Điều thú vị trong chuyện yến tiệc của Chủ tịch Trung Quốc tại Mỹ

Thứ Sáu, 02/10/2015, 19:20
Trong chuyến công du nước Mỹ vừa qua của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, lãnh đạo nước chủ nhà và giới doanh thương hàng "chiếu trên" của Mỹ đã nồng hậu khoản đãi yến tiệc liên tục suốt mấy ngày.

Hiện giờ báo chí đang "soi" vào bữa tiệc tại khách sạn Westin Seattle ở Seattle, chặng dừng chân đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc tại Mỹ. Chi tiết ở đây là việc sử dụng wasabi, thành phần gần như không thể thiếu và đồng nghĩa với món ăn Nhật Bản. Điều này gây bất ngờ, khi ai cũng hiểu Trung Quốc và Nhật Bản hiện có mối quan hệ không mấy êm thấm.

Theo lịch trình được Nhà Trắng thông báo, 5 giờ chiều ngày 23/9 (giờ Mỹ) Chủ tịch Tập Cận Bình mới đến Washington D.C. - được Phó Tổng thống Joseph Biden đón ở sân bay, chỉ kịp thay bộ quần áo là đã tới giờ dùng cơm tối với Tổng thống Barack Obama ngay tại nhà khách chính phủ. Sáng hôm sau vào Nhà Trắng vừa ăn sáng vừa bàn chuyện đại cuộc với chủ nhà, buổi trưa ghé Bộ Ngoại giao dự tiệc do Phó Tổng thống Mỹ và Ngoại trưởng John Kerry khoản đãi. Ăn trưa xong, ông Tập lại vội vã thay quần áo để cùng phu nhân trở lại Nhà Trắng dự quốc yến.

Tổng cộng chỉ trong 24 giờ đồng hồ, ông Tập Cận Bình được mời ăn cả thảy 4 bữa, nhiều tới độ cánh nhà báo ở Washington phải lên tiếng thắc mắc và được phát ngôn viên Josh Earnest của Nhà Trắng trả lời "khi mời khách dùng bữa, Tổng thống muốn có thêm thì giờ để bàn chuyện", nhất là thượng đỉnh "có rất nhiều chuyện phải bàn" và "Tổng thống sẽ tận dụng những cuộc gặp gỡ này để trao đổi, bàn bạc về những vấn đề quan trọng đối với hai nhà lãnh đạo và với hai quốc gia".

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nâng ly cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama trong bữa tiệc tại Nhà Trắng ngày 25/9.

Liên quan tới thực đơn tiếp ông Tập Cận Bình tại East Room ở Nhà Trắng với chừng vài trăm quan khách, nhiều thứ đổi khác so với lần tiếp Chủ tịch Hồ Cẩm Đào năm 2011, duy chỉ một thứ không đổi là tôm hùm tiểu bang Maine. Hồi ông Hồ Cẩm Đào là thượng khách vào năm 2011, tôm hùm cũng được hầm rồi dọn với cà rốt và nấm tai kèn đen.

Đầu bếp Nhà Trắng, bà Cristeta Comerford, cho biết, đây là mùa tôm xứ Maine. Bà Anita Lo, đầu bếp Mỹ gốc Hoa cùng nhân viên của bà hỗ trợ bà Comerford, chuẩn bị cho thực đơn, mà theo Nhà Trắng, lấy cảm hứng từ mùa thu và "mang sắc thái ẩm thực Mỹ với hương vị Trung Hoa".

Thực đơn gồm món súp nấm dại đi kèm với rượu đế Shaoxing, tôm hùm, và cừu non Colorado nướng vỉ dọn với panna cotta, một món tráng miệng kem nóng của Ý, có vị vanilla, cà phê, rum. Mỗi bàn cũng dọn chung một đĩa tráng miệng trang trí cảnh vườn tược, gồm nhà thủy tạ và cây cầu bằng sôcôla.

Trong số những thực đơn đãi ông Tập Cận Bình ở Mỹ, hiện giờ báo chí đang bàn tán xôn xao bữa tiệc tại khách sạn Westin Seattle ở Seattle, chặng dừng chân đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc tại Mỹ. Thực đơn bữa tiệc này có nhiều mục đã gây tranh cãi. Nổi bật nhất có lẽ là việc sử dụng wasabi, thành phần gần như không thể thiếu và đồng nghĩa với món ăn Nhật Bản. Điều này gây bất ngờ, khi ai cũng hiểu Trung Quốc và Nhật Bản hiện có mối quan hệ không mấy êm thấm.

Món ăn trang trí mang phong cách Trung Quốc tại quốc yến đãi ông Tập Cận Bình tại Nhà Trắng.

Ngoài ra trong thực đơn, có hai nguyên liệu khác viết bằng tên gọi Nhật, cho dù có tên gọi khác thay thế. Ví dụ, nếu nhà tổ chức hướng tới chi tiết nhạy cảm một cách tối đa, họ có thể đổi cách dùng "daikon" - củ cải trắng - bằng cách gọi thông dụng là "white radish" hay theo cách gọi Trung Quốc là bailuobo. Chưa kể, loại rượu đỏ chiêu đãi ông Tập Cận Bình trong bữa tiệc tại Seattle là rượu vang 2013 đến từ Nhà máy Chateau Ste. Michelle tại Washington; rượu trắng có thời gian sản xuất năm 2014 cũng của nhà máy này. Đây là các loại rượu tốt, nhưng với mức giá 15 USD và 11,95 USD mỗi chai tương ứng, nhiều người bình luận nhà máy rượu có thể có những chọn lựa ưu tú hơn.

Trang web tin tức Quartz cho rằng, có lẽ nhà tổ chức hiểu được chiến dịch chống tham nhũng mà ông Tập Cận Bình khởi xướng, chống lại chi tiêu quá mức và không muốn làm ông khó xử khi mời loại rượu hảo hạng đắt tiền.

Bữa tiệc tại Seattle không phải là quốc yến và không có mặt Tổng thống Mỹ Barack Obama nhưng đó là một buổi chiêu đãi ngoại giao, đồng nghĩa mọi chi tiết nhỏ nhặt nhất cũng được tính toán kỹ lưỡng nhất. Bởi thế từng chi tiết nhỏ nhất đều được chú ý. Rõ ràng, thực đơn tiệc tối chiêu đãi Chủ tịch Trung Quốc tại Seattle đã "thay lời muốn nói". Trên thực tế, món ăn đã trở thành sứ giả ngoại giao, thể hiện nhiều ẩn ý của lãnh đạo các nước.

Bình luận về kết quả chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tờ Washington đánh giá: "Đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, thành tựu chính của cuộc gặp gỡ thượng đỉnh có lẽ là 21 phát súng đại bác bắn chào tại sân cỏ Nhà Trắng ngày 25/9 và 4 yến tiệc trong suốt thời gian ông ở thăm Mỹ".

Đan Kô (tổng hợp)
.
.