Uy tín của nữ Tổng thống Dilma Rousseff “lao dốc”

Thứ Sáu, 21/08/2015, 11:00
Một cuộc biểu tình rầm rộ diễn ra ngày 16/8 tại Brazil buộc nữ Tổng thống Dilma Rousseff phải từ nhiệm do vụ bê bối tham nhũng Petrobras ảnh hưởng nặng nề đến uy tín liên minh trung tả của chính phủ. Những nhà tổ chức - các phong trào cánh hữu được hậu thuẫn bởi một phần phe đối lập - đã kêu gọi biểu tình tại hơn 200 thành phố.

Theo nguồn tin từ cảnh sát, trên khắp đất nước Brazil có 866.000 người tham gia biểu tình, còn theo ban tổ chức, con số này là 2 triệu người, tức gấp đôi cuộc biểu tình phản đối diễn ra vào tháng 3 vừa qua.

Tái đắc cử vào nhiệm kỳ 2 một cách khó khăn, nữ Tổng thống cũng bị chỉ trích vì không có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn khủng hoảng kinh tế. Giờ đây bà là Tổng thống ít được lòng dân  nhất từ khi kết thúc nền độc tài quân phiệt vào năm 1985. "Chính phủ phung phí tiền bạc, các chính trị gia ăn cắp và thâm lạm những món tiền khổng lồ và người dân phải gánh chịu sao? Không đâu!" - phát ngôn viên của phong trào "Vem Pra Rua" (Hãy xuống đường) đưa lên Internet.

Đây là một trong các nhà tổ chức chính của cuộc biểu tình cùng với Phong trào Brazil Tự do tự cho là "tân cánh hữu" và "Revoltados online" (Những người nổi loạn trên mạng). Những cuộc biểu tình trong năm nay đã quy tụ tổng cộng 3 triệu người.

Brazil, nền kinh tế thứ 7 thế giới, đang ở trên bờ vực suy thoái với mức lạm phát 9% trong suốt 12 tháng qua. Nhưng nữ Tổng thống Rousseff vẫn bám trụ. "Tôi sẽ tiếp tục làm việc để tôn vinh và thực hiện ước mơ của các bạn" - bà đã tuyên hứa vào ngày 12/8 trước 35.000 phụ nữ nông thôn tập trung tại thủ đô Brasilia để bày tỏ sự ủng hộ bà.

Tổng thống Dilma Rousseff.

Sau những cuộc biểu tình rầm rộ kêu gọi bà từ chức, ngày 19/3 Dilma Rousseff đã gây ngạc nhiên cho những người ủng hộ trong đảng Công nhân tụ họp tại thủ phủ Goiania của bang Goias khi bà xuất hiện bên cạnh Thống đốc Marconi Perillo. Ông này là hình ảnh của đảng Dân chủ Xã hội Brazil (PSDB), đảng phái đối lập chính.

Giữa những lời khen ngợi "các phẩm giá của nền dân chủ", nữ Tổng thống thông báo tiếp tục thi công công trình sân bay quốc tế, bị ngưng trệ gần 10 năm nay, và kế hoạch xây dựng đoạn xa lộ mới. Đời sống chính trị tại Brazil là như thế. Bị chao đảo nhiều tháng qua do vụ bê bối của Tập đoàn Petrobras, hứng chịu búa rìu dư luận từ mọi thành phần đối lập và ngay từ các đồng minh trong liên minh chính phủ, bà Dilma Rousseff cố nắm lại quyền hành bằng cách xóa bỏ những bất hòa dù buộc phải bắt tay với đối thủ.

Uy tín của Tổng thống Rousseff đã xuống dốc từ tháng 2, tiếp tục thấp hơn đến mức 8% - được xem là chưa từng có - theo thăm dò của Viện Datafolha đăng trên tờ Folha de Sao Paulo. Tỉ lệ chỉ trích và bất mãn với chính phủ đương nhiệm đã đạt đến 62%.

Đây là tình huống nhắc nhớ những ngày nắm quyền cuối cùng của Fernando Alfonso Collor de Mello, Tổng thống duy nhất đã chấp nhận bị phế truất do tham nhũng vào năm 1992, và của José Sarney, Tổng thống Collon đã mất đi sự hậu thuẫn của Quốc hội và bị người dân căm ghét.

Biểu tình tại Sao Paulo.

Đứng trước bão táp, Tổng thống Dilma Rousseff vốn rất ít khi xuất hiện trước công chúng sau khi đắc cử nhưng những ngày gần đây liên tục hội họp và di chuyển. Đã 3 lần bà nói chuyện với cựu Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva. Ngay cả cố vấn truyền thông João Santana cũng bí mật đến Brasilia vào tối 11/8. Sáng hôm sau, bà Rousseff  đã ký một loạt dự luật chống tham nhũng.

Điều mới mẻ trong gói biện pháp này là trừng phạt việc sử dụng hệ thống kế toán kép của các đảng phái chính trị trong thời kỳ tranh cử. Ngoài ra chính phủ muốn mở rộng yêu cầu "lý lịch tư pháp trắng" đối với bất kỳ người nào được chỉ định vào chức vụ công, một biện pháp từng được áp dụng trong nhiệm kỳ đầu của bà Rousseff đối với những ứng cử viên quốc gia hay địa phương.

Giới hành pháp cũng muốn thông qua một đạo luật cho phép truy tố hình sự những kẻ không chứng minh được nguồn gốc tài sản của họ và tịch thu của cải bất minh. "Đã đến lúc Brazil phải chấm dứt các tội ác và hành động tham nhũng" - bà Rousseff liên tục lặp lại và nhắc nhở rằng nạn tham nhũng không chỉ mới xuất hiện trong nhiệm kỳ của bà.

Bà nói rằng nếu mọi vụ việc được làm sáng tỏ, đó là bằng chứng cho thấy luật pháp đã chứng tỏ uy lực: "Chúng tôi là một chính phủ không nhân nhượng với tham nhũng; các biện pháp đó sẽ củng cố thêm cuộc chiến chống lại mọi đặc quyền".

Thế nhưng tuyên bố này đã bị lu mờ phần nào bởi sự từ nhiệm của Bộ trưởng Giáo dục Cid Gomes. Ông ta nói trước các sinh viên rằng, Hạ viện Brazil "có khoảng 300 đến 400 tên lừa đảo" rồi chỉ trích Chủ tịch Hạ viện Eduardo Cunha, người từng bị nêu tên trong vụ việc Petrobras. Sau đó Gomes đã trình thư từ nhiệm tại văn phòng của bà Rousseff. Sự từ nhiệm này có thể đẩy nhanh cuộc tái cơ cấu chính phủ mà Tổng thống Rousseff có dám mạnh tay?

Mê Linh (tổng hợp)
.
.