Nước mắt từ mối tình 'điên'

Thứ Hai, 16/11/2015, 13:10
Là đàn ông vóc dáng đồ sộ nhưng Chiến rất chậm chạp, không biết làm gì, cũng không biết nói chuyện. Theo dõi một thời gian, bà Sáu phát hiện con rể có những biểu hiện không bình thường. Bà lọ mọ đi dò hỏi và tá hỏa khi phát hiện: Chiến bị tâm thần và trước đó, ở quê anh cũng thuộc dạng… người điên. Choáng váng và hụt hẫng, bà Sáu lặng lẽ gặm nhấm nỗi tuyệt vọng. Nhiều đêm vắt tay lên trán, bà tự an ủi mình: "Thì con mình cũng có bình thường đâu. So với Út, Chiến khùng ít hơn…".

"Lá vàng" nuôi "lá xanh"

Trong căn nhà lợp lá nằm hun hút tại ấp Lạc Hòa (Gò Công - Tiền Giang), người mẹ già ngót 90 tuổi Trần Thị Dẫu (tên thường gọi Sáu Dẫu) vẫn đang từng ngày gồng mình lo toan, chăm chút cho cô con út Nguyễn Thị Loan (Út Loan, 40 tuổi) - bị mắc chứng tâm thần phân liệt. Đó là gọi theo tên khoa học thôi, chứ dân quê vẫn thường gọi Loan là người đàn bà điên. Bên đôi bờ bạch đàn rì rào gọi gió cạnh sông Vàm Cỏ, trưa nào hai mẹ con bà Sáu cũng ngân nga vọng cổ.

Mẹ hát,  con ngẩn ngơ ngồi nghe, rồi thi thoảng xen vào tiếng cười khanh khách, ngờ nghệch. Vui cười là thế, nhưng khi lên cơn điên, Út Loan lao vào mẹ vò đầu bứt tóc, đấm đá túi bụi. Mẹ càng kêu thì Út càng khoái và cười một cách vô hồn. Miệng móm mém, dốc hết hơi sức, bà Sáu thổ lộ: "Cách đây vài bữa, tôi đang ngủ trưa thì nó (Út Loan) nhảy vào túm tóc lôi dậy. Nó cào cấu loạn xạ vào người tôi. May mà lúc đó thằng Phú chèo ghe về chạy lại ôm con Loan nếu không chắc tôi bị nó đánh chết rồi".

Út Loan chính là động lực để bà Sáu (bên trái) sống.

Ngồi đung đưa trên cánh võng, bà Sáu trải dài ký ức của mình về một thời xa vắng. Hơn nửa thế kỷ trước, bà Sáu theo chồng từ miền sông nước về vùng Đồng Nai lập nghiệp. Cuộc sống êm đềm trôi qua với 4 đứa con thì chồng bà đột ngột qua đời. Còn lại một mình, bà Sáu chênh vênh, mất phương hướng, rồi bà ôm đàn con về lại quê cha mẹ ở Tiền Giang dựng lều sống. Ngày bà đi làm mướn cho người ta, đêm về mò cua bắt tép trên nhánh sông Vàm Cỏ. Con trai lớn thấy cảnh gia đình nghèo khó đã bỏ nhà ra đi. Nó đi miết tận đâu không thấy về, bao nhiêu năm đều bặt vô âm tín nên bà Sáu xem như nó đã chết rồi. Cậu con thứ hai theo gót anh, dạt về Vũng Tàu làm thuê cho một chủ tàu đánh cá ngoài đại dương. Được thời gian, chủ tàu biên thư về cho bà thông báo con trai bà đã bỏ mình ngoài khơi, không tìm thấy xác.

Nỗi đau của người mẹ lặn vào tim. Đêm đến, chờ cho hai đứa ngủ, bà mò dậy ra hàng bạch đàn trước kênh ngồi khóc một mình. May được đứa thứ ba tên Phú khỏe mạnh, lành lặn, năm vừa rồi đã cưới vợ và ra ở riêng. Còn Út Loan, là con gái duy nhất, bà hy vọng nhiều nhất thì lại phát bệnh điên từ khi lên 5 tuổi. Căn nhà nửa xi măng nửa lá dừa, vách phên xơ xác gió lùa chỉ còn hai mẹ con còm cõi. Út Loan trở thành gánh nặng đè lên vai người mẹ.

Cảnh "lá vàng" nuôi "lá xanh" kéo lê cuộc đời bà Sáu. Nhiều khi nghĩ quẩn muốn lao đầu xuống sông cho xong đời, nhưng nhìn Út Loan vừa cười vừa nói tíu tít, bà lại cố sống để cho con có chỗ dựa. Những lúc tỉnh táo, Út Loan lăng xăng làm việc nhà, nấu cơm giúp mẹ. Bà Sáu đi mò cua về thấy nồi cơm trên bếp mừng muốn khóc, nhưng khi ăn thì cơm sống nhăn, nước lõng chõng quanh nồi. Đã thế còn khê, cháy tứ phía. Bà cố nuốt, coi như ăn cái tình của con, nuốt sự tỉnh táo của con. Dẫu gì, Út cũng là núm ruột của bà. "Núm ruột" ấy có như thế nào vẫn làm bà vui sướng và có động lực để sống.

Út Loan vẫn ngóng người chồng trở về.

Cuộc sống mẹ già cùng con gái điên âm thầm trôi qua. Cho đến một ngày, có người bà con trên TP Hồ Chí Minh ghé thăm nhà bà Sáu, nhìn cảnh mẹ già kham khổ chăm cô con gái tâm thần đã ngỏ ý làm mai cho Út Loan một tấm chồng. Mới nghe qua, bà Sáu sung sướng quá gật đầu ngay. Bà bộc bạch: "Con mình vừa xấu lại khờ, nay có người chịu lấy làm vợ thì còn gì bằng. Nghĩ xa hơn, cái thân già này cũng sắp xuống lỗ rồi, phải có người thay tôi chăm sóc cho Út Loan".

Vài hôm sau người ta dắt một anh chàng cao lớn, sạch sẽ đến ra mắt bà Sáu. Bà mai giới thiệu là Trần Văn Chiến - dân gốc Sài Gòn, hơn Út Loan 7 tuổi. Bà Sáu nhìn cái là ưng liền, còn Út Loan tỏ ra thẹn thùng, nép sau lưng mẹ. Cả buổi ra mắt, Út Loan không nói câu nào, chỉ liên tục liếc trộm anh chàng kia. Chiến cũng nói ít, mọi chuyện phó thác cho bà mai hết. Cuối cùng người lớn thống nhất và định ngày cưới luôn. Bà Sáu hồ hởi đi gửi thiệp báo hỷ, cả xóm ai cũng há hốc mồm đi từ ngạc nhiên đến bất ngờ. Không ai ngờ cô Út Loan lại lấy được chồng.

Tận khổ vì con

Đám cưới không hoành tráng, không nhạc sống rầm rầm, bà Sáu chỉ tổ chức vài mâm mời xóm làng chung vui. Lâu lắm bà Sáu mới được mặc bộ áo dài, được trang điểm và được ăn một bữa cơm thịnh soạn trong ngày cưới con. Út Loan mặc bộ bà ba đen, lóng ngóng bấu vạt áo mẹ đi chúc rượu. Đám cưới xong, bà Sáu trút được gánh nặng, bà vui lắm, người như trẻ ra mấy tuổi. Chàng rể được bà Sáu đón về ở cùng hai mẹ con cho ấm cúng.

Từ ngày có sự xuất hiện của chàng rể, căn nhà lúc nào cũng rôm rả tiếng cưới nói chí chóe, tiếng nồi xoong khua khoắng leng keng. Ngóng mãi mà rể vẫn không biết đi làm, không biết giao tiếp bên ngoài. Bà Sáu hỏi bà mai thì hoảng hồn khi biết, chàng rể cũng bị tâm thần. Bệnh của Chiến nhẹ hơn vợ nên những hôm bà Sáu mệt, Chiến biết đi mua thuốc, biết nấu cháo cho mẹ. 

Ngót 90 tuổi, bà Sáu vẫn gồng gánh nuôi con tâm thần.

Nhiều người nửa đùa nửa thật nói với Út: "Mày có phước lắm, xấu xí thế mà lấy được chồng dân Sài Gòn lại trẻ khỏe, đẹp trai". Út nghe hãnh diện ra mặt, cười từ ngoài cổng về đến nhà. Hai vợ chồng đều tâm thần sống với nhau như hai cây cỏ, vui tươi như trẻ con và tưng tửng suốt ngày. Từ ngày có chồng, Út Loan không hành hạ bà Sáu nữa, suốt ngày ríu rít bên anh chồng. Họ đùa nhau rồi đánh nhau, khóc, cười như cơm bữa.

Được cái chồng Út Loan không bao giờ đánh vợ quá mức, khi Út Loan lên cơn úp cả nồi canh lên đầu anh ta cũng cười, không biết giận hờn là gì. Lấy vợ được gia đình cho chiếc xe máy rách về làm phương tiện đi lại, nhưng Chiến không đi mà cất kỹ trong góc nhà. Mỗi lần giận chồng, Út Loan vác cuốc nhằm chiếc xe mà bổ tanh bành. Xong, Út lăn ra nhà khóc đòi chồng cõng đi chơi.

Trong nhà có hai người điên, lúc bình thường không sao nhưng hễ lên cơn thì bà Sáu phải tìm chỗ ẩn nấp hoặc chạy ra ngoài. Ngót 90 tuổi, bà vẫn còng lưng đi làm mướn nuôi 'cặp đôi tâm thần" và nấu nướng hầu hạ. Mỗi tháng, "lương" tâm thần của hai vợ chồng được địa phương hỗ trợ là 630 ngàn đồng, giúp bà Sáu mua mắm muối.

Hơn một năm nay, Chiến làm quen được cánh bợm nhậu ở xóm. Cứ chiều tới là Chiến hào hứng ra ngoài, lê la tập tành uống rượu rồi đánh bài. Lúc đầu thì đánh uống rượu, đánh ăn bánh, sau chơi bằng tiền mặt. Bà Sáu nghe phong phanh con rể chơi bạc bị người ta lột sạch tiền thì tức tốc đi tìm. Chiến thấy mẹ vợ buông một câu lạnh lùng: "Tôi đánh tiền của tôi chứ đâu phải tiền của má". Bà Sáu giận sôi máu mắng lại: "Mày học đâu thói hỗn xược với tao vậy. Mày giỏi thì ra ngoài mà kiếm ăn đừng về nhà tao nữa". Chiến đứng phắt dậy tuyên bố: "Đuổi thì đi".

Chiến cắp quần áo về lại nhà ba mẹ ruột ở TP Hồ Chí Minh. Vắng chồng, Út Loan thẫn thờ như xác không hồn. Những cơn điên tái phát thường xuyên đày đọa bà Sáu cả ngày lẫn đêm. Út Loan luôn miệng khóc đòi mẹ đi tìm Chiến về. Đêm, Út lấy quần áo của chồng mặc rồi xếp lại, gối đầu nằm ngủ. Út đi ra ngoài ra giá: Ai tìm được anh Chiến về sẽ "tặng" một năm tiền "lương" (tương đương gần 3 triệu) của Út Loan. Dân làng ai cũng hiểu tính khí của cô Út nên không ai quan tâm. Bà Sáu thương con quá đành kêu cậu con trai đi lên thành phố rước con rể về. Tìm được Chiến nhưng anh ta không chịu quay về, Chiến nói rằng do vẫn còn thương Út Loan nên mới không về, sợ làm khổ cô ấy.

Mái tranh nghèo của hai mẹ con bà Sáu.

Hoài nghi trước thái độ của Chiến nên bà Sáu quyết tâm lên tận nhà thông gia nói rõ ngọn ngành. Tại đây, bà tá hỏa khi biết quá khứ của thằng con rể tâm thần từng có hai đời vợ và cả hai đều đội nói ra đi chỉ sau vài ngày về làm dâu. Bà vừa thất vọng lại vừa mừng cho con gái vì đã… bị chồng bỏ. Mừng nữa là chúng chưa đăng ký kết hôn và Út chưa có con với Chiến, nếu không tương lai sẽ chỉ là bi kịch.

Út Loan chưa hề biết chuyện động trời nên ngày nào cũng tha thẩn ngóng về phía cổng. Nhìn con, bà Sáu thẫn thờ ra bờ kinh lấy khăn lau nước mắt, bà thầm trách ông sao nỡ bỏ vợ ở lại một mình, để bà ôm cả một bầu trời cay đắng. "Hồi nào nằm kế dựa kề bên/ Ôm nhau ngủ mà anh quên lời thề/ Anh đi em tưởng anh về/ Có đâu vắng tích không hề vãng lai…". Những câu thơ do chính bà sáng tác, nó não nề, thê lương, chứa đựng tâm can đau đáu của người đàn bà mang tận khổ vì con. 

Hoa Ngọc
.
.