Indonesia: Nhìn lại 100 ngày cầm quyền của “Ngài trong sạch” Widodo

Thứ Sáu, 06/02/2015, 08:50
Khi Tổng thống Indonesia Joko “Jokowi” Widodo nhậm chức hồi tháng 10/2014, đối với nhiều người nước này, đây dường như là thời điểm Indonesia lật sang một trang khác. Họ kỳ vọng vào lời hứa mang lại một kỷ nguyên mới và một phong cách lãnh đạo mới từ ông Widodo - vị Tổng thống 53 tuổi được mệnh danh là “Ngài trong sạch”. Nhưng sau “tuần trăng mật”, đối diện với thực tế chính trường khắc nghiệt, ông Widodo ít nhiều đã làm những người bỏ phiếu cho ông thất vọng.

Trước cuộc bỏ phiếu, kỳ vọng của cử tri Indonesia đã đưa ông Widodo lên đỉnh cao quyền lực. Nhưng một khi cử tri đã  đặt ông vào vị trí đó, thì những thách thức lớn mà ông Widodo phải đối mặt càng khó khăn hơn nhiều.

Indonesia hy vọng vị tổng thống mạnh mẽ sẽ quét sạch tham nhũng và kiểu chính trường chỉ làm lợi cho chính phủ và giới doanh nghiệp. Bản thân ông Widodo đã tìm cách đáp ứng kỳ vọng của cử tri khi hứa chọn đúng người và đặt họ vào đúng chỗ để thành lập một nội các trong sạch. Để làm được điều này, ông đã bổ nhiệm một số người vào Ủy ban Phòng chống tham nhũng.

Tuy nhiên, trong khi cử tri hy vọng ông Widodo chỉ chọn các chuyên gia làm thành viên nội các, thì trong thực tế, ông buộc phải thỏa hiệp, chia một số vị trí bộ trưởng cho các thành viên trong đảng của mình. Kết quả là, trong 34 vị trí, ông chỉ xếp được 18 nhà kỹ trị và gương mặt mới vào các vị trí lãnh đạo một số bộ. Các vị trí còn lại thuộc về các thành viên trong liên minh cầm quyền của ông.

Người ta cho rằng ông bị gây sức ép từ cựu Tổng thống Megawati Sukarnoputri hiện là Chủ tịch đảng Dân chủ Indonesia - Đấu tranh. Thậm chí, họ còn cho rằng ông hành động như vậy để trả ơn bà Megawati vì bà đã đề cử ông làm ứng cử viên tổng thống của đảng ngay từ đầu.

Quyết định gây tranh cãi nhất là khi Widodo đề cử ông Budi Gunawan làm Cảnh sát trưởng quốc gia trong khi ông này là người thân cận của bà Megawati, và quan trọng hơn, ông này bị Ủy ban Phòng chống tham nhũng nghi là nhận hối lộ.

Vài ngày sau khi được đề cử, ông Budi bị kết tội tham nhũng. Diễn biến của vụ bê bối này khiến Indonesia rúng động và các nhà phân tích nhận định: Với "nước cờ" Budi, ông Widodo đã tự làm giảm uy tín của mình.

Về mặt kinh tế, Tổng thống Widodo đã quyết định giảm trợ cấp nhiên liệu. Chính sách trợ cấp này trong nhiều năm qua đã bòn rút một phần lớn ngân sách nhà nước. Dù quyết định này được quốc tế hoan nghênh nhiệt liệt nhưng lại bị người dân Indonesia phản đối mạnh mẽ khi từ giữa tháng 11/2014, họ phải mua xăng dầu với giá cao hơn 30%.

Tổng thống Widodo bước qua 100 ngày đầu cầm quyền với không ít sóng gió.

Trên mặt trận chống buôn lậu ma túy, tân Tổng thống Indonesia đã áp dụng lại án tử hình dành cho tội phạm buôn ma túy với lý do án tử hình cần thiết để đối phó với tình trạng nhức nhối này.

Một vấn đề nữa khiến nhiều nước phản đối ông Widodo, đặc biệt là láng giềng của Indonesia, đó là khi ông Widodo cho phép lực lượng chức năng đánh chìm tàu cá nước ngoài bị bắt gặp đánh bắt cá trộm trong vùng biển Indonesia.

Tuy nhiên, không phải 100 ngày đầu cầm quyền của "Ngài trong sạch" đều dính bê bối và tranh cãi. Ông Widodo cũng thực hiện tốt một số cam kết trong chiến dịch tranh cử của mình, đặc biệt là trong hỗ trợ nhóm người nghèo nhất nước về y tế và giáo dục.

Chỉ vài ngày sau khi nhậm chức, ông đã khởi động chương trình “Thẻ Thông minh Indonesia” và “Thẻ Sức khỏe Indonesia” nhằm đảm bảo giáo dục và chữa bệnh miễn phí cho người nghèo.

Nhà phân tích Yohanes Sulaiman cho rằng, chính sách này thể hiện "tài sản chính trị lớn nhất" của ông Widodo, đó là ông thực sự quan tâm với người dân và luôn ý thức rằng mình là một trong số họ. Khi xảy ra vụ máy bay của Hãng AirAsia rơi xuống biển Java, người ta cũng thấy ông gần gũi với người dân khi trực tiếp thăm hỏi, động viên gia đình các nạn nhân và tổ chức một chiến dịch phản ứng nhanh chóng.

Một mặt tích cực nữa là trong 100 ngày đầu cầm quyền, Tổng thống Widodo đã cải thiện được đáng kể quan hệ với phe đối lập đang nắm quyền kiểm soát Quốc hội. Quốc hội gần đây đã nhượng bộ ông Widodo đáng kể khi thông qua nhiều thứ có lợi cho ông.

100 ngày cầm quyền đầu tiên đã qua, "hiệu ứng Widodo" đã rơi rớt khá nhiều. Công bằng mà nói, đánh giá 100 ngày đầu nhiệm kỳ của một chính phủ mới là điều rất khó, nếu không muốn nói là bất công. Trong một khoảng thời gian ngắn ngủi như vậy, hầu như không tổng thống nào có thể làm được điều gì lớn lao, vĩ đại.

Điều quan trọng đối với ông Widodo theo nhiều nhà phân tích, là ông phải làm thế nào để tiếp tục thực hiện cam kết của mình trong bối cảnh chịu sức ép từ liên minh chính trị, đặc biệt là phải làm thế nào để thoát ra khỏi cái bóng của bà Megawati. Có như thế, "Ngài trong sạch" mới có thể duy trì "hiệu ứng Widodo" một cách bền vững trong suốt nhiệm kỳ dài phía trước.

Dương Thùy (tổng hợp)
.
.