Ứng viên đồng tính tranh cử vào Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ Ba, 12/05/2015, 07:30
Baris Sulu được kỳ vọng sẽ trở thành tiếng nói đầu tiên của phong trào đấu tranh cho quyền của cộng đồng LGBT (người đồng tính nam và nữ, người lưỡng tính và chuyển giới) đang phát triển nhanh ở Thổ Nhĩ Kỳ nếu như ông giành được một chiếc ghế trong Quốc hội sau cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 7/6 tới đây ở nước này. Baris Sulu là người đồng tính đã 2 lần làm nên lịch sử.

Năm 2011, Sulu và bạn tình của ông trở thành cặp đôi đồng tính đầu tiên chính thức xin cấp phép làm lễ kết hôn ở Thổ Nhĩ Kỳ nhưng đã bị chính quyền từ chối, và hiện nay ông là ứng cử viên đồng tính công khai đầu tiên đại diện cho đảng Dân chủ Nhân dân (HDP) ra tranh cử giành chiếc ghế trong Quốc hội nước này. Baris Sulu tuyên bố nếu thắng cử, ông sẽ đấu tranh để cho ra đời những luật chống phân biệt đối xử với người đồng tính.

Baris Sulu, nhà hoạt động LGBT 37 tuổi, mô tả bản thân là một chiến binh suốt đời đấu tranh cho người đồng tính ở Thổ Nhĩ Kỳ. Khi còn ở tuổi thiếu niên, Sulu đã dám một mình đứng lên chống lại chương trình năng lượng hạt nhân khi viết thư gửi đến hàng chục tờ báo ở Thổ Nhĩ Kỳ để phản đối kế hoạch xây dựng một lò phản ứng hạt nhân ở nước này.

Baris Sulu mang biểu ngữ: "Các quyền của LGBT là nguyên vẹn không thể phân chia".

17 tuổi, Sulu tích cực tham gia phong trào đòi quyền cho cộng đồng LGBT trong nước và không ngừng nghỉ suốt 20 năm sau đó. Bạn tình của Sulu là Aras Gungor, người đàn ông chuyển giới tính thành phụ nữ, cũng là một nhà hoạt động LGBT tích cực.

Baris Sulu phát biểu: "Những gì chúng tôi muốn là được mọi người ở nước này công nhận quyền công dân bình đẳng. Xã hội sẵn sàng thay đổi và chúng tôi tin đã đến lúc phải có một người dám công khai nói lên thân phận của mình để đấu tranh cho các vấn đề của LGBT tại Quốc hội".

Khi trở thành tiếng nói đại diện cho cộng đồng LGBT, Baris Sulu sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu không cân sức trong một xã hội Hồi giáo bảo thủ. Sự tiến bộ trong đấu tranh cho các quyền của người đồng tính ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn chậm chạp do thiếu sự bảo vệ từ luật pháp, tình trạng phân biệt giới tính còn tràn lan trong xã hội và vấn nạn bạo lực chống cộng đồng LGBT chưa giải quyết được.

Đối với người đồng tính, cuộc sống ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn quá nhiều mâu thuẫn. Đồng tính được hợp pháp hóa dưới thời đế quốc Ottoman (1299 - 1923), nhưng hiện nay quân đội Thổ Nhĩ Kỳ không chấp nhận người đồng tính thi hành nghĩa vụ quân sự và cho họ là "bệnh nhân rối loạn tâm sinh lý - tính dục".

Ứng cử viên Deva Ozene (trái).

Mặc dù những cuộc tuần hành vì người đồng tính ở Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra rầm rộ nhất trong thế giới Hồi giáo, song nước này vẫn chưa có luật chống lại hành vi phân biệt giới tính. Giải pháp chống phân biệt giới tính hiện nay trong các nhà tù ở Thổ Nhĩ Kỳ là giam người đồng tính trong những "nhà tù màu hồng".

Andrew Gardner, nhà nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ thuộc Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI), cho biết hiện nay các tổ chức đấu tranh cho cộng đồng LGBT ở Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng số lượng và được tổ chức chặt chẽ hơn. Cách đây 2 năm, nhà hoạt động nhân quyền Michelle Demishevich bắt đầu nổi tiếng khi cô trở thành phóng viên truyền hình chuyển giới đầu tiên ở Thổ Nhĩ Kỳ. Bulent Ersoy, một trong những ca sĩ nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ, cũng là phụ nữ chuyển giới quảng cáo cho nhãn hiệu nước giải khát Pepsi.

Baris Sulu lên tiếng: "Chúng tôi bị kỳ thị mỗi ngày tại nơi làm việc, trong trường học và cả bệnh viện. Không gian nhỏ bé mà người đồng tính và chuyển giới bước vào được là khu vực giải trí - nhưng nó cũng rất giới hạn và bị cô lập". Nhiều người LGBT buộc phải che đậy thân phận thật sự của mình vì  không lường trước hậu quả sẽ xảy ra với mình. Đối với người trong cộng đồng LGBT, Thổ Nhĩ Kỳ là một nơi chết chóc.

Sau khi không được chính quyền cấp phép làm lễ kết hôn với bạn tình, Baris Sulu thành lập Trung tâm Tư vấn dành cho người chuyển giới, một tổ chức tư vấn pháp lý và hỗ trợ tình cảm cho những người đang trong tiến trình chuyển giới cũng như vận động hành lang để bãi bỏ những luật kỳ thị người chuyển giới.

Theo các nhà hoạt động nhân quyền thì: cho dù Baris Sulu có giành được chiếc ghế trong Quốc hội sau ngày 7-6 tới thì cuộc đấu tranh giành quyền hợp pháp cho LGBT cũng vô cùng khó khăn. Andrew Gardner giải thích: "Điều đó rõ ràng, nhất là trong những năm gần đây, khi chính quyền tỏ ra rất thù địch đối với bất cứ biện pháp bảo vệ nào dành cho LGBT".

Giới lãnh đạo chóp bu Thổ Nhĩ Kỳ coi các quyền của người đồng tính là mối đe dọa cho các giá trị truyền thống của nước này. Thậm chí, một cựu bộ trưởng còn mô tả đồng tính là "bệnh tật" cần được chữa trị! Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố đồng tính xung đột với "văn hóa Hồi giáo", và người dân Thổ Nhĩ Kỳ "chưa sẵn sàng" cho những luật bảo vệ cộng đồng LGBT. Đáp lại, Baris Sulu giận dữ: "Nếu không vào lúc này thì đến bao giờ?".

Ngày 7/4 vừa qua, các đảng phái chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ đã thông báo danh sách ứng cử viên của họ cho cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới. Đảng HDP đề cử 3 nhà hoạt động LGBT và nữ quyền bao gồm Baris Sulu, Ozlem Sen và Gulistan Aydogdu. Một nhà hoạt động nữ chuyển giới Deva Ozenen - cũng được đề cử với tư cách là ứng cử viên của đảng phái mới thành lập Anatolia.

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.