Giáo dục Nhật Bản đối mặt thách thức tuyển sinh

Thứ Sáu, 18/09/2020, 09:40
Một quốc gia văn minh như Nhật nhưng nhiều năm nay vẫn tồn tại tình trạng gian lận thi cử, nâng điểm khuất tất và đặc biệt là trọng nam kinh nữ trong tuyển sinh, những điều mà ít ai nghĩ tới.

SCMP vừa cho hay, đại diện cơ quan điều tra cho biết những thiết bị chụp lén như kính mắt, đồng hồ, bút... gắn camera được bán rộng rãi trên mạng và các cửa hàng thiết bị công nghệ tại Nhật Bản với giá rẻ, được bảo kê bởi xã hội đen đang là những thách thức không nhỏ đối với mỗi kỳ tuyển sinh của ngành giáo dục Nhật Bản. Kỳ thi tuyển sinh đại học dành cho sinh viên quốc tế tại Nhật Bản được tổ chức 2 năm một lần với mục đích đánh giá trình độ tiếng Nhật và khả năng học tập của du học sinh.

Khó kiểm soát

“Vì những thiết bị trên rất khó phát hiện, chúng ta nên siết chặt kiểm soát bằng cách thiết kế hệ thống đăng ký thông tin của người mua”, ông Yusaku Fujii, chuyên gia về camera an ninh tại Đại học Gunma nói. Tháng 10-2019, một người đàn ông Nhật Bản bị bắt giữ vì cáo buộc quay lén nữ y tá tại một trường mẫu giáo ở thành phố Obihiro, tỉnh Hokkaido. Nhiều người Nhật Bản kêu gọi ngăn chặn các thiết bị chụp lén được sử dụng vì mục đích bất chính.

Mới đây nhất, 5 người Trung Quốc bị bắt vì chụp trộm đề thi trong kỳ thi tuyển sinh đại học Nhật Bản dành cho người nước ngoài. Nhóm bị bắt gồm 4 nam, 1 nữ, trong đó trưởng nhóm là ông Ding Bin (36 tuổi), Chủ tịch MK Education & Technology, trung tâm luyện thi tiếng Nhật dành cho người Trung Quốc ở Tokyo. Nhóm bị bắt vì tội cản trở hoạt động kinh doanh của dịch vụ sinh viên Nhật Bản, tổ chức liên kết với chính phủ quản lý kỳ thi tuyển sinh dành cho người nước ngoài. Một thành viên còn bị cáo buộc dùng tên giả để đi thi, sử dụng kính mắt được trang bị camera để chụp ảnh bài kiểm tra trong kỳ thi tuyển sinh đại học dành cho sinh viên quốc tế diễn ra trước đó.

Những thành viên khác hỗ trợ việc gian lận như mua thiết bị chụp lén, làm bài kiểm tra, nhận dữ liệu và tạo các bộ đề ôn tập. Trong những lần trước, bài kiểm tra hoặc đề tham khảo của kỳ thi không được công bố. Ding Bin nói với cơ quan điều tra rằng muốn dựa vào các bộ đề sao chép, tạo kho dữ liệu ôn tập, từ đó thu hút các sinh viên tìm đến trung tâm của mình.

Kính gắn camera để quay lén thi cử ở Nhật.

Những khuất tất

Theo tờ Mainichi, 3 trường đại học là Đại học Y khoa Iwate, Đại học Y Kanazawa và Đại học Fukuoka đã chính thức lên tiếng thừa nhận đã có hành vi gian lận thi cử sau cuộc điều tra của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (gọi tắt là Bộ Giáo dục) khi phát hiện ra những điểm khuất tất trong kết quả thi cuối cùng của các thí sinh tại các trường này.

Trước đó, vào đầu tháng 12-2019, Bộ Giáo dục nước này đã phát hiện ra việc bộ phận y tế của trường Đại học Y khoa Iwate dành sự ưu đãi đặc biệt cho những người đăng ký hay tốt nghiệp từ ngôi trường này trong kỳ thi chuyển trường vào năm 2020. Trường này thậm chí còn chấp nhận một thí sinh đạt số điểm thấp hơn so với điểm sàn quy định trong kỳ thi tuyển sinh hằng năm để đủ chỉ tiêu.

Trước việc bị phát hiện gian lận, lãnh đạo trường Đại học Y khoa Iwate đã không đưa ra được lời giải thích thỏa đáng cho hành vi "lách luật" này. Thậm chí, phía trường còn liên tục bào chữa rằng, không có các số liệu cụ thể thống kê số lượng ứng viên nộp hồ sơ bổ sung. Bên cạnh đó, trường này cũng thừa nhận họ đã cộng thêm điểm cho những học sinh tốt nghiệp từ trường trung học tại địa phương trong kỳ thi tuyển sinh năm nay. Việc gian lận cho một vài đối tượng có thể đỗ vào trường này cũng khiến một số thí sinh khác bị ảnh hưởng. Theo thống kê, có khoảng 7 đến 8 thí sinh đã bị đánh trượt do chịu ảnh hưởng từ sự "lách luật" này.

Trọng nam khinh nữ

Còn trường Đại học Fukuoka thì thừa nhận đã hạ thấp điểm số của một số thí sinh thi trượt trong các kỳ tuyển sinh trước để ưu tiên cho những học sinh mới tốt nghiệp trung học có nhiều cơ hội hơn để trúng tuyển. Và điều khiến dư luận nước này phẫn nộ là bởi việc thao túng điểm số này đã được ban giám hiệu nhà trường tiến hành trong nhiều năm chứ không phải chỉ gần đây.

Vụ việc 3 trường đại học ở Nhật Bản có hành vi gian lận trong hệ thống thi cử như càng "thêm dầu vào lửa" bởi trước đó, vào hồi tháng 8-2019, vụ bê bối hạ điểm nữ sinh của 3 trường đại học lớn là Đại học Y Tokyo, Đại học Showa và Đại học Kobe đã gây rúng động giới truyền thông và dư luận nước này. Ủy ban điều tra nội bộ của Đại học Y khoa Tokyo đã đưa ra thông báo kết quả điều tra về vụ bê bối sửa điểm thi của trường đại học này. Kết quả cho thấy từ năm 2006, Đại học Y khoa Tokyo đã bắt đầu điều chỉnh điểm thi đầu vào nhằm giữ tỷ lệ nữ sinh viên tại trường không vượt quá 30%. Không những thế, trường còn nâng điểm cho các thí sinh nam và hạ điểm của các thí sinh nữ.

Trong tháng 2-2019, trường đại học này đã nâng từ 10 đến 49 điểm cho 6 thí sinh, trong đó có con trai của một cựu cục trưởng tại vòng 1 của kỳ thi tuyển sinh đại học. Trong vòng thi thứ hai, các thí sinh là học sinh THPT, đã thi trượt vòng 2 năm trước đó, được cộng 20 điểm. Ngoài ra, những thí sinh trượt 3 năm liên tiếp chỉ được cộng 10 điểm. Còn các thí sinh nam trượt từ 4 lần trở lên và toàn bộ thí sinh nữ không được cộng điểm.

Tại buổi họp báo mới đây, ông Tetsuo Yukioka - Giám đốc điều hành Đại học Y khoa Tokyo đã cúi gập người nhận lỗi: "Chúng tôi đã phản bội niềm tin của tất cả mọi người, của xã hội. Chúng tôi xin gửi lời xin lỗi chân thành nhất về vụ việc đáng tiếc này".

Phó Chủ tịch Đại học Y khoa Tokyo - Keisuke Miyazawa đã cam kết rằng, kỳ thi tuyển sinh vào trường năm sau sẽ được tổ chức một cách công bằng. Hiện tại, Đại học Y khoa Tokyo chưa thống kê được số thí sinh nữ bị ảnh hưởng vì vụ bê bối này nhưng nhà trường hứa sẽ có biện pháp bồi thường thỏa đáng. Vụ bê bối này được cho là do tư tưởng "trọng nam khinh nữ" của một bộ phận lãnh đạo Đại học Y khoa Tokyo.

Hoàng - T.T
.
.