“Dớp” cũ ám ảnh ứng cử viên Hillary Clinton

Thứ Hai, 14/09/2015, 18:10
Cái “dớp” cũ năm 2008 dường như đang quay trở lại ám ảnh bà Hillary Clinton, ứng cử viên hàng đầu của đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016. Đó là giữa lúc bà đang dẫn đầu cuộc đua, đang được nhiều người thích, thì bà lại tự đánh mất tỉ lệ ủng hộ của cử tri và đang có nguy cơ bị ứng cử viên bám sát phía sau Bernie Sanders qua mặt.

Hồi chuông cảnh báo dành cho bà Clinton đã vang lên vào hôm Chủ nhật 6/9 khi các hãng thăm dò tung ra các kết quả thăm dò cử tri tại 2 bang New Hampshire và Iowa. Tại bang New Hampshire, lần đầu tiên kể từ đầu mùa bầu cử, ứng cử viên Sanders có được kết quả dẫn trước bà Clinton, mà lại dẫn trước đến 9 điểm, với tỉ lệ 41% cử tri Dân chủ ủng hộ ông so với 32% của bà Clinton.

Còn tại bang Iowa, tình hình cũng đang theo chiều hướng xấu cho bà Clinton, với kết quả bà mất 20 điểm so với tháng 5, còn 37% cử tri ủng hộ, trong khi ông Sanders tăng vọt 16 điểm, lên 30%. Dù vẫn còn dẫn trước ông Sanders đến 7 điểm, nhưng không ai dám bảo đảm bà sẽ tiếp tục duy trì thế dẫn điểm vào cuối năm nay.

Đáng ngại hơn, tại bang Iowa, bà Clinton còn đang bị thua điểm cả 2 đối thủ tiềm tàng bên đảng Cộng hòa là Jeb Bush và Donald Trump. Ở New Hampshire, bà thua Bush và chỉ nhỉnh hơn Trump 1 điểm, trong khi Phó tổng thống Joe Biden thắng điểm cả 2 đối thủ Cộng hòa tại cả 2 bang.

Sự "mất lửa" đang là vấn đề lớn khiến bà Clinton dần mất điểm trước ứng cử viên cùng đảng Bernie Sanders.

Hai bang New Hampshire và Iowa đóng vai trò rất quan trọng trong chiến dịch tranh cử của các ứng cử viên đảng Dân chủ. Giới phân tích nhận định, các ứng cử viên đảng Dân chủ thường sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có thể thất bại chung cuộc trong cuộc bầu cử tổng thống nếu thua tại 2 bang này. Đây là 2 bang đầu tiên tiến hành bầu cử sơ bộ, do đó các chỉ số tại 2 bang này cũng gây ảnh hưởng cho các bang khác.

Iowa và New Hampsshire từng góp phần làm nên chiến thắng vang dội của ông Obama vào năm 2008 và 2012, nhưng đối với bà Clinton, hai bang này cũng mang nhiều kỷ niệm không vui. Năm 2008, thất bại trong các hội nghị đại diện cử tri tại bang Iowa chính là bước ngoặt đưa đến việc bà bị ông Obama qua mặt và giành suất chính thức đại diện cho đảng Dân chủ ra ứng cử. Vì thế, có người đã bắt đầu lo lắng cho bà, mặc dù những phụ tá, những người vận động ủng hộ bà đã cố gắng tô hồng tình thế bằng những tuyên bố kiểu như "trong kết quả xấu đó có cái hay"!?

Các nhà phân tích đưa ra một cách lý giải đầu tiên cho sự tụt dốc từ từ của bà Clinton khi thời gian trôi dần đến năm 2016. Đó là cuộc tranh cãi xoay quanh vấn đề e-mail cá nhân của bà Clinton, bắt đầu xuất hiện từ khi Quốc hội yêu cầu bà giải trình về trách nhiệm cá nhân trong vụ tấn công Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Benghazi, miền Đông Libya vào ngày 11/9/2012 làm chết 4 nhân viên ngoại giao Mỹ, trong đó có Đại sứ J. Christopher Stevens.

Để làm rõ vai trò của bà trong vụ việc đó, Quốc hội Mỹ đã yêu cầu kiểm tra nội dung các e-mail trao đổi giữa bà với các nhân viên ngoại giao. Từ đó làm lộ ra một sự thật là bà Clinton đã sử dụng tài khoản e-mail cá nhân không qua máy chủ chính phủ mà dùng một máy chủ đặt tại nhà riêng để thực hiện các giao dịch công vụ. Các e-mail đó tuy không chứa đựng điều gì bất thường, cũng không tiết lộ bê bối nào liên quan đến bản thân bà hay vai trò bà đảm trách, nhưng việc sử dụng tài khoản e-mail cá nhân để thực hiện các giao dịch công vụ khiến cho các nội dung thư chứa đựng nhiều bí mật nhà nước có thể bị rò rỉ.

Và cuộc tranh cãi bắt đầu nổ ra với những cáo buộc về trách nhiệm của bà Clinton trong việc sử dụng e-mail cá nhân cho việc công. Có ý kiến yêu cầu bà Clinton công khai xin lỗi trước công chúng, nhưng bà cương quyết từ chối, mà chỉ "lấy làm tiếc" vì để xảy ra tranh cãi.

Hillary Clinton tuyên bố bà đã chuyển cho Bộ Ngoại giao Mỹ 55.000 trang e-mail bà đã gửi và nhận trong thời gian bà làm Bộ trưởng Ngoại giao từ năm 2009 đến 2013. Đồng thời bà cũng hứa sẽ chuyển giao máy chủ riêng cho các nhà điều tra Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, mối ngờ vực từ các đối thủ chính trị của bà không vì thế mà chấm dứt.

Ứng cử viên Bernie Sanders.

Ngoài chuyện e-mail cá nhân, còn một cách lý giải khác cho sự tụt dốc của bà Clinton. Dùng từ "dớp" nghe có vẻ gần đúng đối với bà Clinton khi các nhược điểm cố hữu của bà vẫn chưa được khắc phục triệt để trước khi bước vào cuộc đua, nó vẫn là vấn đề lớn khiến cho bất cứ ai ủng hộ bà cũng đều lo lắng. Đó là bà Clinton thường hay tạo ra một khí thế hừng hực, sôi động ngay từ những ngày đầu phát động cuộc đua, nhưng dần dần sau đó bà bắt đầu bị "mất lửa".

Các nhà phân tích dữ liệu thăm dò cử tri đưa ra nhận xét rằng, điều đáng ngạc nhiên nhất chính là những người không ủng hộ bà trong phiếu thăm dò không phải vì họ không thích, ghét bà hay thích ông Sanders rồi ủng hộ ông; thậm chí có rất nhiều người thích bà nhưng lại ghi phiếu ủng hộ Sanders. Trong số những người bỏ phiếu ủng hộ Sanders chỉ có 2% nói họ ủng hộ ông vì họ không ủng hộ bà Clinton. Những cử tri Dân chủ ở Iowa nói với báo chí rằng, không phải họ không thích bà Clinton, mà chỉ vì bà đã không còn làm cho họ cảm thấy hứng khởi nữa, và vì thế họ thấy thích ông Sanders hơn.

Trong khi đó, Sanders lại đang triển khai một chiến thuật khôn khéo là không chỉ trích hay "nói xấu" bà Clinton, thậm chí không dùng xảo thuật quảng cáo để làm xấu đi hình ảnh của bà Cllinton trước công chúng vì vụ tranh cãi quanh vấn đề e-mail cá nhân của bà. Chính cách "chơi" lão luyện này đang giúp cho Sanders dần lấy đi từng điểm từ tay bà Clinton.

Văn Trương (tổng hợp)
.
.