Cụ bà 24 năm thức trắng trông chừng con tâm thần

Thứ Bảy, 14/11/2015, 11:58
Dưới mái nhà lụp xụp, trống trơn tại thôn Nội Lăng, xã Thủ Sỹ, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, chúng tôi chứng khiến cảnh cụ Đào Thị Soi (82 tuổi) đang khó khăn đút từng miếng cơm cho con trai là anh Đào Văn Lừng (47 tuổi), tay chân anh Lừng đang bị giữ bởi sợi dây xích được cố định vào chân giường.

Cụ Soi giàn giụa nước mắt kể: “24 năm nay, kể từ khi con mắc bệnh tâm thần phân liệt, một mình tôi phải lo cho nó. Nay già rồi không làm gì ra tiền, những lúc con lên cơn tôi thương nó lắm những không biết phải làm sao. Không có tiền đưa con đi chữa bệnh, tôi đành chạy vạy xin thuốc cho con uống”.

Trong căn nhà xập xệ chưa tới 10m2, chỉ duy nhất chiếc quạt là vật giá trị. Đông đến, gió hun hút thổi vào ngôi nhà không cửa. Cách làm ấm duy nhất của cụ Soi là dùng những mảnh nilon và tấm mành rách nát để chắn gió trước cửa ra vào. Gian bếp được lợp tạm bợ bằng mấy thanh gỗ, phủ bên trên là những mảnh nilon. Khi trời tối, gian bếp của cụ đều trông chờ vào chút ánh sáng ít ỏi từ ánh trăng xuyên qua những mảnh nilon mục nát. Có ngày mưa, căn bếp dột nát, tối tăm không thể có chỗ ngồi nấu cơm, đồng nghĩa với việc hai mẹ con cụ phải nhịn đói. 

Hai mẹ con cụ Soi trong căn nhà trống hơ trống hoác.

Cụ Đào Thị Soi nghẹn ngào cho biết: Sinh ra khỏe mạnh bình thường nhưng năm 23 tuổi, sau khi trải qua một cơn sốt kéo dài, anh Đào Văn Lừng trở thành tâm thần như bây giờ: Thường xuyên kích động đập phá, hò hét vô cớ, ít nói, vui buồn giận dữ thất thường… 

Đã có lần lên cơn, anh vác dao chém khiến một người trọng thương. Sau lần ấy, mỗi lúc anh lên cơn, cụ bà đành đau đớn dùng xích giữ chân con lại. Đã 3 lần cụ Soi đưa con đi viện, nhưng 3 lần trở về mà bệnh không thuyên giảm. Số tiền vay mượn hàng xóm thì đã hết, mà cụ cũng không dám nghĩ đến chuyện vay mượn nữa, bởi không biết vay rồi lấy gì để trả. 

Cụ Soi xót xa khi hằng ngày chứng kiến đứa con dứt ruột đẻ ra, nuôi nấng mấy chục năm trời đang lên cơn, giãy giụa gào thét khi tay chân bị xích hoặc trân trân nhìn lên mái nhà đầy mạng nhện.

Ông Tạ Văn Minh, 77 tuổi, hàng xóm với cụ Soi cho biết: “Hoàn cảnh bà Soi thật sự rất đáng thương. Tuổi cao, sức yếu lại còn phải nuôi thêm một người con tâm thần. Đối với những người khỏe mạnh đã rất khó khăn, với trường hợp của bà Soi khó khăn nhân lên rất nhiều. Bà Soi thuộc diện nghèo của những người nghèo.”

Ngoài anh Lừng, cụ Soi còn 4 người con trai. Mặc dù rất thương mẹ, thương anh nhưng hoàn cảnh của những người con còn lại cũng nghèo khó, thiếu thốn trăm bề. Anh Đào Văn Thôn (50 tuổi) - con trai thứ hai của cụ Soi bị ung thư phổi, ung thư vòm họng và lao xương, mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình đều do một mình vợ anh lo. Anh Đào Văn Lững (45 tuổi) - con trai thứ tư của cụ, gia đình thuộc hộ cận nghèo của xã, thu nhập không ổn định, con trai lớn của anh chỉ học đến lớp 9 thì phải nghỉ học lo phụ bố mẹ kiếm tiền. Hai người con khác của cụ là anh Thơm và anh Quê cũng sống cảnh “giật gấu vá vai”, chẳng có khả năng để chia sẻ gánh nặng với mẹ.

Nằm trong danh sách hộ nghèo của xã, mỗi tháng cụ nhận được 270.000 đồng trợ cấp, anh Lừng được 405.000 đồng trợ cấp. Mỗi quý, gia đình cụ Soi được hỗ trợ thêm 147.000 đồng tiền điện. Như vậy, mọi sinh hoạt hàng tháng chỉ trông chờ vào khoản tiền hỗ trợ từ nhà nước.  

“Tôi già rồi, chết cũng được. Nhưng điều  tôi không yên tâm nhất là thằng con trai tâm thần không ai chăm sóc. Căn nhà thì tồi tàn, rách nát quá rồi, mùa mưa thì ngập đến quá nửa chân giường, những lúc ấy tôi cũng chỉ biết nhìn con mà khóc. Mong muốn lớn nhất là có được một gian nhà cho thằng con tôi có thể che mưa che nắng” - cụ Soi ngậm ngùi. 

Không nghĩ đến chữa bệnh cho bản thân, ước mơ lớn nhất của cụ là có được một chỗ che mưa che nắng cho con trai. Khuôn mặt tiều tụy hằn lên vẻ mệt mỏi theo năm tháng nhưng  tấm lòng người mẹ già yếu cả đời chăm lo cho con, đến ước muốn cuối cùng cũng chỉ dành cho con.

Ông Đào Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND xã Thủ Sỹ cho biết: “Gia đình cụ Soi thuộc hộ nghèo nhất xã, không chỉ kém về vật chất mà còn kém về sức khỏe. Thay mặt chính quyền địa phương, qua Báo CAND mong các nhà hảo tâm giúp đỡ, chia sẻ để gia đình cụ bớt khó khăn”. 

Mọi giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Quỹ Xã hội từ thiện, Báo CAND, số 92 Nguyễn Du, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Điện thoại: 04.39420595.

Phương Quỳnh-Thanh Hằng
.
.