Ấm áp tình thương từ chương trình “Mẹ đỡ đầu” ở Vĩnh Phúc

Thứ Năm, 10/08/2023, 08:22

Hơn 1 năm (17/1/2022), thực hiện Chương trình “Mẹ đỡ đầu”, Hội Phụ nữ (HPN) Công an tỉnh Vĩnh Phúc  phối hợp với các đơn vị đã nhận đỡ đầu, hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng 64 trẻ em mồ côi, gia đình khó khăn. Chương trình góp phần xoa dịu nỗi đau, trở thành điểm tựa vững chắc để các cháu  mạnh mẽ vượt qua hoàn cảnh, bước tiếp trên con đường tương lai phía trước.

Đại tá Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, để chương trình “Mẹ đỡ đầu” được triển khai rộng khắp trong toàn lực lượng Công an tỉnh, Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Công an Vĩnh Phúc hỗ trợ, tạo điều kiện và tham gia phối hợp cùng HPN Công an tỉnh chỉ đạo các HPN cơ sở và toàn thể cán bộ, chiến sĩ (CSBS) trong đơn vị đồng hành cùng chung tay thực hiện có hiệu quả chương trình.

Ấm áp tình thương từ chương trình “Mẹ đỡ đầu” ở Vĩnh Phúc -0
Hội Phụ nữ Công an tỉnh Vĩnh Phúc thăm hỏi trường hợp nhận đỡ đầu có hoàn cảnh khó khăn.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã tích cực vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân đóng góp, huy động, xã hội hóa các nguồn lực để thực hiện chương trình. Sau một thời gian triển khai, Chương trình "Mẹ đỡ đầu" đã được các đơn vị và các cấp HPN hưởng ứng và lan tỏa rộng rãi tới các ngành, các cấp. Sự vào cuộc kịp thời, nhanh chóng và đầy quyết tâm của toàn thể CBCS Công an tỉnh Vĩnh Phúc với nhiều cách làm cụ thể, thiết thực, dựa trên thực tiễn của từng địa phương đã bước đầu mang lại nhiều hiệu quả đáng ghi nhận.

Trung tá Trần Thị Ngọc Thuỷ, Chủ tịch HPN Công an tỉnh cho hay, tính đến nay, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã nhận đỡ đầu 64 trẻ với mức hỗ trợ từ 500 ngàn – 1 triệu đồng/tháng, tổng số tiền hỗ trợ trên 2 tỷ đồng, với thời gian hỗ trợ 5 năm hoặc đến khi các cháu được 18 tuổi.

Ngoài ra, trong thời gian hỗ trợ tùy theo điều kiện các mẹ đỡ đầu có thể hỗ trợ thêm sách, vở đồ dùng học tập, quần áo, thẻ bảo hiểm y tế... Đa phần các cháu đều được nhận đỡ đầu theo hình thức gián tiếp thông qua người trực tiếp chăm sóc thay thế (hỗ trợ nguồn lực). Có một số trẻ được nhận đỡ đầu trực tiếp như nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại nhà; tùy điều kiện, khả năng của các cá nhân/tổ chức (Mẹ đỡ đầu) có thể lựa chọn hình thức hỗ trợ phù hợp. Chăm sóc, động viên tinh thần, tình cảm của trẻ, hướng dẫn kèm cặp trẻ học tập tại nhà, hướng dẫn/giúp trẻ làm việc nhà, cách tự chăm sóc bản thân; hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết thực phục vụ cuộc sống hằng ngày, sinh hoạt phí, chi phí học tập, chi phí khám và chữa bệnh, thăm hỏi, động viên (trực tiếp hoặc gián tiếp)… phù hợp với nhu cầu thực tế của trẻ.

Mẹ đỡ đầu trực tiếp của các con là các đồng chí Chủ tịch HPN cơ sở hoặc cán bộ, hội viên. Các mẹ thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ với Chủ tịch HPN cơ sở địa bàn có con đỡ đầu sinh sống trong suốt thời gian đỡ đầu; quan tâm, hỏi han, động viên các con khắc phục khó khăn, tích cực học tập, vươn lên trong cuộc sống.

Thiếu tá Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch HPN Phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị nhớ lại, chị nhận được tin về hoàn cảnh gia đình của  anh N.V.H, quê ở phường Trưng Nhị, TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, đang làm việc ở Tây Nguyên bị nhiễm COVID-19 đã mất. Vì gia đình H cũng nghèo khó nên bà chủ nơi anh H làm thuê đã đứng ra lo liệu việc hỏa táng để đưa tro cốt anh về Vĩnh Phúc.

“Tôi nghe chuyện mà nghẹn đắng, càng xót xa hơn khi nhìn vợ của H. trẻ măng nhưng tiều tụy giữa bọn trẻ đang ngơ ngác hóng chuyện người lớn. Đứa lớn nhất là cháu Lưu Thị Nguyệt Anh mới 7 tuổi, đang học lớp một; hai cháu Hân và Nhi đang học mẫu giáo; cháu bé nhất vừa mới sinh được vài tháng, hoàn toàn chưa một lần được hưởng hơi ấm từ vòng tay của cha. Trong khi đó mẹ chồng cũng đã hơn 80 tuổi” - Thiếu tá Nguyễn Thị Lan Hương xúc động cho biết thêm.

Sau đó, chị đã đề xuất với HPN Công an tỉnh nhận đỡ đầu cháu Lưu Thị Nguyệt Anh, hỗ trợ cháu mỗi tháng 1 triệu đồng tiền sinh hoạt, chi phí học tập. Các mẹ trong HPN cũng tặng bốn chị em cháu quần áo, giày dép, đồ dùng học tập. Đặc biệt, trong dịp hè, Đại úy Nguyễn Thị Thu, cán bộ Hội đón cháu về nhà, vừa kèm cháu học văn hóa, vừa cho cháu tham gia các lớp năng khiếu học múa, học dẫn chương trình.

Theo Trung tá Trần Thị Ngọc Thuỷ, hiện cháu Nguyệt Anh đã theo mẹ vào tỉnh Đắk Nông sinh sống. Trong thời gian tới, HPN Công an tỉnh Vĩnh Phúc sẽ liên hệ với HPN Công an tỉnh Đắk Nông tiếp tục nhận đỡ đầu Nguyệt Anh để cháu vượt qua hoàn cảnh khó khăn, hướng đến một tương lai tươi sáng.

Đồng chí Nguyễn Đức Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Mỹ, huyện Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc) nhấn mạnh, khi HPN khối An ninh Công an tỉnh Vĩnh Phúc trao đổi về chương trình và nhận đỡ đầu cháu Nguyễn Thị Hồng Nhung (13 tuổi),  mồ côi mẹ từ nhỏ,  3 chị em đang sống với bà nội già yếu trên địa bàn.

Chính quyền địa phương xã Ngọc Mỹ đã phối hợp và nhận thấy đây là chương trình thiện nguyện có ý nghĩa rất thiết thực để đỡ đầu, hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu mồ côi có thêm điểm tựa trong hành trình khôn lớn, trưởng thành. HPN Công an tỉnh Vĩnh Phúc ngoài việc hỗ trợ tiền hằng tháng cho đến khi con tròn 18 tuổi, còn tặng quà các ngày lễ, Tết, mua sách, vở…  Thấy cháu có thể lực yếu hơn các bạn, các hội viên HPN mua thuốc bổ nhắc nhở cháu uống hằng ngày.

Bên cạnh đó, HPN Công an tỉnh còn lập  nhóm Zalo kết nối giữa gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương để thường xuyên kịp thời nắm bắt được tình hình học tập, tâm tư của cháu Nhung. Từ lúc mẹ cháu Nhung mất, cháu Nhung trở nên lầm lì ít nói, không muốn tiếp xúc với ai và học tập có phần sa sút. Rất may có HPN Công an đến giúp đỡ, động viên  để cháu Nhung có điểm tựa tinh thần. Sau hơn một năm, cháu Nhung đã mở lòng hơn với mọi người. Từ một cô bé nhút nhát, giờ đây con đã tự tin và học tập tốt hơn. Trong năm học 2022 - 2023, cháu đã tham gia đội tuyển học sinh giỏi môn Lịch sử và đạt giải cấp huyện. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận trong quá trình HPN Công an tỉnh thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu” trên địa bàn xã Ngọc Mỹ.

Ngoài việc thực hiện chương trình, HPN Công an tỉnh Vĩnh Phúc thường xuyên tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình có hoàn khó khăn, gia đình chính sách trên địa bàn, giúp cho bà con trên địa bàn vơi bớt phần nào khó khăn… Với ý nghĩa nhân văn “cho đi là còn mãi”, Chương trình "Mẹ đỡ đầu - Kết nối yêu thương" đã và đang lan tỏa, truyền đi thông điệp giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được sống yên ấm trong tình thương yêu của cộng đồng. Sự động viên cả về vật chất lẫn tinh thần đối với trẻ mồ côi, bất hạnh không chỉ là tình cảm, trách nhiệm mà còn giúp các em có thêm điều kiện học tập, phát triển và trưởng thành, vươn lên trong cuộc sống.

Minh Hiền
.
.