên, chiến dịch can thiệp quân sự tiếp diễn của Nga tại Syria đã khiến triển vọng về một vùng cấm bay do Mỹ và EU thiết lập ngày càng mờ nhạt, và gần như là bất khả thi nếu không có sự tham gia của Nga. Cả Mỹ và EU đều không muốn gây chiến với Nga.
Tại Hội nghị thượng đỉnh lần này, EU và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã thảo luận về khả năng cùng thiết lập các khu vực an toàn nhằm thực hiện sứ mệnh nhân đạo tại Syria. Ankara cũng đã đề nghị Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tính toán gia tăng sự hiện diện tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ- Syria nhằm bảo đảm khả năng thực thi các khu vực an toàn này.
Thổ Nhĩ Kỳ đã và đang sử dụng cuộc khủng hoảng người di cư để gây áp lực buộc EU phải tìm kiếm một sự thỏa hiệp với Nga. Cho tới nay, EU vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc hàn gắn các mối quan hệ với Moscow. Kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng Ukraine, EU đã áp đặt một số lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga.
Cho dù nhiều thành viên EU công khai phản đối các lệnh trừng phạt này, nhưng tới nay Đức vẫn nỗ lực duy trì sự thống nhất trong khối và các gói trừng phạt tiếp tục được gia hạn trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, nỗ lực này của Đức ngày càng khó duy trì. Gói trừng phạt có nhiều ảnh hưởng nhất sẽ hết hạn vào tháng 7 tới và EU cần phải có một sự đồng thuận mới có thể tiếp tục gia hạn.
Bấy lâu nay, Đức vẫn có một số ảnh hưởng khi xét tới việc ngăn chặn sự nổi loạn chống lại các lệnh trừng phạt mà EU áp đặt đối với Nga. Hy Lạp hiện vẫn cần sự ủng hộ của Đức để có thể tiếp tục nhận tiền cứu trợ. Italy cũng cần sự ủng hộ của Đức để đạt được thỏa thuận nâng trần thâm hụt ngân sách với Ủy ban châu Âu (EC). Còn Hungary cần duy trì các quan hệ chính trị tốt với Ba Lan, nước muốn EU có lập trường cứng rắn hơn đối với Nga.
Các nhân tố trên cho thấy việc gia hạn trừng phạt Nga vào tháng 7 tới vẫn có nhiều khả năng. Tuy nhiên, việc gia hạn sẽ khiến khả năng tìm kiếm một thỏa thuận với Nga về Syria, và cả về Ukraine, ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Điều này làm phức tạp thêm tình hình cho Đức. Berlin cần phải giữ EU thống nhất và cũng phải giảm số lượng người nhập cư. Nếu các lệnh trừng phạt Nga được dỡ bỏ, nhiều quốc gia tại Trung và Đông Âu sẽ cảm thấy bị EU phản bội và cảm thấy bất an về tương lai của mình. Nếu các lệnh trừng phạt tiếp tục được duy trì, Nga sẽ trì hoãn hợp tác với EU và Thổ Nhĩ Kỳ về cuộc khủng hoảng tại Syria và hệ quả là dòng người tị nạn tiếp tục gia tăng.
Có vẻ như Đức đang nghiêng về viễn cảnh thứ hai. Điều này lý giải tại sao Đức yêu cầu Hy Lạp xây dựng thêm các trung tâm tiếp nhận người tị nạn và yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ nhận lại một số người tị nạn kinh tế. Tuy nhiên, với tình hình thời tiết tại vùng biển Aegean ngày càng được cải thiện, dòng người tị nạn chắc chắn sẽ lại tăng và áp lực sẽ gia tăng đối với Đức.